BẢN TIN THÔNG BÁO NỘI BỘ (phục vụ sinh hoạt chi bộ tháng 8-2021) 

BẢN TIN THÔNG BÁO NỘI BỘ (phục vụ sinh hoạt chi bộ tháng 8-2021)

Thứ hai - 26/07/2021 10:48
A/ ĐỊNH HƯỚNG SINH HOẠT CHI BỘ TRONG THÁNG
1. Tập trung tuyên truyền về:  (1) kết quả Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; trong đó, nhấn mạnh việc tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần này sẽ góp phần tích cực vào việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. (2) Tuyên truyền về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, tập trung vào nội dung Hội đồng bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV… (3) Tuyên truyền kết quả Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI; trong đó nhấn mạnh  mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, trong 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh Kon Tum đã thực hiện tốt "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế- xã hội và đạt được kết quả tích cực. (4) Tuyên truyền việc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Chương trình số 17-CTr/TU, ngày 14-7-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ "về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19"; Thông báo Kết luận số 255-TB/TU ngày 12-7-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Ngoài ra, chú trọng tuyên truyền kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW, ngày 21-10-2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới"; 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 19- 8- 2016 của Tỉnh ủy "về tiếp tục xây dựng các xã đặc biệt khó khăn trong tình hình mới", Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 08- 8-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy "về nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng và tổ chức đảng trực thuộc đảng ủy cơ sở". Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; việc học tập, triển khai Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng và chuyên đề riêng của tỉnh năm 2021.
2. Tuyên truyền về các ngày kỷ niệm trong tháng 8-2021[1].
3. Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong Nhân dân về công tác phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện nghiêm các biện pháp "5K + vaccine"; thông tin đậm nét về sự quan tâm, nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị trong công tác phòng chống dịch bệnh hiện nay.
B/ TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI BỘ
I- THÔNG TIN THỜI SỰ
1. THẾ GIỚI
1.1. Một số tình hình thế giới, khu vực 6 tháng đầu năm 2021 và công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta
1.1.1. Tình hình thế giới và khu vực 6 tháng đầu năm 2021 tác động trực tiếp đến môi trường an ninh và phát triển của đất nước ta, trong đó nổi lên một số vấn đề lớn đáng chú ý như sau: Một là, việc kiểm soát đại dịch Covid-19, tuy còn nhiều khó khăn nhưng có tiến triển tích cực, tại nhiều nước phát triển, việc sản xuất vắc-xin được nâng lên và hiệu quả của vắc-xin được khẳng định. Tuy nhiên, các biến thể vi-rút mới xuất hiện đã đe dọa và kéo lùi thành quả chống dịch và phục hồi kinh tế, ngay tại các nước phát triển, có tỷ lệ tiêm chủng cao; sự khan hiếm, cạnh tranh toàn cầu về vắc-xin khiến các nước đang phát triển tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn. Hai là, kinh tế thế giới được dự báo phục hồi khả quan, song còn bấp bênh và tiềm ẩn nhiều rủi ro. GDP toàn cầu dự báo tăng 5,6% năm 2021. Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế không đồng đều diễn ra giữa các lĩnh vực, giữa các nhóm nước, giữa thương mại với đầu tư nước ngoài. Trong đó, một số ngành còn gặp nhiều khó khăn như: hàng không, du lịch, giao thông vận tải... Ba là, một số xu hướng xuất hiện từ trước đại dịch tiếp tục được đẩy mạnh hơn hiện nay, nhất là tăng trưởng xanh, liên kết kinh tế, ký kết các FTAs; xu hướng chuyển đổi số, liên kết số, xây dựng luật chơi về số. Bốn là, các nước lớn cạnh tranh chiến lược gay gắt, toàn diện; xu thế tập hợp lực lượng gia tăng phức tạp hơn. Quan hệ Mỹ - Trung vận động theo hướng cạnh tranh chiến lược, song các kênh đối thoại đã được nối lại dù còn nhiều khó khăn, trở lực. Quan hệ giữa Mỹ, EU với Nga tiếp tục căng thẳng, song đã có nhiều dấu hiệu dịu xuống, hai bên đã tiến hành Hội nghị Thượng đỉnh ngày 16/6/2021. Quan hệ Trung - Nga được lãnh đạo hai nước tuyên bố là “đang tốt đẹp nhất trong lịch sử”… Năm là, chủ nghĩa đa phương được củng cố. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tạo động lực cho một số cơ chế đa phương, nhất là tập hợp được các đồng minh, đối tác để ứng phó với các thách thức toàn cầu (biến đổi khí hậu, Covid-19...). Các tổ chức đa phương tuy còn gặp khó khăn, song phát huy được vai trò, hiệu quả hơn. Sáu là, các nước lớn tiếp tục ưu tiên tăng cường quan hệ và triển khai chính sách tại châu Á - Ấn Độ Dương, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời đẩy mạnh cạnh tranh chiến lược nước lớn[2]. Bảy là, Đông Nam Á trải qua giai đoạn khó khăn nhất kể từ nhiều năm qua do tác động đồng thời của dịch bệnh; các nước lớn tăng cường lôi kéo, tranh giành ảnh hưởng và chính biến tại Mi-an-ma. ASEAN ưu tiên ứng phó với Covid-19; tích cực can dự trong xử lý vấn đề Mi-an-ma. Bên cạnh đó, ASEAN đang bộc lộ nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và không chủ động được về vắc-xin; một số thỏa thuận đạt được trong 2020 vẫn chưa được triển khai do các nguyên nhân khách quan và chủ quan… Tám là, tình hình Biển Đông không xảy ra sự cố lớn, bất ngờ, song xu hướng phức tạp trên thực địa gia tăng. Cả Trung Quốc và Mỹ đều tăng cường các hoạt động của tàu thuyền quân sự ở Biển Đông. Vấn đề Biển Đông được quốc tế hóa ở mức cao. Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Anh, Pháp, Đức, Ca-na-đa cử tàu hiện diện hoặc tập trận ở Biển Đông. Các Hội nghị Thượng đỉnh hoặc Bộ trưởng nhóm Bộ Tứ, NATO, EU, G7... nêu quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông. Các nước Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a tích cực và phản ứng mạnh hơn trước hành động của Trung Quốc về khía cạnh pháp lý và trên thực địa; Phi-líp-pin ra tuyên bố của Ngoại trưởng Kỷ niệm 5 năm phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016…
1.1.2. Công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta
Thứ nhất, tích cực, chủ động, linh hoạt và kịp thời tổ chức các hoạt động đối ngoại cấp cao song phương nhằm xây dựng và tăng cường quan hệ giữa lãnh đạo nước ta với lãnh đạo các nước, góp phần đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu: (i) Sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng và Nhà nước ta đã triển khai các hoạt động đối ngoại với các nước và đối tác; đã tích cực tiến hành rất nhiều các cuộc điện đàm, trao đổi, tiếp xúc với các đối tác. (ii) Các hoạt động đối ngoại cấp cao được triển khai có trọng điểm, nội dung thực chất, tập trung vào các vấn đề có nhu cầu, hợp tác về tiếp cận vắc-xin, thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế, xuất khẩu hàng hóa, đầu tư, tăng trưởng xanh, hạ tầng, kinh tế số... (iii) Cùng với chương trình hoạt động đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo cấp cao, các kênh đối ngoại Đảng, đối ngoại Quốc hội, đối ngoại Nhân dân, đối ngoại Quốc phòng đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Thứ hai, tích cực vận động tiếp cận vắc-xin, đồng thời hỗ trợ các nước ứng phó với dịch bệnh Covid-19: (i) Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo và tham gia trực tiếp của các đồng chí Lãnh đạo chủ chốt, các bộ, ban, ngành, các kênh đối ngoại đã đẩy mạnh trọng tâm “ngoại giao vắc-xin”, nhất là triển khai vận động trong các hoạt động đối ngoại cao nhất của Lãnh đạo nước ta, đạt nhiều kết quả khả quan. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tích cực vận động ở nước sở tại cung cấp vắc-xin và chuyển giao công nghệ sản xuất. (ii) Các cơ quan và địa phương phối hợp triển khai quyết liệt các hoạt động phục vụ “mục tiêu kép”…
Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại đa phương, đảm nhận tốt trọng trách Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (HĐBA/LHQ) trong tháng 4/2021 và phát huy vai trò trong ASEAN: Các bộ, ban, ngành đã tích cực phối hợp triển khai Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, với nhiều sự kiện đối ngoại đa phương cấp cao quan trọng[3]. Tại các hoạt động trên, Việt Nam đã lồng ghép những vấn đề có lợi ích, nhấn mạnh yêu cầu hợp tác và đoàn kết trong kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm tiếp cận vắc-xin công bằng, xử lý các khác biệt, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, huy động nguồn lực cho phát triển bền vững và bao trùm... Việt Nam đảm nhiệm tốt trọng trách Ủy viên không Thường trực HĐBA/LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, nhất là vai trò Chủ tịch HĐBA/LHQ trong tháng 4/2021. Trong ASEAN, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN và vị thế của Việt Nam…
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm: Các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, giải quyết các tranh chấp thương mại, bảo đảm lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam. Các cơ quan liên quan đã phối hợp chặt chẽ, bước đầu vận động thành công Bộ Tài chính Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ (16/4/2021). Công tác hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục bám sát Kế hoạch hành động của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA); thúc đẩy thủ tục phê chuẩn trong nước Hiệp định Đối tác kinh tế toàn khu vực (RCEP), vận động thành công 7 Nghị viện thành viên EU phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA)...
1.2. Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa ĐCS Trung Quốc với các chính đảng thế giới: Ngày 06/7/2021, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đảng ta tham dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa ĐCS Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới. Hội nghị được tổ chức theo sáng kiến của ĐCS Trung Quốc, với chủ đề “Vì hạnh phúc của Nhân dân, trách nhiệm của chính đảng” và có sự tham dự của khoảng 10.000 đại biểu đến từ hơn 500 chính đảng và tổ chức chính trị thuộc hơn 160 quốc gia trên thế giới.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng ĐCS Trung Quốc nhân dịp Kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng; chúc mừng những thành tựu mà nhân dân Trung Quốc đã giành được trong 100 năm qua. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam tham dự Hội nghị với tinh thần cởi mở và hợp tác, xuất phát từ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, truyền thống chủ nghĩa quốc tế trong sáng và sự coi trọng mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ với Hội nghị quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của Nhân dân và kinh nghiệm từ thực tiễn của Việt Nam. Tổng Bí thư cho rằng, là các tổ chức chính trị - xã hội quan trọng trong đời sống của các quốc gia và chủ thể quan trọng trong quan hệ quốc tế, các chính đảng cần đồng hành cùng chính phủ của mình để đem lại hạnh phúc cho Nhân dân, tích cực tham gia ứng phó với thách thức toàn cầu; cần "lấy dân làm gốc" để xây dựng và thực hiện mọi chủ trương, đường lối, cương lĩnh, đảm bảo sự phát triển thực sự vì con người; nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tăng cường đối thoại, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, đề cao luật pháp quốc tế, nhất là trong việc giải quyết những bất đồng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, chỉ khi nào các quốc gia, các dân tộc chung sống hòa bình, hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, vì tương lai tốt đẹp chung của nhân loại, khi đó người dân trên thế giới mới thực sự được hưởng hạnh phúc một cách đầy đủ và đích thực.
Nhân dịp này, thay mặt Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ cảm ơn Nhân dân các nước, chính đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có Trung Quốc, đã ủng hộ, giúp đỡ đối với Việt Nam qua các thời kỳ.
1.3. Tình hình thế giới đáng chú ý thời gian gần đây
- Đại hội đồng Liên Hợp quốc (ĐHĐ LHQ) thông qua Nghị quyết chấm dứt cấm vận kinh tế với Cuba: Sáng ngày 23/6/2021, ĐHĐ LHQ đã họp thông qua Nghị quyết về “Sự cần thiết phải chấm dứt cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính đối với Cuba” (A/RES/75/290) với kết quả 184 phiếu thuận, 02 phiếu chống và 03 phiếu trắng. Đây là Nghị quyết do Cuba đề xuất từ năm 1992 và được ĐHĐ LHQ bỏ phiếu thông qua hằng năm với số phiếu thuận áp đảo.
Phát biểu trước khi bỏ phiếu, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý nhấn mạnh, lệnh cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính đối với Cuba là đi ngược lại luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ. Việt Nam cùng với cộng đồng quốc tế kêu gọi Hoa Kỳ chấm dứt lệnh cấm vận đơn phương đối với Cuba, để Cuba được tự do tham gia bình đẳng và công bằng vào các quan hệ kinh tế, thương mại, phù hợp với luật pháp quốc tế…
- Quân đội Mỹ hỗ trợ thiết bị xét nghiệm Covid-19 cho Việt Nam: Ngày 06/7/3021, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã trao tặng một máy phản ứng chuỗi Polymerase (PCR) và thiết bị xét nghiệm lưu động cho Cục Quân y, Bộ Quốc phòng Việt Nam. Số trang thiết bị này là quà tặng từ Bộ Quốc phòng Mỹ, góp phần nâng cao năng lực xét nghiệm lưu động và tăng cường khả năng ứng phó đại dịch cho Việt Nam. Việc trao tặng thiết bị xét nghiệm là một phần trong nhiều hoạt động hợp tác y tế giữa Mỹ và Việt Nam.
Hiện nay, Chính phủ Mỹ đã đóng góp hơn 1 tỷ USD nhằm hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống y tế, bao gồm chương trình hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS, phát hiện và quản lý bệnh cúm và hơn 13 triệu USD hỗ trợ Việt Nam ứng phó với Covid-19. Sáng ngày 07/7/2021, 97.110 liều vaccine phòng Covid-19 của Pfizer/BioNtech, lô đầu tiên trong cam kết của Mỹ cung ứng 31 triệu liều vaccine cho Việt Nam trong năm 2021, đã về tới sân bay Nội Bài.
- Xung quanh việc Nghị viện châu Âu kêu gọi tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh 2022: Ngày 08/7/2021, các nghị sĩ châu Âu đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết không bắt buộc, kêu gọi tẩy chay ngoại giao đối với Olympic mùa Đông 2022 tổ chức tại Bắc Kinh - Trung Quốc, với các cáo buộc rằng, Trung Quốc vi phạm nhân quyền.
Kết quả cuộc bỏ phiếu về nghị quyết trên được Nghị viện châu Âu công bố sáng 09/7/2021 cho thấy, các nghị sĩ châu Âu đã ủng hộ với tỷ lệ áp đảo nghị quyết này, với 578 phiếu ủng hộ so với 29 phiếu chống. Tất cả các nhóm đảng lớn tại Nghị viện châu Âu, như nhóm đảng Nhân dân châu Âu (EPP), nhóm đảng “Đổi mới” (Renew) đều ủng hộ nghị quyết này.
2. TRONG NƯỚC
2.1. Từ ngày 05 - 08/7/2021, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp Hội nghị lần thứ ba để thảo luận và quyết định một số nội dung quan trọng:
2.1.1. Về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025: (1) Ban Chấp hành Trung ương thống nhất đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020, và tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021. Đồng thời, cho ý kiến chỉ đạo hoàn thiện dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia, và đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025. (2) Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu, ngay sau Hội nghị, Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Trung ương để hoàn thiện các dự thảo kế hoạch trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Trong quá trình này, cần tiếp tục bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các chủ trương, chính sách, biện pháp mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với Kế hoạch tài chính quốc gia và Kế hoạch đầu tư công trung hạn; có những giải pháp mang tính đột phá, khả thi cao và sát hợp với thực tế tình hình: Vừa phải tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa phải chủ động, tích cực phòng, chống dịch bệnh có thể còn tiếp tục kéo dài, thậm chí nguy hiểm, lan rộng nhanh hơn.
2.1.2. Các quy chế, quy định của Ban Chấp hành Trung ương
Ban Chấp hành TW cho ý kiến để hoàn thiện và quyết định ban hành Quy chế làm việc của Ban Chấp hành TW, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra TW khóa XIII; Quy định về thi hành Điều lệ Đảng và Quy định về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng nhiệm kỳ khóa XIII. (1) Về Quy chế làm việc của Ban Chấp hành TW, nội dung bổ sung, sửa đổi không nhiều, nhưng rất quan trọng liên quan đến trách nhiệm và quyền hạn của Ban Chấp hành TW, của Ủy viên Ban Chấp hành TW (bao gồm cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư), của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; trách nhiệm và quyền hạn của Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, của Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, và về chế độ làm việc, phương pháp công tác. (2) Về Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra TW khóa XIII, quy định rõ hơn các vấn đề liên quan đến trách nhiệm, quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra TW; trách nhiệm, quyền hạn của thành viên Ủy ban Kiểm tra TW; trách nhiệm, quyền hạn của Thường trực Ủy ban, Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm Ủy ban; và về mối quan hệ công tác với các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, ban chỉ đạo của Trung ương...(3) Về Quy định thi hành Điều lệ Đảng, những nội dung mới chủ yếu tập trung vào một số vấn đề để làm tốt hơn công tác đảng viên như: Giới thiệu và kết nạp người vào Đảng; công nhận đảng viên chính thức; phát thẻ và quản lý thẻ đảng viên, quản lý hồ sơ đảng viên và thủ tục chuyển sinh hoạt đảng; một số quy định về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; bầu đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên; việc lập các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của cấp uỷ; sinh hoạt định kỳ của đảng bộ, chi bộ cơ sở; đảng ủy cơ sở được ủy quyền quyết định kết nạp và khai trừ đảng viên; tổ chức cơ quan kiểm tra; khen thưởng đối với tổ chức đảng và đảng viên; đảng đoàn và ban cán sự đảng...Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, nội dung sửa đổi, bổ sung trong Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng khóa XI đã thể chế, cụ thể hóa các nội dung đã được Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành TW khóa XII kết luận tại Nghị quyết số 53-NQ/TW; cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; và bổ sung nhiều quy định cụ thể khác liên quan đến các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, có tính bản chất, phổ biến hoặc còn thiếu... nhằm phát huy đầy đủ, đúng đắn hơn nữa chức năng kiểm tra, giám sát của Đảng.
2.1.3. Về công tác cán bộ: (1) Ban Chấp hành TW thảo luận, xem xét kỹ lưỡng và thống nhất cao về cơ cấu tổ chức bộ máy Nhà nước và nhất trí đề xuất, giới thiệu bổ sung 23 nhân sự đảm nhiệm một số chức danh lãnh đạo Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 để trình Quốc hội xem xét bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. (2) Ban Chấp hành TW đã bầu bổ sung 02 đồng chí Ủy viên Ủy ban Kiểm tra TW khóa XIII. (3) Ban Chấp hành TW đã thảo luận, kết luận, biểu quyết, quyết định thi hành kỷ luật một số đồng chí cán bộ[4].
2.1.4. Một số công việc quan trọng khác: (1) Ban Chấp hành TW xem xét, thảo luận Báo cáo những công việc quan trọng Bộ Chính trị đã chỉ đạo giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 2 đến Hội nghị Trung ương 3 và các nhiệm vụ trọng tâm từ Hội nghị Trung ương 3 đến Hội nghị Trung ương 4; Báo cáo tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cùng một số nội dung quan trọng khác. (2) Ban Chấp hành TW kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, phát huy kết quả quan trọng đã đạt được của năm 2020 và những tháng đầu năm 2021; nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; chung tay quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19; tiếp tục tổ chức tốt việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
2.2. Tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2021
Trong 6 tháng đầu năm 2021, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội diễn ra trong bối cảnh cơ hội, thuận lợi lớn nhưng khó khăn, thử thách nhiều hơn. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là từ cuối tháng 4/2021 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hầu hết các lĩnh vực. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước, chúng ta đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đồng thời thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Dịch bệnh cơ bản vẫn đang được kiểm soát; chiến lược tiêm chủng vaccine được chỉ đạo triển khai quyết liệt. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (1,82%). Lạm phát ở mức thấp; chỉ số CPI bình quân 6 tháng tăng 1,47% so với cùng kỳ năm 2020, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng tích cực, đạt 3,69%, cao nhất trong 5 năm qua. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt trên 316 tỷ đô la, trong đó xuất khẩu ước đạt 157,63 tỷ đô la, tăng 28,4%. Công tác an sinh xã hội được chú trọng. Các phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020-2021 trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp được rà soát, chuẩn bị kỹ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh…
Trước tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2021, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021, Chính phủ khẳng định, nhất quán quan điểm là phải kiên định mục tiêu tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện hài hòa, thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Trên tinh thần này, Chính phủ yêu cầu từng thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương bám sát các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân, quyết liệt hành động, không để công việc trì trệ; đổi mới tư duy, phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng bám sát thực tiễn, nhận diện đúng tình hình để đưa ra quyết sách kịp thời, chính xác, đạt hiệu quả cao nhất.
2.3. Kết quả công tác phòng, chống tội phạm 6 tháng đầu năm 2021
2.3.1. Một số kết quả đạt được: Sáu tháng đầu năm 2021, lực lượng Công an nhân dân đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, thực hiện tốt chức năng tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương, phát huy vai trò nòng cốt, lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19; triển khai quyết liệt, đồng bộ các kế hoạch, giải pháp đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng của đất nước. Không để xảy ra bị động, bất ngờ, không để xảy ra sơ suất, góp phần quan trọng vào thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức. Bộ Công an cũng đã tập trung trấn áp mạnh các loại tội phạm[5], thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, xử lý kịp thời các vụ việc phức tạp nảy sinh, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, giữ vững ổn định chính trị, phục vụ hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội và đối ngoại của đất nước. Đặc biệt, trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, lực lượng Công an nhân dân đã tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm ít nhất 5% số vụ phạm pháp hình sự trong năm 2021. Trong 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng công an đã cơ bản hoàn thành 02 Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân. Tính đến ngày 14/6/2021, lực lượng công an toàn quốc đã thu nhận hơn 53,8 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân, đạt 107,8% chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra.
2.3.2. Một số nhiệm vụ trọng tâm phòng, chống tội phạm 6 tháng cuối năm 2021: (1) Tập trung thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới. (2) Đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. (3) Tiếp tục tập trung cao thực hiện các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh góp phần giảm ít nhất 5% số vụ phạm tội về trật tự xã hội theo Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm giết người, tội phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm về cờ bạc, “tín dụng đen”...  (4) Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể ở địa bàn cơ sở trong phòng, chống tội phạm. (5) Thực hiện tốt các mặt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là quản lý cư trú, quản lý ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, quản lý xuất nhập cảnh, người nước ngoài. (6) Mở rộng hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, dẫn độ tội phạm giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
3. TRONG TỈNH
3.1. Kết quả Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ tư, khóa XVI (mở rộng): Hội nghị diễn ra trong 2 ngày (29 và 30-6) dưới sự chủ trì của đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; và đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.
Hội nghị đã: (i) thống nhất đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, toàn tỉnh đã thực hiện tốt "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội và đạt được kết quả tích cực, như: tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 6.693 tỷ đồng, tăng 6,79% so với cùng kỳ năm 2020; thu ngân sách nhà nước khoảng 1.483 tỷ đồng, đạt 42,37% dự toán và bằng 115,32% cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên thị trường đạt 13.260 tỷ đồng, tăng 41,94% so với cùng kỳ và đạt 51,2% so với kế hoạch; an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định, không xảy ra vụ việc phức tạp. Công tác xây dựng Đảng đạt kết quả quan trọng; chất lượng tổ chức đảng và đảng viên tiếp tục được nâng lên. (ii) thống nhất với chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị 6 tháng cuối năm 2021. Theo đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP tăng thêm 12%; GRDP bình quân đầu người tăng thêm 30,4 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 2.017 tỷ đồng; trồng mới 1.613ha cây ăn quả, 2.400ha rừng, các loại cây trồng khác đảm bảo kế hoạch đề ra; có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới; chỉ số về cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021 tăng 10 bậc so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021-2025 giảm ít nhất 4,16%...Đối với công tác xây dựng Đảng, phát triển mới ít nhất 551 đảng viên; 75% trở lên số tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ; tỷ lệ bí thư chi bộ kiêm thôn trưởng, tổ trưởng tổ dân phố tăng thêm ít nhất 2,9%... (iii) thống nhất và biểu quyết thông qua Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị 6 tháng cuối năm 2021; Nghị quyết về đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Kết luận về tổng kết Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 24/8/2016 của Tỉnh ủy "về giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020"; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Thống nhất với Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021; Báo cáo những công việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giải quyết giữa hai kỳ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
3.2. Kỳ họp thứ Nhất, HĐND tỉnh khóa XII diễn ra trong hai ngày (01 và 02-7) thành công tốt đẹp. Tại Kỳ họp, (1) HĐND tỉnh đã thống nhất cao với Báo cáo kết quả bầu cử đại biểu HĐND tỉnh; báo cáo kết quả xác nhận tư cách đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021- 2026 của Ủy ban Bầu cử tỉnh… (cử tri đã tín nhiệm bầu 51 đại biểu/85 người ứng cử vào HĐND tỉnh khóa XII nhiệm kỳ 2021-2026…); thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm; xác định phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp cụ thể để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh năm 2021 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI ngay trong năm đầu của nhiệm kỳ. (2) Kỳ họp cũng đã bầu các chức vụ chủ chốt trong cơ quan hành chính, cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương theo đúng quy trình, quy định, với hình thức bỏ phiếu kín (đã bầu đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026; bầu đồng chí Lê Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026);…(3) Kỳ họp cũng đã thống nhất biểu quyết thông qua 26 nghị quyết chuyên đề nhằm cụ thể hóa các quy định của pháp luật, các chủ trương, chính sách của Trung ương vào điều kiện cụ thể của tỉnh (Xin xem nội dung cụ thể tại Mục: Thông tin chuyên đề của Bản tin).
Kết thúc Kỳ họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có bài phát biểu bế mạc quan trọng (Xin xem nội dung cụ thể tại Mục: Thông tin chuyên đề của Bản tin).
3.3. Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vừa được Tỉnh ủy tổ chức ngày 15-7, dưới sự chủ trì của đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.
5 năm qua (2016-2021), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy, địa phương, đơn vị trong tỉnh quán triệt, nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị và các chuyên đề hàng năm về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ đó, nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được nâng lên rõ rệt. Vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên không ngừng được phát huy; thể hiện ở phong cách gần dân, sát dân, sâu sát cơ sở, quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở các địa phương, đơn vị. Toàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới được biểu dương, khen thưởng và được giới thiệu, nhân rộng, tạo hiệu ứng tốt, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, có 2 tập thể và 3 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 39 tập thể, 51 cá nhân được Bí thư Tỉnh ủy tặng Thư khen và UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2021 và năm 2021…  
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, toàn Đảng bộ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Thời gian tới, đồng chí yêu cầu, (i) cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị trong toàn tỉnh. (ii) Phát huy vai trò gương mẫu, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện những nội dung đột phá cho toàn khóa và từng năm; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình tiên tiến, các mô hình hay trong lao động, sản xuất; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời chấn chỉnh cách làm qua loa, hình thức, chiếu lệ...; định kỳ có sơ kết đánh giá kết quả thực hiện. Đối với những tập thể, cá nhân được tuyên dương lần này, cần tiếp tục phấn đấu, rèn luyện để lập được những thành tích cao hơn nữa, là tấm gương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, noi theo; góp phần lan tỏa những đức tính tốt đẹp, nhân văn trong xã hội và xây dựng tỉnh Kon Tum ngày càng giàu đẹp, văn minh.  
3.4. Ngày 12-7, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với các huyện, thành phố. Đồng chí Dương Văn Trang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh: Do có sự chủ động, tích cực của cấp ủy, chính quyền; của cả hệ thống chính trị và nhân dân, nên Kon Tum đã thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống Covid-19 qua 4 đợt, đến thời điểm 12/7/2021 trên địa bàn tỉnh chưa có ca dương tính với SASR-CoV-2. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, trước tình hình dịch Covid-19 tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh đang diễn biến hết sức phức tạp; tốc độ lây truyền của biến chủng SARS-CoV-2 nguy hiểm hơn rất nhiều so với trước đây, nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh là rất cao nếu không được kiểm soát tốt…
Sau hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận (tại Thông báo số 255-TB/TU, ngày 12-7-2021) (Xin xem nội dung cụ thể tại Mục Văn bản mới của Bản tin)
3.5. Kon Tum xếp thứ 49/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về Chỉ số CCHC năm 2020, tăng 10 bậc so với năm 2019. Thông tin vừa được Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ vừa công bố.
Trong đó, Chỉ số “Cải cách TTHC” năm 2020 tỉnh Kon Tum đạt 13.21 điểm (97,87% điểm) tăng 5,01% điểm so với năm 2019 và đứng 19/63 tỉnh, thành phố. (Tuy nhiên, tính về điểm số tỉnh Kon Tum đứng thứ 16, do có 02 tỉnh cùng đạt 99,58% điểm là Đăk Nông và Bình Dương và 2 tỉnh cùng đạt 97,87% điểm là Hòa Bình và Kon Tum). Tiêu chí “Kiểm soát quy định TTHC” đạt tối đa  1/1 điểm; Tiêu chí “Công bố, công khai TTHC và kết quả giải quyết hồ sơ” đạt 3,25/3,5 điểm; Tiêu chí “Thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông” đạt tối đa 3/3 điểm; Tiêu chí “Kết quả giải quyết hồ sơ TTHC” đạt 4,96/5 điểm; Tiêu chí “Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh” đạt tối đa 1/1 điểm.
Mặc dù Chỉ số“Cải cách TTHC” của tỉnh năm 2020 tăng 2 bậc so với năm 2019 nhưng vẫn là chỉ số có thứ hạng cao nhất trong 8 chỉ số thành phần của Chỉ số CCHC (PAR INDEX) năm 2020 của tỉnh Kon Tum, cụ thể: Chỉ số thành phần “Cải cách TTHC” xếp thứ 19/63; Chỉ số thành phần “Cải cách tổ chức bộ máy hành chính” xếp thứ 20/63; Chỉ số thành phần “Tác động của cải cách đến hiện đại hóa hành chính” xếp thứ 29/63; Chỉ số thành phần “Cải cách tài chính công” xếp thứ 30/63; Chỉ số thành phần “Chỉ đạo điều hành CCHC” xếp thứ 47/63; Chỉ số thành phần “Xây dựng và tổ chức thực hiện VBQPPL của tỉnh” xếp thứ 52/63; Chỉ số thành phần “Hiện đại hóa hành chính” xếp thứ 56/63; Chỉ số thành phần “Xây dựng và nâng cao chất lượng CBCCVC” xếp thứ 58/63.
3.6. Số liệu thống kê mới nhất của ngành chức năng, tính đến ngày 7/7/2021, toàn tỉnh Kon Tum đã có 32.078 người được tiêm vắc xin phòng Covid-19 sau 2 đợt tiêm. Trong đó, đợt 2 được triển khai từ ngày 7/6/2021, tiêm mũi 1 cho các đối tượng thuộc 4 nhóm: Nhóm 2 (nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh); nhóm 3 (người cung cấp dịch vụ thiết yếu hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...); nhóm 4 (giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người); nhóm 9 (công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp).
Kết quả, đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 20.962/26.976 đối tượng, đạt tỷ lệ 77,7%. Trong đó, thành phố Kon Tum 9.302; Đăk Hà 1.673; Đăk Tô 1.272; Ngọc Hồi 2.191; Đăk Glei 1.351; Tu Mơ Rông 809; Kon Plông 1.251; Kon Rẫy 1.180; Sa Thầy 1.548; Ia H’Drai 385. Số trường hợp chống chỉ định 77. Đáng chú ý là trong đợt 2 có tới 1.544 trường hợp tạm hoãn tiêm; 3 trường hợp không đồng ý tiêm và 1.418 trường hợp vắng mặt.
Như vậy đến nay, toàn tỉnh có 32.078 người được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Trước đó, đợt tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên ở tỉnh ta được triển khai từ ngày 22/4-15/5/2021. Có 11.116 người thuộc nhóm 1 (gồm lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và lực lượng công an, bộ đội…) được tiêm vắc xin mũi 1, đạt tỷ lệ 81,7%. Hiện, ngành chức năng đang đợi Bộ Y tế phân bổ vắc xin để tiếp tục triển khai vòng 2 theo kế hoạch.
3.7. Trong hai ngày (7 và 8-7) cùng với cả nước, hơn 4.640 thí sinh tỉnh Kon Tum đã hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy định. Trong tổng số thí sinh dự thi (có 4.421 thí sinh học hệ trung học phổ thông và 226 thí sinh học hệ giáo dục thường xuyên), dự thi tại 12 điểm thi. Trong đó, có 1.069 thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp; 3.420 thí sinh dự thi có sử dụng kết quả xét tuyển đại học; 158 đã tốt nghiệp THPT, thí sinh tốt nghiệp Trung cấp tham dự kỳ thi chỉ để xét tuyển đại học, cao đẳng.
Để bảo vệ sức khỏe thí sinh và cán bộ làm nhiệm vụ thi, trước khi vào thi, tất cả các điểm thi chính và điểm thi dự phòng được thực hiện phun khử khuẩn; thí sinh được đo thân nhiệt, nếu thí sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở sẽ được thi ở phòng thi dự phòng. Tại các điểm thi, lực lượng công an các địa phương chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, đảm bảo ANTT trong và ngoài khu vực thi, không để xảy ra các sự cố, sai phạm trong quá trình tổ chức thi. Cùng với đó, lực lượng cảnh sát giao thông, thanh niên tình nguyện cũng đã phối hợp tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông, nhắc nhở phụ huynh học sinh dừng, đỗ phương tiện đúng quy định; tăng cường tuần tra trên các tuyến đường dẫn vào các điểm thi để kịp thời xử lý khi có nguy cơ ùn tắc giao thông, hỗ trợ thí sinh và người nhà thí sinh khi cần thiết, không để tình trạng thí sinh vì lý do giao thông mà đến trễ hoặc không thể tham dự kỳ thi. Có khoảng 1.020 thí sinh/ hơn 4.640 thí sinh tham gia Kỳ thi có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ các mức khác nhau, với tổng số tiền gần 400 triệu đồng (trung bình khoảng 390.000/thí sinh). Dịp này, Tỉnh đoàn Kon Tum đã triển khai nhiều hoạt động "Tiếp sức mùa thi" với hơn 600 đoàn viên, thanh niên tham gia…
3.8. Một số vấn đề cử tri kiến nghị gửi đến Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Khóa XII, nhiệm kỳ 2021-2026. Cụ thể: (1) Về quy hoạch, cử tri đề nghị các dự án quy hoạch hiện nay chưa làm hoặc có dự án không còn phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương mà lâu nay người dân hay gọi là “quy hoạch treo” thì các cơ quan chức năng rà soát, nếu đầu tư làm thì triển khai, nếu quy hoạch đó không có khả thi thì xem xét điều chỉnh hoặc đưa ra khỏi quy hoạch để không ảnh hưởng đến cuộc sống của Nhân dân trong vùng;…(2) Về đầu tư gắn với giải quyết việc làm, cử tri đề nghị tỉnh có chính sách “rải thảm đỏ” nhằm thu hút nhân lực có tài về phục vụ quê hương Kon Tum; có chính sách “mở” kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy, xí nghiệp tại tỉnh, trước mắt kêu gọi doanh nghiệp sớm đầu tư vào Khu công nghiệp Sao Mai để tạo việc làm cho người dân. (3) Về giao thông, cử tri đề nghị tỉnh đầu tư mở rộng Tỉnh lộ 677 từ xã Đăk Ruồng đi xã Đăk Kôi; khi thiết kế thi công Tỉnh lộ 676 cần cắm rõ mốc nền lòng đường, hành lang đường bộ ở hai bên tuyến đường, nhất là đoạn đi qua khu dân cư, khu sản xuất nhằm tránh việc người dân xây dựng nhà ở và các vật kiến trúc làm lấn chiếm hành lang an toàn giao thông; đầu tư làm đường từ thị trấn Đăk Glei đi các xã Đăk Long, Đăk Nhoong, Đăk Plô, đường DH 85 từ Đăk Môn đến Đăk Long (huyện Đăk Glei); sửa chữa Tỉnh lộ 675 (đoạn qua Tổ dân phố 1, Ngô Mây, thành phố Kon Tum). (4) Về tài nguyên và môi trường, cử tri kiến nghị tỉnh điều chỉnh khung giá đất theo kịp giá thị trường và xem đây là một trong những hình thức thu nhập cho Nhân dân; quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường, nước sạch; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô của cử tri thành phố Kon Tum. (5) Về nông nghiệp và thủy lợi, cử tri đề nghị tỉnh rà soát cây, con giống cho phù hợp với từng vùng để có năng suất, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho Nhân dân; tiếp tục đầu tư có chiều sâu trong việc phát triển nông nghiệp nông thôn như: giống, kỹ thuật, tìm đầu ra sản phẩm nông, lâm nghiệp ổn định …(6) Về chế độ, chính sách, cử tri tiếp tục kiến nghị tỉnh quan tâm xem xét, bổ sung, sửa đổi Nghị quyết số 36/2020/NQ-HĐND ngày 16/7/2020 của HĐND tỉnh “quy định chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh” cho phù với thực tế…
3.9. Tại Phiên họp trực tuyến với các huyện, thành phố đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ KT-XH 6 tháng đầu năm 2021 và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm (tổ chức ngày 16/7), Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn yêu cầu các sở, ngành và các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu kế hoạch phát triển KT-XH hội 6 tháng cuối năm 2021. Trong đó, chú trọng một số nhiệm vụ trọng tâm: (1) Tập trung chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Hội nghị lần thứ Tư Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI và các nghị quyết của Kỳ họp thứ Nhất HĐND tỉnh khóa XII đã thông qua. Đồng thời, tiếp tục theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 để kịp thời chỉ đạo, chuẩn bị mọi điều kiện về nhân lực và vật lực nhằm sẵn sàng ứng phó với các tình huống; tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa bảo đảm các yêu cầu phòng chống dịch, vừa duy trì được sự liên tục của hoạt động sản xuất ở mức độ cao nhất. (2) Các sở, ngành, địa phương, đơn vị cần tập trung thực hiện các dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả giải ngân các dự án do đơn vị mình làm chủ đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn. (3) Các ngành, địa phương tích cực thực hiện chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. (4) Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương đẩy nhanh việc rà soát quỹ đất trồng rừng, chuyển giao toàn bộ quỹ đất trồng rừng cho các huyện, thành phố quản lý; đảm bảo nguồn giống cây dược liệu, đặc biệt là nguồn giống sâm Ngọc Linh để cung ứng cho người dân nhằm đảm bảo thực hiện được mục tiêu phát triển diện tích sâm Ngọc Linh trong năm 2021; cần phối hợp với các sở, ngành có liên quan đề xuất giải pháp, tham mưu UBND tỉnh để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh.
II- THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ
Chuyên đề 1. Bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bế mạc Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Chi tiết, xin xem tại đây).
Chuyên đề
2. Bài phát biểu Bế mạc Kỳ họp thứ Nhất, HĐND tỉnh khóa XII của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang (Chi tiết, xin xem tại đây).
Chuyên đề 3. 26 Nghị quyết chuyên đề được thông qua tại Kỳ họp thứ Nhất HĐND tỉnh khóa XII (Chi tiết, xin xem tại đây).
Chuyên đề 4. Nội dung tuyên truyền kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2021). (Chi tiết, xin xem tại đây).
C/ VĂN BẢN MỚI
I- VĂN BẢN XÂY DỰNG ĐẢNG
1. VĂN BẢN CỦA TRUNG ƯƠNG
1.1. Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới (xin xem tại đây).
1.2. Nhiều nội dung mới được bổ sung trong các quy chế, quy định của Đảng: Tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XIII, Trung ương đã thảo luận và thống nhất bổ sung mới nhiều nội dung trong các quy chế, quy định của Đảng (xin xem tại đây).
1.3. Điện của Thường trực Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 (xin xem tại đây).
2. VĂN BẢN CỦA TỈNH
2.1. Thông báo số 251-TB/TU, ngày 01-7-2021 về kết quả Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI (xin xem tại đây).
2.2. Thông báo số 255-TB/TU, ngày 12-7-2021 về kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 ( xin xem tại đây).
2.3. Công văn số 235-CV/TU ngày 21-7-2021 của Tỉnh ủy yêu cầu tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 (xin xem tại đây).
II- VĂN BẢN PHÁP QUY
1. VĂN BẢN CỦA TRUNG ƯƠNG
1.1. Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 ( xin xem tại đây).
1.2. Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (xin xem tại đây).
1.3. Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025 (xin xem tại đây).
2. VĂN BẢN CỦA TỈNH
2.1. Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 14/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về trồng rừng tập trung và cây phân tán trên địa bàn tỉnh (xin xem tại đây).
2.2. Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 14/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 (xin xem tại đây). .
2.3. Công văn số 2408/UBND-NNTN ngày 14/7/2021 của UBND tỉnh chỉ đạo triển khai một số giải pháp phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh (xin xem tại đây).
2.4. Công văn số 2388/UBND-NNTN ngày 14/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về triển khai xây dựng, củng cố lực lượng xung kích cấp xã (xin xem tại đây).
2.5. Công Văn số 2415/UBND-KGVX ngày 15/7/2021 của UBND tỉnh về việc đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030 (xin xem tại đây).
2.6. Công văn số 2421/UBND-KGVX ngày 15/7/2021 của UBND tỉnh về việc tiếp tục thực hiện Chương trình số 37-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển thể dục thể thao (xin xem tại đây).
D/ GƯƠNG NGƯỜI TỐT, VIỆC TỐT
1. Tấm gương sáng của nữ trưởng thôn: Ở thôn Đăk Mế, xã Pờ Y (huyện Ngọc Hồi), chị Đinh Thị Khiêm (dân tộc Mường) luôn hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm của một trưởng thôn và là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế gia đình (xin xem tại đây).
2. Ông Thảo có tấm lòng thơm thảo: Với tấm lòng thơm thảo, thường xuyên thực hiện thiện nguyện, ông Lê Phương Thảo, đang sinh sống tại tỉnh Đồng Tháp được nhiều người thương yêu, quý trọng... (xin xem tại đây).
3. Đăk Ui sáng tạo thực hiện cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm: Thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong triển khai cuộc vận động tại địa phương (xin xem tại đây).
 

Nguyễn Phi Em thực hiện.
 

[1] 91 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930-01/8/2021); Ngày thành lập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (08/8/1967-08/8/2021); 76 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân (19/8/1945-19/8/2021); kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (08/8/1921-08/8/2021), 130 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Tần (8/1891-8/2021). Tuyên truyền đậm nét các hoạt động kỷ niệm: 60 năm thảm họa da cam tại Việt Nam (10/8/1961-10/8/2021); 30 năm Ngày thành lập lại tỉnh Kon Tum (12/8/1991-12/8/2021); 76 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2021) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2021); 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2021).
[2] Mỹ ra sức lôi kéo đồng minh, đối tác ứng phó với Trung Quốc; Trung Quốc đẩy mạnh tập hợp lực lượng nhằm hóa giải sức ép của Mỹ và khẳng định vị thế, ảnh hưởng tại khu vực, triển khai nhiều hoạt động đối ngoại, thương mại, đầu tư, viện trợ vắc-xin... Đáng chú ý là nhiều nước lớn trong và ngoài khu vực như Anh, EU, Ấn Độ, Pháp, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản đẩy mạnh triển khai các sáng kiến tại châu Á-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; trong đó một số khuôn khổ “tiểu đa phương” do các nước tầm trung dẫn dắt được thúc đẩy
[3] Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lần đầu tiên chủ trì Phiên thảo luận mở cấp cao HĐBA/LHQ về “Tăng cường hợp tác giữa Liên Hợp quốc với các tổ chức nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột” (19/4); phát biểu ghi hình tại Lễ khai mạc trực tuyến Diễn đàn châu Á Bác Ngao (20/4); dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu do Tổng thống Mỹ chủ trì (22-23/4). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN dưới hình thức trực tiếp…
[4] Đ/c Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng; thi hành kỷ luật đ/c Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bình Dương bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ: 2010 - 2015, 2015 - 2020, 2020 - 2025.
[5] (i) Về tội phạm xâm phạm trật tự xã hội: Công an các đơn vị, địa phương đã điều tra, làm rõ gần 18.000 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 84,12% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra 9,12%); (ii) Tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu: Lực lượng Công an nhân dân đã phát huy vai trò nòng cốt, triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, phát hiện, điều tra án tham nhũng, đã phát hiện 150 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, nhiều hơn 22,9% so cùng kỳ năm 2020. Công tác phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả tiếp tục được triển khai quyết liệt, lực lượng Công an đã phát hiện hơn 1.500 vụ, trong đó triệt phá nhiều đường dây buôn lậu lớn; (iii) Về tội phạm sử dụng công nghệ cao: Bộ Công an tham mưu với Đảng, Nhà nước chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, ngân hàng, thương mại điện tử, hoạt động của các sàn ngoại hối, đã phát hiện, xử lý hơn 80 vụ, hơn 100 đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này; (iv) Về phòng, chống tội phạm về ma túy: Đã phát hiện, bắt giữ hơn 15.000 vụ (nhiều hơn 6,9% số vụ), gần 21.500 đối tượng phạm tội về ma túy (nhiều hơn 7,6%); thu giữ hơn 320kg heroin (nhiều hơn 10,9%); hơn 1,2 triệu viên ma túy tổng hợp (nhiều hơn 13,9%); gần 1,9 tấn ma túy tổng hợp (nhiều hơn 8,7%); gần 1 tấn cần sa (nhiều hơn gần 600%) so với cùng kỳ năm 2020. Tình trạng tụ tập sử dụng trái phép chất ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và không thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19; trồng cây chứa chất ma túy diễn ra ở nhiều địa phương. Toàn quốc hiện có 246.648 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó nhiều đối tượng có biểu hiện “ngáo đá” và phần lớn đang sinh sống tại cộng đồng, là nguyên nhân, điều kiện phát sinh nhiều loại tội phạm; (v) Về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm: Đã Phát hiện hơn 500 vụ phạm tội về môi trường, an toàn thực phẩm (ít hơn 57,8% số vụ so cùng kỳ năm 2020).
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản mới

CV.1500.TU

Triệu tập HN trực tuyến quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW; báo cáo tình hình KTXH năm 2024 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế

Lượt xem:400 | lượt tải:234

TÀI LIỆU

phục vụ giao ban báo chí tháng 11-2024

Lượt xem:96 | lượt tải:80

CV.2759.BTGTU

về định hướng triển khai Giải Búa liềm vàng của Đảng bộ tỉnh lần thứ V-năm 2025.

Lượt xem:158 | lượt tải:125

KH.175.TU

tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

Lượt xem:119 | lượt tải:220

TÀI LIỆU

giao ban báo chí tháng 10-2024

Lượt xem:204 | lượt tải:159

NQ.26.TU

về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị 3 tháng cuối năm 2024.

Lượt xem:1242 | lượt tải:227

ĐỀ CƯƠNG

Tuyên truyền Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng - Người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên (20/10/1914 - 20/10/2024).

Lượt xem:1461 | lượt tải:652
 
pxyk2025
 
bao chi
bacho 2
truongsa

sls
Đăng nhập
Hãy đăng nhập tài khoản để sử dụng tài liệu Báo cáo viên
Thống kê
  • Đang truy cập78
  • Hôm nay8,539
  • Tháng hiện tại228,480
  • Tổng lượt truy cập34,581,839
Thăm dò ý kiến

Bạn có thường xuyên truy cập trang web này không?

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trang web có cần bổ sung, điều chỉnh nội dung gì không?

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUM
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT, ngày 25 tháng 9 năm 2024
Chịu trách nhiệm: ông Nguyễn Trung Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Địa chỉ: 67 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum
SĐT: 0260.3862301     Fax: 0260.3865464
Email: bantuyengiaotinhuykt@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây