Phong trào văn hóa, văn nghệ, hội thi, liên hoan văn nghệ quần chúng trên địa bàn huyện thường xuyên được tổ chức, diễn ra sôi nổi, rộng khắp từ huyện đến cơ sở và tham gia hoạt động do cấp tỉnh tổ chức. Phong trào được tổ chức gắn với việc tuyên truyền, chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị của đất nước và địa phương, nhằm mục đích phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Qua đó, phát hiện, bồi dưỡng tài năng, khuyến khích quần chúng cùng tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống; đáp ứng nhu cầu giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm, hưởng thụ, sáng tạo văn hóa và giải trí lành mạnh của Nhân dân.
Qua phong trào, đến nay huyện Kon Rẫy đã xây dựng 48 đội văn nghệ quần chúng của các thôn, làng (các đội múa xoang, cồng chiêng…); các đội văn nghệ quần chúng của các cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang (tiêu biểu có Đội tuyên truyền ca khúc cách mạng Huyện đoàn Kon Rẫy). Đặc biệt, thời gian qua huyện đã tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn hằng năm có diễn tấu cồng chiêng; tổ chức 04 Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện kết hợp Liên hoan cồng chiêng, Hội thi cồng chiêng; cử các đoàn tham gia Ngày hội văn hóa, Tuần lễ văn hóa tỉnh; cử 02 đoàn nghệ nhân của huyện thuộc các lĩnh vực: Cồng chiêng, dệt thổ cẩm... tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa được tổ chức trong và ngoài tỉnh. Qua các sự kiện, đã thúc đẩy quá trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong huyện, tỉnh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Cùng với đó, Phòng Văn hóa và Thông tin đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo và triển khai các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng trên địa bàn. Hướng dẫn, giám sát, theo dõi tình hình thực hiện các quy định của Thông tư 09/2016/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định “về tổ chức thi, liên hoan văn nghệ quần chúng” trong các hoạt động phong trào.
Nhằm thực tiếp tục thực hiện hiệu quả Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Kon Rẫy tiếp tục xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, quan tâm đầu tư kinh phí hàng năm phục vụ cho phát triển sự nghiệp văn hóa nói chung, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, phát triển phong trào văn hóa văn nghệ cơ sở và công tác tuyên truyền tại cơ sở nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động.
Hai là, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ thông qua các hình thức hội thi, hội diễn văn nghệ, thông tin tuyên truyền. Khuyến khích các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, MTTQ, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi... thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ. Các địa phương đẩy mạnh tổ chức các hoạt động lễ hội truyền thống dân tộc của địa phương, khuyến khích tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ văn hóa văn nghệ theo sở thích.
Ba là, củng cố, xây dựng và phát triển các đội văn nghệ quần chúng từ huyện đến cơ sở, cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và của đơn vị; góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.
Bốn là, chú trọng bồi dưỡng, đào tạo hạt nhân văn hóa văn nghệ, nhất là nguồn lực tại chỗ; khuyến khích, khơi dậy niềm tự hào, sự sáng tạo, say mê nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, phát triển các di sản văn hóa dân tộc của các diễn viên, nghệ nhân; nâng cao chất lượng các tiết mục, trình độ biểu diễn, diễn xướng trong cộng đồng, tạo sự phát triển đa dạng, bền vững văn hóa văn nghệ các dân tộc.
Năm là, thường xuyên quan tâm tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa, đặc biệt là đội ngũ cán bộ nòng cốt làm công tác văn hóa tại cơ sở cũng như quan tâm phát hiện, bồi dưỡng phát huy hạt nhân văn nghệ tại cơ sở.
Sáu là, tiếp tục tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản chỉ đạo, quy chế tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại cơ sở đảm bảo đúng theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đồng thời khuyến khích phát huy được phong trào văn hóa văn nghệ cơ sở.
Bảy là, đổi mới nội dung, phương thức và tăng cường thời lượng hoạt động văn hóa, văn nghệ cơ sở gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu người dân; tổ chức tốt các hoạt động tại chỗ, phù hợp với phong tục tập quán, các nhóm đối tượng và lứa tuổi khác nhau. Đồng thời đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền vận động Nhân dân trong việc tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ tại cơ sở.
Tám là, tiếp tục sưu tầm, phục dựng, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện, đặc biệt là các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc. Khuyến khích tổ chức các hoạt động lễ hội truyền thống các dân tộc, tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ các cấp.
Chín là, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở. Huy động sự vào cuộc tích cực của các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn trong phát triển phong trào văn hóa văn nghệ.
Mười là, phát huy vai trò, tác dụng của hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tạo điều kiện để người dân nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần, đồng thời được tham gia các hoạt động sáng tạo văn hóa; nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là các phong trào: “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Xây dựng thôn, bản, tổ dân phố văn hóa”.
Bài, ảnh: Phạm Viết Thạch
(Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kon Rẫy)