Tham dự Hội thi có 11 đoàn với gần 400 cán bộ, nghệ nhân là những hạt nhân phong trào văn hóa, văn nghệ đến từ 11 xã, thị trấn. Trong thời gian 01 ngày, các đội thi sẽ tham gia thi chỉnh âm cồng chiêng và thi trình diễn dưới dạng một chương trình nghệ thuật liên hoàn, gồm các tiết mục trình diễn dân ca, dân vũ, diễn tấu các bài cồng chiêng truyền thống gắn với múa xoang, chiêu và tái hiện một đoạn nghi lễ, lễ hội truyền thống tiêu biểu. Chia sẻ với phóng viên, Nghệ nhân A Đứu - Đoàn nghệ nhân xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy cho biết: Thông qua Hội thi cồng chiêng xoang của huyện Sa Thầy, bản thân tôi thấy rất là ý nghĩa, đây là dịp để giao lưu học hỏi với nhau. Là nơi để truyền đạt và quảng bá những tiết mục đặc sắc của mình, những truyền thống bản sắc của dân tộc mình cho các bạn. Rất đặc biệt nữa là bảo tồn, giữ gìn cho các thế hệ trẻ, lưu truyền sau này.
Thời gian qua, để văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên có điều kiện phát triển, huyện Sa Thầy đã quan tâm hỗ trợ về mọi mặt để các thôn, làng thành lập đội văn nghệ, đội cồng chiêng và múa xoang. Đồng thời, tổ chức các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ. Nhờ vậy, đến nay 100% các thôn, làng người dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn huyện đã có cồng chiêng; 36 thôn, làng người dân tộc thiểu số tại chỗ có đội cồng chiêng, múa xoang, phục vụ các hoạt động lễ hội của cộng đồng, gia đình, tham gia liên hoan cồng chiêng, múa xoang do các cấp tổ chức và sẵn sàng phục vụ du khách khi du lịch cộng đồng phát triển.
Tin, ảnh: Phan Diệp Hoàng