Kon Tum: Khắc phục hậu quả chiến tranh, nhanh chóng ổn định tình hình sau ngày giải phóng 

Kon Tum: Khắc phục hậu quả chiến tranh, nhanh chóng ổn định tình hình sau ngày giải phóng

Thứ tư - 24/04/2019 14:18
Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum bỏ phiếu bầu chính quyền cách mạng sau ngày giải phóng
Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum bỏ phiếu bầu chính quyền cách mạng sau ngày giải phóng
Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, cùng với miền Nam, nhân dân tỉnh Kon Tum vô cùng phấn khởi, tràn ngập trong niềm vui của ngày hội chiến thắng. Song bên cạnh đó, Kon Tum cũng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức. Nền kinh tế bị tàn phá nặng nề, cơ sở hạ tầng còn lại què quặt, không đáng kể. Cơ sở công nghiệp nhỏ bé, máy móc hư hỏng nặng. Thủ công nghiệp không đáng kể. Diện tích đất đai canh tác hầu như bỏ hoang. Đường sá hư hỏng, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn. Một bộ phận khá lớn nhân dân trong tình trạng bị đói, đau, lạt, rách.
Tỷ lệ người mù chữ cao, trung bình 6 người dân chỉ có 1 người đi học. Bệnh tật ốm đau thường xuyên xảy ra. Đội ngũ thầy thuốc, y bác sỹ và cơ sở điều trị còn nhiều thiếu thốn và yếu kém. Đồng bào bị địch tập trung vào các khu dồn hoặc lánh nạn ở các nơi và nông dân nghèo bị mất đất, nhà cửa, không có tư liệu sản xuất nên đời sống vô cùng khó khăn. Một số dân sinh sống trong vùng căn cứ và vùng giải phóng cũ cũng thiếu ăn. Hàng ngàn lao động ở nội thị trước kia sống phụ thuộc vào địch, nay chưa có công ăn việc làm. Hàng vạn học sinh các cấp đang chờ trở lại trường học. Nạn xì ke, ma túy, gái điếm, lưu manh, côn đồ, trộm cắp… thường xuyên diễn ra.
Đáng chú ý, ở Kon Tum trước giải phóng, quân ngụy bị ta kìm chân ở thị xã còn 4 liên đoàn biệt động, 2 tiểu đoàn và 5 đại đội địa phương, 2 chi đoàn thiết giáp, 2 tiểu đoàn pháo, 79 trung đội nghĩa quân. Ngoài ra, còn 10.000 phòng vệ dân sự ở các xã. Sau giải phóng, số ngụy quân, ngụy quyền tan rã ở lại trong tỉnh khoảng 14.200 tên. Khi vào tiếp quản thị xã, Ủy ban quân chính ra lệnh cho binh lính sĩ quan, nhân viên ngụy quyền, công chức ra trình diện khai báo, nộp vũ khí, tài liệu, phương tiện chiến tranh, những vẫn còn một số đối tượng, đa số là những ác ôn có nhiều nợ máu với dân, các đảng phái phản động, CIA, FULRO tìm cách lẫn trốn không ra trình diện. Số ra trình diện thì nhiều tên không thành khẩn khai báo. Chúng tổ chức cấu kết hòng thực hiện âm mưu kế hoạch hậu chiến chống phá ta. Một số phần tử phản động trong chức sắc đạo công giáo ngay từ đầu đã có những hoạt động chống phá cách mạng. Chúng tìm cách nắm giáo dân và liên lạc móc nối với FULRO âm mưu chống phá ta. Bọn FULRO ẩn náu trong rừng dần dần tập hợp lại ở vùng núi Chư H’reng hoạt động gây thanh thế. Chúng rải truyền đơn kích động quần chúng; tiến hành bắt bớ, cướp tài sản, khống chế, hăm dọa nhân dân, tìm cách tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc. Vẫn còn một số người chưa thật sự giác ngộ cách mạng, còn tỏ thái độ nghi ngại, chưa tin vào chế độ mới của ta….
Tình hình trên đặt ra yêu cầu cấp thiết và lâu dài đối với tỉnh là cần có giải pháp đúng đắn để nhanh chóng ổn định tình hình, đưa tỉnh vượt qua khó khăn, phát huy những thuận lợi để xây dựng và phát triển tỉnh nhà trong thời kỳ mới. Nhiệm vụ lớn lao này đòi hỏi phải có sự chung tay, chung sức của các cấp, các ngành, các mặt công tác.
Để nhanh chóng ổn định tình hình phức tạp khó khăn sau giải phóng, Tỉnh ủy và Ban cán sự H5 (thị xã Kon Tum) chuyển cơ quan vào nội thị, kịp thời xem xét tình hình, lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, quân và dân trong tỉnh thực hiện nhiệm vụ mới. Ngay sau đó, Tỉnh ủy quyết định thành lập Ủy ban quân chính thị xã làm nhiệm vụ phụ trách công tác tiếp quản bao gồm sáu tiểu ban: Văn phòng, Quân sự an ninh, Kinh tế đời sống, Tuyên văn giáo, Y tế và Dân vận, giúp Ủy ban tổ chức tiếp quản. Ủy ban chia thị xã làm tám khu vực, mỗi khu vực có một chi bộ đảng lãnh đạo, lập ủy ban cách mạng ở cơ sở. Trên cơ sở phân tích, nhận định tình hình, Tỉnh ủy khẩn trương chỉ đạo công tác tiếp quản, thu dọn chiến trường vùng mới giải phóng. Đồng thời, tỉnh tăng cường cán bộ cho thị xã, giao Ủy ban quân chính giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh, đảm bảo đúng chính sách, nhất là đối với hoạt động của bọn phản động FULRO, chăm lo đời sống cho Nhân dân, phát động quần chúng đứng lên hành động cách mạng.
Ngày 24 tháng 6 năm 1975, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum vui mừng được đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Phó thủ tướng Phan Duy Trinh về thăm. Thủ tướng đã biểu dương Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Kon Tum đã kiên cường kháng chiến, giành thắng lợi vẻ vang, góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thủ tướng chỉ ra những khó khăn, thuận lợi và nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng bộ, toàn quân và toàn dân tỉnh Kon Tum là truy quét tàn quân ngụy, trấn áp bọn phản động chống phá cách mạng, chăm lo đời sống Nhân dân, xây dựng chính quyền cách mạng, củng cố và xây dựng Đảng, chú trọng đào tạo bồi dưỡng cán bộ người địa phương.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Tỉnh ủy chủ trương phát động Nhân dân các dân tộc, dùng sức mạng của quần chúng kết hợp với sức mạnh của chính quyền quân quản truy quét bọn lẫn trốn, buộc chúng phải ra trình diện, vạch mặt và trấn áp bọn phản động cấu kết với FULRO, giáo dục cải tạo ngụy quân và nhân viên ngụy quyền. Hàng trăm cán bộ được Tỉnh ủy huy động tăng cường cho các khu vực tiếp quản, bám sát từng đường phố, làng xã, phát động quần chúng. Đặc biệt, cán bộ được bồi dưỡng về nội dung, phương pháp, phương thức công tác quần chúng, nắm vững chính sách dân tộc, tôn giáo, chính sách đối với ngụy quân và nhân viên ngụy quyền để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động. Nhân dân được học tập tình hình và nhiệm vụ, nhận rõ trách nhiệm của mỗi người lúc này là tham gia giáo dục ngụy quân, ngụy quyền, ổn định đời sống và sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự.
Đến tháng 10 năm 1975, tỉnh đã liên tục mở 7 đợt phát động quần chúng truy quét FULRO, giáo dục cải tạo ngụy quân, ngụy quyền. Nhân dân kêu gọi chồng, con, em theo FULRO trở về… Đã có 11.999 tên ngụy quân và nhân viên ngụy quyền ra trình diện. Qua phân loại, đã đưa 2.134 tên đi học tập, cải tạo dài ngày; số còn lại được giáo dục tại chỗ và cho trở về làm ăn sinh sống với gia đình. Đối với số phản động lợi dụng tôn giáo, Tỉnh ủy chủ trương trục xuất số phản động người nước ngoài ra khỏi nước, vạch tội trạng chúng trước đồng bào người Kinh, Thượng, lương, giáo. Với chủ trương này, Ủy ban quân chính tống đạt lệnh trục xuất 12 người nước ngoài vì có những hành động xâm phạm độc lập dân tộc, chủ quyền, an ninh quốc gia của nước Việt Nam.
Đi đôi với giáo dục, cải tạo ngụy quân và nhân viên ngụy quyền, truy quét FULRO, trấn áp phản động, Ủy ban quân chính và cơ quan an ninh phát động phong trào quần chúng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Cơ quan an ninh lập danh sách 644 đối tượng cướp của, giết người, mại dâm, ma túy… để quản lý, giáo dục và xử lý. Nhờ đó, ta đã nhanh chóng triệt phá 150 vụ trộm cắp, thu hồi tài sản trả lại cho người bị mất, kịp thời ngăn chặn các vụ âm mưu ám hại cán bộ, phá cầu Đăk Bla.
Qua phát động quần chúng, bước đầu ta đã thu dược một số kết quả. Thực lực chính trị và vũ trang của Nhân dân được xây dựng. Tỉnh chọn 1.237 người để đào tạo thành cán bộ xã, thôn, cốt cán quần chúng. Lực lượng dân quân được tổ chức ở 2 phường, 6 xã; 220 người biên chế thành 19 tiểu đội, được trang bị súng các loại. Trên 4.000 thanh niên nam nữ tham gia tòng quân và vào các cơ quan và các công-nông-lâm trường. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời xã, phường lần lượt được thành lập. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của tỉnh đã đi dần vào thế ổn định.
Để nhanh chống ổn định đời sống Nhân dân, Tỉnh ủy tập trung lực lượng “cứu đói như cứu lửa”, tập trung lương thực cung cấp đến tận người dân; tổ chức tìm và đưa dân trở về; kịp thời cứu đói, cứu đau, ổn định tư tưởng, nơi ăn chốn ở và kế hoạch sản xuất. Ủy ban quân chính tổ chức các đoàn cán bộ tập trung xe, gạo, thuốc... đến các địa phương có dân bị kéo dồn đưa đón họ trở về, kịp thời cứu chữa bệnh, cấp phát lương thực, thực phẩm, cứu đói, cứu rách, nhằm nhanh chóng ổn định cuộc sống cho Nhân dân.
Từ tháng 3 đến tháng 10 năm 1975, tỉnh đã cứu đói, cứu đau cho 28.000 người ở vùng mới giải phóng và 3.620 người ở vùng căn cứ; xuất cấp 663 tấn gạo, 800 tấn sắn, 438 tấn muối, 860 mét vải, 70 tấn giấy bút, 20 triệu đồng tiền thuốc chữa bệnh. Đồng bào vùng căn cứ đã  giúp dân mới về xây dựng nhà ở, hỗ trợ nông cụ và giống sản xuất. Việc chăm lo đời sống Nhân dân không phân biệt Kinh, Thượng, lương, giáo, dân thường hay gia đình làm cho địch trước đây.
Về lâu dài, nhằm đảm bảo đời sống cho Nhân dân, Tỉnh ủy chủ trương chuyển một bộ phận lao động ở nội thị không có việc làm ra vùng ven sản xuất nông nghiệp. Cũng từ đây, phong trào khai hoang, phục hóa, làm thủy lợi, xây dựng cánh đồng được phát động; huy động hàng vạn nhân công, tổ chức thành những công trường khai hoang phục hóa. Toàn tỉnh đã khai hoang, phục hóa 1.207ha. Vụ mùa năm 1975, toàn tỉnh gieo trồng được 13.216ha. Tổng sản lượng quy ra thóc đạt 25.302 tấn; bình quân nhân khẩu đạt 103kg.
Đi đôi với công tác cứu đói, cứu đau, vận động sản xuất, Ủy ban quân chính đã khẩn trương đưa các hoạt động y tế, giáo dục, thương mại, dịch vụ hoạt động trở lại. Ngành giáo dục tiếp quản và mở cửa trở lại. Đến tháng 10 năm 1975, toàn tỉnh Kon Tum có 480 lớp cấp I, 18 lớp cấp II và 5 lớp cấp III, với tổng số 11.181 học sinh. Y tế tiếp quản 2 bệnh viện; xây dựng 17 trạm y tế khu vực. Các ngành thương nghiệp, lương thực, giao thông vận tải, ngân hàng, công nghiệp dần được khôi phục và phát triển.
Đến cuối năm 1975, đời sống nhân dân thị xã tạm ổn định, Ủy ban quân chính chấm dứt nhiệm vụ của mình. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thị xã được thành lập, bắt tay vào xây dựng phát triển về mọi mặt để đưa thị xã sớm trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Kon Tum.
Có thể nói, sau ngày giải phóng tỉnh Kon Tum (16-3-1975) và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), bên cạnh niềm vui thắng lợi, tỉnh Kon Tum phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do hậu quả của cuộc chiến tranh để lại. Tuy nhiên, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đã phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống yêu n­ước trong chiến tranh thành sức mạnh mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tập trung động viên các tầng lớp nhân dân nêu cao ý chí khắc phục khó khăn, quyết tâm vượt qua thử thách, nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, từng bư­ớc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu quan trọng của tỉnh, tạo điều kiện cho các b­ước phát triển tiếp theo. 

Bài, ảnh: Ngô Đức Hải
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản mới

CT.16.UBND

về xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.

Lượt xem:339 | lượt tải:34

QĐ.1309.TU

về việc thành lập Ban Chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội và thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Lượt xem:612 | lượt tải:33

QĐ.1308.TU

Thành lập các Tổ chỉ đạo đại hội đảng bộ cấp huyện và tương đương nhiệm kỳ 2025-2030.

Lượt xem:86 | lượt tải:46

TÀI LIỆU

giao ban báo chí tháng 8-2024

Lượt xem:764 | lượt tải:74

CV.2598.BTGTU

V/v hưởng ứng Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Luật Đất đai năm 2024

Lượt xem:280 | lượt tải:139

CV.2594.BTGTU

Mời dự Hội nghị Báo cáo viên (trực tuyến) tháng 8-2024

Lượt xem:1281 | lượt tải:63

HD.163.BTGTW

Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 14-6-2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đại hội các Hội văn học, nghệ thuật và Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2025-2030.

Lượt xem:277 | lượt tải:45
 
pxyk2024
 
bao chi
bacho 2
truongsa

sls
Đăng nhập
Hãy đăng nhập tài khoản để sử dụng tài liệu Báo cáo viên
Thống kê
  • Đang truy cập49
  • Hôm nay621
  • Tháng hiện tại305,350
  • Tổng lượt truy cập32,968,007
Thăm dò ý kiến

Bạn có thường xuyên truy cập trang web này không?

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trang web có cần bổ sung, điều chỉnh nội dung gì không?

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUM
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT, ngày 28 tháng 8 năm 2020
Chịu trách nhiệm: ông Nguyễn Trung Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Địa chỉ: 67 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum
SĐT: 0260.3862301     Fax: 0260.3865464
Email: bantuyengiaotinhuykt@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây