Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay 

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay

Thứ năm - 27/09/2018 09:29
Hình có tính chất minh họa (nguồn: Internet)
Hình có tính chất minh họa (nguồn: Internet)
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề về văn hoá luôn có một vị trí quan trọng. Những quan điểm của Người về văn hoá đã góp phần vào sự tiến bộ và phát triển nền văn minh của nhân loại, đồng thời là kim chỉ nam để Đảng ta hoạch định đường lối, chính sách phát triển văn hoá qua các giai đoạn xây dựng đất nước. Hồ Chí Minh chính là điểm hội tụ những giá trị cao đẹp nhất trong lịch sử hàng ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam, cũng là điển hình của sự kết hợp hài hòa giữa đạo lý của dân tộc với tinh hoa của nhiều dòng văn hóa Đông - Tây. Người đã sớm nhận thức rất rõ mối quan hệ giữa dân tộc và bản sắc dân tộc.
1. Hồ Chí Minh với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Ngay từ khi còn hoạt động ở Pháp, nhìn thấy ánh sáng văn hoá mới của chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh kịch liệt lên án chính sách ngu dân của chủ nghĩa thực dân đối với các dân tộc thuộc địa, vạch trần tâm địa xấu xa, bỉ ổi của cái gọi là “khai hóa văn minh”. Để thay thế văn hoá nô dịch của chủ nghĩa thực dân bằng một nền văn hoá mới cách mạng, ngay sau khi vừa giành được độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị mở ngay chiến dịch chống giặc dốt. Người coi dốt nát cũng là một thứ giặc, xem đói nghèo cũng như những tập tục lạc hậu cũng là một loại kẻ thù và một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Người khẳng định văn hoá là tinh hoa của dân tộc, văn hoá phải góp phần khẳng định vị thế của một dân tộc.
Người cho rằng càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin bao nhiêu thì càng phải coi trọng những giá trị truyền thống văn hoá tốt đẹp của cha ông bấy nhiêu. Người đòi hỏi phải biết giữ gìn vốn văn hoá quý báu của dân tộc, khôi phục những yếu tố tích cực trong kho tàng văn hoá dân tộc, loại bỏ những yếu tố tiêu cực trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân.
Tư tưởng về bảo tồn văn hoá dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không phủ nhận sự tác động, ảnh hưởng lẫn nhau của văn hoá các dân tộc mà ngược lại, khẳng định sự giao hoà giữa các nền văn hoá của các dân tộc khác nhau chính là yếu tố thúc đẩy sự phát triển văn hoá của mỗi dân tộc, làm cho nó hoàn thiện hơn, phong phú hơn. Người cho rằng: “Văn hoá Việt Nam ảnh hưởng lẫn nhau của văn hoá Đông phương và Tây phương chung đúc lại…lấy kinh nghiệm tốt của văn hoá xưa và văn hoá nay trau dồi cho văn hoá Việt Nam thật có tinh thần thuần tuý Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”[1].
Đề cao truyền thống, bản sắc dân tộc nhưng không tự bó mình vào chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, thiển cận. Tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh là sự thống nhất giữa chủ nghĩa chủ nghĩa yêu nước và tinh thần quốc tế trong lĩnh vực văn hóa. Người khâm phục nền văn hoá phát triển của các dân tộc khác, không kể đó là những dân tộc có bọn thực dân đang là kẻ thù xâm lược nước ta. Tư duy văn hóa Hồ Chí Minh là tư duy mở rộng để thâu hóa, nó rất xa lạ với mọi thứ kỳ thị văn hóa. Một nhà báo Mỹ đã nhận xét: “Cụ Hồ không phải là một người dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi, mà cụ là một con người yêu mến văn hoá Pháp trong khi chống thực dân Pháp. Một con người biết coi trọng những truyền thống cách mạng Mỹ, khi Mỹ phá hoại đất nước cụ”[2].
Bản thân Hồ Chí Minh là đỉnh cao của sự kết tinh văn hóa hóa nhân loại, đúc kết trong kho tàng tri thức của mình tinh hoa văn hoá đông, tây, kim, cổ. Người đề ra chủ trương kế thừa, bảo tồn truyền thống tốt đẹp của văn hoá dân tộc phải đi đôi với việc học tập và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại. Nội dung tiếp thu nền văn hóa nhân loại là rất toàn diện. Trước hết là tiếp thu cả đông, tây, kim, cổ, tìm mẫu số chung của nền văn hóa trên thế giới. Tính toàn diện còn thể hiện ở việc tiếp thu nhiều mặt: tư tưởng Khổng giáo, Phật giáo, Thiên chúa giáo, văn hóa châu âu, tư tưởng Tôn Trung Sơn, đặc biệt là chủ nghĩa Mác - Lênin, ngoài ra còn tiếp thu nền nghệ thuật, âm nhạc, hội họa…
Hồ Chí Minh chỉ rõ mục đích của tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại là để làm giàu cho văn hóa Việt Nam, xây dựng nền văn hóa Việt Nam hợp với tinh thần dân chủ. Tiêu chí tiếp thu là tiếp thu cái hay, cái tốt, tiếp thu có chọn lọc, tiếp nhận những cái phù hợp với thuần phong mỹ tục đất nước, loại bỏ sự ảnh hưởng của những thứ phản văn hóa. Chính vì thế phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, lấy văn hóa dân tộc làm gốc, giữ gìn phát huy bản sắc dân tộc và coi nó như một tấm lá chắn vững chắc để đi tới tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại. Người dạy, tiếp thu văn hóa nhân loại không có nghĩa là bê nguyên xi một cách thô thiển, có vay mà ko có trả. Phải học tập một cách sáng tạo chứ ko phải chạy theo sau thiên hạ một cách kệch cỡm, mà phải từ tầm cao của tinh hoa nhân loại mà vươn lên cao hơn, bằng thành tựu của mình góp phần làm giàu thêm, phong phú thêm kho tàng nhân loại; tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tốt, cái đẹp để làm giàu thêm cho văn hóa dân tộc, biến chúng thành những cái bên trong, tự nhiên như những yếu tố nội sinh của văn hóa Việt Nam. Đứng vững trên cái nền dân tộc để chiếm lĩnh, tiếp thu những giá trị văn hóa bên ngoài, bản lĩnh đó của dân tộc Việt Nam đã được thể hiện trong suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm qua. Ngoài ra, trong quá trình tiếp thu, học tập kinh nghiệm, phải chú ý đến đặc điểm của dân tộc mình, nếu không sẽ phạm phải sai lầm, giáo điều. Do đó, Người chỉ rõ những người làm văn hóa - văn nghệ phải có kiến thức, phải chịu khó học hỏi, trau dồi, mở rộng kiến thức, am hiểu văn hóa thế giới, có như thế mới có thể tiếp thu của người ta và quảng bá văn hóa của mình.
Như vậy có thể thấy, trong việc xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh một mặt chăm lo giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, mặt khác Người quan tâm chống nguy cơ bảo thủ, khép kín, tức là Người đã nhìn thấy phép biện chứng giữa tính dân tộc và tính nhân loại như là một quy luật trong xây dựng nền văn hóa mới ở Việt Nam.
2. Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong  thời kỳ đổi mới
Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, trải qua các kỳ đại hội của Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định xây dựng nên văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc làm nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực, là mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Chúng ta cần hiểu rằng, bản sắc dân tộc không phải là cái nhất thành bất biến, mà là một sản phẩm gắn với từng bước phát triển của cộng đồng dân tộc, tức là luôn có xu thế hướng tới hiện đại, và nó chịu tác động của quá trình biến đổi của nền kinh tế - xã hội của một quốc gia. Trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, đặc biệt là sự phát triển của công nghệ thông tin - truyền thông, con người và những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam ít nhiều đã bị tác động và biến đổi. Bên cạnh những nhân tố tích cực thúc đẩy nền văn hóa phát triển hiện đại, tạo ra những công cụ, phương tiện để giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thì cũng tồn tại nhiều nhân tố tác động xấu khiến cho giá trị văn hóa truyền thống trở nên lạc hậu hoặc bị mai một, bị biến dạng.
Trước hoàn cảnh đó, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa ở nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, xây dựng được một nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc. Đó là nền văn hóa bao gồm sự thống nhất trong tính đa dạng và phong phú của nền văn hóa của các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam, của các vùng, các địa phương trong nước; tính phong phú đa dạng đó được nhân lên gấp nhiều lần do được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử gắn liền với công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc, biểu hiện cụ thể ở những giá trị văn hóa bền vững, là tổng hợp các giá trị tinh thần tiêu biểu của dân tộc, như: Tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tính cộng đồng gắn kết giữa cá nhân, gia đình, quê hương, tổ quốc, tinh thần nhân nghĩa, nhân ái thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc, tinh thần lao động cần cù sáng tạo, lối sống tinh tế, khiêm tốn, giản dị và trung thực...
Chúng ta đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới, xây dựng hình ảnh một đất nước Việt Nam thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế, đồng thời tiếp thu những giá trị văn hóa, khoa học kỹ thuật tiên tiến của nhân loại phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Bản sắc văn hóa dân tộc đã trở thành cơ sở để liên kết xã hội và liên kết các thế hệ tạo nên sức mạnh tinh thần của cả dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử.
3. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa hội nhập quốc tế hiện nay
Để tiếp tục sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc làm nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực, sức mạnh nội sinh quan trọng của sự nghiệp đổi mới đất nước, bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội  nhập kinh tế quốc tế, các nghị quyết của Đảng tiếp tục đề cao nhiệm vụ văn hóa với những phương châm, giải pháp cụ thể.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã nhấn mạnh:  “Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ;… Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tiếp thu những tinh hoa văn hoá nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao. Phát triển, nâng cao chất lượng sáng tạo văn học, nghệ thuật; khẳng định và biểu dương các giá trị chân, thiện, mỹ, phê phán những cái lỗi thời, thấp kém, đấu tranh chống những biểu hiện phản văn hoá...”[3].
Nghị quyết trung ương 9, khóa XI của Đảng về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã nhấn mạnh nhiệm vụ: Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Kế thừa, phát triển quan điểm chỉ đạo, những định hướng lớn của Đảng và tình hình phát triển văn hóa Việt Nam thời gian qua, tiếp tục quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[4]
Bởi vì giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc không có nghĩa là đóng cửa, khép kín, “nhốt” nền văn hóa dân tộc khỏi sự ảnh hưởng của bên ngoài mà nó còn đồng nghĩa với việc giao lưu hợp tác văn hóa để tiếp nhận những giá trị văn hóa của nhân loại tiến bộ làm cho nền văn hóa dân tộc giàu có hơn, hiện đại hơn, có sức sống mãnh liệt hơn, đề kháng trước những yếu tố phản văn hóa; giáo dục chủ nghĩa yêu nước, trang bị tri thức văn hóa dân tộc cho mỗi người dân Việt Nam để mỗi người Việt Nam dù ở trong nước hay nước ngoài đều cảm thấy tự hào về đất nước ngàn năm văn hiến đồng thời nâng cao trách nhiệm, tính tích cực, tự giác trong giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trước bối cảnh mới của dân tộc và thời đại.
Tóm lại, trước xu thế toàn cầu hóa của thế giới hiện nay, không một quốc gia nào có thể phát triển trong sự tách biệt với thế giới. Hội nhập kinh tế, giao lưu về văn hóa giữa các nước đang diễn ra hết sức sôi động. Nhưng nếu không có một bản lĩnh vững vàng, một chiến lược phát triển đúng đắn thì việc giao lưu đó sẽ dẫn đến nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc. Để mở rộng giao lưu, hội nhập mà không đánh mất bản sắc của mình, chúng ta phải trở về với Tư tưởng Hồ Chí Minh: Bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, những phải lấy bản sắc văn hóa dân tộc làm nền tảng, làm bản lĩnh. Nền tảng có vững chắc, bản lĩnh có vững vàng mới tiếp thu được tinh hoa văn hóa nhân loại một cách đúng đắn, mới chủ động, tự tin hội nhập và làm giàu thêm, sáng lên đặc trưng văn hóa dân tộc.
Minh Phượng (Trường Chính trị tỉnh)
 
[1] Hồ Chí Minh. Về văn hoá. Bảo tàng Hồ Chí Minh xuất bản, Hà Nội, 1997, tr.350.
[2]Trần Văn Giàu:  Giá trị tinh thần truyền thống của dân Việt Nam, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, tr.331.
[3] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.73
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.126

Tổng số điểm của bài viết là: 22 trong 7 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUM
Giấy phép số: Giấy phép số 01/GP-TTĐT, ngày 28 tháng 8 năm 2020
Chịu trách nhiệm: Ông Huỳnh Quốc Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Địa chỉ: 67 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862301
Fax: 0260. 3865464
Email: bantuyengiaotinhuykt@gmail.com
Website: http://https://tuyengiaokontum.org.vn/
Văn bản mới

TÀI LIỆU

Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam

Lượt xem:280 | lượt tải:133

TÀI LIỆU

Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đồng chí Đào Duy Tùng

Lượt xem:361 | lượt tải:310

TÀI LIỆU

Giao ban báo chí quí I-2024

Lượt xem:233 | lượt tải:74

HD.51.BTGTU

Hướng dẫn sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Lượt xem:38 | lượt tải:16

TÀI LIỆU

phổ biến, quán triệt Kết luận 72.TW và Chương trình 77.TU (gửi kèm CV 2303-CV/BTGTU)

Lượt xem:588 | lượt tải:667

TÀI LIỆU

Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú

Lượt xem:665 | lượt tải:278

HD.50.BTGTU

Hướng dẫn sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Lượt xem:639 | lượt tải:358


bao chi
bacho 2
truongsa

sls
Đăng nhập
Hãy đăng nhập tài khoản để sử dụng tài liệu Báo cáo viên
Thống kê
  • Đang truy cập46
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm45
  • Hôm nay8,951
  • Tháng hiện tại273,235
  • Tổng lượt truy cập30,348,785
Thăm dò ý kiến

Bạn có thường xuyên truy cập trang web này không?

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trang web có cần bổ sung, điều chỉnh nội dung gì không?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây