Khi tỉnh Kon Tum chưa thành lập theo Nghị định của toàn quyền Đông Dương (trước năm 1913), gia đình ông Ngụy Như Bích, nguyên quán xã Minh Lương, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế đã lên sinh sống ở Rue de la Marne, ngày nay thuộc khu đường Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum. Ông Ngụy Như Bích làm việc tại Nhà dây thép (Bưu điện) Kon Tum. Vợ ông Bích làm nghề tự do.
Ngày 03-5-1913, Ngụy Như Kon Tum được chào đời tại thị trấn (danh xưng lúc ấy), nay là thành phố Kon Tum. Ông sinh ra trong hoàn cảnh Kon Tum vừa được công nhận là đơn vị hành chính cấp tỉnh (ngày 09-02-1913). Có lẽ vì con trai đầu lòng được sinh ra trùng hợp với sự kiện đặc biệt này, và vì tình cảm gắn bó sâu đậm của gia đình với mảnh đất Kon Tum mà cụ Ngụy Như Bích đã lấy luôn tên tỉnh mình đang công tác để đặt tên con.
Thời thơ ấu, Ngụy Như Kon Tum học lớp Năm, lớp Tư và lớp Ba (theo thứ tự bây giờ: lớp Một, lớp Hai, lớp Ba) ở Trường tiểu học Kon Tum - ngôi trường công lập đầu tiên và duy nhất tại đây lúc bấy giờ ở Kon Tum. Vì được ở gần và chơi thân với bạn bè người Ba-na tại chỗ, nên Ngụy Như Kon Tum nói thạo tiếng Việt, tiếng Pháp và cả tiếng Ba-na. Năm 11 tuổi (1924) ông về Huế học lớp Nhì của trường Cao đẳng tiểu học Huế, rồi sau đó là trường Quốc học”. Nhờ thông minh và ham học, ông đã trở thành một học sinh xuất sắc của trường Quốc học Huế, đậu "đíp-lôm" vào năm 1930 và được học bổng ra học Ban tú tài bản xứ ở trường Bưởi-Hà Nội. Năm 1932, Ngụy Như Kon Tum lấy luôn một lúc 3 bằng Tú tài: Tú tài bản xứ, Tú tài Tây ban Toán và Tú tài Tây ban Triết, được cấp học bổng toàn phần sang Paris học trường đại học Sorbone danh giá.
Qua 3 năm ở đại học Sorbonne, Ngụy Như Kon Tum lấy bằng Cử nhân Khoa học, 3 năm sau đỗ bằng Thạc sĩ Vật lý loại xuất sắc, trở thành vị Thạc sĩ Vật lý đầu tiên của Việt Nam. Đầu năm 1939, ông được nhà bác học người Pháp nổi tiếng là giáo sư Jolliot Curie (con trai vợ chồng bác học Pierre Curie và Marie Curie) hướng dẫn làm luận án Tiến sĩ Vật lý. Đang nghiên cứu dở dang luận án Tiến sĩ thì đại chiến thế giới thứ 2 bùng nổ, Ngụy Như Kon Tum trở về quê hương phục vụ đất nước, góp phần chống phát-xít.
Một năm sau ngày về nước, Ngụy Như Kon Tum vào dạy ở trường Chasseloup Laubard Sài Gòn. Năm 1941, ông ra Hà Nội dạy ở trường Bưởi và sáng lập hội SET để tác động tinh thần yêu nước trong thanh niên trí thức. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Ngụy Như Kon Tum làm Giám đốc Khu học xá Đông Dương. Ngày 22-8-1945, tại Khu học xá này, ông đã tổ chức buổi mít tinh cho các trí thức, sinh viên, học sinh để biểu thị tinh thần ủng hộ cách mạng và chính phủ mới, cùng tham gia ký tên vào bức điện đòi vua Bảo Đại thoái vị.
Cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, Ngụy Như Kon Tum đưa gia đình lên chiến khu Việt Bắc. Ở đây, năm 1946 Bác Hồ cho gọi ông đến, đề nghị giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Ngụy Như Kon Tum thưa với Bác rằng mình không nhận chức vụ ấy, với lý do là người chuyên nghiên cứu ở lĩnh vực tự nhiên, ít có tầm bao quát xã hội, nên không hợp làm công tác quản lý. Đến năm 1951, Ngụy Như Kon Tum được bổ nhiệm làm Giám đốc trường Sư phạm cao cấp Khu học xá Trung ương đóng ở Nam Ninh - Trung Quốc. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Ngụy Như Kon Tum được giao trách nhiệm xây dựng Đề án bậc đại học, khai mở nền móng bậc học cấp cao cho đất nước. Thời gian này ông tham gia giảng dạy vật lý tại trường Sư phạm Khoa học.
Năm 1956, Bác Hồ trực tiếp bổ nhiệm Ngụy Như Kon Tum làm Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và trở thành vị hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Tổng hợp đầu tiên này. Suốt 26 năm trên cương vị hiệu trưởng, ông đã cống hiến tâm huyết cho sự phát triển của Trường, cũng như sự nghiệp giáo dục toàn quốc. Người đương thời thường gọi ông bằng cái tên vừa thân thiện vừa trân trọng là “Nhà nhân sĩ yêu nước”.
Ngụy Như Kon Tum là đại biểu Quốc hội các khóa II, III và IV, Uỷ viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng công đoàn Việt Nam, là Chánh thư ký Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Uỷ viên Ban chấp hành Công đoàn Giáo dục thế giới, Uỷ viên Ban chấp hành Hội hữu nghị Việt - Pháp… là người dẫn đầu đoàn khoa học Việt Nam đầu tiên tham dự Hội nghị Vật lý địa cầu ở Mátxcơva năm 1957; dự Hội nghị Hòa bình thế giới tại Xtốckhôm - Thụy Điển năm 1958… tham gia biên soạn sách Từ điển Bách khoa Việt Nam; biên soạn nhiều công trình nghiên cứu và sách giáo khoa vật lý bậc trung, đại học; cùng giáo sư Nguyễn Xiển xây dựng thành công ngành Vật lý địa cầu của Việt Nam. Ngày 20-11-1990, Giáo sư được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Ngày 28-3-1991, ông đột ngột qua đời.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Ngụy Như Kon Tum, tên của ông được đặt cho tên một đường phố lớn dài ở Thủ đô Hà Nội; Hội trường trường Đại học quốc gia Hà Nội cũng được mang tên Ngụy Như Kon Tum, và có lẽ còn nhiều công trình, địa danh, đường phố trên cả nước… mang tên ông nữa. Riêng với Kon Tum - nơi gắn liền với 11 năm đầu đời của Giáo sư, tên tuổi và hình tượng Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Ngụy Như Kon Tum không những là niềm tự hào của địa phương, mà còn là biểu tượng mang tính giáo dục truyền thống hiếu học và nhân cách sống cho nhiều thế hệ. Tại thành phố Kon Tum, có một đường phố mang tên ông; một trường học mang tên ông, và Quỹ khuyến học tỉnh cũng mang tên ông.
Bài, ảnh: Ngô Đức Hải
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn