Qua 03 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động đã được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội từ huyện đến cơ sở tổ chức, triển khai xây dựng 34 mô hình với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng, góp phần tạo nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu mang lại hiệu quả trong thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Trong đó, nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, như nuôi heo sọc dưa, nuôi bò sinh sản, trồng mía, chanh dây, khai thác, đánh bắt, nuôi cá lồng lòng hồ Thuỷ điện Ya Ly, Plei Krông, nhiều mô hình hứa hẹn đem lại thu nhập cao và ổn định cho người dân như: mô hình trông cây sầu riêng, cây mắc ca, cây na… Bên cạnh đó, người đồng bào DTTS nói chung và hộ nghèo, cận nghèo nói riêng đã có sự thay đổi tích cực về nhận thức, mạnh dạn vay vốn đầu tư vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, biết tiết kiệm trong chi tiêu, tích lũy vốn để tái đầu tư, nỗ lực vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Đến nay, đã có 2.874 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo trên địa bàn thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục lạc hậu, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Có 2.767 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để nuôi, trồng, biết chi tiêu hợp lý để tích luỹ vốn tái đầu tư sản xuất. Trong đó có 2.741 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo; có 1.285 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát cận nghèo. Đến nay, toàn huyện có 1.025 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,99% và 698 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,76% so với tổng số hộ dân toàn huyện.
Nhân dịp này, UBND huyện đã khen thưởng cho 16 tập thể và 26 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Tin, ảnh: Vũ Thị Nhung