Tham gia Hội thảo có các đồng chí nguyên là lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum; lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện; lãnh đạo các lực lượng vũ trang huyện qua các thời kỳ. Đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tình ủy, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh cùng một số lão thành cách mạng đang sinh sống trên địa bàn huyện Đăk Hà.
Trên cơ sở Đề cương chi tiết sách Lịch sử LLVT Nhân dân huyện Đăk Hà, giai đoạn 1954-2020 và ý kiến tham gia góp ý của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Huyện ủy Đăk Hà đã chỉ đạo Ban Biên tập, Ban Biên soạn tổng hợp, tiếp thu, chỉnh sửa và tiến hành sưu tầm tư liệu, gặp gỡ nhân chứng, tổ chức biên soạn chặt chẽ, đúng quy trình.
Về nội dung cuốn sách Lịch sử LLVT Nhân dân huyện Đăk Hà, giai đoạn 1954-2020 được phân chia thành 4 chương, gồm:
Chương I: Đánh giá khái quát, tổng thể, chi tiết các sự kiện về điều kiện tự nhiên; vị trí địa lý chiến lược về quốc phòng - an ninh; tổ chức hành chính; kinh tế - xã hội và truyền thống đấu tranh cách mạng của quân - dân các dân tộc huyện Đăk Hà. Đặc biệt, đã làm rõ, nổi bật được vị trí địa chiến lược về quốc phòng-an ninh địa phương; những yếu tố về vị trí địa lý, khí hậu, điều kiện tự nhiên, những giá trị văn hóa – xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo… ảnh hưởng đến quá trình lãnh đạo, triển khai nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trong đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay trên địa bàn huyện.
Chương II: Làm rõ các sự kiện cụ thể (không gian, thời gian, địa điểm) của LLVTND các xã tiền thân trên địa bàn huyện trong phối hợp, tham gia và tổ chức đấu tranh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên địa bàn Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Đăk Hà nói riêng. Đặc biệt là từ khi H9 được thành lập, đã tổ chức xây dựng cơ sở cách mạng; tổ chức đấu tranh tại các vùng của địch, mà chúng đã xây dựng ở đây hệ thống đồn, bốt, nhà thờ, ấp chiến lược, các khu dồn, góp phần vào chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh, giải phóng khu vực huyện Đăk Hà. Sau khi H9 giải thể, lực lượng vũ trang nhân dân các xã tiền thân huyện Đăk Hà đã phối hợp với lực lượng vũ trang tỉnh, bộ đội chủ lực bảo vệ vùng giải phóng; bước đầu khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần giải phóng tỉnh Kon Tum vào năm 1975.
Chương III: Đánh giá tình hình LLVTND trên địa bàn huyện tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh trên tất cả các lĩnh vực từ năm 1975 đến 1994. Tập trung phối hợp với bộ đội chủ lực khai hoang xây dựng cánh đồng, lập nên những cánh đồng lúa, các nông trường cà phê, tạo nền tảng cho việc thành lập huyện vào năm 1994. Cùng với lực lượng vũ trang tỉnh, bộ đội đấu tranh, truy quét bọn phản động cách mạng FULRO. Tập trung xây dựng LLVTND vững mạnh làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Chương IV: Tổng hợp biên tập các sự kiện lịch sử trong quá trình thành lập huyện Đăk Hà; thành lập đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân huyện từ 1994-2020…
Nhìn chung, qua triển khai công tác sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, biên soạn sách Lịch sử LLVT Nhân dân huyện Đăk Hà, giai đoạn 1954-2020 cơ bản đảm bảo theo đúng quy trình đề ra.
Tại Hội thảo, Ban Biên tập sách “Lịch sử LLVT nhân dân huyện Đăk Hà giai đoạn 1954 – 2020” đã tiếp thu ý kiến của những đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh, huyện và các nhân chứng lịch sử, cán bộ lão thành cách mạng qua các thời kỳ đang sinh sống trên địa bàn huyện để bổ sung tư liệu; đặc biệt là tập trung vào giai đoạn từ năm 1994 sau khi thành lập huyện đến nay. Phân tích sâu sắc hơn những vấn đề có tính quy luật, tính nguyên tắc, chân thực của lịch sử để khẳng định những thành tích nổi bật của LLVT huyện. Trên cơ sở đó, bổ sung những sự kiện chưa có, làm rõ những sự kiện chưa cụ thể để ghi nhận, tôn vinh sự cống hiến của LLVT nhân dân huyện trong những năm qua.
Tin, ảnh: Trần Trọng Nghĩa