Từ cuối năm 1929, thực dân Pháp bắt đầu đưa tù chính trị từ các tỉnh đồng bằng lên giam giữ tại Ngục Kon Tum nhằm nhanh chóng giảm bớt số lượng tù nhân bị giam giữ chật kín ở nhà đày các tỉnh đồng bằng; dùng sức lao động của tù nhân để làm đường giao thông phục vụ cho mưu đồ cai trị của chúng; lợi dụng nơi rừng núi xa xôi, dân cư thưa thớt cách xa các trung tâm đô thị và đồng bằng nhằm cách ly tư tưởng Cộng sản; đồng thời để giết dần, giết mòn các tù nhân chính trị mà không sợ tai tiếng và dư luận lên án. Cho đến khi Ngục Kon Tum giải thể (năm 1934), hàng trăm tù chính trị đã bị đày lên giam giữ tại đây.
Khi bị giam giữ tại Ngục Kon Tum, bằng ý chí cách mạng sắt đá và sự linh hoạt, đồng chí Ngô Đức Đệ đã vận động, thành lập ngay tại đây một chi bộ Cộng sản- Chi bộ Nhà lao Kon Tum vào cuối năm 1930. Đây là chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Kon Tum. Việc thành lập Chi bộ đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử- lần đầu tiên ánh sáng cách mạng của Đảng đã chiếu rọi đến mảnh đất Kon Tum kiên cường.
Với việc chế độ tù hà khắc, bị vắt kiệt sức khi đày đi làm đường 14, trên 150 tù chính trị đã ngã xuống. Tháng 12 năm 1931, các tù chính trị tại Ngục Kon Tum đã tổ chức cuộc đấu tranh phản đối việc đưa tù chính trị đi làm đường ở Đăk Pao, Đăk Pék- Cuộc đấu tranh lưu huyết vang động núi rừng. Thực dân Pháp đã nã súng làm 15 đồng chí hi sinh, 16 đồng chí bị thương. Dù không giành thắng lợi trọn vẹn nhưng cuối cùng thực dân Pháp phải nhượng bộ và đến năm 1934 thì giải tán nhà Ngục.
Cuộc đấu tranh của những người tù chính trị tại Ngục Kon Tum là biểu tượng cao đẹp về lòng yêu nước, bất khuất, kiên trung, hi sinh anh dũng của người chiến sĩ Cộng sản; tô thắm thêm truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của quê hương Kon Tum anh hùng. Tấm gương ấy, tinh thần ấy đã, đang và sẽ sống mãi trong trái tim người dân Kon Tum và cả dân tộc Việt Nam, trong lịch sử, hiện tại và tương lai.
Trần Thị Sáu tổng hợp