Theo đánh giá của BCĐ, từ đầu năm đến nay Sở Công thương đã vận động tổ chức đưa 10 chuyến hàng Việt về nông thôn, mỗi chuyến có từ 3-4 doanh nghiệp tham gia, với 615 gian hàng và có 35.000 lượt người tham gia; tổ chức 01 lần Hội chợ Công Thương khu vực Tây Nguyên - Kon Tum. Hoạt động thương mại ổn định, hàng hóa dồi dào, phong phú mẫu mã về chủng loại. Về quan hệ hợp tác giữa tỉnh Kon Tum với các tỉnh trong Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam được tăng cường trên nhiều lĩnh vực, đã chấp thuận chủ trương đầu tư 40 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 919 tỷ đồng. Tham gia tổ chức 02 gian hàng tại Hội chợ triển lãm công nghiệp nông thôn khu vực miền Trung - Tây Nguyên tại Huế năm 2017, tham gia 02 gian hàng tại Hội chợ Quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư hành lang kinh tế Đông - Tây tại Đà Nẵng năm 2017.
Trong thời gian tới, cần tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá chất lượng hàng Việt Nam; khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. Công tác này phải được đổi mới cả về nội dung và hình thức, hướng đến người tiêu dùng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Ðây là thị trường rất cần đến hệ thống phân phối, bán lẻ hàng hóa. Các doanh nghiệp cũng cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ, vận động các doanh nghiệp cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức, doanh nghiệp, có liên quan, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong tuyên truyền vận động, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước để CVĐ ngày càng phát huy hiệu quả, đi vào đời sống xã hội sâu rộng hơn. Công bố thường xuyên, kịp thời tiêu chuẩn, chất lượng, giá cả sản phẩm hàng hóa trong nước và hàng hóa nhập khẩu trên các phương tiện truyền thông đại chúng để người tiêu dùng lựa chọn và có thái độ ứng xử đúng. Thành công của cuộc vận động chính là làm cho mỗi người dân hiểu rằng, việc sử dụng hàng Việt Nam là thể hiện lòng tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước của mình.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trần Bình Trọng đánh giá cao về sự nghiêm túc và trách nhiệm của các đơn vị tổ chức đối với chủ trương lớn của Bộ Chính trị về cuộc vận động này. Một năm qua, chúng ta đã thành công trong việc tuyên truyền, quảng bá hàng Việt Nam đến tận nông thôn, hơn 70% dân số đã được sử dụng và tin dùng hàng hóa có chất lượng cao sản xuất trong nước. Các cấp có thẩm quyền đã kịp thời ban hành văn bản điều chỉnh, phù hợp tiêu chí CVĐ, góp phần định hướng tiêu dùng của người dân. Đồng chí đề nghị, các cơ quan báo chí, Cổng Thông tin điện tử của tỉnh cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước có liên quan đến triển khai CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; về quyền lợi, trách nhiệm của người sản xuất và người tiêu dùng trong việc sản xuất, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt; quảng bá các sản phẩm mới có chất lượng cao, tiêu chuẩn, công nghệ hiện đại, giá cả cạnh tranh do các doanh nghiệp trong tỉnh và trong nước sản xuất để Nhân dân biết, so sánh, lựa chọn sử dụng.
Tại Hội nghị, Ban chỉ đạo tiếp tục triển khai Kế hoạch nhiệm vụ thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2018.
Nhân dịp này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tặng Bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam cho 18 tập thể và 02 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2017.
Tin, ảnh: Nguyễn Đăng Bình