Học được gì qua thư Bác gửi Hội nghị ngành Y tế 

Học được gì qua thư Bác gửi Hội nghị ngành Y tế

Thứ sáu - 02/08/2019 10:45
Bức thư của Bác được đăng trên Báo Nhân Dân, số 362, ngày 27/2/1955, năm 1975, ngành y tế đã chọn ngày 27-2 làm ngày truyền thống của ngành và đầu năm 1983, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 27-2 hằng năm là Ngày thầy thuốc Việt Nam.
Học được gì qua thư Bác gửi Hội nghị ngành Y tế
Ai cũng biết ngày 27/02 là Ngày Thầy thuốc Việt Nam, nhưng có ít người biết đây là ngày Bác Hồ gửi thư cho Hội nghị Ngành Y tế, và số người biết được trong thư Bác viết gì cho Ngành Y tế lại còn ít nữa.
Thư của Bác viết ngắn, nhưng độ xúc tích rất cao, chỉ với 360 từ nhưng đủ ý, hàm chứa những nội dung sâu sắc, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời đại.
Ngay từ câu đầu tiên, Bác đã thể hiện mình thực sự quan tâm đến từng nhân viên y tế: “Bác thân ái chúc các cô (nghe nói có nữ bác sĩ ở Nam về?), các chú vui vẻ mạnh khỏe, hăng hái trao đổi kinh nghiệm, bàn định kế hoạch cho thiết thực, và làm việc cho tiến bộ.
Chỉ một từ “cô” từ Nam về thôi nhưng chứa đựng sự ân cần thăm hỏi của Bác, như một người con đi xa về nhà, Bác để ý đến từng chi tiết, như biết rõ từng con người tham gia Hội nghị, rồi Bác mới gửi lời chúc, cái sâu sắc ở đây là Bác đã nhấn mạnh sự quan tâm từ cá nhân, rồi mới đến công việc, đầu tiên cần phải có sức khỏe, sự hăng hái trao đổi thể hiện tinh thần đoàn kết, rồi mới đến cái chung, cái tập thể cho đến việc bàn định kế hoạch phải thiết thực, đó cũng là những điểm, những yêu cầu mấu chốt trong việc xây dựng kế hoạch, hoạch định chiến lược ở bất kỳ lĩnh vực nào. Sự nhiệt tình hăng hái tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng cho tập thể thể hiện các góc nhìn khác nhau, từ đó qua Hội nghị mới có thể cân nhắc, định hướng và lựa chọn những phương án tốt nhất, điều này cũng thể hiện điểm mấu chốt trong tinh thần làm việc nhóm – cái mà hiện nay đang được những xã hội phát triển coi trọng.
Một đoạn ngắn mở đầu nhưng hàm nghĩa thật sâu sắc, nếu như không để ý, không phân tích từng câu, từng chữ cũng khó có thể lĩnh hội hết được ý tứ trong đoạn. Nội dung hàm ý thông điệp của Bác nằm ở đoạn tiếp theo. Bác viết “Bác góp vài ý kiến sau đây để giúp các cô các chú thảo luận…” – chỉ là vài góp ý để thảo luận chứ không phải là chỉ đạo, định hướng của một vị Chủ tịch nước vĩ đại, trong ngôn từ vẫn đầy hàm nghĩa khiêm tốn nhưng không kém phần thân mật, Bác dùng ngôi thứ 2 là “cô, chú”, thân mật quá, ở đây dường như không còn khoảng cách giữa một vị lãnh tụ với những người khác. Cuối câu Bác nhấn mạnh từ “thảo luận” ở đây mang hàm ý tham khảo những điều Bác góp ý – sự khiêm tốn của Bác được thể hiện ở mức chuẩn mực. Có lẽ cũng khó có thể diễn tả hết được cái ý của cách dùng từ, từng câu, từng chữ như được trau chuốt, trong văn học người ta thường dùng từ “đắt” để diễn tả cách dùng từ một cách chuẩn mực nhất.
Trong vài ý kiến ở trong Thư của Bác góp ý, trong đó thứ nhất “Trước hết là phải thật thà đoàn kết…”, thứ hai là “Thương yêu người bệnh…”, thứ ba là “Xây dựng một nền y học của ta…”. Sự sắp xếp các ý chính được Bác đặt ngay đầu các đoạn thư, điều này khiến người đọc dễ nhớ bởi nó là những câu đầu tiên trong đoạn, nhưng câu sau của đoạn diễn giải sâu sắc tại sao lại nên thực hiện những câu chính ở đầu và được kết cấu một cách logic, chặt chẽ. Từ cái nhấn mạnh, mang tính định hướng nội dung chung cho đến các diễn giải một cách nhẹ nhàng, sâu sắc và thực tế khiến mỗi đoạn trong thư trở nên “đắt” hơn rất nhiều.
“- Trước hết là phải thật thà đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích.
Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân.
Trước tiên phải đoàn kết, bởi đoàn kết vốn dĩ là cội nguồn sức mạnh, đã có quá nhiều bài học về sự thành công cũng xuất phát từ đoàn kết như những cuộc kháng chiến trường kỳ của Dân tộc Việt, chiến thắng những đối thủ được coi là “bất khả chiến bại” chỉ bằng sức người, bằng sự đoàn kết mà lấy yếu thắng mạnh. Để có tinh thần đoàn kết, Bác cũng chỉ rõ không chỉ đoàn kết giữa người cũ và người mới mà còn không phân biệt từ những chức vụ to nhất như Bộ Trưởng, Thứ trưởng Bộ y tế cho đến mỗi nhân viên y tế, Bác khẳng định mỗi thành viên trong hệ thống y tế đều có công việc, vị trí riêng, ứng với mỗi vị trí đó mà họ có các sứ mệnh riêng, đóng góp vào sự vận hành của hệ thống để làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.
“- Thương yêu người bệnh. Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe của đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. "Lương y phải như từ mẫu", câu nói ấy rất đúng”
Sau đoạn thư nói về tinh thần đoàn kết, Bác nhấn mạnh đến sứ mệnh của mỗi người cán bộ y tế là “Thương yêu người bệnh”, tại sao phải thương yêu họ? Bởi “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô các chú”. Chỉ khi các “cô chú” thương yêu họ, thì mới cảm nhận được những nỗi đau bệnh tật họ mắc phải, chỉ khi thương yêu họ thì mới toàn tâm, toàn ý mà chữa bệnh, chăm sóc họ. Nghề Y khác với các nghề khác bởi chủ thể là con người, chủ thể này không thể coi như một công cụ, một sản phẩm mà có thể can thiệp một cách qua loa, thiếu trách nhiệm, chủ thể này cần “thương yêu săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”, chỉ khi đó mới có thể đem tất cả trí tuệ, sức lực của mình để chữa bệnh, chăm sóc người bệnh, phục hồi lại sức khỏe ở mức tốt nhất có thể cho người bệnh. Và “Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang”.
Ở đây, nếu phân tích kỹ ta có thể thấy rõ kết cấu trong đoạn thật hoàn chỉnh, nó được viết theo cách viết hiện đại, vấn đề được trình bày một cách thấu đáo theo kỹ thuật 5W-1H (What, Why, When, Who, Where và How). Ở cuối cùng của đoạn, Bác viết: "Lương y phải như từ mẫu", câu nói ấy rất đúng. Có rất nhiều người, có rất nhiều bài văn, bài thuyết trình về "Lương y phải như từ mẫu" là như thế nào, tuy nhiên khi đọc hiếm thấy bài nào viết sâu sắc cho hết ý. Cả đoạn văn phía trước vốn dĩ nó đã đầy đủ để trả lời lý do tại sao “Lương y phải như từ mẫu” (Why). Người cán bộ y tế nắm giữ tính mạng của con người, nắm giữ cái vốn quý nhất, quan trọng nhất cuộc đời của họ, sức khỏe là cái vốn quý mà dùng tiền chưa chắc có thể mua được, dùng bất kỳ vật gì trên đời cũng khó có thể đánh đổi đươc. Người cán bộ y tế khi có sai sót trong quá trình hành nghề thì cái giá phải trả quá đắt, họ không có cơ hội để sửa chữa cái sai đó. Khi nào “Lương y phải như từ mẫu” (When)? Luôn luôn phải tâm niệm người bệnh là anh em của mình, dù ở bất kỳ vị trí nào trong hệ thống đều có tâm niệm như vậy chứ không riêng gì chỉ người bác sĩ (Where). Còn làm như thế nào để “Lương y phải như từ mẫu”? (What), người cán bộ y tế phải coi họ như bản thân mình, vốn dĩ không ai muốn tự hại bản thân của mình, để như “từ mẫu” thì phải coi sự đau đớn mất mát của người bệnh như đối với chính bản thân của mình (Who). Như vậy mới thấm thía, mới nỗ lực hết mình và mới làm tròn hết trách nhiệm. Làm cách nào để “Lương y phải như từ mẫu”? (How), cái người cán bộ y tế cần làm là “thương yêu săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”. Đoạn thư ngắn, nhưng đầy đủ ý, tứ cần nói của Người.
“- Xây dựng một nền y học của ta. Trong những năm nước ta bị nô lệ, thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với sự nhu cầu của nhân dân ta. Y học càng phải dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng.
Người không quên thổi vào trong thư truyền thống hào hùng của dân tộc, khơi gợi mọi người nhớ đến nền y học có bề dầy hơn 3.000 năm lịch sử với những giá trị đáng tự hào, giá trị mà qua hơn ngàn năm Bắc thuộc không bị mất đi mà nó không chỉ tồn tại, còn tiếp thu những cái tinh hoa để bổ sung và phát triển. Bác có nhắc đến cách thức xây dựng nền Y học của ta, dựa trên các nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng và định hướng về chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc "đông" và thuốc "tây" để mở rộng phạm vi y học.
Ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước Bác đã nhấn mạnh vấn đề này, xem xét kỹ ở đây là cội nguồn của sự đi tắt, đón đầu so với thế giới, nghiên cứu lĩnh vực mà trên thế giới chưa có, để rồi từ đó mới tìm ra con đường giúp nền y học của ta có thể vượt lên trên. Vẫn giữ cái bản sắc dân tộc với những tinh túy nhất và tiếp thu, phát huy, dung hợp những cái hiện đại, tiên tiến để phát triển.
Nếu chỉ dừng lại ở đây mới chỉ phân tích khía cạnh hình thức, kết cấu. Nhưng nếu phân tích sâu sắc hơn về mặt nội dung, ta có thể hiểu rõ được về tầm vóc nội dung của bức thư. Dường như nội dung của bức thư bao hàm những nội dung trọng yếu trong Lời thề Hyppocrates (460-370 TCN) – người được coi là cha đẻ của Y học phương Tây) và 9 Điều Y huấn cách ngôn của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791), đều như chỉ ra những chuẩn mực trong mối quan hệ giữa người thầy thuốc và người bệnh “thương yêu săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn” (Hồ Chí Minh), “...Tôi sẽ không làm tổn hại đến NB… Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết” (Hyppocrates) và “…Thày thuốc là người bảo vệ tính mạng con người, sống chết một tay mình nắm, phúc họa một tay mình giữ, thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đạo đức không trọn vẹn…” (Hải Thượng Lãn Ông). Hay hướng dẫn những chuẩn mực trong mối quan hệ giữa người thầy thuốc và đồng nghiệp: “...phải thật thà đoàn kết…” (Hồ Chí Minh) hay “Tôi sẽ coi các thày ngang hàng với các bậc thân sinh ra tôi…Tôi sẽ coi con của thầy như anh em ruột thịt của tôi...” (Hyppocrates) và “Với đồng nghiệp thì khiêm tốn hoà nhã…Người hơn tuổi thì kính trọng, người học giỏi thì coi như bậc thày…Người kém thì dìu dắt họ” (Hải Thượng Lãn Ông). Ở đây dường như có những điểm chung về nội dung của bức thư Bác viết với lời thề, điều cách ngôn của những thầy thuốc vĩ đại như Hyppocrates (phương Tây) hay Hải thượng lãn ông – Lê Hữu Trác (phương Đông), và cho đến nay, những điều chung ấy vẫn còn nguyên tính thời sự và giá trị giáo dục.
Bức thư của Bác được đăng trên Báo Nhân Dân, số 362, ngày 27/2/1955, năm 1975, ngành y tế đã chọn ngày 27-2 làm ngày truyền thống của ngành và đầu năm 1983, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 27-2 hằng năm là Ngày thầy thuốc Việt Nam.

Bài, ảnh: Hoàng Long Quân
(Sở Y tế tỉnh Kon Tum)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUM
Giấy phép số: Giấy phép số 01/GP-TTĐT, ngày 28 tháng 8 năm 2020
Chịu trách nhiệm: Ông Huỳnh Quốc Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Địa chỉ: 67 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862301
Fax: 0260. 3865464
Email: bantuyengiaotinhuykt@gmail.com
Website: http://https://tuyengiaokontum.org.vn/
Văn bản mới

TÀI LIỆU

phổ biến, quán triệt Kết luận 72.TW và Chương trình 77.TU (gửi kèm CV 2303-CV/BTGTU)

Lượt xem:101 | lượt tải:96

TÀI LIỆU

Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú

Lượt xem:129 | lượt tải:86

HD.50.BTGTU

Hướng dẫn sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Lượt xem:174 | lượt tải:120

TÀI LIỆU

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 78 năm Ngày hy sinh của Đồng chí Phan Văn Khoẻ, nguyên Bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ

Lượt xem:821 | lượt tải:103

TÀI LIỆU

Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng

Lượt xem:1560 | lượt tải:233

KH.130.TU

về tổ chức Giải báo chí về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng) của Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ IV-năm 2024

Lượt xem:61 | lượt tải:19

QĐ.1084.TU

thành lập Ban Tổ chức Giải báo chí về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng) của Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ IV – năm 2024.

Lượt xem:59 | lượt tải:15


bao chi
bacho 2
truongsa

sls
Đăng nhập
Hãy đăng nhập tài khoản để sử dụng tài liệu Báo cáo viên
Thống kê
  • Đang truy cập55
  • Hôm nay8,698
  • Tháng hiện tại507,078
  • Tổng lượt truy cập30,041,255
Thăm dò ý kiến

Bạn có thường xuyên truy cập trang web này không?

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trang web có cần bổ sung, điều chỉnh nội dung gì không?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây