Hội nghị được kết nối với 9 điểm cầu xã, thị trấn, với 231 đại biểu tham dự.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, sau 9 tháng triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn huyện đã mang lại kết quả tích cực. Ban Thường vụ Huyện ủy đã kịp thời xây dựng các kế hoạch để triển khai thực hiện và ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”. Ban Chỉ đạo đã ban hành Quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo và thành lập Tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo. Ban Thường vụ Huyện ủy chọn xã Măng Bút triển khai làm điểm; mỗi tuần huyện cử 03 cán bộ huyện xuống giúp và cùng Đảng ủy xã triển khai thực hiện Cuộc vận động; triển khai đến đâu rút kinh nghiệm đến đó để chỉ đạo các xã khác thực hiện.
Cùng với đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện tổ chức Lễ phát động Cuộc vận động gắn với ký kết ghi nhớ phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp với chính quyền các cấp. Đảng ủy các xã, thị trấn đã tiến hành thành lập Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cấp xã; đồng thời chỉ đạo điểm tại một số thôn trên địa bàn để nhân ra diện rộng; tăng cường công tác tuyên truyền các tầng lớp Nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động đề từ đó thay đổi nếp nghĩ cách làm có hiệu quả.
Đáng chú ý, các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở nắm rõ nội dung Cuộc vận động, tích cực vào cuộc bám sát thôn làng, hộ gia đình để tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện; đã tuyên truyền được 143 buổi với 10.610 lượt người tham dự tại 76/76 thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện; 82 buổi tuyên truyền bằng loa phóng thanh lưu động…Qua các buổi tuyên truyền, đã triển khai 10 nội dung ký kết thi đua giữa các thôn về Cuộc vận động; hướng dẫn Ban quản lý thôn các bước cần tiếp tục triển khai thực hiện nội dung ký kết thi đua trong từng hộ dân.
Kết quả sau 9 tháng triển khai, trên địa bàn huyện nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả cao ra đời, như: mô hình sâm dây, nuôi bò sinh sản, vườn rau sạch, tổ hợp tác măng khô, trồng rừng, liên kết sản xuất, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết theo chuỗi giá trị gắn với đề án mỗi xã một sản phẩm. Trong các tổ chức chính trị - xã hội của huyện đã xuất hiện các mô hình của hội viên như: Hội Cựu chiến binh có mô hình “Đường tự quản” (Kon năng xã Măng Cành), mô hình “Hộ gia đình du lịch cộng đồng” (tại thôn Kon Bring – Thị trấn Măng Đen). Hội Cựu chiến binh và LĐLĐ có mô hình “Hàng cây” (thôn Kon Tu Ma, xã Măng Cành). Hội Nông dân huyện có mô hình “Tự quản về môi trường” (tại thôn Măng G Rí – xã Ngọc Tem); mô hình “Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi trâu và trồng cây cà phê” (tại thôn Kon Chênh, xã Măng Cành); mô hình “Trồng cỏ voi nuôi gia súc” (tại thôn Vi Ring, xã Đăk Tăng). Huyện đoàn có mô hình “Nhà vệ sinh giá rẻ” (thôn Vi G Lơng, xã Hiếu) với 8 cái, tổng số tiền 36 triệu đồng; mô hình “Ao cá Thanh niên” với số lượng 10 cái tại xã Hiếu, …
Nhìn chung, Cuộc vận động đã từng bước tác động mạnh mẽ đến nhận thức của người đồng bào dân tộc thiểu số, một bộ phận Nhân dân đã không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, bỏ dần tư tưởng không muốn thoát nghèo, nhiều gia đình đã tự lực vươn lên bằng chính nội lực của mình; nhiều thôn (làng) thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bỏ dần những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan làm ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe và môi trường; nhiều hộ gia đình đã nhận thức được vai trò quan trọng trong việc nuôi, dạy con cháu, tự nguyện đưa con, em trong độ tuổi đến trường; thực hiện tốt chính sách dân số và kế hoạc hóa gia đình, để có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hơn. Nhiều hộ gia đình đã thay đổi dần cách thức trong lao động sản xuất, mạnh dạn đổi mới cách làm ăn; biết tiếp thu, học hỏi cái mới, tiến bộ, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai và năng lực tổ chức sản xuất của gia đình; biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn đầu tư cho sản xuất.
Qua sơ kết 9 tháng, huyện Kon Plông bước đầu rút ra một số bài học kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện Cuộc vận động:
Một là, thường xuyên có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy cũng như phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các thành viên trong Ban Chỉ đạo; của cấp ủy, chính quyền và Mặt trận, các đoàn thể xã, thị trấn trong triển khai thực hiện Cuộc vận động.
Hai là, cần xác định đây là Cuộc vận động có ý nghĩa chính trị - xã hội và tính nhân văn sâu sắc nhưng để đạt được mục tiêu đề ra cần phải được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thực hiện theo chức năng của mình mang tính thường xuyên và lâu dài.
Ba là, tuyên truyền, vận động là khâu quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện Cuộc vận động nhằm tác động đến ý thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân tạo được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia thực hiện; đội ngũ làm công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn phải có kiến thức, lòng kiên trì, nhiệt huyết và sự am hiểu phong tục tập quán đối với đồng bào dân tộc thiểu số thì mới thu được kết quả.
Bốn là, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các đoàn thể xã, thôn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo đồng bộ, thống nhất gắn với phương châm thường xuyên, kiên trì, từng bước, làm đến đâu, chắc đến đó, lấy cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, già làng, người có uy tín thực hiện trước để các hộ dân khác noi theo.
Năm là, thường xuyên gần dân, sát dân, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân cũng như kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh ở thôn, làng; đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của các đồng chí cấp ủy viên phụ trách chi bộ, đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ.
Sáu là, thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện; đồng thời phải kịp thời sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, để đề ra nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện cho thời gian tiếp theo.
Bài, ảnh: Đặng Bá Lâm
(Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Kon Plông)