Những ngày Tháng Tám 1945 lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo mốc son chói lọi trong dòng chảy lịch sử dân tộc.
Tại Kon Tum, ngày 25/8/1945 cuộc tổng khởi nghĩa diễn ra thành công, Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh được tuyên bố thành lập ngay tại cuộc mít tinh ở thị xã Kon Tum vào chiều cùng ngày. Ngày 2/9/1945, tại vườn hoa Ba Đình lịch sử, trước hàng chục vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khi cuộc mít tinh đang diễn ra tại Hà Nội, ở vùng đất Bắc Tây Nguyên, hàng trăm quần chúng nhân dân tại thị xã Kon Tum nghiêm trang, phấn chấn nghe trọn từng từ ấm áp của Hồ Chủ tịch qua chiếc đài nhỏ. Âm vang bản Tuyên ngôn độc lập lan tỏa và in sâu vào tâm thức của mỗi người.
Ngày 3/9/1945, phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bao gồm sáu vấn đề: Một là, phát động ngay một chiến dịch tăng gia sản xuất để chống đói. Hai là, mở ngay một phong trào chống nạn mù chữ. Ba là, tổ chức càng sớm càng tốt cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, thực hiện quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Bốn là, mở một phong trào giáo dục cần, kiệm, liêm, chính để bài trừ những thói hư tật xấu do chế độ thực dân để lại. Năm là, bỏ ngay ba thứ thuế: thuế thân, thuế chợ, thuế đò; tuyệt đối cấm hút thuốc phiện. Sáu là, tuyên bố tự do tín ngưỡng và lương giáo đoàn kết. Và, ngay sau phiên họp đầu tiên, Chính phủ đã ra nhiều sắc lệnh để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách đã đặt ra (Sắc lệnh tổ chức Quỹ Độc lập và Sắc lệnh ấn định Quốc kỳ Việt Nam, ngày 4/9/1945; Sắc lệnh bãi bỏ thuế thân, ngày 7/9/1945; Sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ để phụ trách việc chống nạn mù chữ trong cả nước và Sắc lệnh mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội (Quốc hội), ngày 8/9/1945).
Toàn bộ những chính sách cấp bách mà Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động đã được chính quyền cách mạng tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Kon Tum lúc bấy giờ. Cụ thể:
Một là, với chính sách giải quyết nạn đói: Tỉnh đã tổ chức đoàn xe bò 70 chiếc, vận chuyển ngay 80 tấn muối và nhiều thứ hàng thiết yếu phục vụ nhân dân vùng cao, nhất là các làng đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu. Các nhóm tự túc dụng cụ trong nhân dân được hình thành đã ít nhiều khắc phục được tình trạng thiếu nông cụ. Chỉ trong thời gian ngắn đã huy động được 300.000 đồng Đông Dương; đã vận động nhân dân góp cổ phần và vay của Công ty MISSEN Kon Tum. Phong trào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm được phát động rộng khắp. Vụ mùa năm 1946, vụ đầu tiên do chính quyền cách mạng chỉ đạo sản xuất, toàn dân hăng hái tăng gia. Diện tích gieo trồng tăng lên vượt bậc. Chính quyền cũng tổ chức lại lưu thông, giải quyết vấn đề thương lái, lập hợp tác xã mua bán chuyên lo việc tiếp tế những mặt hàng phục vụ nhu cầu cấp thiết cho Nhân dân. Mặc dù là tỉnh miền núi, biên giới xa xôi, điều kiện kinh tế của Kon Tum lúc bấy giờ khác xa với nhiều địa phương trong cả nước, song hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, nhân dân Kon Tum đã đóng góp 0,563.3 kg vàng trong “Tuần lễ vàng” ủng hộ Quỹ Độc lập. Theo Báo cáo của Uỷ ban Tài chánh Trung bộ, số vàng ấy bao gồm 1 mũ, 1 chóp tóc, 1 vòng vàng từ thời vua Chămpa. Con số ấy nói lên tinh thần của người dân Kon Tum trong việc đóng góp xây dựng nền độc lập thật cao quý biết bao.
Hai là, với chính sách giải quyết nạn dốt: Ủy ban phân công một ủy viên chuyên trách trực tiếp làm Trưởng Ban Bình dân học vụ. Từ xã đến huyện, tỉnh đều thành lập Ban Bình dân học vụ. Các ngành đều có cán bộ lo công việc này. Nhiều lớp học, với hình thức đa dạng phong phú, tổ chức dạy học bình dân khắp mọi nơi. Người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ. Đội ngũ giáo viên tận tụy, hăng hái, nhiệt tình. Sau hai tháng phát động giáo dục bình dân học vụ, nhiều người đã biết đọc, biết viết, thoát khỏi nạn mù chữ, nhất là lớp thanh niên. Phong trào sôi nổi với bao lời ca, câu vè cổ động toàn dân học văn hóa, xóa mù chữ đã trở thành nguồn cổ vũ cho việc học văn hóa, xóa mù chữ, nâng cao dân trí; Hội bảo trợ học đường, Ban Bình dân học vụ được thành lập; toàn dân cũng được động viên góp sức khôi phục xây dựng trường lớp, tăng thêm học cụ, bàn ghế, chỗ học cho mọi người nhanh chóng được tạo lập.
Ba là, về tổ chức cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, thực hiện quyền tự do, dân chủ của Nhân dân: Ngày 23/12/1945, mọi công dân các dân tộc tỉnh Kon Tum nô nức tham gia cuộc Tổng tuyển cử lịch sử, bầu đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Cuộc Tổng tuyển cử ở tỉnh Kon Tum tiến hành sớm hơn so với cả nước - ngày 06/01/1946, vì tỉnh không nhận kịp thông tin hoãn của Trung ương). Cuộc Tổng tuyển cử được khẩn trương chuẩn bị và chỉ đạo rất chặt chẽ từ công tác tuyên truyền, đến vận động giới thiệu người ứng cử, lập danh sách cử tri và chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết bảo đảm an toàn cho cuộc Tổng tuyển cử thành công. Trên địa bàn Kon Tum rực rỡ cờ hoa, biểu ngữ tuyên truyền, cổ động; cử tri đi bỏ phiếu rất đông, đã chọn bầu đủ với số phiếu cao tuyệt đối, 3 đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của Kon Tum được bầu gồm: Ông Đjuik Jonh, Ouek (Wép) và linh mục Lưu Phương.
Bốn là, mở một phong trào giáo dục cần, kiệm, liêm, chính để bài trừ những thói hư tật xấu do chế độ thực dân để lại: Chính quyền đồng thời tổ chức phong trào vệ sinh phòng bệnh: “ăn sạch, ở sạch”, “ăn chín, uống sôi”, “vệ sinh làng xóm” gắn với vận động bải bõ các hủ tục mê tín dị đoan, cúng bái, kiêng cữ có hại cho đời sống và sản xuất; vận động Nhân dân bài trừ tệ nạn cờ bạc, nghiện rượu, thuốc phiện…
Năm là, chính quyền tuyên bố bải bỏ chế độ xâu, thuế, phạt vạ hà khắc do chính quyền thực dân phong kiến đặt ra; thi hành chế độ ngày làm việc 8 giờ cho công nhân viên chức.
Sáu là, tuyên bố tự do tín ngưỡng và lương giáo đoàn kết. Xuất phát từ thực tế của tỉnh Kon Tum là nơi có nhiều thành phần dân tộc sinh sống. Trước đó, thực dân Pháp và phong kiến tay sai luôn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đoàn kết trong Nhân dân các dân tộc Kon Tum. Vì vậy, ngay khi giành được chính quyền, chúng ta đã tiến hành công tác tuyên truyền phổ biến các chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo của Đảng, làm cho đồng bào nhận rõ chính sách đoàn kết Kinh-Thượng, lương-giáo. Các cuộc liên hoan đoàn kết Kinh-Thượng được tổ chức; tiếng hát, tiếng cồng chiêng, đêm diễn văn nghệ quần chúng tự biên tự diễn... diễn ra sôi động. Một bầu không khí xã hội náo nức, nhộn nhịp bao trùm khắp nơi. Những người dân nhiều thế hệ phải làm nô lệ, sống cuộc đời bị áp bức bóc lột, lầm than cơ hàn, nay được giải phóng, được làm chủ, được sống tự do, hạnh phúc trong một nước Việt Nam độc lập cho dù trước mắt còn bao khó khăn, nhất là kẻ thù xâm lược thực dân Pháp đang thực hiện âm mưu thâm độc cướp nước ta một lần nữa.
Như vậy, sáu chính sách mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra thể hiện toàn diện trên các lĩnh vực đời sống và đã được chính quyền tỉnh Kon Tum tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng thời có sự sáng tạo, linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Toàn bộ những chính sách này được tổ chức thực hiện chỉ trong thời gian ngắn, chưa đầy một năm cho đến khi thực dân Pháp xâm lược tỉnh Kon Tum lần thứ hai (tháng 6 năm 1946). Nhưng thành quả của những chính sách này, đặc biệt là chính sách tôn giáo, chính sách dân tộc tác động tích cực đến việc ổn định tình hình chính trị, đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp, mọi thành phần trong Mặt trận Việt Minh thực hiện xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, động viên toàn dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất thực hành tiết kiệm, phát triển văn hóa, cải thiện đời sống Nhân dân. Hiệu quả và sự lan tỏa của nó là cơ sở để lực lượng cách mạng vận động, tập hợp Nhân dân Kon Tum tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp cho đến ngày toàn thắng.
Trần Thị Sáu