Tấm gương hi sinh của đồng chí Trương Quang Trọng - người tù chính trị ngã xuống đầu tiên vào sáng ngày 12/12/1931 và những người tù chính trị trong Cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Ngục Kon Tum đã đi vào lịch sử của mảnh đất Kon Tum anh dũng, kiên cường như biểu tượng cao đẹp nhất về lý tưởng cách mạng - hi sinh bản thân để dành sự sống cho đồng chí, anh em “
Chết để sống, chết một người để cứu muôn người”.
Trương Quang Trọng là người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi. Ông sinh ngày 29/5/1906 tại làng Phú Nhơn, thị trấn Sơn Tịnh (nay là phường
Trương Quang Trọng,
thành phố Quảng Ngãi). Chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, Trương Quang Trọng sớm tham gia phong trào đấu tranh của học sinh tại những ngôi trường nơi ông học tập. Năm 1927, ông cùng các đồng chí thành lập tổ chức Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do ông làm Bí thư; được cử đi dự lớp tập huấn của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Quảng Châu (Trung Quốc). Ông cũng là đại biểu của Tỉnh bộ Quảng Ngãi dự Đại hội toàn quốc Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vào năm 1929 ở Hương Cảng (Trung Quốc). Đặc biệt, đồng chí có công lớn trong Ban vận động thành lập Đảng bộ Cộng sản Quảng Ngãi. Ngày
19 tháng 8 năm 1929 đồng chí bị thực dân Pháp bắt giữ. Sau một thời gian bị giam ở nhà lao Quảng Ngãi, thực dân Pháp kết án 9 năm khổ sai, 4 năm quản thúc. Đầu năm 1931, chúng chuyển đồng chí cùng một số tù nhân khác vào lao Quy Nhơn và đến tháng 6 năm 1931 bị đày lên Ngục Kon Tum (giam giữ tại Lao ngoài). Trong đợt này có cả các đồng chí: Đặng Thái Thuyến, Nguyễn Huy Lung, Lê Viết Lượng, Bùi San…là những cán bộ trung, cao cấp của Đảng.
Việc đày tù chính trị lên giam giữ tại Kon Tum, thực dân Pháp đã tiến hành từ cuối năm 1929. Số tù chính trị tăng nhanh từ cuối năm 1930 đến giữa năm 1931 với gần 300 người từ các nhà lao các tỉnh đồng bằng bị đày lên giam giữ tại đây. Khi đày tù chính trị lên giam giữ tại Kon Tum, thực dân Pháp nhằm những mục đích: Nhanh chóng giảm bớt số lượng tù nhân bị giam giữ chật kín ở nhà đày các tỉnh đồng bằng; dùng sức lao động của tù nhân để làm đường giao thông phục vụ cho mưu đồ cai trị của chúng; lợi dụng nơi rừng núi xa xôi, dân cư thưa thớt cách xa các trung tâm đô thị và đồng bằng nhằm cách ly tư tưởng Cộng sản; đồng thời để giết dần, giết mòn các tù nhân chính trị mà không sợ tai tiếng và dư luận lên án. Tại đây, sau khi trấn áp bằng roi vọt, báng súng, gậy gộc, chúng lập tức đưa ngay tù chính trị lên công trường làm đường 14 với đèo, dốc hiểm trở. Ngoài những hình thức đánh đập thông thường hàng ngày, bọn lính còn bày ra những trò chơi man rợ để giết hại anh em tù. Vì vậy, hàng trăm tù chính trị phải bỏ mình nơi công trường làm đường 14. Đến tháng 6 năm 1931, vào giữa mùa mưa, thực dân Pháp đưa 92 tù nhân còn sống về giam tại thị xã Kon Tum nhưng chỉ có 81 người sống sót về được đến nơi.
Đầu tháng 7-1931, Chi bộ binh ở Lao trong bị khủng bố, địch đưa đồng chí Ngô Đức Đệ (Bí thư Chi bộ binh, lúc này đã bị tan rã) ra giam giữ ở Lao ngoài. Đồng chí Ngô Đức Đệ vốn đã quen biết, từng làm việc với đồng chí Trương Quang Trọng và các đồng chí Đặng Thái Thuyến, Nguyễn Huy Lung, Lê Viết Lượng, Bùi San…Tại đây, sau khi nghe đồng chí Ngô Đức Đệ thông báo tình hình tù nhân làm đường, sự đàn áp, đày đọa tù nhân của địch, tình hình của Chi bộ binh, Chi bộ đường phố... các chiến sĩ cách mạng cốt cán đã bàn bạc thống nhất, nhanh chóng hình thành Ban phụ trách nhà lao để tổ chức anh em tù chính trị đứng lên đấu tranh. Đồng chí Trương Quang Trọng (số tù 303) cùng với Nguyễn Huy Lung (số tù 299) và Hồ Độ (số tù 302) có nhiệm vụ phụ trách xây dựng nội bộ về tư tưởng và tổ chức. Dù biết rằng con đường đấu tranh đó sẽ rất đau thương, tàn khốc, nhưng Trương Quang Trọng và các đồng chí của mình đã đứng lên với quyết tâm: Sẵn sàng chấp nhận lấy cái chết của mình để đổi lấy sự sống cho đồng chí, anh em “
Chết để sống, chết một người để cứu muôn người”, để “
Sau khi ta chết rồi, họa may mấy trăm anh em mới còn phương sống” (theo hồi ký của đồng chí Ngô Đức Đệ).
Với tinh thần chuẩn bị sẵn sàng đối phó, với quyết tâm đấu tranh đến cùng, sáng ngày 12-12-1931, khi bọn cầm quyền tiến hành thực hiện chính sách ly gián tù nhân và chuẩn bị đưa một số tù còn lại lên Đăk Pek lần 2, đã gặp phải sự đấu tranh quyết liệt của tù chính trị ở Lao ngoài. Trước sự phản đối quyết liệt của tù nhân, bọn công sứ, giám binh, nhiều binh lính kéo đến bao vây xung quanh nhà lao. Anh em tù vẫn xiết chặt hàng ngũ và tiếp tục hô vang các khẩu hiệu, đồng thời dùng gậy gộc chống lại, không để cho bọn địch vào định bắt từng người đưa đi. Theo lệnh công sứ, viên đội Mulê cầm súng, tiến lại cửa nhà lao gọi: “Thằng tù số 299 đâu?”. Anh em trong nhà lao đồng thanh trả lời: “Không có tù số 299! Đả đảo đi Đăk Pek”. Nhưng đúng lúc ấy, đồng chí Trương Quang Trọng đang đứng ở hàng đầu đã phanh áo, chỉ vào ngực, nói bằng tiếng Pháp “
Le voici” (nó ở đây). Tên Mulê lập tức bóp cò, đồng chí Trương Quang Trọng hi sinh.
Hành động anh dũng chết thay cho đồng đội của đồng chí Trương Quang Trọng và tội ác giết người không gớm tay của bọn cầm quyền Pháp đã thôi thúc anh em đấu tranh quyết liệt hơn, sẵn sàng đương đầu với súng đạn. Bọn địch điên cuồng nã súng tàn sát đẫm máu anh em tù chính trị làm 8 người chết, 8 người bị thương. Tại Lao trong, sáng ngày 13-12-1931, số anh em tù còn lại đã tổ chức lễ truy điệu cho các đồng chí, đồng đội đã hi sinh. Chiều cùng ngày, Bản tuyên ngôn chính trị và yêu sách của tù nhân đối với chính quyền thực dân Pháp cũng được đưa ra. Bản tuyên ngôn đã vạch trần chế độ đối xử tàn bạo với tù chính trị của thực dân Pháp và đưa ra các yêu sách đòi nhà cầm quyền Pháp phải chịu trách nhiệm thực hiện. Cùng với những yêu sách đưa ra, anh em tù chính trị kiên quyết đấu tranh tuyệt thực để phản đối đi làm đường, phản đối hành động giết người tàn bạo của kẻ địch. Nhận thấy không thể lay chuyển được tinh thần, ý chí đấu tranh kiên quyết đến cùng của tù chính trị, sáng ngày 16-12-1931, thực dân Pháp một lần nữa nã súng tàn sát cuộc đấu tranh tuyệt thực làm cho 7 đồng chí hi sinh và 8 đồng chí bị thương, đồng thời lập tức áp giải, phân tán số tù nhân còn lại, dập tắt cuộc đấu tranh. Cả hai đợt đấu tranh trực diện, thực dân Pháp đã giết hại 15 đồng chí và làm bị thương 16 đồng chí. Tuy vậy, sau cuộc đấu tranh này nhà cầm quyền Pháp buộc phải thả 50 người tù chính trị có án nhẹ và một số tù thường phạm; phải nhượng bộ bằng việc thay đổi chế độ lao dịch của tù, bỏ chế độ đánh đập tù nhân, người tù ốm đau được nghỉ và có thuốc men. Đến năm 1934, thực dân Pháp bỏ Ngục Kon Tum và đưa tất cả số tù chính trị còn lại vào nhà đày Buôn Ma Thuột.
Tấm gương hi sinh anh dũng, bất khuất của đồng chí Trương Quang Trọng là hiện thân của tinh thần cách mạng cao đẹp, sẵn sàng chấp nhận hi sinh bản thân mình để đổi lấy sự sống cho đồng chí, anh em "
Chết để sống, chết một người để cứu muôn người". Hình ảnh đồng chí Trương Quang Trọng và các anh em tù chính trị tại Ngục Kon Tum đã đi vào lịch sử - biểu tượng cao đẹp về lòng yêu nước, bất khuất, kiên trung, hi sinh anh dũng của người chiến sĩ Cộng sản; tô thắm thêm truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của quê hương Kon Tum anh hùng. Tấm gương ấy, tinh thần ấy đã, đang và sẽ sống mãi trong trái tim người dân Kon Tum và cả dân tộc Việt Nam, trong lịch sử, hiện tại và tương lai.