Công tác tư tưởng - tuyên giáo ở tỉnh Kon Tum đã được hình thành từ rất sớm, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, và được đánh dấu bằng hoạt động tuyên truyền, vận động binh lính và quần chúng nhân dân của những người tù chính trị bị thực dân pháp đày lên giam giữ tại Nhà lao Kon Tum trong những năm 1930-1931. Về sau, công tác tư ưởng - tuyên giáo trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì, phát huy mạnh mẽ và thực hiện theo từng chủ đề nội dung, gắn với từng giai đoạn lịch sử.
Từ khi chi bộ đảng đầu tiên ra đời (25-9-1930), công tác tư tưởng - tuyên giáo được thực hiện bởi các đảng viên và các chiến sỹ Cộng sản, tiếp tục chú trọng đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tích cực tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân, binh lính, cai tù hướng về cách mạng. Công tác tuyên giáo trong Cách mạng Tháng Tám (1945) là xây dựng nền tảng tư tưởng cách mạng của Đảng trong lòng quần chúng nhân dân các dân tộc, tạo tiền đề tư tưởng cách mạng vững chắc cho giai đoạn cách mạng tiếp theo. Trong giai đoạn chiến tranh ác liệt nhất của toàn dân tộc nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng (1945-1975), công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh tập trung tuyên truyền, khơi dậy tinh thần yêu nước của quân và dân các dân tộc trong tỉnh, cống hiến sức người, sức của để đánh thắng kẻ thù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với những chiến thắng vang dội đi vào sử sách như: Chiến thắng Măng Đen - Măng Bút (1954), Đăk Tô - Tân Cảnh (1972), Đăk Pét (1974)… góp phần giải phóng tỉnh Kon Tum, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Thực hiện Quyết định của Ủy ban nhân dân cách mạng Khu Trung bộ (ngày 29-10-1975), hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum sáp nhập thành một tỉnh lấy tên là Gia Lai - Kon Tum. Giai đoạn này, công tác tuyên giáo triển khai thực hiện nhiệm vụ dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Gia Lai - Kon Tum.
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII diễn ra từ ngày 27-7-1991 đến ngày 12-8-1991 đã ra Nghị quyết về việc thành lập lại tỉnh Kon Tum trên cơ sở giải thể tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Để củng cố tổ chức bộ máy của Đảng bộ sau khi thành lập lại tỉnh, Bộ Chính trị khóa VII đã ban hành Quyết định 76-QĐ/TW, ngày 07-10-1991 về việc chỉ định Ban chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Kon Tum. Ngày 09-10-1991, Ban chấp hành Đảng bộ lâm thời tỉnh Kon Tum tiến hành kỳ họp lần thứ nhất, thảo luận và quyết định một số vấn đề cấp bách. Cùng với việc thành lập các cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, ngày 14-10-1991, Quyền Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Nguyễn Văn Tiềm thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy ký Quyết định số 03-QĐ/TU thành lập Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum. Chức năng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy được xác định là nghiên cứu, đề xuất, hướng dẫn, kiểm tra công tác tư tưởng, công tác khoa giáo (gọi tắt là công tác tuyên giáo) ở các ngành, các cấp trong tỉnh.
Sự kiện này đánh dấu một bước phát triển mới của ngành tuyên giáo Đảng bộ tỉnh Kon Tum. Khi mới thành lập lại, bộ máy của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chưa được ổn định, nhưng đây là cơ sở để xây dựng, phát triển và hoàn thiện bộ máy (năm 1994) gồm 03 lãnh đạo Ban và 06 bộ phận trực thuộc. Từ đây, công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh được triển khai thực hiện dưới sự tham mưu chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn của một tổ chức bộ máy chuyên trách cấp tỉnh, có đầy đủ chức danh và bộ phận chuyên môn tham mưu… điều mà trước đây có những giai đoạn chưa có, những giai đoạn có nhưng chưa được đầy đủ, hoàn chỉnh.
Từ khi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum được thành lập lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, công tác tuyên giáo tiếp tục phát huy vị trí, vai trò, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới; bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, tổ chức các đợt học tập, sinh hoạt chính trị, tuyên truyền giáo dục về tình hình và nhiệm vụ mới; tập hợp, động viên các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hăng hái thi đua lao động, sản xuất, xây dựng tỉnh nhà ổn định về an ninh chính trị, phát triển về kinh tế; giải quyết được những vấn đề xã hội bức xúc, đấu tranh kiên quyết với những luận điệu xuyên tạc trái với đường lối, quan điểm của Đảng. Đặc biệt, trong giai đoạn này, sự kiện bạo loạn chính trị tháng 02-2001 và tháng 4-2004, các thế lực thù địch kích động, xúi giục một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức biểu tình, thành lập “Nhà nước Đêga”, trốn sang Campuchia. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp uỷ, vị trí của công tác tuyên giáo đã được phát huy, huy động đồng bộ các binh chủng tuyên truyền đồng loạt ra quân, vạch trần âm mưu, bản chất thâm độc, đấu tranh làm thất bại luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị của địa phương.
Trong giai đoạn hiện nay, xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ; sự bùng nổ của công nghệ thông tin; sự hoạt động ngày càng tinh vi của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa… đặt ra cho công tác tuyên giáo không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với bản lĩnh, kinh nghiệm, đoàn kết và được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, ngành tuyên giáo tỉnh đã có nhiều đổi mới nhằm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới, luôn hoàn thành tốt và tốt hơn trong công tác tham mưu xây dựng Đảng; góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn tỉnh. Ngành tuyên giáo đã tích cực tham mưu cấp uỷ tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, làm cho nghị quyết của Đảng đến được đông đảo cán bộ, đảng viên, Nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống; chỉ đạo nội dung bồi dưỡng lý luận chính trị, thông tin thời sự, giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyên truyền, giáo dục phát huy truyền thống cách mạng của địa phương, đất nước; chỉ đạo, định hướng hoạt động báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ; chỉ đạo công tác chính trị, tư tưởng trong đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sỹ và trong sinh viên, học sinh ở địa phương; nghiên cứu, theo dõi, tổng hợp tình hình dư luận xã hội, những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong địa bàn tỉnh; dự báo những diễn biến, xu hướng tư tưởng có thể xảy ra, kịp thời báo cáo, kiến nghị với cấp ủy phương hướng, nhiệm vụ, nội dung, biện pháp giải quyết; sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trên lĩnh vực tuyên giáo; nghiên cứu, đề xuất các đề án, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận... của cấp ủy về công tác tuyên giáo.
Sau 30 năm được thành lập lại, đội ngũ cán bộ, công chức Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum nói riêng và những người làm công tác tuyên giáo của tỉnh nói chung đã không ngừng được tăng cường, bổ sung về số lượng và phát triển về chất lượng, luôn hòa mình trong sự nghiệp cách mạng tỉnh nhà; cùng với sự góp sức của các ban, ngành, các đơn vị, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy mà thường xuyên, trực tiếp là Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đã góp phần quan trọng trong việc ổn định tình hình tư tưởng tâm trạng xã hội, củng cố nhận thức và niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bộ. Những thành quả của ngành tuyên giáo tỉnh Kon Tum đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Vai trò công tác tuyên giáo ngày càng được coi trọng. Uy tín, vị thế của ngành tuyên giáo ngày càng được nâng cao, tạo niềm tin trong Đảng bộ và trong các tầng lớp nhân dân.
Bài, ảnh: Ngô Đức Hải