Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968: Nhìn từ cục diện “đánh - đàm” 

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968: Nhìn từ cục diện “đánh - đàm”

Thứ năm - 25/01/2018 13:50
Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng dư âm chiến công vang dội của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 của quân dân ta, đánh vào cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn và trên khắp 44 tỉnh, 64 thành phố, thị xã của miền Nam Việt Nam vẫn còn vang mãi. Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là dịp để cùng ôn lại và suy ngẫm về những bài học kinh nghiệm rút ra từ một sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại, tạo ra bước ngoặt chiến lược to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Ảnh minh họa - Nguồn: thuvienbinhthuan.com.vn
Ảnh minh họa - Nguồn: thuvienbinhthuan.com.vn

Có thể nói, đã có rất nhiều tác giả, bài viết, sách, báo, công trình nghiên cứu tổng kết, đánh giá về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 (sau đây gọi tắt là sự kiện Xuân Mậu Thân 1968). Mặc dù có một vài khác biệt trong cách đánh giá, nhưng tựu trung, tất cả đều thống nhất ở ba điểm, đó là: Về quân sự, mặc dù chịu nhiều tổn thất to lớn, nhưng sự kiện Xuân Mậu Thân 1968 đã giáng cho Mỹ một đòn choáng váng. Nước Mỹ hoàn toàn bị bất ngờ bởi quy mô, sự táo bạo và tài tình của Việt Nam; đồng thời nhận ra rằng, dù có đưa bao nhiêu quân vào Việt Nam đi nữa, Mỹ cũng không thể thắng trong cuộc chiến này. Về chính trị, sự kiện Xuân Mậu Thân 1968 đã tạo được tiếng vang lớn trên thế giới và trong lòng nước Mỹ, buộc Mỹ phải chuyển hướng chiến lược để rút ra khỏi cuộc chiến trong danh dự. Về ngoại giao, sự kiện Xuân Mậu Thân 1968 đã góp phần hình thành nên cục diện “đánh - đàm”, khởi đầu tiến trình đàm phán Hiệp định Pa-ri để tiến tới kết thúc chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam nhằm hiện thực hóa mục tiêu của cách mạng Việt Nam là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Sau 50 năm nhìn lại, chúng ta càng nhận thức rõ hơn tư duy chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung và trong chủ trương kết hợp ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao nói riêng, cũng như trong việc lựa chọn các ưu tiên chiến lược, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để giành thắng lợi trước một đối thủ lớn và mạnh như đế quốc Mỹ.

Tư duy chiến lược Hồ Chí Minh và việc hình thành cục diện “đánh - đàm”

Có thể khẳng định, cục diện “vừa đánh vừa đàm” mà sự kiện Xuân Mậu Thân 1968 đã góp phần tạo ra bước ngoặt quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thực chất bắt nguồn từ tư duy chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Trong suốt giai đoạn 1965 - 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kiên quyết bác bỏ các yêu cầu đàm phán không điều kiện của Mỹ, đồng thời làm rõ lập trường chính nghĩa của Việt Nam trước công luận thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “... đối với Mỹ, ta có cách chủ động để đi tới cho nó rút ra, vì rất phức tạp. Một tay đánh, một tay mở cho nó ra, trước cửa cần có rèm chống”(1). 

Với tinh thần đó, ngày 26-01-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư đến gần 70 nguyên thủ quốc gia và các vị đứng đầu chính phủ các nước trên thế giới khẳng định quyết tâm và khả năng thắng Mỹ của nhân dân ta, tố cáo tội ác cũng như âm mưu tăng cường mở rộng chiến tranh của chính quyền Tổng thống Mỹ L.B. Giôn-xơn. Trong lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập tự do” (tháng 7-1966), Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: “Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, phải rút hết quân đội Mỹ và chư hầu ra khỏi Việt Nam thì hòa bình sẽ trở lại ngay lập tức”. Tiếp đó, ngày 15-02-1967, trong thư trả lời Tổng thống Mỹ L. B. Giôn-xơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định: “Chính phủ Mỹ đã gây ra chiến tranh xâm lược Việt Nam thì con đường đưa đến hòa bình ở Việt Nam là Mỹ phải chấm dứt xâm lược”. Về đề nghị thương lượng giữa Việt Nam và Mỹ mà Tổng thống Mỹ L. B. Giôn-xơn đề nghị (thực chất là đàm phán trên thế mạnh của Mỹ), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chỉ sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ mới có thể nói chuyện và bàn các vấn đề liên quan đến hai bên”(2).

Trong nội bộ Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo rõ “cần phải dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ tích cực của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và của nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ”. Đây là tư duy chiến lược đặc biệt quan trọng, chỉ đạo toàn bộ quá trình hình thành cục diện “đánh - đàm” và tiến trình đàm phán tại Pa-ri về sau này. Đặc biệt, ngay trước khi Bộ trưởng Xuân Thủy, đi tham gia đàm phán tại Pa-ri, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Phải nhớ Mỹ là nước lớn đứng đầu thế giới tư bản, buộc phải ngồi vào đàm phán, thương lượng là thất bại rồi... Không được làm Mỹ mất mặt, phải tế nhị, khôn khéo, lúc cương lúc nhu thì mới gọi là đàm phán hòa bình, mới đạt kết quả... Chiến tranh sẽ còn lâu dài, đàm phán phải kiên trì, không được nóng ruột”(3).

Như vậy, ngay từ năm 1966, tư duy chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những dấu ấn rất quan trọng, trở thành cơ sở vững chắc để Đảng ta xây dựng lập trường quan điểm chính thức của Việt Nam trong đàm phán và đấu tranh với Mỹ, cũng như trong việc hình thành nên cục diện “đánh - đàm” từ sau sự kiện Xuân Mậu Thân 1968.

Cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 và cục diện “đánh - đàm”

Chỉ đạo chiến lược là như vậy nhưng đến sự kiện Xuân Mậu Thân 1968, cục diện “đánh - đàm” mới chính thức được hình thành. Có ba nguyên nhân then chốt buộc Mỹ phải chấp nhận xuống thang chiến tranh, hạn chế ném bom miền Bắc và ngồi vào bàn đàm phán trong thế bị động, đó là: 1- Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; 2- Kết quả của các đợt tấn công ngoại giao năm 1966 - 1967, đẩy Mỹ vào thế bị động, lúng túng về chiến lược; 3- Sức ép của phong trào phản chiến lan rộng trong lòng nước Mỹ cũng như áp lực dư luận to lớn của cộng đồng quốc tế. Ở đây, xin tập trung nhấn mạnh bốn điểm:

Một là, các hoạt động tạo thế chính trị và đối ngoại ngay trước sự kiện Xuân Mậu Thân 1968 đóng vai trò rất quan trọng. Hội nghị Trung ương 13 khóa III diễn ra từ ngày 23 đến 26-01-1967 đã quyết định đưa ngoại giao trở thành một mặt trận, thống nhất đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao chống Mỹ trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp, tiến tới giành thắng lợi to lớn hơn nữa. Nghị quyết nêu rõ: “Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những gì mà chúng ta đã giành được trên chiến trường. Tuy nhiên, đấu tranh ngoại giao không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường, mà trong tình hình quốc tế hiện nay, với tính chất cuộc chiến tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động”(4).

Từ sau Hội nghị Trung ương 13, đấu tranh ngoại giao đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Ta bắt đầu triển khai các hoạt động đối ngoại nhằm tạo thế trận thuận lợi để phục vụ cho chiến trường. Điển hình như cuộc trả lời phỏng vấn nhà báo Ô-xtrây-li-a W. Bớc-sét (W. Burchet) ngày 28-01-1967 của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh và tuyên bố của Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh ngày 29-12-1967: “Sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống lại miền Bắc Việt Nam. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ nói chuyện với Mỹ về các vấn đề liên quan”. Các hoạt động và thông điệp đối ngoại thời gian này đã tạo được thế trận chủ động, rất có lợi cho ta, đồng thời đẩy Mỹ vào thế bị động về đối ngoại và chịu nhiều sức ép to lớn.

Hai là, ngoại giao Việt Nam đã chọn đúng thời cơ, khai thác tốt sự lúng túng, thất bại chiến lược của Mỹ để kéo Mỹ xuống thang. Trong đợt tấn công đầu tiên, ta đã nghi binh rất thành công ở thị trấn Khe Sanh và tạo bất ngờ lớn cho địch ở các vùng đô thị, các địa bàn trọng điểm, chiến lược. Đợt 1 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã làm cho nước Mỹ bị chia rẽ nghiêm trọng, chính quyền Mỹ rối ren, lúng túng về chiến lược tiến hành chiến tranh, khó khăn trong việc tăng thêm quân và kêu gọi quân dự bị, bị dư luận trong nước và quốc tế lên án mạnh mẽ. Hệ quả tất yếu là ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ L. B. Giôn-xơn buộc phải tuyên bố đơn phương ngừng ném bom khu vực phía Bắc vĩ tuyến 20, sẵn sàng đàm phán để chấm dứt chiến tranh, không tăng viện quân quy mô lớn sang Việt Nam. Cá nhân Tổng thống Mỹ L.B. Giôn-xơn cũng tuyên bố không ra tranh cử Tổng thống Mỹ thêm một nhiệm kỳ nữa. Thực tế, đây là sự thừa nhận thất bại về chiến lược của Mỹ.

Nắm lấy thời cơ này, ngoại giao Việt Nam nhận tiếp xúc để tiếp tục kiềm chế Mỹ, kéo Mỹ xuống thang, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế và trực tiếp hỗ trợ các cuộc tấn công và nổi dậy đang tiếp diễn ở miền Nam. Lập trường của ta là “nhận lời nói chuyện”, nhưng tiếp tục tấn công Mỹ về ngoại giao, yêu cầu Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc, chứ không chỉ là phía Bắc vĩ tuyến 20, đồng thời phối hợp với quân và dân ta trên chiến trường để bắt đầu mở cục diện “đánh - đàm”. 

Ngày 03-4-1968, trong một tuyên bố chính thức, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khẳng định “sẵn sàng cử đại diện của mình tiếp xúc với đại diện Mỹ nhằm xác định với phía Mỹ việc Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để có thể bắt đầu cuộc nói chuyện”. Bắt đầu từ đây, hai bên tiếp xúc với nhau để bàn việc tổ chức nói chuyện và sau này trở thành các cuộc đàm phán thực chất tiến tới Hội nghị Pa-ri. Trong suốt tháng 4-1968, cuộc đấu tranh ngoại giao chỉ xoay quanh “địa điểm tổ chức nói chuyện”, thực chất là để hỗ trợ đợt tấn công đầu tiên của ta trong Xuân Mậu Thân. Ngoại giao Việt Nam muốn chọn Phnôm Pênh, một địa điểm rất gần chiến trường miền Nam với ý định cổ vũ mạnh mẽ nhất, trực tiếp nhất có thể cho cuộc đấu tranh trên chiến trường và củng cố tình đoàn kết ba nước Đông Dương, nhưng Mỹ không chấp nhận. 

Ba là, khi cuộc chiến đấu trên chiến trường của ta lên đến đỉnh điểm trong đợt tấn công thứ hai, ngoại giao Việt Nam đã cử những lực lượng mạnh nhất lúc bấy giờ sang Pa-ri để phối hợp với chiến trường. Từ đầu tháng 5-1968, trong khi quân ta chuẩn bị tấn công đợt hai, ngày 02-5-1968, ta chủ động đề nghị lấy Thủ đô Pa-ri làm địa điểm họp chính thức và Mỹ đã chấp nhận. Ta đã cử một lực lượng hùng hậu gồm Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy, một nhà ngoại giao lão luyện, làm trưởng Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Pa-ri. Trợ giúp cho đồng chí Xuân Thủy là một phái đoàn gồm hầu hết các nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam khi đó.

Lúc này, ta cũng chưa có tiếp xúc riêng hay tiếp xúc bí mật với phía Mỹ mà chỉ đấu tranh công khai. Lập trường của ta vẫn là không ngừng lên án Mỹ tăng cường chiến tranh ở miền Nam, tiếp tục đòi Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom không điều kiện miền Bắc và kiên quyết bác bỏ các điều kiện do Mỹ đưa ra. Mũi nhọn của ngoại giao Việt Nam là tố cáo Mỹ xâm lược Việt Nam nhằm đạt ba mục tiêu: 1- Tranh thủ sự đồng tình của dư luận thế giới đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam; 2- Phân hóa và cô lập đối phương; 3- Phục vụ chiến đấu trên chiến trường. Qua hơn một tháng đấu tranh ngoại giao trong đợt hai, ta đã đạt được một số kết quả về tuyên truyền và dư luận quốc tế thuận lợi, hỗ trợ tốt cho chiến trường, tuy nhiên vẫn chưa đạt được các mục tiêu về phân hóa đối phương và chưa tìm hiểu thêm được ý đồ của Mỹ ở miền Nam. 

Do vậy, để phát huy các thắng lợi đã đạt được trên chiến trường và trong dư luận quốc tế, ngày 03-6-1968, đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đã chỉ thị cho Đoàn “tiếp tục làm tốt công tác đấu tranh công khai và chuẩn bị lúc nào thuận lợi thì vừa nói chuyện công khai, vừa nói chuyện hậu trường”. Tiếp đó, ngày 15-6-1968, Bộ Chính trị chỉ đạo làm rõ thêm rằng “ta chủ trương tiếp xúc riêng để thăm dò, chưa mặc cả.” Vì thế, bắt đầu từ ngày 26-6-1968, ngoại giao Việt Nam có cuộc tiếp xúc hậu trường đầu tiên cấp Phó đoàn giữa đồng chí Hà Văn Lâu và C. Van-xơ (Cyrus Vance), nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, sau này là Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời Tổng thống Mỹ Gi. Ca-tơ (Jimmy Carter) tại nhà riêng của đoàn Việt Nam ở Pháp(5).

Bốn là, ta đã chọn đúng thời điểm để đi vào đàm phán thực chất, kéo Mỹ xuống thang thành công, vừa hỗ trợ, vừa phát huy tốt nhất thắng lợi trên chiến trường. Từ đầu tháng 8-1968, trong khi quân và dân miền Nam đang chuẩn bị mở đợt tấn công thứ ba, để hỗ trợ chiến trường, xây chắc cục diện “đánh - đàm”, ta bắt đầu thỏa thuận với Mỹ về việc tiếp xúc bí mật cấp trưởng đoàn. Ngày 21-8-1968, hai bên đã đồng ý gặp cấp trưởng đoàn và nội dung trao đổi đi dần vào thực chất. Từ tháng 9-1968, tình hình chiến trường miền Nam và trong nội bộ Mỹ có nhiều chuyển biến quan trọng. 

Trên chiến trường, sau đợt tấn công lần thứ ba, quân ta bị tổn thất nặng nề, buộc phải rút vào củng cố lực lượng và mất đi yếu tố bất ngờ. Về phía Mỹ, trên chiến trường, quân Mỹ đã phải từ bỏ chiến lược phản công, chuyển hẳn sang phòng ngự, chuyển từ “bình định và tìm diệt” sang càn quét, mở rộng vùng chiếm đóng, và “phi Mỹ hóa chiến tranh”. Trong nội bộ Mỹ, cuộc vận động bầu cử bước vào giai đoạn quyết liệt nhất. Chiến lược giành thắng lợi trên chiến trường Việt Nam của Đảng Dân chủ Mỹ để chuẩn bị cho năm bầu cử 1968 đã thất bại hoàn toàn. Chính quyền Mỹ có nhu cầu cấp bách phải đạt được tiến triển thực chất trong đàm phán tại Pa-ri, trong khi các nỗ lực cả về quân sự và ngoại giao đều thất bại. Mỹ buộc phải chuyển hướng chiến lược. Quan hệ giữa Mỹ và Chính quyền Việt Nam Cộng hòa nảy sinh mâu thuẫn và càng về sau mâu thuẫn, bất đồng ngày càng lớn. Đến đây về cơ bản, chiến lược ý chí xâm lược của Mỹ đã bị đánh bại và lúc này Mỹ chủ yếu quan tâm tới việc rút ra khỏi cuộc chiến trong danh dự. Đây chính là lúc ta nhận lời đàm phán bí mật, thực chất để hoàn thành mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”.

Lúc này, lập trường của Mỹ không còn cứng như trước, không còn đòi đàm phán trên thế mạnh, mà chuyển thành: “Mỹ sẵn sàng ngừng ném bom khi việc đó dẫn tới các cuộc nói chuyện nghiêm chỉnh.” Mỹ sẵn sàng chấp nhận phía Việt Nam có sự tham gia của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Như vậy, Mỹ đã bỏ các điều kiện có đi có lại về quân sự, bật tín hiệu có nhân nhượng để đổi lấy đàm phán thực chất. 

Đảng ta nhận định, mặc dù trên chiến trường ta gặp tổn thất lớn và thắng lợi trên chiến trường của ta còn hạn chế, chưa thể buộc Mỹ phải đáp ứng hoàn toàn yêu cầu của ta nhưng bản thân Mỹ cũng gặp nhiều khó khăn, cả trên chiến trường và trong bối cảnh nội bộ có bầu cử, tranh giành gay gắt giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Ta cần nắm thời cơ, vận dụng sách lược để mở đường cho Mỹ xuống thang chiến tranh, chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc. Sau sự kiện Xuân Mậu Thân 1968, Mỹ thấy rõ không thể thắng trên chiến trường, trong khi đó, trên bàn đàm phán, Mỹ cũng thấy rõ không thể lay chuyển được lập trường của ta. Từ đó, Mỹ buộc phải xuống thang, phải điều chỉnh chiến lược. Việc buộc được Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của ta trong giai đoạn 1967 - 1968, cơ bản đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc xã hội chủ nghĩa bằng không quân của Mỹ, tạo điều kiện để củng cố hậu phương, củng cố lòng tin của nhân dân và bạn bè quốc tế. 

Nghệ thuật và bản lĩnh ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh

Nhìn lại cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cũng như toàn bộ cuộc đàm phán lịch sử tại Pa-ri, chúng ta càng thấy rõ ý nghĩa to lớn và những bài học lịch sử quý báu của sự kiện này và cục diện “đánh - đàm”. Trong cuộc đối đầu lịch sử giữa ta và Mỹ, Mỹ giàu mạnh và vượt trội hơn ta về mọi mặt. Suốt cuộc chiến tranh, về tiềm lực, kể cả khi Hiệp định Pa-ri đã được ký kết, Mỹ và các lực lượng đồng minh có thực lực mạnh hơn ta về mọi phương diện. Về ngoại giao cũng vậy, Mỹ có chiến lược toàn cầu và một thế trận ngoại giao rộng khắp năm châu lục với đồng minh của Mỹ ở khắp nơi trên thế giới. Mỹ có bộ máy ngoại giao đồ sộ và phương tiện thông tin dồi dào. Mỹ cũng có kinh nghiệm lâu đời về đàm phán, về ngoại giao đa phương với chiến lược “cây gậy và củ cà-rốt”. Trong khi đó, ngoại giao Việt Nam lúc đó còn rất non trẻ. Đội ngũ cán bộ đối ngoại còn mỏng, ít kinh nghiệm đàm phán đa phương, chưa thực sự được đào tạo bài bản; thiếu thốn và khó khăn mọi bề. Bối cảnh quốc tế vô cùng phức tạp, trong khi thông tin lại có hạn... Thế nhưng vượt lên trên tất cả, ngoại giao Việt Nam đã giành được nhiều thắng lợi lớn, mà điểm khởi đầu chính là bắt nguồn từ thắng lợi trong sự kiện Xuân Mậu Thân 1968, đặc biệt là việc xây dựng thành công cục diện “đánh - đàm”. Ngoại giao Việt Nam đã thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đã phối hợp tốt, phục vụ đắc lực cho đấu tranh quân sự và chính trị; đã chủ động tấn công và kiềm chế Mỹ, góp phần kéo Mỹ xuống thang; đã tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của mặt trận nhân dân thế giới và chính nhân dân tiến bộ Mỹ ủng hộ Việt Nam chống đế quốc Mỹ.

Sự kiện Xuân Mậu Thân 1968 và cục diện “đánh - đàm” đã góp phần quan trọng làm nên nghệ thuật và bản lĩnh của nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh. Đó là nghệ thuật giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi toàn phần; nghệ thuật nắm vững quyền chủ động, không ngừng tấn công đối phương, đề cao chính nghĩa của ta; nghệ thuật giữ vững độc lập trong suốt cuộc đàm phán, cũng như nghệ thuật vận dụng đàm phán phục vụ đấu tranh quân sự, chính trị... Trong suốt quá trình đó, bản lĩnh tự tin, kiên trì, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, chủ động tiến công,... của ngoại giao Việt Nam từng bước được bồi đắp và trở thành tài sản vô giá của ngành ngoại giao nước ta nói riêng cũng như của dân tộc Việt Nam nói chung.

Cũng từ sau sự kiện Xuân Mậu Thân 1968, cục diện “đánh - đàm” đã giúp ngoại giao Việt Nam trưởng thành vượt bậc, tạo tiền đề quan trọng để dân tộc ta đi đến thắng lợi cuối cùng, thống nhất giang sơn, thu non sông về một mối./.

------------------------------------------------

(1) Sự nghiệp và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr. 223

(2) Bộ Ngoại giao: “Mặt trận ngoại giao với cuộc đàm phán Pa-ri về Việt Nam”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 463 - 472

(3) Nguyễn Minh Vỹ: “Bốn điểm Bác dặn”, Tuần báo Quốc tế, số 20, tháng 5-1995

(4) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, t.18, tr. 174

(5) Lưu Văn Lợi - Nguyễn Anh Vũ: “Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Pa-ri”, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 315

Trần Việt Thái
TS, Học viện Ngoại giao

Nguồn tin: Tạp chí Cộng sản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUM
Giấy phép số: Giấy phép số 01/GP-TTĐT, ngày 28 tháng 8 năm 2020
Chịu trách nhiệm: Ông Huỳnh Quốc Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Địa chỉ: 67 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862301
Fax: 0260. 3865464
Email: bantuyengiaotinhuykt@gmail.com
Website: http://https://tuyengiaokontum.org.vn/
Văn bản mới

TÀI LIỆU

Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam

Lượt xem:332 | lượt tải:154

TÀI LIỆU

Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đồng chí Đào Duy Tùng

Lượt xem:416 | lượt tải:353

TÀI LIỆU

Giao ban báo chí quí I-2024

Lượt xem:247 | lượt tải:77

HD.51.BTGTU

Hướng dẫn sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Lượt xem:94 | lượt tải:40

TÀI LIỆU

phổ biến, quán triệt Kết luận 72.TW và Chương trình 77.TU (gửi kèm CV 2303-CV/BTGTU)

Lượt xem:644 | lượt tải:731

TÀI LIỆU

Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú

Lượt xem:727 | lượt tải:303

HD.50.BTGTU

Hướng dẫn sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Lượt xem:699 | lượt tải:380


bao chi
bacho 2
truongsa

sls
Đăng nhập
Hãy đăng nhập tài khoản để sử dụng tài liệu Báo cáo viên
Thống kê
  • Đang truy cập60
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm59
  • Hôm nay6,182
  • Tháng hiện tại305,289
  • Tổng lượt truy cập30,380,839
Thăm dò ý kiến

Bạn có thường xuyên truy cập trang web này không?

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trang web có cần bổ sung, điều chỉnh nội dung gì không?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây