Huyện Kon Plông hiện có 6.586 hộ đồng bào DTTS, chiếm trên 85% tổng số hộ của huyện; trong đó, 2.744 hộ nghèo, chiếm 36% và 852 hộ cận nghèo, chiếm 11,18% tổng số hộ của huyện. Xác định rõ vai trò quan trọng của tổ chức đảng trong triển khai Cuộc vận động, Huyện ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện (BCĐ huyện), do Bí thư Huyện ủy là Trưởng ban; thành lập Tổ giúp việc cho BCĐ huyện với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQVN huyện. Đồng thời, tiếp tục phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách thôn thực hiện Cuộc vận động và phân công cán bộ, đảng viên bám, nắm cơ sở, giúp cấp ủy đảng giải quyết những vướng mắc tại cơ sở.
Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy, trong 02 năm qua, UBND huyện đã cụ thể hóa bằng các giải pháp cụ thể: Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của UBND huyện phối hợp triển khai Cuộc vận động như xây dựng các dự án thực hiện phát triển lâm nghiệp bền vững; sản xuất nông - lâm nghiệp kết hợp góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; tổ chức ký kết Chương trình phối hợp thực hiện Cuộc vận động giữa UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, xã, thị trấn; phối hợp với các ban, ngành liên quan hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ Nhân dân vay vốn, mua cây - con giống, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất … Lồng ghép triển khai các nội dung thực hiện Cuộc vận động với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình xây dựng Nông thôn mới, Chương trình Giảm nghèo nhanh và bền vững…). Hằng năm, quan tâm bố trí kinh phí hỗ trợ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội huyện xây dựng các mô hình phát triển kinh tế… từ huyện đến cơ sở.
Cùng với đó, trong 02 năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội huyện đã phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong trong triển khai Cuộc vận động. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện với trách nhiệm là Cơ quan Thường trực, phụ trách Tổ giúp việc của BCĐ huyện đã tập trung triển khai từ cấp huyện đến cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cách thức tuyên truyền, về mục đích, nội dung và ý nghĩa của Cuộc vận động phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của từng địa phương, từng khu dân cư bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: thông qua việc cấp 150 Sổ tay tuyên truyền Cuộc vận động cho 76 khu dân cư, cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội; phối hợp với các cơ quan Báo, Đài từ trung ương đến địa phương xây dựng các chuyên đề, phóng sự tuyên truyền, vận động về Cuộc vận động, đặc biệt là các gương điển hình tiêu. Năm 2022, Đài PTTH tỉnh làm 01 phóng sự quay tại xã Măng Cành; Ban Truyền hình tiếng dân tộc thuộc Đài Truyền hình Việt Nam 01 phóng sự, 02 gương điển hình tiêu biểu…; Trung tâm Văn hoá - Thể thao - Du lịch và Truyền huyện thông có 180 tin bài về Cuộc vận động trên hệ thống phát thanh của huyện, cụ thể đăng phát sóng trong các chuyên mục: Tin tức Sự kiện, Nông nghiệp Nông thôn, Sức khỏe Đời sống, Chính sách - Pháp luật và chuyên mục Xây dựng Đảng hàng tuần…; đảng uỷ các xã, thị trấn triển khai tuyên truyền lồng ghép thông qua dự sinh hoạt tại các chi bộ thôn, tổ chức họp dân cư, tuyên truyền trên các hình thức phù hợp đặc điểm của từng khu dân cư trên địa bàn, trình chiếu Slide, tờ rơi, đoạn video về các mô hình sản xuất hiệu quả, mô hình xây dựng nông thôn mới; thông qua các hoạt động thực tiễn sản xuất và đời sống hàng ngày của người dân trên địa bàn các xã, thị trấn để vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS bằng việc làm cụ thể hàng ngày; thông qua vai trò của người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS tích cực triển khai công tác tuyền truyền, vận động; vận động đồng bào DTTS chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của từng địa phương; vận động đồng bào DTTS tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã; in, niêm yết nội dung Cuộc vận động tại nhà văn hoá cộng đồng các thôn, tổ dân phố…; các tổ chức chính trị - xã hội lồng ghép triển khai nhiều nội dung như: tuyên truyền qua hệ thống phát thanh không dây, cổ động trực quan như băng rôn, pa nô, áp phích; phát tờ rơi thông qua các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội, qua trang mạng xã hội Zalo, Facebook, các câu lạc bộ, đội nhóm... đã tổ chức tuyên truyền được 120 buổi với trên 415.000 lượt người tham dự tại 76/76 thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện; 82 buổi tuyên truyền bằng xe lưu động và đội chiếu bóng lưu động; tại các xã, thị trấn đã niêm yết các nội dung Cuộc vận động tại các nhà văn hóa cộng đồng thôn... để từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đoàn viên, hội viên nhất là đoàn viên, hội viên là người dân tộc thiểu số.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội huyện đã phối hợp xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, mô hình văn hóa – xã hội. Trong 02 năm, đã triển khai xây dựng và thực hiện 55 mô hình, trong đó mô hình duy trì hàng năm là 32 mô hình; mô hình xây dựng mới năm 2023 là 23 mô hình; các mô hình có sự kết hợp giữa tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm gắn với việc hỗ trợ phát triển sản xuất, tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã; Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện 01 mô hình; Huyện đoàn 02 mô hình; Hội LHPN huyện 06 mô hình; Hội Cựu Chiến binh 03 mô hình; Hội Nông dân huyện 02 mô hình; Liên đoàn lao động huyện 02 mô hình; Đảng ủy thị trấn Măng Đen 05 mô hình; Đảng ủy xã Măng Cành 04 mô hình; Đảng ủy xã Hiếu 03 mô hình; Đảng ủy xã Đăk Tăng 03 mô hình; Đảng ủy xã Pờ Ê 08 mô hình; Đảng ủy xã Măng Bút 02 mô hình; Đảng ủy xã Ngọk Tem 04 mô hình; Đảng ủy xã Đăk Nên 07 mô hình; Đảng ủy xã Đăk Ring 03 mô hình. Các mô hình này đã bước đầu phát huy hiệu quả, từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần của đoàn viên, hội viên góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững cho đoàn viên, hội viên nhất là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Nhìn chung, trong 2 năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện, sự chủ động triển khai của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện...Cuộc vận động đã có sức lan tỏa rộng rãi, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu nghị quyết các cấp ủy đảng đề ra. Cuộc vận động thể hiện sự đổi mới trong công tác tuyên truyền, vận động giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước xóa bỏ hủ tục, phong tục không còn phù hợp, thay đổi cách thức tổ chức trong lao động sản xuất, đổi mới cách suy nghĩ và cách làm, giảm nhiều tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, bỏ dần tư tưởng không muốn thoát nghèo và vươn lên thoát nghèo bền vững bằng chính nội lực của mình. Tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm thoát nghèo đạt và vượt chỉ tiêu Cuộc vận động đưa ra.
Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt sâu rộng Kết luận số 08-KL/TU và Kế hoạch số 28-KH/HU đến toàn thể cán bộ, nhân dân trên địa bàn huyện. Trong đó, các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, nhất là cấp cơ sở, phối hợp một cách đồng bộ, có hình thức tuyên truyền, vận động Nhân dân một cách linh hoạt; phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên cơ sở, khu dân cư; các điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất; các đại biểu là người có uy tín, người tiêu biểu trong cộng đồng. Đặc biệt, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội huyện, đảng ủy các xã, thị trấn khi lựa chọn đăng ký các mô hình không chạy theo số lượng, đảm bảo xây dựng mô hình có chất lượng. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ Nhân dân trong việc triển khai thực hiện mô hình. Kịp thời đánh giá và nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong việc thực hiện Cuộc vận động để tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện.
Bài, ảnh: Võ Kim Thạch - Hoàng Thanh Hải
(Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Kon Plông)