Tài liệu sinh hoạt chi bộ tháng 01-2021 

Tài liệu sinh hoạt chi bộ tháng 01-2021

Thứ sáu - 25/12/2020 20:54
A. NỘI DUNG TRỌNG TÂM SINH HOẠT CHI BỘ THÁNG 01-2021
- Lãnh đạo tuyên truyền hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong đó, tập trung tuyên truyền những thành tựu nổi bật của đất nước sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới; kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2015-2020; phản ánh sự quan tâm, tình cảm, tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và quần chúng nhân dân đối với Đại hội XIII của Đảng. Tuyên truyền các ngày kỷ niệm trong tháng 01-2021[1].
- Tăng cường tuyên truyền kết quả phòng, chống tham nhũng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay. Tuyên truyền kết quả kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ năm 2021. Tuyên truyền kết quả thực hiện NQTW 4 khóa XII gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tuyên truyền Kết luận số 70-KL/TW "về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể".
- Ngoài ra, tuyên truyền kết quả nổi bật của các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương về các chính sách an sinh xã hội; công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm như vượt biên, buôn bán vận chuyển các mặt hàng cấm (pháo nổ, ma túy…) qua khu vực biên giới, cửa khẩu; thông tin kịp thời về tình hình giá cả, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra, quản lý thị trường, kiểm soát hàng giả, hàng lậu để bình ổn giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tăng giá và gian lận trong thương mại; tuyên truyền khuyến khích các doanh nghiệp đưa hàng Việt Nam có chất lượng cao, phục vụ các địa phương trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
- Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; kết quả chỉ đạo, xử lý nghiêm các đối tượng tiếp tay, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Tiếp tục tuyên truyền công tác phòng, chống các dịch bệnh ở người, trên cây trồng và vật nuôi. Tuyên truyền Nghị định số 137/2020/NĐ-CP, ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/01/2021).
B. THÔNG TIN THỜI SỰ
I. THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ
Chuyên đề 1. Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khai mạc Hội nghị Trung ương 14 (Chi tiết, xin xem tại đây).
Chuyên đề 2. Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bế mạc Hội nghị Trung ương 14 (Chi tiết, xin xem tại đây).
Chuyên đề 3. Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2021 (Chi tiết, xin xem tại đây).
Chuyên đề 4. Tỉnh ủy chỉ đạo không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp (Chi tiết, xin xem tại đây).
II. TIN TRONG TỈNH
1. Ngày 01-12, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI tổ chức Hội nghị lần thứ hai. Đồng chí Dương Văn Trang-UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.
Hội nghị thông qua Chương trình công tác toàn khóa của Tỉnh ủy khóa XVI; tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy khóa XVI; thảo luận và thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh giai đoạn 2021-2025; thảo luận và thống nhất ban hành Chương trình công tác kiểm tra, giám sát toàn khóa của Tỉnh ủy khóa XVI.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Chương trình công tác toàn khóa của Tỉnh ủy khóa XVI có vai trò hết sức quan trọng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết. Vì vậy, (i) các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì chuẩn bị báo cáo, đề án trình Tỉnh ủy phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động triển khai các nội dung công việc được giao, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ. Thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan chủ trì phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy về những báo cáo, đề án không bảo đảm quy trình, tiến độ và chất lượng. (ii) từng đồng chí Tỉnh ủy viên chỉ đạo cụ thể hóa Chương trình công tác toàn khóa của Tỉnh ủy khóa XVI thành chương trình, kế hoạch công tác của địa phương, đơn vị mình để triển khai thực hiện, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI vào cuộc sống. (iii) đề nghị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan nắm vững, chấp hành nghiêm Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy theo đúng nhiệm vụ, quyền hạn được phân công. Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy căn cứ Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy khóa XVI khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt quy chế làm việc của ủy ban kiểm tra cấp ủy cùng cấp cho phù hợp. (iv) các cơ quan được giao nhiệm vụ phải bám sát Chương trình công tác kiểm tra, giám sát toàn khóa của Tỉnh ủy khóa XVI; tập trung tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức thực hiện theo đúng quy trình, tiến độ;…trong đó, chú trọng các lĩnh vực kiểm tra, giám sát phục vụ bầu cử Quốc hội, bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng; việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng...
2. Trong 03 ngày (từ 06 đến 08-12), HĐND tỉnh khóa XI tiến hành Kỳ họp thứ 11. Dự khai mạc Kỳ họp có đồng chí: Dương Văn Trang-UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy.
Theo chương trình Kỳ họp, HĐND tỉnh đã thảo luận, xem xét khoảng 60 nội dung do Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan trình Kỳ họp theo luật định. Kỳ họp cũng dành phần lớn thời gian thảo luận tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020; kế hoạch kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025; kế hoạch đầu tư công năm 2021 và cả giai đoạn 2021-2025; danh mục dự án cần thu hồi đất năm 2021 và các dự án có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào mục đích khác trên địa bàn tỉnh; đề án khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông dọc tuyến đường giao thông kết nối từ đường Hồ Chí Minh đi Quốc lộ 24, quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý của tỉnh... Kỳ họp cũng tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn lãnh đạo UBND tỉnh, các thành viên của UBND tỉnh đối với một số vấn đề nổi lên qua giám sát, qua tiếp xúc cử tri, những nội dung đã và đang được dư luận quan tâm.
Trong năm 2020, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Tỉnh ủy, giám sát kịp thời của HĐND tỉnh cùng với tinh thần trách nhiệm cao của các cấp, các ngành, sự đồng lòng, quyết tâm của nhân dân, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng. Tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 9,39% so với năm trước, GRDP bình quân đầu người tăng từ 41,27 triệu đồng (năm 2019) lên 46,58 triệu đồng (năm 2020). Sản xuất nông nghiệp ổn định, tổng diện tích gieo trồng tăng 3,65% so với năm 2019; ba lĩnh vực đột phá được triển khai tích cực; sản phẩm chủ lực của tỉnh, cây dược liệu, nông nghiệp công nghệ cao được chú trọng phát triển. Thu ngân sách trên địa bàn ước thực hiện đạt khoảng 3.000 tỷ đồng. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả khả quan. Trên lĩnh vực văn hóa-xã hội, công tác đào tạo nghề, tư vấn giải quyết việc làm có sự chuyển biến tích cực. Công tác giảm nghèo tiếp tục được tập trung chỉ đạo, dự kiến đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân giảm 3,5% so với năm 2019. Chất lượng giáo dục được nâng lên, đặc biệt là chất lượng giáo dục vùng DTTS tiếp tục cải thiện. Chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được cải thiện, công tác phòng chống dịch bệnh được triển khai quyết liệt, đặc biệt là phòng chống dịch bệnh Covid-19. Công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả.
Về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, tỉnh xác định một số chỉ tiêu trọng tâm như: Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt từ 10% trở lên; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 3.500 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ 20.000 tỷ đồng trở lên; giá trị xuất khẩu đạt 162 triệu USD; trồng mới được 2.000 ha cây ăn quả, 500 ha Sâm Ngọc Linh và 2.000 ha các cây dược liệu khác; trồng mới 3.000 ha rừng; phấn đấu có thêm 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm ít nhất 4%....
Sau gần 03 ngày làm việc, Kỳ họp đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua 28 nghị quyết; bầu bổ sung 02 thành viên UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2016-2021 (đ/c Ngô Việt Thành, TUV, Giám đốc Sở KH&ĐT và đ/c Nguyễn Tấn Liêm, TUV, Giám đốc Sở NN&PTNT).
3. Thường trực Tỉnh ủy làm việc với các đơn vị: (3.1) làm việc với Tổng công ty Điện lực miền Trung (chiều 01-12) về tình hình cung ứng điện, triển khai các dự án và công tác khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục cung cấp điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đề nghị Tổng công ty Điện lực miền Trung hỗ trợ đầu tư một số trạm biến áp để khai thác hiệu quả tiềm năng về điện, đồng thời góp phần tăng nguồn thu cho tỉnh. (3.2) làm việc với Tập đoàn Alphanam (chiều 2-12) về tìm hiểu cơ hội đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy mong Tập đoàn Alphanam sớm đến khảo sát, quyết định đầu tư tại tỉnh. Đồng thời nêu rõ quan điểm của tỉnh là luôn mong muốn nhà đầu tư đến với Kon Tum đầu tư trên tất cả các lĩnh vực và cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất để Tập đoàn Alphanam đến tìm hiểu, quyết đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh. (3.3) làm việc với Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT (chiều 04-12) về tình hình phát triển ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2020. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ có cơ chế đặc thù đối với việc đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh, cụ thể là cho phép trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng đặc dụng, công nhận giống sâm Ngọc Linh là loài được phép kinh doanh; ban hành cơ chế tín dụng ưu đãi đầu tư về trồng, bảo tồn, chế biến dược liệu và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT thôn tiếp tục quan tâm và hỗ trợ tỉnh Kon Tum kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dược liệu, trong đó chú trọng chế biến sâm Ngọc Linh, nhà máy chế biến rau, củ, quả để khai thác thế mạnh, thúc đẩy nông nghiệp của tỉnh phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân.
4. Chiều 03-12, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 74/2015/NĐ-CP của Chính phủ về công tác phòng không nhân dân (PKND) giai đoạn 2015-2020 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác PKND giai đoạn 2020-2025. Đại tá Trịnh Ngọc Trọng-Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Phó Trưởng BCĐ PKND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Trong 5 năm qua, công tác PKND của tỉnh luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự quan tâm, giúp đỡ của Ban Chỉ đạo công tác PKND Quân khu 5 và sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể. Ban Chỉ đạo công tác PKND các cấp thường xuyên được kiện toàn, phát huy tốt vai trò trách nhiệm, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác PKND; công tác hiệp đồng tác chiến phòng không với các đơn vị đứng chân trên địa bàn và các địa phương giáp ranh được tổ chức thực hiện chặt chẽ…. Đến nay, 10/10 huyện, thành phố đã thành lập được ban chỉ đạo PKND.
Trong 5 năm tới, nhiệm vụ trọng tâm của công tác PKND trên địa bàn tỉnh sẽ tập trung vào một số nội dung chủ yếu như tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác PKND ngày càng đi vào nền nếp, có chất lượng, chiều sâu. Từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân đối với công tác PKND, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh;…
5. Sáng 16-12, Ủy ban MTTQVN tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết và biểu dương gương điển hình tiêu biểu 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tỉnh giai đoạn 2016-2020.
Qua 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Mặt trận và các tổ chức thành viên các cấp đã phối hợp tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua phát triển kinh tế, làm giàu hợp pháp, giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần duy trì mức tăng trưởng kinh tế trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó, đời sống của nhân dân ngày càng ổn định, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22,1% (năm 2016) xuống còn 10,12% (năm 2020). Toàn tỉnh có 181 tổ hợp tác, thu hút 1.897 thành viên và người lao động tham gia. Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, hàng năm, người dân tích cực đóng góp trên 100 tỷ đồng và 20 ngàn ngày công lao động để xây dựng các công trình, hạng mục thuộc chương trình xây dựng nông thông mới; góp phần xây dựng 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đã có 705/874 khu dân cư đạt “Khu dân cư văn hóa”. Từ năm 2016 đến nay, Ủy ban MTTQVN tỉnh và các tổ chức thành viên các cấp còn phối hợp tổ chức tốt “Ngày hội bánh chưng xanh”…
Nhân dịp này, nhiều tập thể, cá nhân được Ủy ban MTTQVN tỉnh tặng Cờ thi đua, Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động.
6. Chiều 08-12, UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 11 năm 2020, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố (i) tập trung quán triệt, cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Tổ chức rà soát, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ còn lại trong năm 2020, phấn đấu đạt cao nhất chỉ tiêu kế hoạch đã được giao; đồng thời chuẩn bị, thực hiện tốt công tác tổng kết năm 2020, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương. (ii) Tập trung mọi nguồn lực khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, sớm phục hồi sản xuất, ổn định đời sống của người dân, nhất là các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đăk Glei. (iii) Đẩy mạnh triển khai chương trình kích cầu du lịch cuối năm 2020; tăng cường sáng tạo, đổi mới, liên kết trong công tác giới thiệu, quảng bá, xúc tiến du lịch với nhiều hình thức. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2030. Tổ chức điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2020. (iv) Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án trọng điểm; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công….
7. Một số hoạt động quan trọng khác
7.1. Sáng 23-12, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Dương Văn Trang-UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc mừng các cơ sở tôn giáo nhân dịp Giáng sinh 2020. Theo đó, đoàn đã thăm Giám mục Nguyễn Hùng Vị-Giám mục Giáo phận Kon Tum; Linh mục Đỗ Hiệu-Tổng đại diện Giáo phận Kon Tum, Chánh xứ Giáo xứ Tân Hương; Mục sư Ân Ước-Nguyên Hội trưởng Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam và các Mục sư: A Héo, Nguyễn Khắc Xuân và Ân Ngọc Phỉ Túy-Ủy viên mục vụ của Ban Trị sự Tổng hội Hội truyền giáo Cơ đốc Việt Nam.
Tại các nơi đến thăm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chúc các Giám mục, Linh mục, Mục sư, các chức sắc, giúp việc và hơn 180 ngàn giáo dân đang sinh hoạt công giáo tại 107 cơ sở tôn giáo trong toàn tỉnh luôn mạnh khỏe, đón mùa Giáng sinh an lành, hạnh phúc, sống tốt đời đẹp đạo. Đồng chí đề nghị các vị Giám mục, Linh mục, Mục sư tiếp tục đoàn kết, gắn bó với chính quyền địa phương; tiếp tục tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới bà con giáo dân; vận động bà con đoàn kết, chăm chỉ lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo; chung tay cùng với chính quyền địa phương thực hiện tốt 2 chương trình Mục tiêu Quốc gia là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững... cùng chính quyền địa phương xây dựng quê hương Kon Tum ngày càng giàu đẹp.
7.2. Chiều 01-12, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức gặp mặt Đoàn đại biểu dự Đại hội các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020. Căn cứ kết quả Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ III năm 2019, có 25 đại biểu đại diện cho 43 dân tộc của tỉnh vinh dự được chọn tham dự Đại hội các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020. Thường trực Tỉnh ủy phân công đ/c A Pớt làm Trưởng đoàn đại biểu của tỉnh Kon Tum.
III. TIN TRONG NƯỚC
1. Một số tình hình kinh tế-xã hội năm 2020; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới
Năm 2020, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Việt Nam đã vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, cụ thể: Kinh tế tăng trưởng từng bước vững chắc và ngày càng được cải thiện, quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. An sinh xã hội và các hoạt động văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế… đều được quan tâm thực hiện đồng bộ. Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến rõ rệt, phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao, các tổ chức quốc tế ghi nhận. Tiềm lực quốc phòng, an ninh ngày càng được nâng cao, an ninh, chính trị được giữ vững. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế…
Tuy nhiên, kinh tế-xã hội nước ta năm 2020 phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức như: Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân nước ta. Các ngành, lĩnh vực và hoạt động xuất khẩu tuy tiếp tục tăng trưởng nhưng vẫn ở mức thấp. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động vẫn ở mức cao. Thiên tai, bão lũ, sạt lở đất xảy ra liên tiếp gây thiệt hại lớn về người và tài sản…Vì vậy, trong năm 2021 công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung sau: Một là, tuyên truyền kết quả đạt được của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 đặt trong sự so sánh với các nền kinh tế khác trong khu vực và trên thế giới, để từ đó thấy được mức tăng trưởng 2,4% mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo là một thành công lớn gắn với sự nỗ lực cao của mỗi một người dân, doanh nghiệp và sự điều hành linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt của Chính phủ. Hai là, từ việc thông tin kết quả kinh tế năm 2020, cần tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân bên cạnh sự lạc quan về các thành tựu đất nước đã đạt được, đặc biệt là thắng lợi trong việc thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế, cần xác định tâm lý tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nâng cao ý thức trách nhiệm trước những khó khăn, thách thức nội tại của đất nước để từ đó đúc rút những bài học kinh nghiệm, tạo nên quyết tâm chính trị cao trong toàn Đảng và sự đồng tâm, hiệp lực của toàn dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đất nước năm 2021. Ba là, tuyên truyền Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 theo Nghị quyết số 124/2020/QH14 của Quốc hội, trong đó chú trọng các mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu, một số nhiệm vụ, giải pháp đề ra cho năm 2021. Bốn là, phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện cải cách hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước.
2. Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020; nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới
Kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (ngày 01/02/2013) đến nay, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt, có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận.
Trong giai đoạn 2013-2020, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, bộ máy nhà nước. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành kiên quyết, không khoan nhượng, không làm oan, không bỏ lọt tội phạm, nhưng cũng rất nhân văn, có lý, có tình. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã quan tâm hơn đến công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", đã chú ý ngăn chặn, xử lý tệ "tham nhũng vặt"; công tác cán bộ, cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt kết quả tích cực; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng được tăng cường và có nhiều đổi mới; sự giám sát của các cơ quan dân cử, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, nhân dân và báo chí, truyền thông trong phòng, chống tham nhũng được phát huy tốt hơn. Hợp tác quốc tế được tăng cường; hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước từng bước được mở rộng.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta vẫn còn một số hạn chế như: Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ các cơ quan, đơn vị, địa phương còn yếu; nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa cao; một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả còn thấp…
Để tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số vấn đề sau: Một là, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, trong đó cần khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, của cán bộ, đảng viên, tạo động lực mới, khí thế mới để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ. Hai là, tăng cường phối hợp, kịp thời cung cấp, công khai thông tin, định hướng tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, nhất là chủ động thông tin về kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm. Chú trọng thông tin tuyên truyền gương “người tốt, việc tốt”, khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thông tin không chính xác, mang tính kích động, gây hoang mang hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử. Ba là, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng cần lan tỏa những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta; đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, lợi dụng phòng, chống tham nhũng để chống phá Đảng, Nhà nước; xử lý nghiêm khắc việc đưa tin sai sự thật, các hành vi vu cáo, bịa đặt. Bốn là, tuyên truyền ý thức tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, lãng phí.
3. Một số kết quả công tác dân tộc giai đoạn 2011-2020; nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Trong 10 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế-xã hội địa bàn dân tộc thiểu số, miền núi. Từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước qua các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, kinh tế địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có sự tăng trưởng đáng kể theo hướng sản xuất hàng hóa; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng được cải thiện rõ rệt, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống và sự phát triển giữa các vùng, giữa các dân tộc. Mạng lưới giao thông ngày càng phát triển, hoàn thiện phục vụ hiệu quả đời sống giao thương của đồng bào, kích thích phát triển kinh tế, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào khó khăn. Chính sách văn hóa, xã hội đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào; những giá trị và bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn, phát triển. Công tác y tế chăm sóc sức khoẻ đạt được những thành tựu quan trọng, mạng lưới y tế phát triển rộng khắp đến tất cả các xã. Mạng lưới thông tin, văn hóa, thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số có sự phát triển nhanh, góp phần cải thiện đáng kể đời sống tinh thần của đồng bào. Hệ thống giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục được củng cố, mở rộng, nhất là các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học dân tộc; chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú được nâng lên. Hệ thống chính trị cơ sở đã từng bước được củng cố, đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số phát triển cả về số lượng và chất lượng. Quốc phòng, an ninh ở địa bàn dân tộc thiểu số, miền núi được củng cố tăng cường và ổn định; khối đại đoàn kết các dân tộc được giữ vững...
Tuy nhiên, công tác dân tộc vẫn còn một số khó khăn, hạn chế: Hạ tầng KT-XH vùng dân tộc và miền núi còn yếu kém; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn; chất lượng nguồn nhân lực thấp, đội ngũ cán bộ còn nhiều bất cập; vẫn tồn tại những hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định an ninh chính trị;...
Để thực hiện tốt Chiến lược công tác tác dân tộc trong tình hình mới, trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội cần thực hiện tốt một số giải pháp: (1) Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về công tác dân tộc, về vai trò, vị trí, tiềm năng to lớn địa bàn dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, để từ đó nhận thức đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và chủ động thực hiện hiệu quả Chiến lược công tác dân tộc trong tình hình mới. (2) Tuyên truyền các chính sách ưu tiên huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, xã hội ở địa bàn dân tộc thiểu số, nhất là từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân (3) Tuyên truyền chủ trương phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hoá-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chủ động nắm vững tình hình, giải quyết các mâu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở, kiên quyết không để xảy ra các "điểm nóng", "điểm phức tạp" về an ninh trật tự. Chủ động đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, buôn bán người, ma tuý, xâm phạm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở khu vực biên giới. Tăng cường xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. (4) Tuyên truyền, phổ biến Quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường hoạt động của các mô hình tự quản tại cộng đồng. Biểu dương, tôn vinh, động viên người tiêu biểu có uy tín, doanh nhân, nhà khoa học trong cộng đồng các dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (5) Tuyên truyền phổ biến chương trình cải cách hành chính, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành của hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc các cấp.
C. VĂN BẢN MỚI
I. VĂN BẢN CỦA TỈNH
1. Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 04/12/2020 của UBND tỉnh về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Kon Tum (xin xem tại đây).
2.  Công văn số 4577/UBND-NNTN ngày 11/12/2020 của UBND tỉnhvề việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại (xin xem tại đây).
3. Công văn số 4583/UBND-NNTN ngày 14/12/2020 của UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân và phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh (xin xem tại đây).
4. Công văn số 4604/UBND-NNTN ngày 15/12/2020 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn tỉnh (xin xem tại đây).
5. Công văn số 4603/UBND-HTKT ngày 15/12/2020 của UBND tỉnh thống nhất chủ trương thực hiện chương trình bình ổn thị trường hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 (xin xem tại đây).
6. Công văn số 4656/UBND-KGVX ngày 18/12/2020 của UBND tỉnh về việc thực hiện công tác trợ giúp xã hội dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, năm 2021 (xin xem tại đây).
II. VĂN BẢN CỦA TRUNG ƯƠNG
Nghị định số 137/2020/NĐ-CP, ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Nghị định gồm 26 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/01/2021. Một số nội dung cụ thể của Nghị định:
Các hành vi bị nghiêm cấm: (1) Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ...; (2) Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo; (3) Mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ; (4) Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; (5) Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường; (6) Chiếm đoạt, mua, bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép về pháo; (7) Giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định; (8) Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức; (9) Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo; không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo, thuốc pháo.
Sử dụng pháo hoa: (1) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật; (2) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Ngoài ra, Nghị định còn quy định các nội dung về: Quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo; tiêu hủy pháo, thuốc pháo; giám định tư pháp về pháo, thuốc pháo; các trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ; thẩm quyền, thủ tục cho phép bắn pháo hoa nổ; trách nhiệm của các bộ, ngành và UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương…

Nguyễn Phi Em thực hiện.
 

[1] Kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946-06/01/2021); 71 năm Ngày truyền thống Học sinh- Sinh viên (09/01/1950-09/01/2021); các hoạt động hướng tới kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/2/2021).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUM
Giấy phép số: Giấy phép số 01/GP-TTĐT, ngày 28 tháng 8 năm 2020
Chịu trách nhiệm: Ông Huỳnh Quốc Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Địa chỉ: 67 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862301
Fax: 0260. 3865464
Email: bantuyengiaotinhuykt@gmail.com
Website: http://https://tuyengiaokontum.org.vn/
Văn bản mới

TÀI LIỆU

Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam

Lượt xem:307 | lượt tải:144

TÀI LIỆU

Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đồng chí Đào Duy Tùng

Lượt xem:389 | lượt tải:332

TÀI LIỆU

Giao ban báo chí quí I-2024

Lượt xem:241 | lượt tải:74

HD.51.BTGTU

Hướng dẫn sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Lượt xem:65 | lượt tải:29

TÀI LIỆU

phổ biến, quán triệt Kết luận 72.TW và Chương trình 77.TU (gửi kèm CV 2303-CV/BTGTU)

Lượt xem:618 | lượt tải:700

TÀI LIỆU

Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú

Lượt xem:699 | lượt tải:291

HD.50.BTGTU

Hướng dẫn sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Lượt xem:671 | lượt tải:369


bao chi
bacho 2
truongsa

sls
Đăng nhập
Hãy đăng nhập tài khoản để sử dụng tài liệu Báo cáo viên
Thống kê
  • Đang truy cập33
  • Hôm nay8,544
  • Tháng hiện tại291,198
  • Tổng lượt truy cập30,366,748
Thăm dò ý kiến

Bạn có thường xuyên truy cập trang web này không?

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trang web có cần bổ sung, điều chỉnh nội dung gì không?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây