Những ngày đầu tháng 8-1945, cao trào kháng Nhật, cứu nước do Đảng Cộng sản và Mặt trận Việt Minh phát động đã thu được nhiều thắng lợi. Tình hình thế giới cũng tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng nước ta. Ngày 15-8-1945, Nhật tuyên bố đầu hàng Liên Xô và Đồng minh vô điều kiện. Ở Đông Dương, quân Nhật hoang mang, dao động đến cực độ, bọn tay sai khiếp sợ. Đó là điều kiện khách quan vô cùng thuận lợi cho Cách mạng nước ta chuyển sang thời kỳ Tổng khởi nghĩa. Trước đó, dự đoán trước diễn biến tình hình thế giới và trong nước, ngày 12-8-1945, tại chiến khu Việt Bắc, Ủy ban lâm thời khu giải phóng ra lệnh khởi nghĩa trong vùng căn cứ địa. Ngày 13-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) ra quyết định Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước. Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập ngay trong đêm 13-8-1945, phát Quân lệnh số 1 hạ lệnh Tổng khởi nghĩa toàn quốc, toàn dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến”. Ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân khai mạc ở Tân Trào (Tuyên Quang) có hơn 60 đại biểu đại diện cho nhân dân Bắc, Trung, Nam và đại biểu cho kiều bào ta ở nước ngoài đại biểu các đảng phái, các đoàn thể quần chúng, các dân tộc, các tôn giáo tham dự. Đại hội nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh. Đại hội quyết định Quốc kỳ, Quốc ca và cử Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, tức là Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Mệnh lệnh khởi nghĩa của Ủy ban khởi nghĩa và Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch phát đi từ Tân Trào, thủ đô của khu giải phóng Trung ương đã truyền đi khắp đất nước. Từ ngày 14 đến ngày 18-8-1945, phần lớn số xã, huyện trong vùng căn cứ địa, một số tỉnh ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ đã giành được chính quyền từ tay phát xít Nhật. Ở Quảng Ngãi, ngày 14-8-1945, lực lượng vũ trang địa phương đã giải phóng hầu hết các huyện, bao vây quân Nhật ở thị xã.
Những thắng lợi giòn giã của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong những ngày Tháng Tám ở các tỉnh miền Trung đã tác động mạnh đến Kon Tum. Tại Kon Tum, chính quyền cai trị Nhật và bọn tay sai bù nhìn hốt hoảng, dao động cực độ. Lực lượng hiến binh Nhật lo sợ vội vàng rút chạy khỏi Kon Tum về đồng bằng chờ quân đồng minh đến giải giáp. Lực lượng của phát xít Nhật ở Kon Tum lúc này còn rất ít binh lính canh gác các kho, tổ chức thanh niên Phan Anh và những nhóm thân Nhật hoàn toàn tan rã. Phần lớn viên chức và binh lính bảo an của chính quyền tay sai bù nhìn đã giác ngộ hướng theo cách mạng đang cùng lực lượng thanh niên yêu nước với tinh thần chủ động và kiên quyết cách mạng trong khí thế sẵn sàng giành chính quyền. Tình hình khách quan ở Kon Tum diễn biến rất thuận lợi. Sau khi huyện Ba Tơ giành được chính quyền, thực hiện chỉ thị của Huyện ủy, lực lượng cách mạng Ba Tơ kéo lên giúp Kon Plông khởi nghĩa giành chính quyền. Tri huyện Nuôn và Đồn trưởng bảo an Lê Phò vội vàng giao nộp vũ khí, sổ sách, ấn triện cho cách mạng. Huyện Kon Plông giành được chính quyền về tay Nhân dân. Đây là địa phương giành chính quyền cách mạng Tháng Tám sớm nhất ở Kon Tum.
Tại thị xã Kon Tum, quá trình chuẩn bị giành chính quyền diễn ra gấp rút: Ngày 22-8-1945, các trí thức, binh lính có tinh thần yêu nước, cách mạng đã tiếp nhận được thông tin cách mạng giành chính quyền thành công ở Bình Định và Gia Lai. Ngay tối 23-8-1945, một số viên chức, gồm: Hoàng Lẫm, Võ Văn Dật, Tôn Thất Hy, Nguyễn Năng Tịnh.... đã tổ chức cuộc họp bàn nhất trí hành động, bàn phương pháp và phân công chuẩn bị mọi điều kiện để phối hợp với Việt Minh Gia Lai giành chính quyền. Cuộc họp phân công Võ Văn Dật phụ trách vận động thu xếp lực lượng bảo an, các vị khác lo làm việc với Tòa Tỉnh trưởng và vận động quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa. Theo sự phân công, Võ Văn Dật về Đồn bảo an bàn với Quản Giai - Đồn trưởng Bảo an. Tên này dao động, sợ sệt đã giao mọi quyền hành chỉ huy cho Võ Văn Dật. Những người khác phụ trách vận động bên dinh Tỉnh trưởng.
Sáng ngày 25-8-1945, các ông Dương Thành Đạt, Trần Sanh, Nguyễn Xuân, Trần Thông, Đỗ Huyên dẫn đầu lực lượng ở Gia Lai kéo lên tỉnh Kon Tum hỗ trợ phối hợp với lực lượng tỉnh Kon Tum tổ chức giành chính quyền. Do có sự chuẩn bị trước, nên khi đoàn thanh niên Gia Lai đến đã có sự sắp hàng đón tiếp của các binh lính và các tầng lớp nhân dân. Lấy danh nghĩa Mặt trận Việt Minh, Đoàn thanh niên cách mạng kéo đến dinh Quản đạo yêu cầu Tỉnh trưởng Kon Tum là Hà Ngại bàn giao chính quyền. Tỉnh trưởng Hà Ngại tuyên bố từ chức, bàn giao toàn bộ ấn tín, hồ sơ, trụ sở cơ quan hành chính, công sở, quân sự, kho bạc... cho cách mạng. Công việc bàn giao diễn ra nhanh gọn. Chính quyền cách mạng trong tỉnh đã hoàn toàn về tay Nhân dân.
Cuộc cách mạng Tháng Tám đã diễn ra thành công trong cả nước. Và ngày 25-8-1945 đánh dấu bước ngoặt lịch sử đối với Nhân dân các dân tộc Kon Tum trong bước ngoặt lịch sử của cả dân tộc. Thắng lợi ấy đã đưa dân tộc Việt Nam nói chung, Nhân dân các dân tộc Kon Tum nói riêng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội... Đó là thắng lợi của đường lối đoàn kết toàn dân, sử dụng bạo lực cách mạng để lật đổ ách thống trị của đế quốc và phong kiến; đó là sự tài tình, sáng tạo của Đảng trong việc tạo thời cơ, khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 02-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
Quá trình diễn ra cuộc cách mạng lịch sử này, Kon Tum có những điểm đặc biệt về hoàn cảnh lịch sử và điểm đặc biệt trong cách thực hiện. Điều đặc biệt thứ nhất là: Kon Tum giành chính quyền trong điều kiện không có tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo. Mà, những trí thức, binh sĩ yêu nước đã được tiếp nhận ánh sáng cách mạng của Đảng qua hoạt động của những người tù chính trị trước đó (với sự ra đời và hoạt động của Chi bộ Nhà lao Kon Tum và Chi bộ đường phố những năm 1930-1931) đã giác ngộ, đứng lên làm cách mạng. Chính điều đặc biệt thứ nhất dẫn đến điều đặc biệt thứ hai: Đây là cuộc cách mạng được tổ chức một cách chặt chẽ, giành thắng lợi triệt để bởi những người chưa từng được tập dượt trong một tổ chức trước đó. Khi nắm được thông tin Việt Minh giành chính quyền ở Bình Định, Gia Lai, họ tiến hành một cuộc họp bàn bí mật vào tối ngày 23-8-1945. Và chỉ với một cuộc họp bàn đó, họ đã nhất trí quyết tâm hành động, thống nhất phương pháp và phân công nhiệm vụ cho từng cá nhân. Kết quả cuộc cách mạng tháng Tám đã diễn ra thành công triệt để. Điều này thể hiện tinh thần cách mạng cao cả, tinh thần đoàn kết chặt chẽ của những người trực tiếp tham gia giành chính quyền. Và đây cũng chính là minh chứng lịch sử rõ nét nhất cho bài học về phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng.
Những điểm đặc biệt đó chính là biểu hiện cụ thể của sự kiên định mục tiêu cách mạng, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể; về tinh thần giác ngộ cách mạng, đoàn kết thống nhất cao vì mục tiêu, lý tưởng cách mạng của những người tham gia giành chính quyền trong cách mạng Tháng Tám ở Kon Tum. Trong cách mạng giải phóng dân tộc hay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo và phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất luôn là yêu cầu, là nhân tố hàng đầu đưa đến mọi thắng lợi, thành công.
Trần Thị Sáu