Đăk Nông là xã miền núi, biên giới nằm ở phía Bắc của huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, cách thị trấn Plei Kần 9 km về phía bắc; phía Bắc giáp xã Đăk Dục (huyện Ngọc Hồi); phía Đông giáp xã Đăk Ang (huyện Ngọc Hồi) và xã Đăk Rơ Nga (huyện Đăk Tô); phía nam giáp thị trấn Plei Kần và xã Đăk Xú (huyện Ngọc Hồi); phía tây giáp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào với đường biên giới quốc gia dài hơn 10 km, có vị trí chiến lược về quốc phòng- an ninh. Tổng diện tích tự nhiên của xã là 9.575,48 ha. Trước năm 1976, xã Đăk Nông định cư tại địa bàn biên giới phía Tây của huyện Đăk Glei. Cuối năm 1976 đầu năm 1977, xã Đăk Nông chuyển về địa bàn hiện nay, sáp nhập với xã Đăk Dục và một số làng của xã Đăk Peng, Măng Khênh, Đăk Nớ thành xã Dục Nông, thuộc huyện Đăk Glei. Từ năm 1991, huyện Ngọc Hồi được thành lập, xã Đăk Nông thuộc huyện Ngọc Hồi. Cuối năm 1996, xã Đăk Nông được chia tách thành lập lại theo Nghị định số 73-CP ngày 22-11-1996 của Chính phủ.
Xã Đăk Nông là nơi sinh sống của 14 thành phần dân tộc anh em, trong đó dân tộc Giẻ- Triêng chiếm 90% dân số toàn xã. Là xã có bề dày truyền thống yêu nước, cách mạng. Nhân dân Đăk Nông là tấm gương tiêu biểu của những con người anh dũng trong chiến đấu; giỏi giang trong lao động, sản xuất và năng động, sáng tạo trong thời kỳ đổi mới. Dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng, vượt qua muôn vàn gian khó, Đăk Nông trở thành xã kiểu mẫu trong kháng chiến và trong thời bình.
Lịch sử phong trào đấu tranh cách mạng của Nhân dân và Đảng bộ xã Đăk Nông là những trang sử vẻ vang về những làng kháng chiến nổi tiếng Tà Pót, Kà Nhảy...; về những làng căn cứ cách mạng kiễu mẫu như Nông Nội, Nông Kon...; là thành trì vững chãi không chỉ của vùng Tây đường 14, của tỉnh Kon Tum và hành lang chiến lược nối liền Tây Nguyên với hạ Lào...
Từ những làng người Giẻ- Triêng sinh sống lâu đời tại vùng biên giới giáp với nước bạn Lào, siêng năng, cần cù trong lao động, mạnh mẽ, kiên cường trước thiên tai, địch họa. Khi quân viễn chinh Pháp trở lại xâm lược lần thứ hai, đồng bào các làng Nông Nội, Nông Kon, Nông Nhầy...tích cực, hăng hái tham gia các phong trào cách mạng. Khi những cán bộ, chiến sĩ của Đội vũ trang tuyên truyền xây dựng cơ sở đến hoạt động tại địa bàn, nhiều người con của xã Đăk Nông đã trở thành những chiến sĩ giao liên, đội viên du kích; những chị em phụ nữ là những dân quân cõng hàng, tải đạn trên tuyến đường vận chuyển qua làng, qua xã, qua huyện. Từ cụ già đến em bé đều góp sức mình cho cuộc kháng chiến đến ngày toàn thắng. Tháng 3 năm 1951 xã Đăk Nông được thành lập trở thành một đơn vị hành chính cấp xã thuộc địa bàn huyện Tây Đăk Glei (tây đường 14), xã căn cứ cách mạng của huyện Tây Đăk Glei.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954- 1975), nhân dân Đăk Nông tiếp tục che giấu cán bộ cách mạng, bí mật xây dựng lực lượng dân quân du kích để bố phòng, chuyển dần lên đấu tranh vũ trang chống địch theo chủ trương của Đảng. Trước sự chuyển biến mạnh mẽ của phong trào đấu tranh cách mạng tại xã, năm 1957 Chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập tại xã Đăk Nông. Từ đó, những lớp thanh niên ưu tú của dân tộc Giẻ- Triêng xã Đăk Nông đã nỗ lực trong công tác và chiến đấu lần lượt đứng vào hàng ngũ của Đảng. Trong những năm tháng ấy, làng Tà Bót (thời điểm này thuộc xã Đăk Peng) - với cuộc nổi dậy vang động núi rừng năm 1960 đã ghi dấu phong trào đồng khởi của Nhân dân Kon Tum trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là điển hình của tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất trước quân thù; những làng Nông Nội, Nông Kon, Nông Nhầy, Chả Nội, Chả Nhầy là điển hình tiên tiến trên cả hai mặt trận sản xuất và chiến đấu, là những điển hình trong phong trào hợp tác tương trợ lao động và bắn máy bay những năm 1968-1972.
Với những cống hiến to lớn của Nhân dân xã Đăk Nông trong hai cuộc kháng chiến, năm 1996 xã được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; 5 người mẹ Giẻ - Triêng xã Đăk Nông được tôn vinh là Bà Mẹ Việt Nam anh hùng; Liệt sĩ A Dừa được truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Nhân dân xã Đăk Nông rất đỗi tự hào về những người cán bộ cách mạng tiên phong của xã và của huyện Tây Đăk Glei, H40 (mật danh huyện Tây Đăk Glei những năm 1960-1975) ngày ấy như A Hòe, A Năm, Y Chính... ; tự hào và biết ơn những người con anh hùng của dân tộc Giẻ- Triêng như A Dừa, A Ngữ, A Lang, A Sang, A Lý, Y Ngảh... những người đã đóng góp tuổi trẻ và một phần xương máu của mình cho Tổ quốc.
Từ khi đất nước được giải phóng, Đảng bộ, Nhân dân xã Đăk Nông luôn phát huy tinh thần yêu nước của cha ông, dốc sức xây dựng quê hương và góp phần bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Cuối năm 1976, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, Nhân dân Đăk Nông rời nơi mà cha ông bao đời đã gắn bó giao lại phần đất của mình cho nước bạn Lào theo Hiệp định hoạch định đường biên giới quốc gia để chuyển về địa bàn hiện nay, cách nơi ở cũ hơn 100 km. Đây là cuộc cách mạng tư tưởng không kém phần khó khăn. Nhưng với lòng trung thành, thủy chung với Đảng với Tổ quốc, Nhân dân Đăk Nông đã thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, Nhà nước. Đảng bộ, Nhân dân Đăk Nông nỗ lực, khẩn trương ổn định nơi ở mới; từng bước thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp du canh sang định canh gắn với định cư; phát triển kinh tế vườn gắn với chuyển dần dịch cơ cấu cây trồng. Từ chỗ sản xuất cây lương thực truyền thống sang kết hợp mở rộng diện tích hoa màu và trồng cây công nghiệp (cao su, cà phê); nhận khoán trồng và chăm sóc rừng... ; bước ra từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn do tàn tích chiến tranh, lực lượng FULRO và nhiều thế lực phản động đã điên cuồng thực hiện âm mưu chống phá cách mạng, Đảng bộ, Nhân dân Đăk Nông đã vượt qua gian khó, giữ vững thành quả cách mạng; ổn định và từng bước phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và góp phần bảo vệ an ninh biên giới quốc gia. Với sự nỗ lực vượt bậc của toàn Đảng bộ và Nhân dân xã Đăk Nông, năm 2016 xã Đăk Nông vinh dự là một trong hai xã biên giới đầu tiên của tỉnh Kon Tum đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong những năm qua, mọi lĩnh vực hoạt động của xã đều có bước phát triển đi lên. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, cơ cấu cây trồng từng bước chuyển đổi theo hướng tăng giá trị trên một đơn vị diện tích và gắn với công nghiệp chế biến với Nhà máy chế biến tinh bột sắn, Nhà máy chế biến mủ cao su ở thôn Nông Nhầy II; diện tích cây lâu năm tiếp tục tăng lên 1.912ha; nhiều hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã được hình thành, phát huy hiệu quả; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được duy trì và tạo chuyển biến rõ nét, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư từng bước đồng bộ, khang trang,... Đến nay, 100% đường trục chính xã đã được nhựa hóa, 100% đường thôn xóm đã được bê tông hóa, trên 70% đường trục chính nội đồng bảo đảm vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm; 100% hộ được sử dụng điện thường xuyên an toàn; cơ sở vật chất trường lớp đảm bảo đáp ứng tốt công tác dạy và học. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã được nâng lên rõ rệt. An ninh trật tự, an ninh quốc gia được giữ vững, ổn định. Hệ thống chính trị cơ sở hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xã đã đạt 10/10 tiêu chí về nông thôn mới nâng cao (hiện đã hoàn tất hồ sơ trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2021).
Có được những thành quả ấy là vì “Nhân dân Đăk Nông tuy nghèo khổ nhưng rất mực thủy chung, tin tưởng tuyệt đối vào Đảng vào Bác Hồ. Trong những lúc gian nguy nhất, đen tối nhất, cần đương đầu với địch họ luôn tỏ ra thông minh và sáng tạo, luôn có sáng kiến trong đấu tranh chóng địch để bảo vệ cách mạng, bảo vệ anh bộ đội cụ Hồ. Điều quan trọng là người cán bộ cách mạng phải giữ phẩm chất, khí tiết, hết lòng vì dân, biết khéo công tác, khéo che giấu lực lượng, biết dựa hẳn vào dân và biết phát huy sức mạnh của dân thì cách mạng nhất định tồn tại phát triển và không ngừng lớn lên đến toàn thắng. Đó là niềm tin mà cũng là sự thật đã được thử thách trong những năm 1955-1957 chống tố Cộng quyết liệt ở miền tây đường 14” (Phan Vững, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum- Núi rừng chuyển động).
Trong chuyến thăm và làm việc tại xã Đăk Nông ngày 20-4-2021, đồng chí Dương Văn Trang, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Đăk Nông đã đạt được; đồng thời đề nghị xã tiếp tục phát huy, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng xã nông thôn nâng cao, tiến đến là xã nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới.
“Truyền thống anh hùng, năng động, sáng tạo đã trở thành phẩm chất cố hữu của mỗi người dân Đăk Nông từ bao đời nay. Chúng tôi- những người con của quê hương Đăk Nông hôm nay luôn tự hào và ý thức phải giữ gìn và phát huy phẩm chất ấy đến muôn đời sau”- đồng chí Xiêng Thanh Thiên, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Nông tự hào khẳng định.
Bài: Trần Thị Sáu