Theo đó, Kế hoạch số 2712/KH-SYT (gọi tắt là Kế hoạch 2712), đặt mục tiêu là đẩy mạnh việc thực hiện công tác chính trị, tư tưởng cho toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành (gọi chung là công chức, viên chức). Giúp công chức, viên chức hiểu biết, giữ vững quan điểm, lập trường tư tưởng của Đảng, Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; cung cấp, trang bị kiến thức, lý luận để công chức, viên chức ngành Y tế chủ động, tích cực tham gia chống mọi biểu hiện tư tưởng, quan điểm đa nguyên, đa đảng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trên cơ sở đó, tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong việc triển khai nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nói chung và nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế nói riêng là bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong tình hình mới.
Để triển khai thực hiện tốt mục tiêu Kế hoạch 2712 đề ra, ngành Y tế xác định một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng giai đoạn 2021 – 2026 như sau:
Một là, tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai kịp thời các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, văn kiện đại hội đảng bộ các cấp ở địa phương, đơn vị; thông tin lý luận và thực tiễn mới. Cấp ủy, cơ quan, đơn vị phối hợp xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức quán triệt, nghiên cứu, học tập và triển khai, tuyên truyền kịp thời, sâu rộng các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XIII trong năm 2021, văn kiện đại hội đảng bộ các cấp ở địa phương, đơn vị. Tổ chức thông tin thường xuyên những vấn đề lý luận mới và thực tiễn đang đặt ra hiện nay với nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với điều kiện của từng cơ quan, đơn vị. Chú trọng thông tin những thành tựu trong công tác lý luận qua 35 năm đổi mới; đánh giá 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991; những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với đơn vị, với ngành Y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế và cấp ủy cấp trên.
Hai là, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tổ chức nghiên cứu, triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trong đó lưu ý, việc tổ chức phải thực hiện thường xuyên, đồng bộ giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, phải gắn với các phong trào thi đua, các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương và ngành Y tế trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Lãnh đạo đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, chú trọng nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng đạo đức, văn hóa trong Đảng và của ngành Y tế; quán triệt, tập trung làm tốt ba nội dung: Học tập, làm theo Bác và nêu gương của công chức, viên chức nhất là người đứng đầu đơn vị, đảng viên; kết hợp chặt chẽ giữa học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức công vụ của công chức ngành Y tế, đạo đức nghề nghiệp của viên chức y tế theo nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với từng lĩnh vực công tác.
Ba là, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Đổi mới nội dung, thông tin, tuyên truyền, củng cố niềm tin của đảng viên, công chức, viên chức ngành Y tế đối với Đảng, Nhà nước, với chế độ và đối với Ngành. Tích cực phản bác, phê phán những quan điểm sai trái, những thông tin trái chiều, những thông tin sai sự thật về hoạt động của Đảng, Nhà nước, ngành Y tế cũng như của từng cơ quan, đơn vị. Phổ biến, giáo dục cho công chức, viên chức trong các đơn vị trong ngành Y tế nhận thức những nội dung thông tin xấu, độc trên hệ thống mạng xã hội, không bình luận (comment), thích (like), chia sẻ (share) những nội dung thông tin không chính thống, những thông tin chưa chính xác, thông tin chưa được kiểm chứng gây ảnh hưởng không tốt trong dư luận công chức, viên chức ngành Y tế và Nhân dân.
Bốn là, tổ chức học tập các nội dung liên quan đến công tác chính trị, tư tưởng của công chức, viên chức với các nội dung: Chủ nghĩa Mác - Lênin; Tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối quan điểm của Đảng; các chỉ thị, nghị quyết của các cấp uỷ Đảng. Quy tắc ứng xử, kỹ năng giao tiếp, ứng xử của công chức, viên chức y tế, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp ngành Y tế; văn hóa công vụ. Nghiên cứu, học tập lịch sử hình thành, phát triển, truyền thống cách mạng của Đảng, của đất nước; nghiên cứu, biên soạn tài liệu về lịch sử truyền thống vẻ vang của ngành Y tế; lòng tự hào, yêu ngành, yêu nghề của công chức, viên chức; Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành Y tế, Điều răn dạy của Danh y Hải Thượng Lãn Ông, Lời thề Hyppocrates…; về tấm gương sáng tạo, vượt qua khó khăn, sẵn sàng hy sinh của đội ngũ cán bộ y tế trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Năm là, tổ chức giáo dục tinh thần yêu ngành, yêu nghề cho công chức, viên chức y tế. Thường xuyên sưu tầm, tìm kiếm, khôi phục, bảo tồn, lưu giữ các tài liệu, sách, báo, tranh, ảnh, video, bài viết, bút ký, nhật ký, tài liệu quý về những tấm gương sáng, tiêu biểu của các thế hệ đi trước trong ngành Y tế …, biên tập, phổ biến tài liệu, ấn phẩm về quá trình lịch sử hình thành, phát triển của ngành Y tế và các cơ quan, đơn vị trong Ngành để công chức, viên chức ngành Y tế tham quan, tìm hiểu, học tập những trang vàng lịch sử ngành Y tế, của từng lĩnh vực chuyên ngành và của cơ quan, đơn vị mình.
Sáu là, thường xuyên phát động phong trào thi đua, học tập gương người tốt, việc tốt, học tập tấm gương Anh hùng, các cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong lao động, sản xuất, các bậc lão thành Cách mạng. Đổi mới và tăng cường tuyên truyền về những điển hình tiên tiến, mô hình hay, kinh nghiệm tốt, cách làm hiệu quả trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng nhiều hình thức đa dạng: tăng cường đăng tải trên Trang thông tin điện tử các đơn vị trực thuộc, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh... Tiếp tục triển khai phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 – 2025 và phát động phong trào sáng tác các tác phẩm thơ, ca, hò, vè, kịch, tiểu phẩm… với các nội dung về tấm gương điển hình, tiên tiến, ca ngợi phẩm chất đạo đức người làm y tế.
Cùng với đó, ngành Y tế xác định nhiệm vụ thứ bảy là thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến, có thành tích xuất sắc về công tác chính trị, tư tưởng để tạo động lực thi đua; gắn với nhiệm vụ thứ tám là đẩy mạnh triển khai thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát; định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả đạt được, để rút kinh nghiệm xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện cho năm tiếp theo.