Quân và dân Kon Tum trong chiến dịch mùa Xuân 1975 

Quân và dân Kon Tum trong chiến dịch mùa Xuân 1975

Thứ năm - 04/03/2021 09:02
Thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên, của cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 là hành trang vô giá để Đảng bộ, quân và dân Kon Tum bước tiếp trên con đường xây dựng quê hương.
Bộ đội tiến về giải phóng thị xã Kon Tum (ảnh tư liệu)
Bộ đội tiến về giải phóng thị xã Kon Tum (ảnh tư liệu)
Trong chiến dịch Tây Nguyên và cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, quân và dân Kon Tum đã chiến đấu anh dũng, kiên cường, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Thời điểm nửa cuối năm 1974, tình hình trong nước và quốc tế có những thay đổi quan trọng tác động trực tiếp đến quá trình chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp tháng 10-1974, sau khi phân tích tình hình và nhận định thời cơ chiến lược mới, đã đi đến thống nhất quyết tâm chiến lược và thông qua kế hoạch giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976. Ngày 06-01-1975, quân và dân Phước Long tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, tiêu diệt toàn bộ quân địch, giải phóng toàn tỉnh. Thắng lợi của toàn Miền, nhất là của miền Đông Nam Bộ, đặc biệt là chiến thắng giải phóng toàn tỉnh Phước Long cho thấy khả năng thực tế của quân ngụy Sài Gòn và cũng chứng tỏ khả năng quân Mỹ quay trở lại miền Nam Việt Nam là không còn nữa. Điều đó càng củng cố quyết tâm chiến lược như Bộ Chính trị đã dự kiến. Ngoài kế hoạch giải phóng miền Nam được tiến hành trong hai năm 1975-1976, Bộ Chính trị còn dự kiến: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Bộ Chính trị chọn Tây Nguyên - một địa bàn chiến lược hết sức quan trọng, “là hướng tấn công chủ yếu trong cuộc tấn công rộng lớn năm 1975”.
Để bảo đảm bí mật cho mục tiêu tấn công vào hướng chính trọng điểm Buôn Ma Thuột, sau khi họp bàn thống nhất với Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên với các tỉnh trong khu vực, ngoài nhiệm vụ phối hợp mọi hoạt động tham gia chiến dịch, là tỉnh nằm ở khu vực Bắc Tây Nguyên, theo kế hoạch trong chiến dịch này, Kon Tum cùng với tỉnh Gia Lai được xác định là hướng tấn công nghi binh nhằm thu hút lực lượng để đánh lừa mục tiêu phán đoán của địch.
Quán triệt nội dung các nghị quyết của cấp trên, của Đảng bộ, quân dân tỉnh Kon Tum, với nỗ lực cao nhất, với tinh thần “Một ngày bằng hai mươi năm” ra sức chuẩn bị mọi mặt phối hợp cùng lực lượng trên địa bàn, vừa tiếp tục tấn công địch để giữ vững thế chiến lược, vừa tích cực góp sức cùng Mặt trận Tây Nguyên giành lấy thắng lợi quyết định, chuẩn bị tư thế sẵn sàng đón thời cơ, giải phóng hoàn toàn quê hương. Tỉnh ủy Kon Tum đã thành lập Ban chỉ đạo tiền phương để phối hợp bộ đội chủ lực, các đoàn, các đội công tác đều được chấn chỉnh, tập huấn về chính trị, quân sự. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Tỉnh đội đã huy động dân công ở các vùng căn cứ, vùng giải phóng tích cực làm đường hướng vào thị xã và phao tin “Ta chuẩn bị tấn công vào thị xã Kon Tum và Plei Ku”. Lực lượng của tỉnh Kon Tum tham gia gồm có 2 tiểu đoàn bộ binh, 5 đại đội tỉnh, 8 đại đội của các huyện và thị xã Kon Tum; 200 du kích xã, 300 cán bộ chính trị, binh vận tăng cường cho thị xã Kon Tum.
Lực lượng địch tại tỉnh Kon Tum, gồm 2 liên đoàn biệt động quân, 5 liên đoàn địa phương quân, 2 đoàn thiết giáp, 11.470 tên và 10.820 tên dân vệ cùng với một bộ máy ngụy quyền các cấp được bố trí tập trung tại khu vực thị xã. Hoạt động của địch chủ yếu là tăng cường các biện pháp phòng thủ, đề phòng sự tấn công của ta từ bên ngoài vào. Thỉnh thoảng địch có tiến hành một vài cuộc hành quân nống lấn ra bên ngoài, nhưng đều bị ta chặn đánh, tiêu diệt, buộc chúng phải co cụm trở lại. Do vậy, cho đến trước khi chiến dịch Tây Nguyên mở màn, ở tỉnh Kon Tum, thị xã là hang ổ cuối cùng tập trung mọi binh lực, hoả lực của địch.
Trung tuần tháng 02-1975, Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320A của Mặt trận Tây Nguyên bí mật di chuyển vào nam Tây Nguyên, Sư đoàn 968 bộ binh vào thay thế các vị trí và tiếp tục duy trì các công việc của hai sư đoàn này. Hằng ngày ta vẫn phát đi nhiều bức điện, báo cáo giả, làm cho địch tin rằng hai Sư đoàn 10 và 320A vẫn còn nằm im ở vị trí cũ. Theo kế hoạch tác chiến đã được định sẵn, lực lượng của tỉnh Kon Tum đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, hình thành một thế trận định sẵn tấn công vào giải phóng thị xã theo nhiều hướng.
Hướng chính từ phía đông nam thị xã đánh vào các mục tiêu trung tâm ở nội thị. Đây là hướng quan trọng hàng đầu nên toàn bộ lực lượng chính của tỉnh Kon Tum được lệnh tập trung cho cánh này, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Ban chỉ huy Tỉnh đội Kon Tum. Hướng phía bắc và tây bắc thị xã do các lực lượng đại đội 14 đặc công (C14) và Đại đội 2 (C2) công an vũ trang cùng một bộ phận của huyện đội H80 (Mật danh của huyện Đăk Tô, nay gồm địa bàn huyện Đăk Tô, Tu Mơ Rông và một phần số xã của huyện Ngọc Hồi) của tỉnh Kon Tum tăng cường đảm nhận. Hướng phía tây và tây nam thị xã gồm một bộ phận của tỉnh, Đại đội 187 (C187), chủ lực và một số cán bộ ở H67 (Mật danh của huyện Sa Thầy cũ, nay gồm huyện Sa Thầy, Ia H,Drai và một phần của huyện Ngọc Hồi) của tỉnh Kon Tum đảm trách, cánh này do các đồng chí Nguyễn Thế Vũ (Bí thư H5, H5 là mật danh của thị xã Kon Tum- nay gồm địa bàn thành phố Kon Tum và một phần của huyện Đăk Hà), đồng chí Lê Văn Vinh (Nhất- Bí thư huyện ủy H67) và đồng chí Trần Đình Chi (Bọk), Tỉnh ủy viên, trực tiếp chỉ đạo đánh lấn, đánh ép địch, chuẩn bị cho cơ sở nổi dậy, tạo hành lang để đưa các cơ quan chỉ đạo vào thị xã theo trục đường Kon Tum- Ya Ly khi có thời cơ. Đi trong cánh này có cơ quan Thị xã tiến từ phía tây nam vào Phương Hòa để hợp điểm tại nội thị.
Đi kèm với các cánh quân luôn có các đội vũ trang công tác làm nhiệm vụ dẫn đường và phát động quần chúng nổi dậy. Trong đó một đội theo hướng từ bắc vào, một cánh nhỏ khác đi từ phía Kon Plông theo đường 5 lên. Riêng các đội công tác của thị xã phần lớn tập trung theo hướng chính ở cánh đông nam. Quần chúng nhân dân trong nội thị cơ bản đã hiểu được cách mạng, trông chờ được giải phóng. Một số gia đình là cơ sở, đã đóng góp không nhỏ để lực lượng cách mạng nắm bắt địa bàn. Từ trong căn cứ, tất cả các ban của tỉnh đều chuẩn bị sẵn một lực lượng tiền phương làm công tác tiếp quản khi thị xã được giải phóng.
Mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, đầu tháng 3-1975, khi tiếng súng tấn công địch rộ lên khắp Mặt trận Tây Nguyên, cùng lúc đó ở tỉnh Kon Tum, từ ngày 7-3-1975 đến ngày 15-3-1975 hoả lực của Tỉnh đội Kon Tum phối hợp với Sư đoàn 968 quân chủ lực đánh vào các khu quân sự và khu kho trong thị xã, làm cháy năm kho nhiên liệu, một kho đạn, khống chế sân bay. Bộ đội đặc công của tỉnh Kon Tum đánh vào khu cảnh sát dã chiến, khu Nguyễn Huệ, khu thương phế binh ngụy. Đặc công của B3 đánh vào trạm tiếp điện Chư Hreng diệt một số địch, tiêu diệt gọn một chốt, làm cho địch phải lo phòng giữ tuyến trong của thị xã Kon Tum1.
1 giờ 35 phút ngày 10-3-1975, quân ta nổ súng mở màn cuộc tiến công thị xã Buôn Ma Thuột. Đến 11 giờ ngày 11-3-1975, thị xã Buôn Ma Thuột được hoàn toàn giải phóng. Tin thắng lợi của ta ở Buôn Ma Thuột vang dội khắp nơi. Trước thời cơ thuận lợi đó, ở Kon Tum, ngay từ ngày 10-3-1975 các lực lượng của tỉnh phối hợp với một bộ phận quân chủ lực (Sư đoàn 968) hoạt động mạnh ở trọng điểm từ nam cầu Đăk Bla đến ngã ba Tà Huỳnh, đánh diệt ba chốt ở phía đông quận lỵ Đăk Tô lưu vong và đột nhập vũ trang tuyên truyền, thâm nhập giác ngộ quần chúng ở các khu dồn dân Ngok Leng, Tri Đạo-Tân Phú.
Đêm 13-3-1975, Tiểu đoàn 304 bộ binh của Tỉnh đội Kon Tum từ cánh đông nam nổ súng tấn công tiêu diệt chốt điểm Chư Hreng, Đại đội 187 ở cánh tây thị xã pháo kích liên tục vào đồn Chư Grết. Ban chỉ huy tây nam thị xã đã nắm chắc hai trung đội nghĩa quân địch ở làng Kênh, làng Yút, chuẩn bị cho việc nổi dậy và báo về đồng chí Nguyễn Thế Vũ ở hậu cứ chuẩn bị mọi mặt để đưa lực lượng áp sát thị xã. Đồng chí Nguyễn Thế Vũ (Bí thư H5) chuẩn bị tiếp quản đưa theo bộ máy cơ quan thị xã để khi giải phóng sẵn sàng làm nhiệm vụ tiếp quản.
Ở phía bắc, ta thực hiện nhiều đợt pháo kích, đồng thời các đội vũ trang công tác và Đại đội đặc công số 14, nhanh chóng tiếp cận ngay một số mục tiêu ở nội thị xã Kon Tum.
Ngày 14-3-1975, Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu và tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2, họp kín ở Cam Ranh. Kết quả, Tổng thống Thiệu quyết định rút chạy khỏi Tây Nguyên về chốt giữ đồng bằng duyên hải miền Trung. Tại tỉnh Kon Tum và Plei Ku, một kế hoạch rút chạy bí mật theo từng bộ phận của địch bắt đầu được triển khai thực hiện theo y lệnh của thượng cấp. Địch chọn đường 25 (trước đây là đường số 7) nhằm hướng Cheo Reo- Phú Bổn về Nha Trang để rút quân. Ngày 15-3-1975, địch ở tỉnh Kon Tum bắt đầu thực hiện một cuộc rút chạy về Plei Ku theo đường 14. Ta triển khai ngay chặn đánh địch rút chạy. Ngày 16-3-1975, một bộ phận của Tiểu đoàn 304 của Tỉnh đội Kon Tum chiếm đường 14 ở phía nam thị xã Kon Tum chặn đánh quân địch tháo chạy, buộc bộ phận của địch phải chạy đường rừng phía tây đường 14 xuống Plei Ku.
Trưa ngày 16-3-1975, các lực lượng của tỉnh Kon Tum, từ các hướng áp sát vào thị xã Kon Tum, tiếp quản một số vùng phụ cận. Tiểu đoàn 304 tiếp tục mai phục đón đánh tiêu diệt tàn quân địch rút chạy, đánh sập một cầu và tiêu diệt gọn địch ở phía nam khu vực đèo Sao Mai. Cũng trong ngày 16-3-1975, ta đánh và chiếm quận lỵ Đăk Tô (lưu vong), vây ép địch ở phía bắc và phía đông. Các lực lượng tây nam thị xã tước vũ khí hai trung đội nghĩa quân, dùng lực lượng này cùng với lực lượng của ta chiếm ấp Tân Điền, Phương Hoà, áp sát nam cầu Đăk Bla. Khi các lực lượng của ta từ các hướng chuẩn bị tấn công vào các mục tiêu trung tâm đầu não của địch ở thị xã thì tên Phạm Đình Hùng, Tỉnh trưởng tỉnh Kon Tum mới giật mình hay biết quân chủ lực ngụy đã rút hết. Y vội vàng nắm lấy ba tiểu đoàn biệt động quân mở đường máu tiến ra đường 14, tìm hướng về Gia Lai, liền bị lực lượng của ta chặn đánh, địch tan rã, rút chạy. Phạm Đình Hùng và đám tàn quân còn lại thoát chạy đến Cheo Reo (Gia Lai) cũng bị chủ lực quân giải phóng chặn đánh và tiêu diệt.
Đêm 16-3-1975, tất cả các lực lượng vũ trang và chính trị trong tỉnh, cùng với các mũi đột kích của chủ lực Sư đoàn 968 đột nhập chiếm lĩnh và làm chủ các khu vực quân sự và chính trị trọng yếu, tiêu diệt tất cả các ổ đề kháng cuối cùng của địch, nhanh chóng triển khai chiếm toàn bộ thị xã Kon Tum. Thị xã Kon Tum hoàn toàn giải phóng.
Kết thúc chiến dịch, quân và dân tỉnh Kon Tum đã cùng với lực lượng chủ lực đập tan sào huyệt cuối cùng của Mỹ-ngụy ở thị xã, giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum. Quân và dân Kon Tum đã cùng với tỉnh Gia Lai hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghi binh, thu hút địch góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho chiến trường chính Buôn Ma Thuột tấn công địch giành thắng lợi quyết định trong chiến dịch giải phóng Tây Nguyên.
Để có được thắng lợi trên, quân và dân Kon Tum dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy đã chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, đồng thời chủ động, sáng tạo chuẩn bị điều kiện về lực lượng, sẵn sàng tham gia chiến đấu và đảm bảo nhiệm vụ tiếp quản khi giải phóng; phối hợp chặt chẽ với lực lượng chủ lực trong hợp đồng tác chiến để giành thắng lợi cuối cùng.
Thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên, của cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 là hành trang vô giá để Đảng bộ, quân và dân Kon Tum bước tiếp trên con đường xây dựng quê hương. 46 mùa xuân đã trôi qua, hậu quả của cuộc chiến tranh đã dần được khắc phục, Đảng bộ, quân, dân Kon Tum phát huy truyền thống vẻ vang ra sức xây dựng và bảo vệ quê hương trong thời kỳ mới ngày càng ổn định và phát triển, đồng thời làm tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia. Để khẳng định mốc son chói lọi trong sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước, ngày 17-3-2006 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum ban hành Thông báo số 59-TB/TU thống nhất chọn ngày 16-3-1975 (thời điểm lực lượng ta tấn công, đánh chiếm và làm chủ thị xã) là ngày kỷ niệm Ngày giải phóng tỉnh Kon Tum.


Bài, ảnh: Trần Thị Sáu
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUM
Giấy phép số: Giấy phép số 01/GP-TTĐT, ngày 28 tháng 8 năm 2020
Chịu trách nhiệm: Ông Huỳnh Quốc Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Địa chỉ: 67 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862301
Fax: 0260. 3865464
Email: bantuyengiaotinhuykt@gmail.com
Website: http://https://tuyengiaokontum.org.vn/
Văn bản mới

TÀI LIỆU

Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam

Lượt xem:320 | lượt tải:149

TÀI LIỆU

Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đồng chí Đào Duy Tùng

Lượt xem:404 | lượt tải:343

TÀI LIỆU

Giao ban báo chí quí I-2024

Lượt xem:245 | lượt tải:77

HD.51.BTGTU

Hướng dẫn sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Lượt xem:82 | lượt tải:35

TÀI LIỆU

phổ biến, quán triệt Kết luận 72.TW và Chương trình 77.TU (gửi kèm CV 2303-CV/BTGTU)

Lượt xem:632 | lượt tải:716

TÀI LIỆU

Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú

Lượt xem:714 | lượt tải:297

HD.50.BTGTU

Hướng dẫn sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Lượt xem:686 | lượt tải:375


bao chi
bacho 2
truongsa

sls
Đăng nhập
Hãy đăng nhập tài khoản để sử dụng tài liệu Báo cáo viên
Thống kê
  • Đang truy cập44
  • Hôm nay807
  • Tháng hiện tại299,914
  • Tổng lượt truy cập30,375,464
Thăm dò ý kiến

Bạn có thường xuyên truy cập trang web này không?

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trang web có cần bổ sung, điều chỉnh nội dung gì không?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây