Giữa tháng 8 này, Huyện ủy, UBND huyện Tu Mơ Rông tổ chức kiểm tra một số mô hình phát triển kinh tế ở xã Đăk Rơ Ông, trong đó có cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn xã.
Là một trong những chủ thể mới tham gia Chương trình OCOP, nhưng hộ kinh doanh Lê Thị Bưởi ở thôn Ngọc Năng 2, xã Đăk Rơ Ông đã gây ấn tượng khi sản phẩm Trà túi lọc nấm hồng chi được nhận 3 sao từ Hội đồng Đánh giá OCOP cấp tỉnh.
Khi đến trực tiếp cơ sở, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Liên đã kiểm tra phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ghi nhận những thành quả mà cơ sở làm được như mẫu mã bắt mắt, khâu quảng bá thị trường, tạo được việc làm cho người dân tại chỗ… Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện Tu Mơ Rông mong muốn trong thời gian tới, chủ thể sẽ phát triển quy mô từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp nhỏ hoặc hợp tác xã; đồng thời yêu cầu cơ sở phải chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là khâu bảo quản nấm, không để xảy ra tình trạng bị ẩm mốc gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Chủ cơ sở Lê Thị Bưởi cũng đã bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng, mong muốn chính quyền quan tâm hơn về thiết bị máy móc, đầu ra trên thị trường và tạo điều kiện để cơ sở tiếp tục phát triển thêm sản phẩm trà khổ qua rừng thành sản phẩm OCOP 3 sao.
Sau khi nghe chủ cơ sở bày tỏ, đồng chí Bí thư Huyện ủy đã chỉ đạo Đảng ủy, UBND xã Đăk Rơ Ông trong thời gian tới tiếp tục sâu sát, đồng hành cùng chủ cơ sở để gỡ bỏ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tạo thương hiệu, xây dựng sản phẩm OCOP đạt chuẩn; giải quyết thủ tục pháp lý về đất đai để cơ sở có điều kiện thuận lợi phát triển, tìm nguồn nhân lực lao động và đầu ra cho sản phẩm...
Có thể thấy, huyện Tu Mơ Rông rất quan tâm đến việc phát triển các sản phẩm OCOP, chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu và chất lượng sản phẩm. Thực tế trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông luôn bám sát quan điểm, định hướng về Chương trình OCOP của tỉnh và tình hình thực tế tại địa phương để triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP trên địa bàn huyện; xem đây là một trong những chương trình thiết thực khơi dậy sự tự lực, sáng tạo của cộng đồng để phát triển các sản phẩm đặc trưng ở Tu Mơ Rông, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống người dân và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Đến nay, huyện Tu Mơ Rông đã có 14 sản phẩm OCOP của 9 chủ thể đạt chuẩn 3 sao trở lên, trong đó có 12 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao và 2 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao đó là sản phẩm: Trà sâm Ngọc Linh hòa tan và Nước uống collagen sâm Ngọc Linh của chủ thể Công ty CP Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum ở làng Ko Xía 2, xã Ngọk Lây.
Ông Vương Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Hiện tại có 6 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP với 13 sản phẩm đặc trưng tại địa phương được UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục vận động thêm 1 chủ thể đăng kí 3 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, đồng thời hỗ trợ chủ thể nhanh chóng hoàn thành các thủ tục để đảm bảo đủ điều kiện tham gia và chú trọng đầu tư vào chất lượng, mẫu mã sản phẩm để khi tham gia đạt kết quả cao nhất.
“Hiện tại vẫn còn 1 số chủ thể tham gia là hộ gia đình chưa có cơ sở sản xuất tại địa phương. Huyện khuyến khích các chủ thể tham gia là hộ gia đình phát triển lên thành doanh nghiệp hoặc hợp tác xã để huyện kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tại địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể. Trong thời gian tới, huyện sẽ đầu tư một cửa hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại trung tâm huyện và dự kiến sẽ xây dựng một số cửa hàng trưng bày tại các xã trên địa bàn huyện” - ông Mười cho biết thêm.
Văn Tùng
http://baokontum.com.vn/kinh-te/tu-mo-rong-chu-trong-phat-trien-san-pham-ocop-20193.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn