BẢN TIN THÔNG BÁO NỘI BỘ (phục vụ sinh hoạt chi bộ tháng 9-2021) 

BẢN TIN THÔNG BÁO NỘI BỘ (phục vụ sinh hoạt chi bộ tháng 9-2021)

Thứ năm - 26/08/2021 09:53
A/ ĐỊNH HƯỚNG SINH HOẠT CHI BỘ TRONG THÁNG
- Tuyên truyền, phổ biến Kết luận số 08-KL/TW, ngày 15-6-2021 của Bộ Chính trị về tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Kết luận số 05-KL/TW, ngày 03-6-2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30-7-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng.
- Tuyên truyền kỷ niệm 76 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945-02/9/2021); kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống của Đảng bộ tỉnh Kon Tum (25/9/1930-25/9/2021): tuyên truyền nêu bật truyền thống đấu tranh cách mạng của Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh trong 91 năm qua; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh đối với những thành tựu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
- Tăng cường thông tin, tuyên truyền kết quả đại hội đại biểu Phụ nữ các cấp và công tác chuẩn bị, tổ chức Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI nhiệm kỳ 2021-2026. Tuyên truyền Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Kon Tum năm 2021 và hưởng ứng tham gia Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VI năm 2021 (theo Kế hoạch số 21-KH/TU, ngày 26- 7- 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy).
- Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng để các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ về diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19; đồng lòng, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch quyết liệt của Đảng, Nhà nước và các địa phương; thực hiện nghiêm các biện pháp "5K + vaccine"; tích cực tham gia ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19, sẵn sàng tiêm chủng, góp phần thực hiện thành công chiến lược vaccine, tạo miễn dịch cộng đồng.
B/ TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI BỘ
I- THÔNG TIN THỜI SỰ
1. THẾ GIỚI
1.1. Kết quả chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Từ ngày 09-10/8/2021, nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào.
Chuyến thăm đã đạt được những kết quả có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ sau Đại hội Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lần thứ XI, Lào đón một nguyên thủ quốc gia nước ngoài tới thăm. Chuyến thăm diễn ra chỉ sau 6 tuần, sau chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith. Trong hai ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có hơn 10 hoạt động hội đàm, hội kiến, tiếp xúc cấp cao[1]. Các thành viên trong Đoàn cũng đã có 15 hoạt động tiếp xúc, trao đổi với các ban, bộ, ngành, địa phương của Lào. Hai bên đã ký kết 14 văn kiện hợp tác, trao đổi giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp và địa phương hai nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, phòng chống ma túy, tìm kiếm cứu nạn, mua bán điện, thăm dò khai thác và chế biến khoáng sản…
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith chủ trì cuộc hội đàm giữa hai đoàn đại biểu cấp cao hai nước, hai bên đã nhấn mạnh, nhất trí một số vấn đề sau: (i) Tiếp tục đưa quan hệ chính trị đi vào chiều sâu, nhất trí lấy năm 2022 là “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022” để Kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa Việt Nam và Lào; (ii) Đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ nhau giải quyết các khó khăn do dịch Covid-19 gây ra đối với mỗi nước và đối với quan hệ hợp tác Việt Nam-Lào; nhất trí cùng thúc đẩy quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, tận dụng tốt các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại; (iii) Tiếp tục thực hiện tốt các Thỏa thuận cấp cao và kết quả đạt được tại Kỳ họp lần thứ 43 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào; triển khai hiệu quả Hiệp định về hợp tác song phương Việt Nam-Lào giai đoạn 2021-2025; Thỏa thuận chiến lược hợp tác Việt Nam-Lào giai đoạn 2021-2030, cũng như các kết quả đạt được trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam vừa qua của đồng chí Thongloun Sisoulith và chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; (iv) Tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); cùng các bên liên quan thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Đặc biệt, trong chuyến thăm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và có bài phát biểu quan trọng tại Phiên họp lần thứ nhất, Quốc hội Lào khóa IX; dự và chủ trì Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào.
1.2. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Asean lần thứ 54
Ngày 02/8/2021, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM -54) đã khai mạc trực tuyến. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị. Đây là hoạt động mở đầu cho chuỗi hơn 20 Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao của ASEAN và giữa ASEAN với các Đối tác trong khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) từ ngày 02-06/8/2021.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao các nước trong khu vực đã trao đổi về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, quan hệ đối ngoại của ASEAN và các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; Đánh giá cao nỗ lực của các trụ cột Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa-Xã hội trong triển khai ưu tiên của năm ASEAN 2021, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang tác động lớn đến tiến trình hợp tác và hội nhập khu vực của các nước. Các Bộ trưởng cam kết, nhất trí một số vấn đề: (i) Triển khai các kết quả hợp tác năm 2020; (ii) Đẩy mạnh hợp tác ứng phó, đặc biệt là về vaccine phòng, chống Covid-19; theo đó, ASEAN cần tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác trong nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối vaccine; (iii) Nhất trí thiết lập quan hệ Đối tác đối thoại với Anh và quan hệ Đối tác theo lĩnh vực với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và chấp thuận đề nghị tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) của Hà Lan, Hy Lạp, Qatar, Oman và Đan Mạch, tiếp tục khẳng định các nguyên tắc và giá trị của Hiệp ước trong duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực; (iv) Lập trường nhất quán về giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật Biển 1982, kêu gọi kiềm chế, không quân sự hóa, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và tái khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hoan nghênh việc nối lại đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc; nhấn mạnh sự cần thiết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC và tiếp tục nỗ lực hướng tới bộ COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật Biển 1982; (v) Triển khai toàn diện và kịp thời Đồng thuận 5 điểm tại Hội nghị các nhà Lãnh đạo ASEAN tháng 4/2021 và mong muốn của ASEAN; hỗ trợ Myanmar, thành viên trong gia đình ASEAN vượt qua khó khăn, tìm kiếm giải pháp cho những phức tạp hiện nay vì lợi ích của người dân. Các nước cũng dành nhiều thời gian trao đổi về Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN tới Myanmar, khẩn trương triển khai hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar ứng phó với đại dịch Covid-19 thông qua Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo và quản lý thiên tai (AHA).
1.3. Các quốc gia nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19
Trước những diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 suốt gần 02 năm qua, đảm bảo an ninh lương thực đã và đang trở thành vấn đề cấp thiết đối với toàn cầu. An ninh lương thực là một trong những yếu tố sống còn đối với sự thành bại của việc thực thi các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), đặc biệt là xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sức khỏe và phúc lợi cộng đồng. Đây cũng là chìa khóa quan trọng quyết định xu hướng tăng trưởng kinh tế và quá trình chuyển đổi nông nghiệp tại một số quốc gia.
Đại dịch Covid-19 đã khiến tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục và làm chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu bị phá vỡ, đẩy thêm hàng triệu người rơi vào cảnh đói nghèo[2].   Nạn đói có nguy cơ gia tăng do giá lương thực tăng “phi mã” thời gian gần đây[3]. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giá lương thực tăng mạnh là do lượng nhập khẩu lương thực cơ bản tăng mạnh vào năm 2020, chi phí nhập khẩu toàn cầu tăng lên mức kỷ lục (3%). Bên cạnh đó, việc Trung Quốc tăng nhập khẩu thực phẩm cũng khiến giá nông sản thế giới tăng cao. FAO dự báo rằng, nhập khẩu ngô của Trung Quốc trong niên vụ 2021 - 2022 dự kiến sẽ tăng lên mức 24 triệu tấn, cao hơn mức dự báo 22 triệu tấn trước đó. Nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu hiển hiện rõ tại các nước có giá bán lẻ cao, nhưng thu nhập lại giảm vì dịch bệnh. Trong khi đó, các cuộc xung đột tiếp tục diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới, tình trạng biến đổi khí hậu và gia tăng dân số đang đặt thêm gánh nặng cho ngành nông nghiệp. Đứng trước nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu, tại các hội nghị, như: Hội nghị cấp cao Đối tác về tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G), Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới, Hội nghị trù bị cho Hội nghị thượng đỉnh Hệ thống lương thực thế giới, các nhà lãnh đạo trên thế giới kêu gọi một sự hợp tác toàn cầu nhằm thay đổi mạnh mẽ hệ thống lương thực - nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu và hỗ trợ các nước nghèo, các nước bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. 
Về phía Việt Nam, phát biểu tại Hội nghị trù bị cho Hội nghị thượng đỉnh Hệ thống lương thực thế giới, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam sẽ tích cực tham gia thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực-thực phẩm toàn cầu với tư cách là quốc gia cung cấp lương thực thực phẩm “minh bạch, trách nhiệm, bền vững”. Trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng của nông nghiệp với biến đổi khí hậu, tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường, xuất khẩu, chuỗi giá trị toàn cầu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi các hệ thống lương thực - thực phẩm theo hướng xanh, ít phát thải và bền vững...
2. TRONG NƯỚC
2.1. Một số kết quả chủ yếu của Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 20-28/7/2021, rút ngắn hơn 8 ngày so với dự kiến để các đồng chí lãnh đạo các địa phương tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đây là kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng, diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, bùng phát mạnh tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam. Trước tình hình đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, trình Quốc hội điều chỉnh chương trình Kỳ họp, thảo luận và bổ sung vào Chương trình kỳ họp việc thông qua Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ nhất, trong đó có nội dung về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đây là sáng kiến lập pháp có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ, cả hệ thống chính trị và Nhân dân quyết tâm kiềm chế, đẩy lùi đại dịch Covid-19. Kỳ họp đã hoàn thành chương trình đề ra với các nội dung chủ yếu sau: Thứ nhất, Quốc hội nghe báo cáo của Hội đồng bầu cử quốc gia tổng kết cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV trúng cử; báo cáo của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Thứ hai, Quốc hội đã xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức và bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao của bộ máy nhà nước, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đúng quy trình, thủ tục theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước[4]. Thứ ba, Quốc hội thảo luận, xem xét các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2021. Thứ tư, Quốc hội thông qua Nghị quyết điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 với 23 chỉ tiêu và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025… Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập 2 Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2022. Thứ năm, Quốc hội thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Trong đó, khẳng định cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, triển khai quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, linh hoạt nhiều chủ trương, biện pháp để kiểm soát đại dịch Covid-19 và thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, nhất là sự xuất hiện các biến chủng mới, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, tác động tiêu cực đến đời sống của Nhân dân, Quốc hội yêu cầu thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch. Bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống Nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế và lực lượng tuyến đầu chống dịch; tiếp tục có biện pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch…
2.2. Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2021
2.2.1. Một số kết quả đạt được: Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù có nhiều khó khăn, nhất là đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sức khỏe của Nhân dân, nhưng công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh ở Trung ương và địa phương, đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là[5]: Thứ nhất, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tiếp tục được đẩy mạnh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực và cán bộ, đảng viên vi phạm[6]. Thứ hai, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, khởi tố mới nhiều vụ án, nhiều bị can, trong đó có nhiều bị can là cán bộ cấp cao, theo đúng quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”[7]Thứ ba, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các bộ, ngành được quan tâm; nhất là đã chủ động, kiên quyết hơn trong kiểm tra, xử lý nghiêm nhiều cán bộ tham nhũng, tiêu cực trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chống tham nhũng[8]. Thứ tư, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở nhiều địa phương có chuyển biến tích cực, khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Các địa phương qua thanh tra, kiểm tra đã chuyển 80 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật[9]; Thứ năm, công tác thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục được quan tâm, đạt nhiều kết quả[10]. Thứ sáu, thể chế về xây dựng Đảng, quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, góp phần tạo cơ sở chính trị -pháp lý đồng bộ, khả thi để phòng, chống tham nhũng hiệu quả. Thứ bảy, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo chí và Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng.
2.2.2. Nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng cuối năm 2021: (1) Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Phấn đấu đến hết năm 2021 kết thúc điều tra 02 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 06 vụ án, xét xử sơ thẩm 09 vụ án, xét xử phúc thẩm 07 vụ án, kết thúc xác minh, giải quyết 05 vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo[11]. (2) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội[12]. (3) Quan tâm chỉ đạo việc rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế về xây dựng Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng (PCTN), nhất là khẩn trương cụ thể hóa, thể chế hóa các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về PCTN theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
2.3. Cả nước đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương quyết ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19  
Đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư với sự xuất hiện của biến thể Delta đang lây lan nhanh và cực kỳ nguy hiểm. Ở nước ta, biến thể Delta xuất hiện ở 62/63 tỉnh, thành phố, gây tổn hại lớn về sức khỏe và tính mạng của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, ngày 29/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có Lời kêu gọi (lần thứ hai) gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục ban hành nhiều nghị quyết, công điện, biện pháp chỉ đạo kịp thời, quyết liệt phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tổng tiến công “toàn lực, thần tốc” để chặn đứng, đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, nhanh chóng dập dịch, ổn định tình hình và khôi phục sản xuất, kinh doanh[13]. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện nghiêm túc phương châm “5K + vaccine” và kết hợp ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi trong phòng, chống dịch. Nhiều tỉnh, thành phố đã áp dụng biện pháp mạnh, giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16. Đặc biệt, 19 tỉnh, thành phố phía Nam và Hà Nội đã kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16. Trước diễn biến mới của tình hình dịch bệnh, tại Công điện số 1063/CĐ-TTg, ngày 31/7/2021 và Công điện số 1068/CĐ-TTg, ngày 05/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng yêu cầu các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 phải thực hiện nghiêm, nhất quán theo phương châm “chỉ có thể thực hiện cao hơn, sớm hơn”, phù hợp theo tình hình thực tế của địa phương.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai các hoạt động thiết thực, phù hợp để tuyên truyền, vận động Nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch; phân bổ kịp thời mọi nguồn lực ủng hộ tới Quỹ vaccine và tuyến đầu chống dịch…Các cấp, các ngành, các địa phương đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư với nhiều hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Nổi bật là: (i) Bộ Y tế đã tổng động viên hơn 4.000 cán bộ y tế, giảng viên, sinh viên từ các bệnh viện Trung ương, Sở Y tế các tỉnh, thành phố, trường đại học y, dược trên cả nước “hành quân” đến hỗ trợ ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ngày 04/8/2021, gần 3.000 y, bác sĩ, cán bộ y tế của 22 bệnh viện Trung ương lên đường hỗ trợ lực lượng y tế Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; (ii) Tính từ ngày 01/5/2021 - 30/7/2021, số tiền ủng hộ và đăng ký ủng hộ qua hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương lên tới trên 6.854 tỷ đồng. Tất cả đều thể hiện sự đồng lòng, đoàn kết, quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 của toàn hệ thống chính trị và người dân Việt Nam.
3. TRONG TỈNH
3.1. Sáng 18-8, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Đại biểu dự hội nghị được nghe quán triệt các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về phòng chống Covid-19, gồm: Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ ngày 06/8/2021 về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; thông tin công tác quán triệt, triển khai thực hiện và kết quả thực hiện các Nghị quyết trên địa bàn tỉnh đến nay…Trong đó, đối với kết quả thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, đến nay Bảo hiểm xã hội tỉnh đã triển khai chính sách hỗ trợ giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện giảm mức đóng cho 874 đơn vị, 16.047 lao động, với số tiền được giảm trong 12 tháng là 4,860 tỷ đồng; 4/10 huyện, thành phố đã tham mưu phê duyệt chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) theo Nghị quyết 68/NQ-CP; các đơn vị, địa phương đã và đang tập trung thực hiện các chính sách Hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế;  hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch…Tính từ ngày 01/8 đến 16/8/2021, số ca mắc Covid-19 phát hiện tại tỉnh là 14 ca; lũy tích ghi nhận 21 ca; đang điều trị 19 ca; đã ra viện 02 ca. Toàn tỉnh còn 520 trường hợp đang thực hiện cách ly tập trung; 617 trường hợp đang cách ly tại nhà. Đã tiêm 51.616 liều/62.070 liều vắc xin đã nhận trong tổng nhu cầu vắc xin toàn tỉnh (≥18 tuổi) là 744.932 liều.
Ngay sau hội nghị, tại Thông báo số 280-TB/TU, ngày 18-8-2021, Thường trực Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận Hội nghị (Chi tiết xin xem tại đây)
3.2. Ngày 23-8, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang chủ trì Hội nghị thông báo nhanh kết quả HNTW 3 khóa XIII và phổ biến, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương và Tỉnh ủy. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 108 điểm cầu từ tỉnh đến các xã, thị trấn, với trên 04 ngàn cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp tham gia.
Tại Hội nghị, đại biểu được nghe các đồng chí Báo cáo viên thông báo kết quả Hội nghị Trung ương 3 khoá XIII và những nội dung chủ yếu của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI; quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, gồm: (1) Chỉ thị số 04-CT/TW, ngày 02-6-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế” (2) Kết luận số 05-KL/TW, ngày 03-6-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị trong công tác phát triển, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”(3) Kết luận số 02-KL/TW, ngày 18-5-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW, ngày 25-5-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy”(4) Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 23-6-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030”(5) Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24-6-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”(6) Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 06-7-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030”(7) Kết luận số 06-KL/TW, ngày 10-6-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014  của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”(8) Kết luận số 08-KL/TW, ngày 15-6-2021 của Bộ Chính trị “về tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử”(9) Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12-6-2021 của Bộ Chính trị “về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”gắn với Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 14-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ “về bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động”. Đồng thời, phổ biến, quán triệt đến các đại biểu Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 06-5-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI “về nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: Các huyện uỷ, thành uỷ, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy căn cứ Kế hoạch số 20-KH/TU, ngày 22-7-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị, lựa chọn hình thức tổ chức học tập, quán triệt kết quả Hội nghị Trung ương 3 khoá XIII và phổ biến, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và của Tỉnh ủy đến đội ngũ cán bộ, đảng viên ở địa phương, đơn vị đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Các cơ quan báo chí của tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về kết quả Hội nghị Trung ương 3 khoá XIII và các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, các chủ trương của Tỉnh ủy bằng hình thức phong phú, đa dạng, nội dung sắc sảo, gắn với tuyên truyền về những điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để tập trung triển khai thực hiện…Đồng thời, đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chuẩn bị tốt nhất mọi điều kiện để khai giảng năm học mới 2021-2022.
3.3. Chiều 27-7, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị trực tuyến giao ban khối Đảng và giao ban với các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy 6 tháng đầu năm 2021. Đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì.
Trong 6 tháng đầu năm, (i) Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị khóa XII; quán triệt và triển khai thực hiện Chuyên đề riêng của tỉnh năm 2021 về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nâng cao trách nhiệm, năng động, sáng tạo, khơi dậy khát vọng xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững”; chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tổ chức 26 lớp học tập, quán triệt Nghị quyết cho 4.406 đảng viên, cán bộ, công nhân viên chức khối cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp; các đảng ủy cấp xã tổ chức 884 lớp học tập, quán triệt Nghị quyết cho 40.340 cán bộ, đảng viên và 531 lớp tuyên truyền, phổ biến cho 147.255 đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân. (ii) Hoàn thành việc nhận xét, đánh giá, xếp loại chất lượng đối với tổ chức đảng và đảng viên năm 2020; trong đó, toàn Đảng bộ có 74,2% tổ chức cơ sở đảng xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ (tăng 0,44% so với năm 2019); có 72,13% chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ (tăng 0.07% so với năm 2019). Trong 6 tháng đầu năm 2021, kết nạp 506 đảng viên, đạt 56,22 % so với chỉ tiêu Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy đề ra, nâng tổng số đảng viên của Đảng bộ tỉnh lên 29.483 đảng viên. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được thực hiện nghiêm theo Quy định của Bộ Chính trị. (iii) Công tác dân vận tiếp tục được các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội; ban hành Chỉ thị “về nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh”; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh “về củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc”; chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”…
Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021, Hội nghị thống nhất tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quán triệt và triển khai thực hiện cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; thực hiện tốt công tác rà soát, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ gắn với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Ngay sau hội nghị, Thường trực Tỉnh ủy đã ban hành Thông báo số 277-TB/TU, ngày 06-8-2021 về nội dung kết luận Hội nghị (Chi tiết xin xem tại đây).
3.4. Ngày 24-8, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 8 tháng năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021. Đồng chí Dương Văn Trang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 8 tháng đầu năm 2021, mặc dù phải đối mặt với những khó khăn, thách thức khi tiếp tục thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và toàn dân, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định, phát triển và đạt được nhiều kết quả. Một số chỉ tiêu chủ yếu đạt kết quả cao và vượt kế hoạch như: Giá trị xuất khẩu 159,5 triệu USD, đạt 98,46% kế hoạch và bằng 146,33% so với cùng kỳ năm trước; Diện tích cây ăn quả trồng mới đạt 1.809 ha, đạt 90,45% kế hoạch và bằng 811,21% so với cùng kỳ năm trước; Diện tích cây Mắc-ca trồng mới 548 ha, đạt 137% kế hoạch và bằng 3.653% so với cùng kỳ năm trước; Trồng mới rừng 3.229 ha, đạt 107,6% kế hoạch và bằng 449% so với cùng kỳ; Tỷ lệ che phủ rừng 63,02%, đạt 99,87% kế hoạch và bằng 100% so với cùng kỳ; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 85,63%, đạt 92,57% kế hoạch và bằng 93,5% so với cùng kỳ...
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là bệnh khảm lá do virus gây hại trên cây sắn và dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò chưa được giải quyết triệt để; Việc thực hiện các chỉ tiêu về trồng mới Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác chưa đạt kế hoạch; Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, vướng mắc; Vi phạm quản lý đất đai, trật tự xây dựng còn xảy ra; Tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn diễn ra ở một số địa phương; Việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là ngành nông nghiệp còn hạn chế; Tình trạng buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nhất là sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh vẫn còn diễn ra phổ biến, phức tạp...
Kết luận Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy: (i) biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm với một số chỉ tiêu đạt và vượt tiến độ đề ra. Đồng thời, cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và lưu ý trong việc triển khai một số chỉ tiêu thực hiện không đạt kế hoạch đề ra từ nay đến cuối năm, nhất là các chỉ tiêu của ngành nông nghiệp. (ii) Đề nghị, từ nay đến cuối năm, các cấp, các ngành phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn mà HĐND tỉnh giao, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 10%. UBND tỉnh và các sở, ngành tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp đến đầu tư, phấn đấu tổng vốn đầu tư đạt 20.000 tỷ đồng; trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong thực hiện dự án đường Trương Quang Trọng (huyện Đăk Hà) và dự án công trình cấp nước sinh hoạt trung tâm huyện Ia H’Drai; nghiên cứu mua máy test đánh giá chất lượng sâm Ngọc Linh để phân biệt sâm thật, sâm giả, quản lý, bảo vệ, giữ gìn thương hiệu của “Quốc bảo” sâm Ngọc Linh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển; chỉ đạo, đôn đốc tiến độ giải ngân đầu tư công, đảm bảo đến cuối năm đạt kế hoạch đề ra và tiếp tục kêu gọi đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, nhất là đầu tư các nhà máy chế biến nông - lâm sản tại các KCN, CCN, tạo thuận lợi đầu ra cho sản phẩm và nâng cao giá trị. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo triển khai các giải pháp nâng cao 3 chỉ số: Năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, quản trị hành chính công; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp để công tác phối hợp được chặt chẽ mang lại hiệu quả tốt hơn trong thực hiện nhiệm vụ chung. (iii) Yêu cầu ngành Nông nghiệp-PTNT có kế hoạch hướng dẫn người dân xuống giống và chăm sóc cây trồng, chú trọng nguồn giống, nhất là giống sắn để không xảy ra tình trạng sâu bệnh như vụ vừa qua, gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của người nông dân và giống cho vụ sau. (iv) giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy theo dõi các cuộc họp, tổng hợp, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy để làm cơ sở đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý vào cuối năm đảm bảo chính xác, khách quan...
3.5. Hơn 11 tỷ đồng ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh.
Sau gần hai tháng tổ chức Lễ phát động về tiếp nhận ủng hộ Quỹ vắc-xin và công tác phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Kon Tum, đến ngày 09/8/2021, đã có nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ trực tiếp hoặc về Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh với số tiền là 11.228.732.730 đồng cho Quỹ vắc-xin và công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh.
Từ nguồn tiền ủng hộ trên, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phân bổ 1.000.000.000 đồng để hỗ trợ cho 2.832 Tổ công tác cộng đồng phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ cho Sở Y tế Kon Tum 1.951.282.500 đồng để lắp đặt hệ thống oxy và các thiết bị đi kèm và cải tạo sửa chữa cơ sở hạ tầng… kịp thời thành lập Bệnh viện Dã chiến để điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Với nguồn tiền ủng hộ trên, tỉnh đã sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của Nhân dân, đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
3.6. Hiện toàn tỉnh có 21 cơ sở giáo dục đang được trưng dụng làm khu cách ly tập trung trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó thành phố Kon Tum có 04 trường và 8 huyện (trừ huyện Ia H’Drai) có 17 trường.
4 trường ở thành phố Kon Tum gồm: PTTH DTNT tỉnh, THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, THCS&THPT Liên Việt Kon Tum và Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum). 17 trường ở 8 huyện gồm: 8 Trung tâm GDNN-GDTX các huyện (trừ huyện Ia H’Drai); PTDTBT-THCS Đăk Rơ Nga (huyện Đăk Tô), PTDTNT huyện Tu Mơ Rông, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Tu Mơ Rông; THCS Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Ngọc Hồi), PTDTNT huyện Đăk Glei, PTDTNT huyện Kon Rẫy, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Kon Plông, PTDTBT-THCS thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông) và PTDTNT huyện Sa Thầy. Đến nay, phần lớn số người cách ly tập trung tại các cơ sở giáo dục này đã hết thời hạn cách ly và đảm bảo việc bàn giao trụ sở kịp thời để hoàn thành việc chuẩn bị các điều kiện để triển khai dạy học. 
Để chuẩn bị cho năm học mới 2021- 2022, UBND tỉnh giao Sở GD-ĐT phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan sắp xếp, bàn giao cơ sở cách ly tập trung tại các trường học, đảm bảo cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch Covid-19,  phục vụ tốt cho năm học 2021-2022 theo quy định. Để triển khai được phương án dạy học bình thường trong tình hình mới, đồng thời vẫn đảm bảo các cơ sở trưng dụng làm khu cách ly tập trung, Sở GD-ĐT đã đề nghị sắp xếp các khu cách ly tập trung và tổ chức dạy học linh hoạt trên cùng một địa bàn. Ngoài ra, các địa phương sẽ tiếp tục xây dựng phương án dạy học linh hoạt như ưu tiên dạy học tại vùng xanh (khu vực này không có khả năng lây nhiễm Covid-19); ưu tiên học tập trung trực tiếp đối với học sinh khối lớp 1 và khối lớp 12; bố trí học trực tiếp gắn với học trực tuyến và học có hướng dẫn phù hợp.
3.7. Sáng 16-8, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Báo cáo tại Hội nghị, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã được cụ thể hóa phù hợp với tình hình thực tế và đặc thù của từng tổ chức với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và gắn kết chặt chẽ với vai trò, nhiệm vụ của từng tổ chức. Chương trình hành động đã xác định tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, vận động nhân dân thi đua học tập, lao động sáng tạo để khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực trong nhân dân, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước…
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã chủ động, kịp thời ban hành những chương trình hành động, triển khai trong toàn hệ thống những việc cần thiết, nhằm cụ thể hóa, sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống. (Toàn văn phát biểu của TBT xin xem tại đây).
II- THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ
Chuyên đề 1. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi phòng, chống đại dịch Covid-19. (Chi tiết, xin xem tại đây).
Chuyên đề 2. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo những định hướng lớn, chia sẻ sâu sắc, kỳ vọng và tin tưởng vào Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. (Chi tiết, xin xem tại đây).
Chuyên đề
3. Thông cáo báo chí về kết quả Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (Chi tiết, xin xem tại đây).
Chuyên đề 4. Chính phủ quyết nhiều giải pháp đặc biệt, cơ chế, chính sách đặc thù để dồn lực chống dịch hiệu quả. (Chi tiết, xin xem tại đây).
Chuyên đề 5. Chủ tịch UBND tỉnh phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH hàng năm và Kế hoạch 5 năm (2021-2025) theo Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh. (Chi tiết, xin xem tại đây).
C/ VĂN BẢN MỚI
I- VĂN BẢN XÂY DỰNG ĐẢNG
1. VĂN BẢN CỦA TRUNG ƯƠNG
1.1. Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 (xin xem tại đây).
1.2. Chỉ thị của Ban Bí thư về lãnh đạo Đại hội Đoàn các cấp và Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022-2027 (xin xem tại đây).
1.3. Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới (xin xem tại đây).
1.4. Kết luận của Bộ Chính trị về tình hình dịch bệnh và công tác triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch (xin xem tại đây). 
2. VĂN BẢN CỦA TỈNH
2.1. Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của Đảng bộ tỉnh 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 (xin xem tại đây).
2.2. Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 (xin xem tại đây).
2.3. Thông tin sau Kỳ họp thứ 5 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy (xin xem tại đây).
II- VĂN BẢN PHÁP QUY
1. VĂN BẢN CỦA TRUNG ƯƠNG
1.1. Chính phủ ban hành Nghị quyết về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 (xin xem tại đây).
1.2. Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp (xin xem tại đây).
1.3. Bảy quy định mới nổi bật có hiệu lực từ ngày 1/8/2021 (xin xem tại đây).
1.4. Hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về phòng chống dịch Covid-19 tại cơ quan, đơn vị (xin xem tại đây).
2. VĂN BẢN CỦA TỈNH
2.1. Công điện số 05/CĐ-CTUBND ngày 05/8/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 (xin xem tại đây)
2.2. Công điện số 06/CĐ-CTUBND ngày 09/8/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo về tăng cường kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 (xin xem tại đây)
2.3. Công văn số 2820/UBND-KGVX ngày 12/8/2021 của UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thực hiện hiệu quả công tác dân tộc năm 2021 (xin xem tại đây)
2.4. Công văn số 2728/UBND-NNTN ngày 05/8/2021 của UBND tỉnh về triển khai Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Kon Tum (xin xem tại đây)
2.5. Công văn số 2855/UBND-NNTN ngày 16/8/2021 của UBND tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh (xin xem tại đây).  
2.6. Công văn số 2881/UBND-KTTH ngày 16/8/2021 của UBND tỉnh về tiếp tục thực hiện tốt chủ trương phát triển đảng viên trong đội ngũ thôn trưởng, tổ trưởng tổ dân phố và bố trí bí thư chi bộ kiêm thôn trưởng, tổ trưởng tổ dân phố (xin xem tại đây).  
D/ GƯƠNG NGƯỜI TỐT, VIỆC TỐT
1. Ngọc Hồi: Giữ gìn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng (xin xem tại đây).
2. Nghị lực của người thương binh nhiễm chất độc da cam! (xin xem tại đây).
3. Bí thư chi bộ không làm giàu cho riêng mình (xin xem tại đây).
4. Nữ nghệ nhân đam mê văn hóa truyền thống (xin xem tại đây).
 

Nguyễn Phi Em thực hiện.
 

[1] Trong thời gian ở thăm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Lào Phankham Viphavanh; đến thăm đồng chí Khamtai Siphandone, nguyên Chủ tịch Đảng, nguyên Chủ tịch nước; gặp đồng chí Choummaly Sayasone, nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước và đồng chí Bounnhang Vorachith, nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước Lào; đã hội kiến Chủ tịch Quốc hội Lào Sayomphone Phomvihane; tiếp kiến Phó Chủ tịch nước Lào Pany Yathotu và Phó Chủ tịch nước Lào Bounthong Chithmany. Cũng tại thủ đô Vientiane, Chủ tịch nước đã tiếp các đồng chí Sinlavong Khutphaythoun, Chủ tịch Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước; Khambay Damlath, Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Lào - Việt Nam.
[2] Thống kê của các tổ chức quốc tế cho thấy, đại dịch Covid-19 đã khiến hàng triệu người từ khắp các châu lục mất việc làm và lần đầu tiên phải sống dựa vào nguồn cung cấp thực phẩm miễn phí. Trong khi đó, tổ chức Oxfam cho biết, có tới hơn 50 triệu người ở Ðông và Trung Phi đã đề nghị cứu trợ lương thực khẩn cấp. Con số nêu trên dự kiến sẽ tiếp tục tăng do khu vực này còn phải chịu hạn hán nghiêm trọng liên quan hiệu ứng La Nina và nạn châu chấu.
[3] Theo báo cáo Triển vọng Lương thực được FAO công bố hai lần/năm, chi phí nhập khẩu lương thực của thế giới, bao gồm cả chi phí vận chuyển, dự kiến đạt mức kỷ lục 1.715 tỷ USD trong năm 2021, so với con số 1.530 tỷ USD trong năm 2020. Trước đó, FAO cho biết, giá lương thực toàn cầu đã đạt mức cao nhất trong gần một thập kỷ vào tháng 5/2021, tăng 40% so với cùng kỳ một năm trước đó. Tình hình này khiến vấn đề an ninh lương thực “nóng” tại nhiều quốc gia.
[4] Với sự thống nhất và tín nhiệm rất cao, Quốc hội quyết định số lượng thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (gồm Chủ tịch Quốc hội, 4 Phó Chủ tịch Quốc hội, 13 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội); cơ cấu tổ chức của Chính phủ (gồm 18 Bộ và 4 cơ quan ngang Bộ); cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ (gồm Thủ tướng Chính phủ, 4 Phó Thủ tướng Chính phủ và 22 Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ).
Quốc hội đã bầu, phê chuẩn 50 chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước; đồng thời, phê chuẩn 04 Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao. Sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đã tuyên thệ trước Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước theo quy định của Hiến pháp, thể hiện rõ trách nhiệm, cam kết mạnh mẽ, quyết tâm cao hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân.
[5] Nguồn: Ban Nội chính Trung ương.
[6] Trong 06 tháng đầu năm, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với trên 70 tổ chức đảng, trên 8.000 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 180 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái và hơn 20 đảng viên bị kỷ luật do vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập.
Ngành Thanh tra, Kiểm toán đã phát hiện sai phạm về kinh tế 54.474 tỷ đồng và 1.760 ha đất; kiến nghị xử lý tài chính hơn 23.499 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 7.017 tỷ đồng và 644 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 851 tập thể và 2.073 cá nhân. Qua công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ và giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành Thanh tra đã phát hiện, xử lý 20 vụ, 35 đối tượng tham nhũng và có liên quan đến tham nhũng.  
[7] Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố mới 1.850 vụ án/3.294 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó có 144 vụ án/384 bị can về các tội tham nhũng. Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, từ sau Phiên họp 19 của Ban Chỉ đạo đến nay, đã khởi tố mới 07 vụ án/35 bị can, khởi tố thêm 55 bị can trong 10 vụ án; phục hồi điều tra 01 vụ án/07 bị can; kết thúc điều tra 12 vụ án/111 bị can, kết thúc điều tra bổ sung 02 vụ án/23 bị can; truy tố 11 vụ án/112 bị can; xét xử sơ thẩm 13 vụ án/82 bị cáo, xét xử phúc thẩm 06 vụ án/20 bị cáo. Khẩn trương đưa ra xét xử kịp thời 04 vụ án trọng điểm.
[8] Qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát nội bộ, các bộ, ngành đã phát hiện, chuyển 125 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; điển hình, như: Thanh tra Chính phủ chuyển 26 vụ, Bộ Tài chính chuyển 95 vụ, Ngân hàng Nhà nước phát hiện, xử lý 05 vụ việc/05 người... Cơ quan chức năng đã xử lý kỷ luật 27 cán bộ, chiến sĩ trong Công an nhân dân, 16 cán bộ, đảng viên trong Quân đội nhân dân do tham nhũng, tiêu cực; Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố mới 16 vụ án/19 bị can tham nhũng trong hoạt động tư pháp.
[9] Nhiều địa phương đã khởi tố mới nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế như: Khánh Hòa 07 vụ/08 bị can; Thanh Hóa 07 vụ/16 bị can; Bắc Ninh 06 vụ/22 bị can; Nam Định 05 vụ/10 bị can; Phú Thọ 04 vụ/10 bị can; Thái Nguyên 04 vụ/06 bị can;… Một số địa phương đã chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận đồng tình, đánh giá cao, như: Khánh Hòa, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Phú Yên, Sơn La…
[10] Các cơ quan tố tụng đã thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có giá trị hơn 14.413 tỷ đồng; cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi hơn 1.995 tỷ đồng. Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn tẩu tán tài sản trị giá trên 1.467 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác; trong giai đoạn thi hành án đã thu hồi gần 1.900 tỷ đồng.
[11] Nhất là, tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong các vụ án, vụ việc xảy ra tại Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa; khẩn trương đưa ra xét xử các vụ án: (i) Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; (ii) Vụ án “Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) và các đơn vị liên quan; (iii) Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận; (iv) Vụ án “Đưa hối lộ”; “Môi giới hối lộ”; “Nhận hối lộ” liên quan đến Phan Văn Anh Vũ; (v) Vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, Công ty VN Pharma và các cơ quan, đơn vị có liên quan…
[12] Nhất là, khẩn trương hoàn thành kết luận thanh tra chuyên đề diện rộng về quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế; thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh bất động sản giai đoạn 2011 - 2017 theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
[13]Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Nghị quyết 53/NQ-CP thông qua chủ trương thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký ban hành Quyết định 779/QĐ-TTg thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19. Ngày 07/6/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng Covid-19; Thủ tướng yêu cầu phải sản xuất bằng được vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam.
Ngày 06/8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15, ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUM
Giấy phép số: Giấy phép số 01/GP-TTĐT, ngày 28 tháng 8 năm 2020
Chịu trách nhiệm: Ông Huỳnh Quốc Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Địa chỉ: 67 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862301
Fax: 0260. 3865464
Email: bantuyengiaotinhuykt@gmail.com
Website: http://https://tuyengiaokontum.org.vn/
Văn bản mới

CV.2384.BTGTU

phổ biến, quán triệt, tuyên truyền các chỉ thị của BBT và kế hoạch của BTVTU tháng 4-2024

Lượt xem:194 | lượt tải:81

TÀI LIỆU

Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam

Lượt xem:610 | lượt tải:274

TÀI LIỆU

Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đồng chí Đào Duy Tùng

Lượt xem:691 | lượt tải:580

TÀI LIỆU

Giao ban báo chí quí I-2024

Lượt xem:291 | lượt tải:82

HD.51.BTGTU

Hướng dẫn sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Lượt xem:372 | lượt tải:174

TÀI LIỆU

phổ biến, quán triệt Kết luận 72.TW và Chương trình 77.TU (gửi kèm CV 2303-CV/BTGTU)

Lượt xem:901 | lượt tải:1058

TÀI LIỆU

Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú

Lượt xem:997 | lượt tải:430


bao chi
bacho 2
truongsa

sls
Đăng nhập
Hãy đăng nhập tài khoản để sử dụng tài liệu Báo cáo viên
Thống kê
  • Đang truy cập73
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm69
  • Hôm nay2,640
  • Tháng hiện tại2,640
  • Tổng lượt truy cập30,533,762
Thăm dò ý kiến

Bạn có thường xuyên truy cập trang web này không?

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trang web có cần bổ sung, điều chỉnh nội dung gì không?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây