Cuối tháng 9-1930, chi bộ đảng cộng sản trong binh lính nhà lao Kon Tum được thành lập (còn gọi là Chi bộ binh) gồm 4 đảng viên, do đồng chí Ngô Đức Đệ làm Bí thư. Đây là sự kiện quan trọng của phong trào cách mạng ở tỉnh Kon Tum. Chỉ trong vòng nửa năm, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tại tỉnh Kon Tum đã ra đời một chi bộ đảng. Ngày 25-9-1930 - ngày ra đời của chi bộ đảng đầu tiên ở Kon Tum đã trở thành ngày Kỷ niệm truyền thống của Đảng bộ tỉnh Kon Tum
[1].
Chi bộ binh được thành lập với đảng viên là những “ông đội”, “ông cai”, đã làm cho tư tưởng của Đảng, ánh sáng của cách mạng càng có điều kiện nhanh chóng lan rộng, tạo thuận lợi cho Chi bộ binh hoạt động, phát triển và tiến đến thành lập tổ chức đảng mới. Trong khi xúc tiến việc thành lập Chi bộ binh, các đảng viên cộng sản đã tìm cách liên lạc, móc nối với cơ sở bên ngoài nhà lao và đã liên lạc được các cơ sở của Đảng như Hà Phú Hương (Hà Thế Hạnh), Dương Văn Lan, Nguyễn Thị Hợi, Lê Hữu Thiềm..., nối được đường dây chỉ đạo của Xứ ủy Trung Kỳ. Dưới sự tác động của đồng chí Ngô Đức Đệ, sau một thời gian chuẩn bị, đến đầu năm 1931, các đồng chí đảng viên bên ngoài nhà lao đã tiến hành thành lập chi bộ (còn gọi là Chi bộ đường phố thị xã Kon Tum), gồm 3 đồng chí Lê Hữu Thiềm, Dương Văn Lan và Nguyễn Thị Hợi, do đồng chí Lê Hữu Thiềm làm Bí thư.
Chi bộ binh đã khôn khéo bí mật tổ chức huấn luyện cho đảng viên về lý tưởng cộng sản, chủ nghĩa Mác - Lênin, về chính trị tư tưởng và phương pháp cách mạng. Chi bộ rất chú trọng phương pháp vận động binh lính địch, xây dựng cơ sở đảng, phát triển ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng nhân dân và binh lính ngoài nhà lao ở khắp thị xã; bí mật soạn thảo các bài huấn luyện bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc để đảng viên truyền miệng, làm cho Nhân dân và binh lính đoàn kết lại chống âm mưu chia rẽ của đế quốc, làm cho họ hiểu bản chất những tù nhân chính trị là yêu nước, làm cách mạng để cứu nước, cứu dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Chỉ mấy tháng sau khi thành lập, Chi bộ binh đã phát triển được 14 đảng viên, gồm cai, đội và binh lính ở trại lính Kon Tum. Đến tháng 11-1930, đồng chí Huỳnh Đăng Thơ làm Bí thư.
Khi biết anh em tù chính trị bị đày đi lao dịch ở Đăk Pao, làm đường 14 đang chết dần, chết mòn do công việc nặng nhọc, ăn uống tồi tệ, bệnh tật không có thuốc trị, lại bị đánh đập dã man, vào đầu năm 1931, Chi bộ binh phối hợp với Chi bộ đường phố lên kế hoạch tuyên truyền, phát động quần chúng nhân dân thị xã phản đối sự đàn áp của địch, chủ trương là: thông báo cho anh em binh lính và gia đình họ biết rõ sự thật tội ác của thực dân Pháp đối với tù chính trị làm đường ở Đăk Pao; vạch rõ thủ đoạn gây chia rẽ người Kinh với người dân tộc thiểu số; phân công đảng viên tìm cách tranh thủ số cai lính từ Đăk Pao, Đăk Pét về thị xã Kon Tum công cán hoặc nghỉ phép bằng cách gây tình cảm thăm dò tình hình, nói cho họ hiểu âm mưu của đế quốc thực dân Pháp đối với tù chính trị làm đường, đồng thời tổ chức tuyên truyền trong công chức, trong Nhân dân. Với sự nỗ lực, tích cực của các đảng viên, nhiều cai, lính khi về Kon Tum chữa bệnh, được tuyên truyền, giải thích đã hiểu ra đâu là chính nghĩa, đâu là gian tà; khi trở lại cai quản tù nhân trên công trường, số cai lính này thay đổi cách nhìn nhận về tù chính trị và không hung dữ như trước, còn Nhân dân ở thị xã cho rằng: “Nếu anh em tù có chết thì chết ở đây có đông đảo đồng bào, không nên đi Đăk Pao, Đăk Tao mà chết oan uổng” và đã chuyển quà bánh, thăm hỏi anh em tù.
Cuối tháng 3-1931, ba đảng viên cùng là cấp ủy của Chi bộ binh là: Huỳnh Đăng Thơ, Huỳnh Liễu, Nguyễn Cừ lần lượt bị địch bắt. Chúng tra tấn các đồng chí rất dã man. Đồng chí Huỳnh Đăng Thơ là Bí thư Chi bộ, đã nêu cao dũng khí, trung thành với Đảng, kiên quyết đấu tranh chống tra tấn, khai thác của địch bằng một cuộc tuyệt thực ròng rã 21 ngày đêm. Đồng chí Huỳnh Liễu cũng tuyệt thực để đấu tranh 18 ngày đêm. Không moi được điều gì, kẻ thù phải bó tay. Đến lượt Nguyễn Cừ bị bắt thì địch đã chùn tay. Cuộc đấu tranh quyết liệt của các đồng chí đã hoàn toàn thắng lợi, bảo vệ được Đảng, củng cố thêm lòng tin của các đồng chí còn lại trong chi bộ và lòng tin vào Đảng của Nhân dân.
Trong thời gian này, Chi bộ binh vẫn thường xuyên bí mật liên lạc với các đảng viên bị bắt, động viên cổ vũ giữ gìn khí tiết của người cộng sản; hướng dẫn kinh nghiệm chống tra tấn và khai thác của địch, làm cho các đồng chí thêm vững tin, yên tâm, chấp hành và nêu cao quyết tâm đấu tranh cho đến thắng lợi cuối cùng. Mặt khác, Chi bộ phân công đảng viên đi vận động gây dư luận chống bắt người vô cớ trong Nhân dân, trong gia đình binh lính, trong vợ con quản đạo và gia đình Kinh Lịch. Dù không có bằng chứng, thực dân Pháp vẫn kết án mỗi đồng chí ba năm tù với tội danh là “tình nghi cộng sản”. Tháng 7-1931, chúng đưa cả ba đồng chí vào giam ở nhà đày Buôn Ma Thuột. Trong thời gian đó, chúng cũng chuyển đồng chí Ngô Đức Đệ từ Lao trong ra giam ở Lao ngoài; hầu hết số lính gác nhà lao đều bị đổi đi; đảng viên trong Chi bộ binh bị phân tán, mất liên lạc. Hoạt động của Chi bộ binh rất khó khăn, dần dần đi tới tan rã.
Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhưng sự ra đời và hoạt động của Chi bộ binh đã có tác động góp phần phát triển phong trào cách mạng ở địa phương. Tuy nhiên, do lực lượng tổ chức còn mỏng, phương pháp đấu tranh hạn chế, địch khủng bố dã man tù chính trị và phong trào cách mạng ở địa bàn mà chúng cho là quan trọng, nên tổ chức đảng này đã tồn tại trong thời gian quá ngắn. Song, sự ra đời và hoạt động của Chi bộ binh là minh chứng cho “Ánh sáng của Đảng Cộng sản Việt Nam” đến với phong trào cách mạng của tỉnh Kon Tum trong những năm 1930 – 1931.