Như chúng ta đều biết, diễn biến của đại dịch COVID-19 ở nước ta và trong khu vực hiện tại rất phức tạp, đòi hỏi có biện pháp mạnh hơn, chủ động hơn và tấn công mạnh mẽ hơn để chống dịch vì sức khỏe nhân dân.
Ở các đợt phòng, chống dịch COVID-19 trước đây, khi phát hiện ca mắc mới, cả hệ thống chính trị của chúng ta “ra trận”, “chống dịch như chống giặc”, khoanh vùng nhanh, phong tỏa hẹp, truy vết thần tốc, xét nghiệm rộng và nhanh; đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng…Nhưng với lần này, chúng ta cần có “sách lược” mới, lối đánh mới, tạo thế chủ động tấn công…thể hiện trên các phương diện sau:
Một là, chủ động tấn công thể hiện trên phương diện chủ động chuẩn bị tốt nguồn vaccine. Hiện nay, Việt Nam có 4 đơn vị trong nước đang nghiên cứu, trong đó có 2 đơn vị đang trong giai đoạn thử lâm sàng ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Cùng với đó, một số nước trên thế giới đã xác nhận sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 cho Việt Nam. Khi số lượng lớn người dân được tiêm vaccine thì đồng nghĩa với việc công tác phòng, chống COVID-19 bước đầu thắng lợi. (Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Kon Tum, đến chiều ngày 06/5/2021, toàn tỉnh Kon Tum đã hoàn thành việc tiêm vaccine đợt 1 phòng COVID-19 cho các đối tượng ưu tiên là lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19 (như: người làm việc trong các cơ sở y tế, người tham gia phòng chống dịch, người làm việc ở các khu cách ly, người làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên và phóng viên báo chí) – tương ứng với gần 11.000 người đã được tiêm vaccine mũi 1 phòng dịch COVID-19).
Được biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021, Bộ Y tế đã được Chính phủ nhất trí giao khẩn trương, chuẩn bị kỹ Đề án nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm vaccine và bố trí, huy động mọi nguồn lực để thực hiện.
Hai là, chủ động tấn công thể hiện trên phương diện chủ động về công nghệ. Bộ “vũ khí” công nghệ như Bluezone (ứng dụng cảnh báo tiếp xúc gần người nghi nghiễm COVID-19); NCOVI (hệ thống quản lý tờ khai y tế tự nguyện); Khai báo y tế cho người nhập cảnh; Hệ thống ghi nhân người đến, đi các địa điểm công cộng (thông qua quét mã QR); Hệ thống bản đồ chống dịch an toàn COVID-19… sẽ phát huy hiệu quả cao nhất nếu được triển khai trước khi có ca lây nhiễm ngoài cộng đồng.
Ba là, trên tất cả, chủ động tấn công thể hiện trên phương diện chủ động về “vũ khí tinh thần”. Nghĩa là, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để mọi người dân hiểu, nhận thức sâu sắc tác hại to lớn của dịch bệnh COVID-19, từ đó mỗi người luôn sẵn sàng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích cộng đồng và lợi ích của chính bản thân mình, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, cảnh giác; trước tiên là nghiêm túc chấp hành tốt nhất thông điệp 5K của Bộ Y tế (KHẨU TRANG – KHỬ KHUẨN – KHOẢNG CÁCH – KHÔNG TỤ TẬP – KHAI BÁO Y TẾ). Riêng đối với khai báo y tế, thực hiện khai báo y tế trên App NCOVI; cài đặt ứng dụng BlueZone tại địa chỉ
https://www.bluezone.gov.xn--vn-rma2251a/ được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở hãy gọi điện cho đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095 hoặc đường dây nóng của y tế địa phương để được hướng dẫn)
.
Cùng với đó, cần tăng cường hơn sự “vào cuộc” chủ động, mạnh mẽ của các cấp ủy, chính quyền địa phương và hệ thống chính trị trên địa bàn. Từng địa phương cũng phải chủ động xây dựng được bản đồ an toàn phòng, chống dịch cho các xã, phường; giúp nhân dân xác định được nơi nào an toàn, nơi nào an toàn ở mức độ vừa phải, nơi nào phải thực hiện các bước để an toàn hơn nữa, trên tinh thần chống dịch “4 tại chỗ”.
Chủ động tấn công là không đợi dịch đến mà phải chủ động chống dịch từ sớm, từ xa. Vì vậy, cần phải sẵn sàng “tinh thần chủ động tấn công” đối phó với dịch bệnh ở mức cao nhất, phải sống an toàn khi dịch còn chưa đến nơi ta ở…