Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum

https://www.tuyengiaokontum.org.vn


Tin tức tổng hợp tuần 1 (tháng 10-2018)

Tổng Cty Tân cảng SG phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Tỉnh đoàn Kon Tum tổ chức bàn giao nhà tình nghĩa năm 2018 và tặng quà cho bà con thôn Bun Ngai, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi.
1. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG TRỌNG TÂM CỦA TỈNH TRONG TUẦN:
* Tin nhân sự trong tuần: Sáng 01-10, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa chủ trì Lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Đăng Trình – Trưởng phòng Tổng hợp, Văn phòng UBND tỉnh giữ chức Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh; thời gian bổ nhiệm 5 năm, từ 1/10/2018.
* Từ ngày 01 đến 04-10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri tỉnh Kon Tum trước kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khoá XIV.
Theo đó, đã tiến hành tiếp xúc cử tri tại 10 điểm (Xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei; Xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi; Xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông; Thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô; Xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà; Xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai; Xã Đăk Tờ Lùng, huyện Kon Rẫy; Xã Đăk Nên, huyện Kon Plông; Xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy và Xã Chư Hreng, thành phố Kon Tum).
Tại các buổi tiếp xúc, Đại biểu Quốc hội tỉnh đã báo cáo với khoảng 900 cử tri về Chương trình và Nội dung kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XIV; Báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri tỉnh Kon Tum của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội đến nay;...Cử tri tham dự đã có 85 lượt phát biểu với 177 ý kiến kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ  ngành Trung ương và với chính quyền địa phương về những vấn đề mà cử tri quan tâm (trong đó có 14 ý kiến thuộc thẩm quyền các cơ quan nhà nước ở Trung ương và 163  ý kiến thuộc thẩm quyền trả lời của các cơ quan nhà nước ở địa phương).
Lãnh đạo chính quyền các cấp, lãnh đạo các ngành chức năng của tỉnh và lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã tiếp thu, giải trình, giải thích và trả lời 175/177 ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đối với 2 ý kiến chưa thể trả lời ngay cho cử tri tại hội nghị tiếp xúc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tập hợp báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét 1 ý kiến kiến nghị thuộc thẩm quyền Trung ương và đề nghị Bảo hiểm xã hội tỉnh xem xét, trả lời 1 ý kiến theo chức năng, nhiệm vụ. 
* Chiều 01-10, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa, Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Dự án Hỗ trợ quản trị địa phương trách nhiệm giải trình, đáp ứng được tại tỉnh Kon Tum. Dự cuộc họp có bà Krista Verstraelen, Trưởng đại diện Cơ quan Phát triển Bỉ tại Việt Nam, đồng Trưởng Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương triển khai Dự án.
Qua gần 2 năm triển khai Dự án, đã có 10 hội thảo, 20 lớp tập huấn được Ban Quản lý Dự án RALG Kon Tum tổ chức với sự tham gia của trên 1.550 lượt người. Thông qua các hội thảo, các lớp tập huấn, đội ngũ cán bộ chính quyền, đoàn thể trong vùng dự án được tiếp cận những phương pháp, kỹ năng tuyên truyền, kinh nghiệm làm việc theo nhóm, kỹ năng xây dựng kế hoạch và đổi mới phương pháp giao tiếp với người dân. Trên cơ sở các lớp tập huấn, hội thảo, đã có nhiều sáng kiến, nhiều hoạt động được triển khai có hiệu quả trong thực tế như sáng kiến tuyên truyền bằng song ngữ trên cụm loa truyền thanh xã, sáng kiến về lấy phiếu tín nhiệm công dân, sáng kiến tổ chức hội thi thanh niên với công tác cải cách hành chính, sáng kiến trả kết quả thủ tục hành chính về hộ dân; hoạt động xây dựng quy chế phối hợp tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân trên Cổng thông tin điện tử  của UBND tỉnh Kon Tum.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Hòa đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Cơ quan Phát triển Bỉ và tỉnh Kon Tum, biểu dương kết quả đạt được của Dự án trong gần hai năm triển khai; đề nghị các sở, ngành, địa phương cùng Ban Quản lý Dự án khẩn trương triển khai các nội dung còn lại để đảm bảo tiến độ Dự án; các địa phương, đoàn thể sớm nhân rộng các mô hình hiệu quả, hướng đến phục vụ tốt người dân, góp phần nâng cao chất lượng cải cách hành chính, nâng cao chỉ số cạnh tranh của tỉnh.
Dự án Hỗ trợ quản trị địa phương, trách nhiệm giải trình, đáp ứng được tại tỉnh Kon Tum (RALG Kon Tum) được triển khai tại tỉnh Kon Tum từ tháng 10/2017, với tổng vốn 1.130.000 Euro, tương đương 27 tỉ 570 triệu đồng. Theo đó, các địa phương gồm thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà và huyện Kon Plông được hỗ trợ để nâng cao năng  lực về truyền thông, về xây dựng kế hoạch, tiếp nhận thông tin theo hướng  tương tác, lắng nghe và xử lý thông tin từ phía người dân.
* Chiều 01-10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp đã có buổi làm việc với ngành GD&ĐT tỉnh.
Đến tháng 7/2018, toàn tỉnh có 530 cơ sở giáo dục, đào tạo với gần 140 trường mầm non, khoảng 150 trường tiểu học, hơn 110 trường THCS, gần 30 trường THPT, 01 Trung tâm Ngoại ngữ – Tin học, hơn 90 trung tâm học tập cộng đồng, 01 trường Cao đẳng Cộng đồng và 01 Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum… Đầu năm học 2018 – 2019, toàn tỉnh có 154.500 học sinh, tăng khoảng 4.000 học sinh so với năm học trước. Tổng số quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành khoảng 11.120 người. Trong đó, cán bộ quản lý hơn 1.000 người, hơn 9.200 viên chức sự nghiệp và gần 870 hợp đồng lao động. Toàn ngành hiện có gần 9.500 cán bộ, giáo viên được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp. 100% giáo viên các cấp đạt chuẩn. Qua từng năm, chất lượng học sinh các cấp học, bậc học có sự chuyển biến rõ nét. Hiện nay, 102/102 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 05 tuổi. Hơn 150 trường trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn    quốc gia, chiếm tỷ lệ gần 40%. Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục đẩy mạnh đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; tăng cường giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng giáo dục phổ thông; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh ở các cấp học; đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với cơ sở giáo dục và đào tạo.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp thống nhất và ghi nhận các ý kiến, đề xuất của đại biểu trong buổi làm việc; chia sẻ những khó khăn chung của ngành GD&ĐT tỉnh về việc thiếu giáo viên, thiếu trang thiết bị dạy và học… ở một số trường trong tỉnh; đề nghị ngành tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, sử dụng hiệu quả nguồn xã hội hóa vào hoạt động giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh; quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác giáo dục tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở GD&ĐT tích cực phối với các đơn vị liên quan sắp xếp, kiện toàn, hoàn thiện các cơ sở giáo dục trong tỉnh; chủ động khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; chú trọng đào tạo lưu học sinh Lào và Campuchia đang học tập tại tỉnh Kon Tum.
* Chiều 02-10, đồng chí Nguyễn Văn Hòa- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp trực tuyến thường kỳ tháng 9 của UBND tỉnh.
Theo báo cáo trình bày tại phiên họp, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm của tỉnh tiếp tục duy trì được nhịp độ phát triển ở các ngành và các lĩnh vực.
Tuy nhiên, tỉnh ta cũng gặp một số khó khăn như diễn biến phức tạp của mưa lũ, gây thiệt hại nặng nề ở một số địa phương; tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư công còn chậm; công tác cải cách hành chính, giải quyết thủ tục đầu tư có nhiều tiến bộ song vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu...
Tính đến ngày 15/9, tổng diện tích các cây trồng vụ mùa 2018 đạt 163.061,4ha bằng 102% kế hoạch và tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tương đối ổn định.
Từ đầu năm đến nay trên địa bàn toàn tỉnh không xảy ra cháy rừng, tuy nhiên đã phát hiện 359 vụ vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng với khối lượng vi phạm hơn 1.985,1mgỗ tròn, quy tròn các loại, với diện tích rừng bị thiệt hại khoảng 22,47ha.
Công tác xây dựng nông thôn mới được chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện quyết liệt.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 9 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 16,21%. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn ước đạt 12.466 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Thu ngân sách  nhà nước 9 tháng đầu năm ước đạt 1.958 tỷ đồng, bằng 89,3% dự toán và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 9, tỉnh tổ chức thành công Hội nghị “Đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác” và phiên “Gặp gỡ, trao đổi cơ hội, hợp tác đầu tư giữa tỉnh Kon Tum với đối tác Hàn Quốc”. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, duy trì được các hoạt động đảm bảo các điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong Khu kinh tế cửa khẩu và các khu công nghiệp. Tính đến 20/9/2018, đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho 175 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 1.185 tỷ đồng.
Về lĩnh vực văn hóa xã hội, chất lượng giáo dục đào tạo được tập trung nâng cao; các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao diễn ra sôi động. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động tiếp tục được quan tâm thực hiện. Tổng số lao động được tạo việc làm thông qua chương trình việc làm từ đầu năm đến nay là 1.756 lao động, đạt 106% kế hoạch. Quốc phòng - an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo…
Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Nguyễn Văn Hòa chỉ đạo các ngành, các địa phương cần rà soát lại kế hoạch năm 2018 để có hướng phấn đấu thực hiện đạt hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong các tháng còn lại của năm 2018; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Việc khắc phục những thiệt hại do mưa lũ cần triển khai khẩn trương; đồng thời xem xét hỗ trợ kinh phí di dời các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao; phòng chống dịch bệnh ở người và gia súc. Các ngành, các địa phương quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý các dự án liên quan đến rừng để thu hút đầu tư. Trong điều kiện thời tiết còn có những diến biến phức tạp cần có những theo dõi và ứng biến kịp thời để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Về xây dựng nông thôn mới cần có chỉ đạo quyết liệt để 8 xã hoàn thành về đích đúng hẹn; đồng thời tiếp tục hỗ trợ cho các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới giữ vững các tiêu chí…
* Sáng 02-10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Nga cùng lãnh đạo các sở, ngành đã làm việc với Đài PT – TH tỉnh.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Đài PT – TH tỉnh báo cáo tình hình hoạt động của Đài 9 tháng đầu năm 2018.  Đài PT-TH tỉnh hiện có 86 cán bộ, viên chức và người lao động; trong đó có 57 biên chế, 28 hợp đồng dài hạn. Đài đang duy trì lịch phát sóng phát thanh, truyền hình 05 thứ tiếng gồm tiếng phổ thông, Sê Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ – Triêng, với 04 bản tin thời sự sáng, trưa, chiều, tối; sản xuất 35 chuyên mục truyền hình và 25 chuyên mục phát thanh. Đài PT – TH tỉnh đang hợp tác, trao đổi chương trình truyền hình với các tỉnh duyên hải miền Trung – Tây Nguyên và Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, Đài đang thực hiện truyền dẫn và phát sóng analog mặt đất, chưa thực hiện việc phát sóng vệ tinh. Do hạn chế về kinh phí, nguồn lực, con người, Đài chưa sản xuất được nhiều chương trình phổ biến kiến thức, văn nghệ, giải trí, ký sự, phim tài liệu,… Một số trang thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất chương trình, tác nghiệp của phóng viên đã hư hỏng, xuống cấp nhưng chưa có điều kiện đầu tư, mua sắm thay thế.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Nga ghi nhận, biểu dương nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên Đài PT – TH tỉnh 9 tháng đầu năm 2018; chia sẻ những khó khăn về kinh phí, nguồn nhân lực mà Đài đang gặp phải. Đồng thời đề nghị Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ Đài mua sắm trang thiết bị, máy móc sản xuất chương trình;  Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tích cực phối hợp với Đài PT – TH và các đơn vị liên quan tham mưu phát sóng truyền hình Kon Tum trên vệ tinh Vinasat, thực hiện số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất đảm bảo đúng lộ trình. Về phía Đài PT – TH tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Đài tiếp tục xây dựng kế hoạch, phương án khắc phục tồn tại hiện có; chủ động thống kê, rà soát công việc, nhiệm vụ đã, đang và sắp triển khai. Đồng thời mong muốn thời gian tới, đội ngũ cán bộ, nhân viên, phóng viên, biên tập viên của Đài nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, dân chủ, làm việc hiệu quả, chủ động, sáng tạo, bám sát cơ sở để đưa tin nhanh chóng, kịp thời, nhất là từng bước nâng cao chất lượng chương trình trên sóng phát thanh và truyền hình.
* Chiều 02-10, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ trong tâm quý IV năm 2018.
Tham dự có đại diện lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; đồng chí A Miên, Chính ủy - Bí thư Đảng bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì.
Theo báo cáo của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh, trong quý III/2018 Lãnh đạo cơ quan, đơn vị phối hợp nắm, báo cáo kịp thời tình hình có liên quan cả nội và ngoại biên; triển khai các kế hoạch tăng cường bảo vệ biên giới trong dịp lễ, sự kiện diễn ra ở trong nước; quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng, tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới, cửa khẩu theo đúng quy định; tiếp tục triển khai thực hiện công tác cắm các mốc phụ tuyến Việt Nam - Campuchia; tăng cường chỉ đạo và triển khai kế hoạch đấu tranh ngăn chặn hoạt động khai thác, vận chuyển lâm sản, khoáng sản trái phép, các loại tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, ma túy, mua bán vận chuyển pháo nổ, pháo hoa qua biên giới, cửa khẩu; tham mưu UBND tỉnh tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP và sơ kết “Ngày biên phòng toàn dân” giai đoạn 2009-2019; làm tốt công tác chuẩn bị giao lưu biên giới hữu nghị lần thứ nhất theo kế hoạch; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra nhiệm vụ huấn luyện, xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật; tham gia các lớp tập huấn do BTL bộ đội biên phòng và các sở, ban ngành địa phương tổ chức; tuyên truyền và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 71 năm Ngày thương binh liệt sĩ; tổ chức hội thao thể dục thể thao; các đơn vị đẩy mạnh tăng gia sản xuất và đảm bảo đầy đủ các chế độ, tiêu chuẩn cho bộ đội; phát huy hiệu quả việc khám chữa bệnh và chương trình quân dân y kết hợp, đảm bảo quân số khỏe đạt 98,5%; thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho cán bộ, chiến sĩ...
Quý IV/2018, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau: Quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới; chủ động nắm chắc tình hình địch, tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sỹ và quần chúng nhân dân khu vực biên giới; phối hợp đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động vượt biên, các hoạt động khai thác, vận chuyển lâm sản, khoáng sản trái phép; nâng cao chất lượng, hiệu quả Hội đàm, giao ban, thông báo, trao đổi tình hình thường xuyên, đột xuất cấp tỉnh và cấp Đồn Biên phòng; phối hợp tuần tra song phương với lực lượng bảo vệ biên giới phía đối diện. Tham mưu tổ chức tốt giao lưu biên giới hữu nghị lần thứ nhất giữa tỉnh Kon Tum với tỉnh Rattanakiri/Cămpuchia và tỉnh Attapư, Sê Kông /Lào; tổ chức gặp mặt cán bộ hưu trí BĐBP qua các thời kỳ và cán bộ, chiến sỹ trong BĐBP tỉnh nhân kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống BĐBP tỉnh.
Xây dựng Nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ năm 2019, tổ chức Hội nghị Đảng ủy phiên cuối năm; Hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình Ban Thường vụ, Bộ Chỉ huy năm 2018; tham mưu rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ chỉ huy, quản lý các cấp; xét, điều động bổ nhiệm chức vụ cán bộ; tổng kết các mặt công tác Biên phòng năm 2018, xây dựng triển khai kế hoạch năm 2019; Đại hội thi đua quyết thắng trong BĐBP tỉnh giai đoạn 2013-2018; tham gia thi Đội tuyên truyền văn hóa cấp Bộ Tư lệnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý dứt điểm các biểu hiện vi phạm và vụ việc xảy ra, hạ tỷ lệ vi phạm kỷ luật thông thường xuống mức thấp nhất. Thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ; công tác tổ chức, cán bộ và công tác đảng vụ...
* Ngày 03-10, đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các ngành liên quan của tỉnh đã có buổi tiếp, làm việc với Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về tìm hiểu dự án "Hiện đại hóa thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu vay vốn ADB” trên địa bàn tỉnh.
Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Phó Trưởng Ban CPO thủy lợi Nguyễn Cảnh Tĩnh; chuyên gia người Nhật ông Takakư và thành viên đoàn công tác.
Để tham gia Dự án "Hiện đại hóa thủy lợi nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu" vay vốn OCR của ADB, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát hạn mức nợ công, khả năng vay và trả nợ vay của địa phương trong kết hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để ước tính khả năng vay lại nguồn vốn OCR và nguồn đối ứng có thể cung cấp của tỉnh cho dự án này và khả năng tham gia của tỉnh trong dự án trên và đề xuất những nội dung đầu tư dự kiến trong dự án.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp thống nhất tham gia dự án "Hiện đại hóa thủy lợi nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu" vay vốn OCR của ADB vì hiện nay tình trạng hạn hán, thiên tai xảy ra dẫn đếnthiếu nước sinh hoạt, không đáp ứng được nhu cầu phục vụ sản xuất; nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh nhất là các hồ chứa đã xuống cấp, không trữ đủ nước để phục vụ sản xuất, cấp nước sinh hoạt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm cơ quan đầu mối phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát đề xuất những nội dung đầu tư dự kiến trong dự án theo đề nghị của Đoàn công tác, tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân xem xét, đồng thời đề nghị Ban CPO thủy lợi hỗ trợ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện các thủ tục trong quá trình triển khai thực hiện dự án đảm bảo thời gian quy định.
* Ngày 03-10, Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo và Công ty Bảo Việt Kon Tum, Bảo Việt Nhân Thọ Kon Tum tổ chức Lễ trao học bổng Quỹ Khuyến học Bảo Việt năm học 2018-2019.
Tại buổi lễ, Quỹ khuyến học Bảo Việt (của Tập đoàn Bảo Việt) đã trao cho Hội Khuyến học tỉnh 100 suất học bổng với tổng trị giá 100 triệu đồng.
Từ nguồn học bổng nhận được, Hội Khuyến học tỉnh đã trao 40 suất học bổng, mỗi suất 1 triệu đồng cho 40 em học sinh trên địa bàn thành phố. Sau buổi lễ, Hội Khuyến học tỉnh dự kiến sẽ đến trao học bổng cho các em học sinh vượt khó học tốt tại huyện Đăk Tô, Kon Rẫy, Đăk Hà.  
* Sáng 04-10, Ban chỉ đạo Giao lưu hữu nghị biên giới tỉnh tổ chức họp lần thứ hai để thống nhất một số nội dung về công tác chuẩn bị tổ chức Giao lưu hữu nghị biên giới lần thứ nhất tại tỉnh, dự kiến diễn ra trong 2 ngày 2-3/11/2018.
Đồng chí Lê Ngọc Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Tham dự cuộc họp có đồng chí Lê Thị Kim Đơn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện các sở, ban, ngành là thành viên Ban chỉ đạo.
Trong thời gian qua, các thành viên Ban chỉ đạo đã triển khai một số nội dung: trao đổi thống nhất với lực lượng bảo vệ biên giới phía đối diện; triển khai các hoạt động trước khi giao lưu như ghi hình, trình chiếu tại buổi tọa đàm; triển khai các hoạt động giao lưu chính; tham mưu và ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành chương trình giao lưu hữu nghị biên giới.
Trước đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng hoàn thành nội dung khám chữa bệnh, tặng hàng trăm suất quà cho nhân dân khu vực biên giới đối diện của Lào và Campuchia; trồng vườn cây hữu nghị tại cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia (hiện đã trồng trên đất Việt Nam 285 cây/10.615m2, trên đất Lào 159 cây/5.525m2, trên đất Campuchia 256 cây/8.885m2).
Hiện các tiểu ban của ban chỉ đạo cũng đã thiết kế logo, in ấn giấy mời, các pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền và khảo sát, hợp đồng các khách sạn bố trí nơi ăn, nghỉ cho các đoàn…
Trong thời gian tới, các thành viên Ban chỉ đạo tiếp tục triển khai luyện tập kịch bản thực hiện các hoạt động chính trong giao lưu hữu nghị…
Kết luận cuộc họp, đồng chí Lê Ngọc Tuấn đề nghị thường trực Ban chỉ đạo xây dựng hoàn thiện kế hoạch tổ chức hội nghị giao lưu hữu nghị biên giới lần thứ nhất; xây dựng và hoàn thiện các nội dung đã được chỉnh sửa tại cuộc họp. Với chức năng nhiệm vụ được giao, các đơn vị phối hợp thực hiện chu đáo, đầy đủ các nội dung đã được xây dựng, nhất là phần kịch bản. Đồng chí cũng mong muốn các thành viên cũng như các đơn vị trong Ban chỉ đạo phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền cũng như công tác chuẩn bị để giao lưu thành công tốt đẹp.
* Chiều 04-10, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị liên tịch với UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thống nhất nội dung và thời gian tiến hành Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Khóa XI. Đồng chí Kring Ba - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, chủ trì Hội nghị.
Hội nghị thảo luận và thống nhất, Kỳ họp thứ 7 - HĐND tỉnh Khóa XI dự kiến tiến hành trong 3 ngày (từ ngày 05 đến ngày 07/12/2018). Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét, cho ý kiến 27 báo cáo do Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Hội thẩm nhân dân của TAND tỉnh trình và 24 tờ trình dự thảo nghị quyết về các nội dung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương và phân bổ kết dư ngân sách tỉnh năm 2017; dự toán ngân sách địa phương và phương án phân bổ dự toán ngân sách tỉnh năm 2019; kế hoạch vay, trả nợ công năm 2019 và danh mục dự án thuộc cấp tỉnh đầu tư từ nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, nguồn vốn vay trong nướcc; kế hoạch đầu tư công năm 2019; giao biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước và phê duyệt tổng số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh năm 2019; Đề án đặt tên, điều chỉnh tên đường, phố (đợt 7) trên địa bàn thành phố Kon Tum...
Ngoài ra, kỳ họp còn xem xét, miễn nhiệm Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021; tổ chức lấy phiếu tín, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ Hội đồng nhân dân bầu và nghe Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thông báo về hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng chính quyền.
Để Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh đạt kết quả tốt, Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu các cơ quan khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện; giao Văn phòng HĐND tỉnh theo dõi, tham mưu, giúp Thường trực HĐND tỉnh đôn đốc các cơ quan, đơn vị hữu quan thực hiện đúng quy định về công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Khóa XI.
* Ngày 04-10, Tổng Cty Tân Cảng Sài Gòn phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Tỉnh đoàn và Huyện ủy Ngọc Hồi tổ chức Lễ bàn giao nhà tình nghĩa và trao học bổng cho học sinh nghèo, các gia đình chính sách trên địa bàn huyện năm 2018.
Tham dự Lễ có đồng chí Lê Thị Kim Đơn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo Tổng Cty Tân cảng Sài Gòn cùng Đoàn công tác; lãnh đạo Tỉnh đoàn và Huyện ủy Ngọc Hồi.
Theo đó, đã bàn giao 03 ngôi nhà tình nghĩa (do Tổng Cty hỗ trợ) cho 03 gia đình chính sách thôn Bun Ngai, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, trị giá 80 triệu đồng/căn; trao 20 suất học bổng “Thắp sáng ước mơ” cho con, em gia đình chính sách gặp hoàn cảnh khó khăn tại địa bàn, trị giá 01 triệu đồng/suất học bổng.
Đây là hoạt động thực hiện Chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo giữa Quân cảng Sài Gòn và Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ (Chương trình số: 1064-CT/ĐUQCSG- BTGTUKT, ngày 23-4-2018); và Kế hoạch 4918 KH/CTr, ngày 04-9-2018 của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn về việc tuyên truyền biển đảo kết hợp thực hiện công tác dân vận, bàn giao nhà tình nghĩa tại tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Nông trong năm 2018.
* Ngày 05-10, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn tổ chức Hội nghị tuyên truyền biển, đảo năm 2018.
Tại Hội nghị, gần 300 cán bộ, giáo viên, học sinh đến từ 10 huyện, thành phố đã được nghe thông tin về chủ quyền biển, đảo Việt Nam; tình hình Biển Đông, những động thái mới của các nước trên Biển Đông thời gian gần đây và sự phát triển của lực lượng Hải quân; quan điểm của Đảng, Nhà nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc…
Nhân dịp này, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã trao 30 suất học bổng cho các em học sinh vượt khó học giỏi trên địa bàn tỉnh, mỗi suất học bổng trị giá 1 triệu đồng.
* Ngày 05-10, đồng chí Lê Ngọc Tuấn - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án di dân, bố trí, sắp xếp dân cư trên địa bàn huyện Ia H’Drai đã chủ trì cuộc họp để đánh giá tình hình thực hiện Đề án trong 9 tháng đầu năm 2018 và giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian triển khai Đề án di dân, bố trí, sắp xếp dân cư trên địa bàn huyện Ia H’Drai theo Quyết định số 285/QĐ-UBND ngày 23 tháng 3 năm 2018  của Ủy ban nhân dân tỉnh, các doanh nghiệp trồng cao su trên địa bàn đã tuyển dụng, được 578 lao động/1881 lao động cần tuyển để bố trí vào các điểm dân cư trên địa bàn, số lao động tuyển mới được bố trí xen kẽ tại một số điểm dân cư theo quy hoạch.
Ngoài ra, đã đầu tư xây dựng 132 căn nhà để bố trí nơi ở cho công nhân và gia đình; xây dựng mới 23 phòng học (gồm lớp học mầm non 5 phòng, tiểu học 18 phòng)  phục vụ cho việc học tập của học sinh tại các điểm dân cư xa trung tâm xã...
Bằng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, hiện nay huyện đã xây dựng cơ bản hoàn thành các hạng mục công trình ở điểm dân cư 64, đủ điều kiện để đón khoảng 100 hộ dân di dân từ các huyện khác trên địa bàn tỉnh đến theo đề án di dân, bố trí sắp xếp dân cư.
Tuy nhiên, công tác di dân, bố trí, sắp xếp dân cư trên địa bàn huyện Ia H’Drai còn gặp nhiều khó khăn như các doanh nghiệp tuyển dụng lao động chưa có sự phối hợp chặt chẽ kết hợp với di dân, bố trí ổn định dân cư theo hướng dẫn tại Thông tư 19/2015/TT-BNNPTNT ngày 27 tháng 4 năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đời sống nhân dân trên địa bàn còn khó khăn, nhất là gia đình của công nhân mới ...
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Ngọc Tuấn giao Ủy ban nhân dân huyện Ia H’Drai khẩn trương hoàn thành việc đầu tư xây dựng các công trình thuộc dự án: Xây dựng điểm dân cư số 64, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai đảm bảo các điều kiện để đón dân về nơi ở mới. Chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum, Ủy ban nhân dân huyện Sa Thầy, Công ty cổ phần đầu tư Duy Tân và các đơn vị liên quan họp, bàn chọn cách thức xây dựng nhà ở để bố trí, sắp xếp dân cư trên địa bàn huyện Ia H’Drai; Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục và đầu tư tuyến đường tỉnh lộ 675A ưu tiên thực hiện trước các đoạn tuyến xung yếu đi qua điểm dân cư số 64 để đảm bảo đi lại cho người dân. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc và chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Ia H’Drai, các thành viên Ban chỉ đạo và các đơn vị liên quan có giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án; tăng cường, kiểm tra đôn đốc, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Đề án; định kỳ tổng hợp, xây dựng báo cáo tình hình thực hiện Đề án trình Ban Chỉ đạo theo quy định.
* Sáng 05-10, Ban Đại diện Người cao tuổi huyện Kon Rẫy tổ chức Hội nghị đối thoại với người cao tuổi về chính sách, chế độ của Đảng và Nhà nước.
Tại Hội nghị, đã có 7 ý kiến, kiến nghị của người cao tuổi ở các xã, thị trấn đề nghị Đảng và Nhà nước hạ độ tuổi được hưởng trợ cấp cho người cao tuổi từ 80 tuổi xuống 75 tuổi; chế độ phụ cấp đối với cán bộ chi hội phó ở cơ sở. Ban Bảo vệ, chăm sóc người cao tuổi cần có kế hoạch đến các thôn vùng sâu, vùng xa để khám chữa bệnh cho các cụ già yếu không đến được cơ sở y tế; đề nghị bệnh viện cấp trên bố trí thuốc cho Trung tâm Y tế huyện để cấp cho người cao tuổi; người cao tuổi đang nuôi con khuyết tật và người cao tuổi bị tai biến được hưởng chế độ bảo trợ xã hội …
Lãnh đạo Ban Công tác Người cao tuổi huyện Kon Rẫy và Phòng LĐ-TB& XH huyện đã trả lời những ý kiến, kiến nghị của người cao tuổi, nhằm hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người cao tuổi để có những giải pháp thực hiện chủ trương chính sách Đảng và Nhà nước phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho người cao tuổi.
Nhân Tháng hành động Vì người cao tuổi năm 2018, huyện Kon Rẫy có 14 người cao tuổi khó khăn được Ban Đại diện Người cao tuổi tỉnh và huyện tặng 14 suất quà, trị giá 500.000đ/suất.
2. MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI CỦA TỈNH TRONG TUẦN:
* Ngày 21/9/2018, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2667/UBND-KGVX yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản...
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt những nội dung cơ bản của Kết luận của Ban Bí thư, Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến đội ngũ phóng viên, biên tập viên cơ quan báo, đài của tỉnh, hội viên Hội Nhà báo tỉnh, thành viên ban biên tập đặc san, bản tin, Cổng thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin điện tử, đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thành phố.
Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên internet; cung cấp, cập nhật thông tin lên Cổng/Trang TTĐT của cơ quan, đơn vị theo đúng quy định. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động báo chí - xuất bản; việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Tăng cường công tác quản lý, hoạt động của phóng viên báo chí đăng ký thường trú trên địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, xuất bản.
UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan tham mưu và tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí, cán bộ phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính, cán bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí, xuất bản ở tỉnh và ở các huyện, thành phố.
* Ngày 27/9/2018, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2726/UBND-NNTN về thực hiện Công điện số 1194/CĐ-TTg ngày 12 tháng 9 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.
Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban ngành và các đơn vị thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố Kon Tum theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu phi xâm nhiễm vào Việt Nam trên địa bàn tỉnh Kon Tum theo Công điện số 1194/CĐ-TTg ngày 12 tháng 9 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 2570/UBND-NNTN ngày 12 tháng 9 năm 2018.
Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.Tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi nhập cảnh vào tỉnh Kon Tum...
* Ngày 28/9/2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2737/KH-UBND về việc thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung triển khai một số công tác trọng tâm, như:
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục: Đổi mới công tác giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật về cai nghiện, quản lý sau cai, phòng, chống và kiểm soát ma túy… với nhiều nội dung phong phú, hình thức phù hợp; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, sử dụng có hiệu quả loa, đài phát thanh, bản tin xã, phường, thị trấn; lồng ghép tuyên truyền trực tiếp thông qua tọa đàm, hội thảo, tập huấn, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ... Tập trung tuyên truyền tại địa bàn dân cư, trường học, cơ quan, doanh nghiệp... chú trọng đến những người có nguy cơ cao, người nghiện ma túy ở cộng đồng, học sinh, sinh viên trong các trường học, cán bộ, người lao động trong doanh nghiệp. Phối hợp các đoàn thể vận động người nghiện tự nguyện đi cai nghiện, giúp đỡ quản lý người sau cai nghiện ma túy, giảm tỷ lệ tái nghiện.
Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác điều trị, cai nghiện ma túy: Tiếp tục thực hiện các hình thức, biện pháp cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, tại Trại tạm giam Công an tỉnh, mô hình quân dân y kết hợp của Bộ đội Biên phòng. Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc các huyện, thành phố chỉ đạo lực lượng Công an, ngành Lao động - TBXH, UBND cấp xã phối hợp chặt chẽ trong công tác lập hồ sơ, xét duyệt đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc, đảm bảo đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục và đạt chỉ tiêu được giao; chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tích cục vận động người nghiện ma túy cai nghiện tự nguyện. Tăng cường hướng dẫn công tác cai nghiện tại cơ sở cai nghiện; dành từ 70% lượng thời gian trở lên cho các hoạt động tư vấn, học văn hóa, học nghề.
Đẩy mạnh công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng: Tổ chức thực hiện có hiệu quả mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh theo Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn về quy trình tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng; về chế độ chính sách đối với người cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Tích cực vận động người nghiện cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Tổ chức tốt công tác cắt cơn, giáo dục, tư vấn, dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện, giúp họ sớm tái hòa nhập cộng đồng. Tiếp tục triển khai thực hiện điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cho người nghiện ma túy tại các cơ sở điều trị.
Tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý sau cai nghiện và công tác tái hòa nhập cộng đồng: Thực hiện tốt công tác quản lý sau cai nghiện ma túy; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa cơ sở cai nghiện, chính quyền địa phương với cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người sau cai nghiện ma túy học nghề, lao động sản xuất, giải quyết việc làm. Lm tốt công tác quản lý sau cai, đảm bảo 100% số người đã cai nghiện bắt buộc, tự nguyện ở các cơ sở cai nghiện trở về cộng đồng được quản lý sau cai, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tái nghiện; đẩy mạnh hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, thu nhập cho người sau cai nghiện ổn định cuộc sống.
Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ trực tiếp làm công tác cai nghiện, quản lý sau cai: Tiếp tục mở các lớp đào tạo cơ bản, nâng cao đối với cán bộ làm công tác quản lý, điều trị, cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai tại các cơ sở cai nghiện và cộng đồng. Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý và chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên trách làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội, cán bộ tham gia công tác cai nghiện tại xã, phường, thị trấn.
Thực hiện hợp tác quốc tế trong công tác cai nghiện: Tranh thủ sự giúp đỡ về tài chính, chuyên môn kỹ thuật, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài trợ huy động được của các tổ chức quốc tế phục vụ hiệu quả công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn. Tiếp tục triển khai các dự án, đồng thời, phát triển các dự án mới trong lĩnh vực cai nghiện và hỗ trợ quản lý sau cai tại cộng đồng, điều trị cai nghiện giảm tác hại lây nhiễm HIV/AIDS.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và tình hình thực tế tại cơ quan, địa phương, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - TBXH theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Kế hoạch này.
* Ngày 28/9/2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1272/QĐ-TTg Về việc tặng và truy tặng Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ tặng Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày cho 03 cá nhân thuộc tỉnh Kon Tum, đã nêu cao tinh thần kiên trung bất khuất, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp Cách mạng giải phóng dân tộc, cụ thể: (1) Ông A Đôn, trú tại xã Măng Buk, huyện Kon Plông; (2) Ông A Đao, trú tại xã Pờ Ê, huyện Kon Plông; (3) Bà Bùi Thị Thanh Nga, trú tại Phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum.
Thủ tướng Chính phủ cũng truy tặng Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày cho ông Võ Phụng (trú quán thân nhân: Phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum).
* Ngày 02/10/2018, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2756/UBND-NC chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, thi hành Luật Tiếp cận thông tin trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, yêu cầu các các sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục triển khai đầy đủ các nội theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Kế hoạch số 1272/KH-UBND ngày 16/5/2017 về triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin trên địa bàn tỉnh và Công văn số 951/UBND-NC ngày 17/4/2018 về triển khai thi hành Luật tiếp cận thông tin. Tuyên truyền, phổ biến Luật và Nghị định số 13/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm cho việc thực hiện đầy đủ quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định.
Rà soát và khẩn trương ban hành, công bố công khai Quy chế nội bộ về tổ chức cung cấp thông tin thuộc phạm vi trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương, đảm bảo đầy đủ các nội dung của Quy chế theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 34 của Luật Tiếp cận thông tin; trường hợp cơ quan không ban hành Quy chế riêng thì có thể bổ sung, tích hợp vào Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí nhưng phải bảo đảm đầy đủ các nội dung theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 34 của Luật.
* Ngày 02/10/2018, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 2761/UBND-KGVX về chỉ đạo tăng cường quản lý công tác nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh và UBND các huyện, thành phố tuân thủ và thực hiện nghiêm các quy định pháp luật hiện hành về trẻ em và nuôi con nuôi; nội dung chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 560/UBND-NC ngày 08/3/2018 về việc tăng cường công tác giải quyết nuôi con nuôi trong tình hình mới.
Giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Hướng dẫn các cơ sở trợ giúp xã hội (đặc biệt là các cơ sở ngoài công lập) thực hiện đúng trình tự, thủ tục tiếp nhận, quản lý, sử dụng các khoản hỗ trợ từ phía cha mẹ nuôi và tổ chức con nuôi nước ngoài theo quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục địch chăm sóc và bảo vệ trẻ em; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tiếp nhận và giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở các cơ sở trợ giúp xã hội nhằm ngăn ngừa, phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật; rà soát, đánh giá năng lực và đề xuất kiện toàn cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cán bộ, nhân viên của các cơ sở trợ giúp xã hội (đặc biệt là các cơ sở ngoài công lập) trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi; thực hiện cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở trợ giúp xã hội đủ điều kiện theo quy định pháp luật hiện hành; chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã định kỳ 6 tháng tổ chức đánh giá việc trẻ em đang được các cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế để xem xét, quyết định chuyển đổi hình thức thay thế phù hợp, trong đó có nuôi con nuôi.
Đồng thời, định kỳ 6 tháng một lần, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phảitổ chức thực hiện; đôn đốc, hướng dẫn Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện thực hiện việc rà soát danh sách trẻ em tại các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc đơn vị, địa phương quản lý; tiếp nhận kiến nghị của các sở trợ giúp xã hội để xem xét, quyết định hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chuyển trẻ em sang hình thức chăm sóc thay thế phù hợp, trong đó có nuôi con nuôi theo quy định của Luật trẻ em.
 
 
Nguyễn Phi Em (tổng hợp)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây