Qua 6 tháng triển khai thực hiện, Cuộc vận động đã từng bước đi vào cuộc sống và bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Cuộc vận động đã từng bước tác động mạnh mẽ đến nhận thức của đồng bào DTTS; nhiều gia đình đã tự lực vươn lên bằng chính nội lực của mình; các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan dần được xóa bỏ; nhiều gia đình đã nhận thức được vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con cái…Cùng với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” đã góp phần quan trọng vào kết quả giảm nghèo trên địa bàn huyện. Hội nghị cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; đề ra phương hướng, nhiệm vụ triển khai thực hiện hiệu quả Cuộc vận động trong năm 2022.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Liên, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động biểu dương những kết quả đã đạt được, đồng thời chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân của hạn chế. Để Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn huyện ngày càng đi vào chiều sâu, tạo sức lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đồng chí yêu cầu: Cần phát huy vai trò của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động; từng thành viên Ban Chỉ đạo căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao để tập trung lãnh, chỉ đạo. Các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn huyện tiến hành rà soát lại kế hoạch thực hiện để xác định bao nhiêu công việc cần làm và có phân công, phân nhiệm rõ ràng. Ban Tuyên giáo Huyện ủy cần tiếp tục phát huy trong công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai nội dung “10 cần”, “10 biết”. Các đồng chí cấp ủy viên phụ trách địa bàn tăng cường hơn nữa vai trò hướng dẫn, giúp đỡ các cơ quan, đơn vị phụ trách. Cần kết hợp chặt chẽ Cuộc vận động với chương trình xây dựng nông thôn mới, gắn với đề án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, dược liệu, giai đoạn 2021-2025 đồng thời gắn chặt với công tác quản lý và bảo vệ rừng. Trong năm 2022, mỗi xã cần lãnh đạo, chỉ đạo làm điểm 01 làng nông thôn mới.
Tin, ảnh: Phan Thị Lan, Chuyên viên Ban Tuyên giáo Huyện ủy