A. NỘI DUNG TRỌNG TÂM SINH HOẠT CHI BỘ THÁNG 10-2020
- Lãnh đạo tuyên truyền về kết quả Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó tập trung tuyên truyên các hoạt động chào mừng thành công Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh gắn với Hội nghị quán triệt và học tập Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh; những thành tựu nổi bật của đất nước sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới; kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2015-2020; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp của nhiệm kỳ 2020-2025. Tuyên truyền đưa nghị quyết của đảng bộ các cấp vào cuộc sống. Tuyên truyền việc lấy ý kiến của Nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
- Tuyên truyền về Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Kon Tum lần thứ VIII giai đoạn 2020-2025. Tuyên truyền đậm nét kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Tố Hữu (04/10/1920-04/10/2020), lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm, các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ, các sự kiện chính trị diễn ra trong tháng 10-2020
[1].
- Tuyên truyền về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2020; công tác phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão. Tiếp tục tuyên truyền công tác phòng, chống Covid-19, dịch bạch hầu, sốt xuất huyết Dengue; tích cực chia sẻ các thông tin chính thống về diễn biến tình hình phogf chống dịch bệnh, các chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ, khuyến cáo, khuyến nghị của ngành y tế và các cơ quan chức năng đối với dịch bệnh.
- Tiếp tục tuyên truyền kết quả thực hiện Kết luận số 77-KL/TW ngày 05-6-2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước; kết quả 05 năm thực hiện Chỉ thị số 50–CT/TW, ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”; kết quả 03 năm triển khai thực hiện Đề án "Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2021" trên địa bàn tỉnh.
B. THÔNG TIN THỜI SỰ
I. THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ
Chuyên đề 1.
Phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 (Chi tiết xin xem tại đây).
Chuyên đề 2.
Diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI (Chi tiết xin xem tại đây).
Chuyên đề 3.
Diễn văn bế mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI (Chi tiết xin xem tại đây).
Chuyên đề 4.
Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ tỉnh Kon Tum (Chi tiết xin xem tại đây).
II. TIN TRONG TỈNH
1. Trong 3 ngày (từ chiều 22-9 đến trưa ngày 25-9-2020), tại Hội trường Ngọc Linh, thành phố Kon Tum, đã diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025. Đại hội có chủ đề: “Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; năng động, sáng tạo; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; giữ vững quốc phòng, an ninh; huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững”.
Dự Đại hội có 346 đại biểu của 14 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy đại diện cho hơn 29 nghìn đảng viên trong toàn tỉnh.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng dự và chỉ đạo Đại hội có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; dự phiên khai mạc có đại diện lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Trung ương; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các đồng chí lãnh đạo cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh uỷ; thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương, địa phương đã đến dự, đưa tin về Đại hội.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Văn Bình thống nhất cao với những mục tiêu, chỉ tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp trong 5 năm tới đã được xác định trong văn kiện trình Đại hội; nhấn mạnh, tỉnh tập trung xác định một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng bền vững và phát triển kinh tế xanh… Đồng chí đề nghị, đại biểu dự Đại hội đề cao tinh thần trách nhiệm của mình trước Đảng, trước Nhân dân, cân nhắc, lựa chọn những đồng chí có uy tín cao trong Đảng bộ, có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, có năng lực thực tiễn, có phong cách làm việc dân chủ, ý thức tổ chức kỷ luật cao, nói đi đôi với làm, được nhân dân tín nhiệm để bầu vào BCH Đảng bộ tỉnh khóa mới, bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn và có cơ cấu hợp lý để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện. Đồng thời, xem xét, lựa chọn những đồng chí có phẩm chất đạo đức, có năng lực, uy tín để bầu vào Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Với hình thức bỏ phiếu kín, Đại hội đã bầu ra 50 Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 (trong số 58 đồng chí được giới thiệu). Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã bầu 15 đồng chí vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVI. Trong đó, có 11 người tái cử (là các đồng chí: Dương Văn Trang, A Pớt, Nguyễn Văn Hòa, Lê Ngọc Tuấn, Nguyễn Thanh Hà, U Huấn, Nguyễn Đức Tuy, Nguyễn Trung Hải, Huỳnh Tấn Phục, Trịnh Ngọc Trọng và Nguyễn Hồng Nhật); 4 đồng chí được bầu mới (là các đồng chí: Y Thị Bích Thọ, Y Ngọc, Huỳnh Quốc Huy và Nguyễn Thế Hải). Hội nghị bầu đồng chí Dương Văn Trang tiếp tục giữ chức Bí thư Tỉnh ủy khóa XVI và các đồng chí A Pớt, Nguyễn Văn Hòa, Lê Ngọc Tuấn tiếp tục giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy. Đồng chí Y Thị Bích Thọ được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy khóa XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Đại hội đã bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 15 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết.
2. Một số hoạt động kỷ niệm các sự kiện lớn trên địa bàn tỉnh
- Trao Huy hiệu Đảng dịp 2/9: (1) Huyện ủy Kon Rẫy tổ chức Lễ trao Huy hiệu 70, 50, 45, 40 năm tuổi Đảng cho các đảng viên đợt 2/9. Theo đó, trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cho đảng viên Phạm Liễm (sinh ngày 6/5/1925; vào Đảng ngày 18/6/1950) sinh hoạt tại Chi bộ thôn 9, thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy; trao Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng cho 5 đảng viên, Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng cho 2 đảng viên, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng cho 2 đảng viên. (2) Huyện ủy Đăk Glei tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 2/9 cho 13 đảng viên từ 30 đến 55 năm tuổi Đảng thuộc các tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn.
- Sáng 02-9, Thường trực Tỉnh ủy đã đến thăm, tặng quà các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ nhân dịp Quốc khánh 2/9. Đoàn đến thăm và tặng quà các đồng chí: Sô Lây Tăng-nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Y Vêng-nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Thanh Cao-nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh; Ka Ba Tơ-nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh; Y Mửi-nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đào Xuân Quí-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh.
- Chiều 25-9, Tỉnh ủy tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Kon Tum (25/9/1930-25/9/2020). Tại buổi Lễ, các đại biểu đã (i) ôn lại quá trình ra đời, xây dựng, trưởng thành và truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum trong suốt 90 năm qua; nhất là những thành tựu quan trọng, đột phá trên các lĩnh vực đã đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020. (ii) Nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc và niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha anh trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ quê hương, đất nước trong thời kỳ mới, từ đó quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu về kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
- Trước đó, vào chiều 15-9, Ban Tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh” tổ chức trực tuyến Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi. Sau 4 tháng phát động, đã có gần 28.000 thí sinh tham gia thi trắc nghiệm và gần 6.400 bài thi viết của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, giáo viên, học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên tại 14 huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và Đảng bộ Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum. Trong đó, gần 5.500 thí sinh trả lời chính xác 20/20 câu hỏi trắc nghiệm (chiếm 19,6%); 44 bài dự thi chất lượng cao được lựa chọn chấm vòng trong.
Ban tổ chức khen thưởng 8 tập thể và 26 cá nhân có thành tích xuất sắc trong Cuộc thi viết (1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 20 giải Khuyến khích); khen thưởng 24 cá nhân đạt giải trong Cuộc thi trắc nghiệm theo tháng (4 giải Nhất, 8 giải Nhì, 12 giải Ba). Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao Giấy khen cho 5 thí sinh có bài dự thi chất lượng cao.
3. Ngày 04-9, UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 8-2020 dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa.
Các đại biểu thảo luận, cho ý kiến đối với công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2020, nhiệm vụ trọng tâm tháng 9 năm 2020; tình hình thực hiện chương trình công tác trọng tâm và tình hình thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh 8 tháng đầu năm 2020; tình hình, kết quả triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Kon Tum; tình hình, kết quả triển khai thực hiện Đề án chính sách Bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2030 và một số nội dung quan trọng khác...
Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2020: Toàn tỉnh đã gieo trồng 61.160 ha cây hàng năm vụ mùa 2020 (đạt 101% kế hoạch và bằng 101,6% so với cùng kỳ năm trước); tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1.267 ha (đạt 100,8% kế hoạch). Toàn tỉnh hiện có 27 xã được công nhận xã nông thôn mới; có 34 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 4 sao và 01 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao. Đã có 47.317 người tham gia bảo hiểm xã hội, 32.122 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; công tác giải quyết việc làm được triển khai tích cực với 2.036 lao động được giải quyết việc làm thông qua các chương trình (đạt 123,4% kế hoạch); công tác đào tạo nghề tiếp tục được duy trì với 3.385 người được đào tạo theo các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp. Chính sách người có công, chính sách xã hội được quan tâm thực hiện. Tiếp tục phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Đã tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 đảm bảo an toàn, nghiêm túc, hiệu quả. Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vẫn đang được triển khai nghiêm túc, hiệu quả. Cũng tại phiên họp, các thành viên UBND tỉnh đã thảo luận, biểu quyết các nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh một số đề án như: Đề án Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kon Tum đến năm 2035, tầm nhìn 2045; Đề án Phát triển nguồn vật lực, tài lực tỉnh Kon Tum đến năm 2035, tầm nhìn 2045…
4. Sáng 05-9, cùng với cả nước, gần 163 nghìn học sinh các cấp trong toàn tỉnh đã khai giảng năm học mới 2020-2021. Các đồng chí Lãnh đạo tỉnh đã tham dự và đánh trống khai giảng năm học mới tại một số trường học trên địa bàn.
Chương trình khai giảng năm nay được tổ chức ngắn gọn, trang trọng, ý nghĩa, đảm bảo an toàn với thời gian không quá 45 phút, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định; đồng thời tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường”.
Năm học 2020-2021, toàn tỉnh có trên 162.700 học sinh các cấp học, tăng 3.500 học sinh so với năm học trước, chủ yếu là học sinh dân tộc thiểu số với 2.000 em. Mạng lưới cơ sở giáo dục các cấp/bậc học tiếp tục được quan tâm sắp xếp hợp lý. Hiện toàn tỉnh có 514 cơ sở giáo dục, đào tạo: Mầm non 139 trường (02 trường dân lập và 23 trường Tư thục), Tiểu học 111 trường; THCS 112 trường (trong đó có 38 trường TH-THCS); THPT 28 trường, 11 trung tâm ngoại ngữ tư thục, 08 trung tâm GDNN-GDTX, 01 trung tâm GDTX tỉnh, 102 trung tâm học tập cộng đồng, 01 trường Cao đẳng Cộng đồng và 01 Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum; trong đó, có 51 trường PT DTBT (34 trường PT DTBT cấp THCS, 17 trường PT DTBT cấp tiểu học), 09 trường PT DTNT.
5. Sáng 17-9, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND huyện Kon Plông và Kon Rẫy tổ chức Lễ phát động ra quân trồng thông ba lá phủ xanh 12km hai bên đường đèo Măng Đen, với sự tham dự của đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Trung ương Đảng; các đồng chí lãnh đạo tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và trên 300 đoàn viên thanh niên và nhân dân huyện Kon Plông và Kon Rẫy.
Phát biểu tại Lễ phát động, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang khẳng định việc trồng thông ba lá dọc hai bên đường đèo Măng Đen nói riêng và trong Khu Du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen nói chung là rất cần thiết, bởi hoạt động trồng cây gây rừng ngoài góp phần lớn vào bảo vệ môi trường sinh thái, chống sạt lở đất còn góp phần tạo cảnh quan cho Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen, thu hút khách du lịch và nhà đầu tư đến với tỉnh.
Ngay sau Lễ phát động, các đại biểu cùng các ĐVTN và nhân dân 2 huyện Kon Plông và Kon Rẫy đã ra quân trồng hàng trăm cây thông ba lá gần khu vực ngã ba thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông. (Trước đó, từ ngày 11 đến 17-9, tuổi trẻ Kon Tum đã tổ chức phát dọn thực bì, đào hố trồng gần 2.000 cây thông ba lá tại 40 điểm suốt dọc 12km đèo Măng Đen với 1.000 ngày công lao động).
6. Sau thời gian thử nghiệm, chiều 18-9, UBND tỉnh chính thức khai trương Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Kon Tum (Trung tâm IOC Kon Tum).
Trung tâm IOC Kon Tum và Phòng điều khiển được đặt tại trụ sở Văn phòng UBND tỉnh. Trung tâm được thiết kế với 9 hợp phần, trong đó, trong năm 2020 triển khai 6 hợp phần đầu tiên (giai đoạn 1) và các hợp phần còn lại sẽ được hoàn thành trong năm 2021 (giai đoạn 2). Sau hơn 5 tháng triển khai, Trung tâm IOC Kon Tum đã hoàn thành 7 hợp phần, gồm hợp phần: Giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế-xã hội; giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền; giám sát, điều hành lĩnh vực y tế; giám sát điều hành lĩnh vực giáo dục và đào tạo; phản ánh hiện trường, phản ánh kiến nghị người dân; giám sát an toàn thông tin trên môi trường mạng; giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông.
7. Một số hoạt động chủ yếu khác
- Sáng 09-9, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt các chỉ thị, thông báo, kết luận của Ban Bí thư về lĩnh vực báo chí với 283 điểm cầu trên cả nước. Hội nghị quán triệt thông báo Kết luận 173-TB/TW ngày 6/4/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng; thông tin Chỉ thị 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới; thông qua Chỉ thị 44-CT/TW ngày 16/4/2020 của Ban Bí thư về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị.
- Chiều 15-9, Lãnh đạo tỉnh đã tiếp và làm việc với đoàn công tác của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. Hai bên đã trao đổi, thảo luận kết quả rà soát, đánh giá việc triển khai các mô hình liên kết vườn cây cao su; công tác thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Đồng thời, thảo luận chủ trương chuyển đổi một số mô hình liên kết khoán cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
- Ngày 18-9, Tập đoàn TH tổ chức Lễ khởi công Dự án Chăn nuôi bò sữa tập trung, quy mô công nghiệp công nghệ cao lớn nhất khu vực Tây Nguyên tại xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy. Dự án được triển khai trên diện tích 441 ha với quy mô đàn bò nuôi tập trung 10.000 con, đàn bò nuôi liên kết với nông dân dự kiến 20.000 con thông qua mô hình hợp tác xã công nghệ cao; xây dựng nhà máy chế biến sữa công suất 150 tấn/ngày. Tổng vốn đầu tư 2.544 tỷ đồng. Dự án đặt nền móng cho sự phát triển ngành chăn nuôi bò sữa tỉnh Kon Tum, góp phần cải thiện điều kiện kinh tế-xã hội địa phương.
- Chiều 18-9, UBND tỉnh và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức Hội nghị tổng kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về Viễn thông và Công nghệ thông tin giai đoạn 2016 - 2020 và ký kết hợp tác giai đoạn 2021-2025.
III. TIN TRONG NƯỚC
1. Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới
Ngày 31/8/2020, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã có bài viết quan trọng "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới". Để tạo sự thống nhất từ nhận thức cho đến hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công tác tổ chức và triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội tổ chức quán triệt tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trong bài viết trên.
2. Kế thừa những giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững
Từ thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Lãnh tụ Hồ Chí Minh, sự nghiệp cách mạng Việt Nam 90 năm qua đã giành được những thắng lợi to lớn mang tính bước ngoặt lịch sử. Nhân dân ta kiên định sự nghiệp đổi mới, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tiếp tục con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; Xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng và hướng tới là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để đạt tới mục tiêu cao cả đó, tất yếu phải trải qua nhiều chặng đường khó khăn, gian khổ với những bước đi, hình thức phù hợp trong suốt thời kỳ quá độ. Trước mắt cần thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; không ngừng học tập, nâng cao nhận thức và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn công tác xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thứ ba, tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Thứ tư, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.
Thứ năm, chú trọng phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; Bảo đảm an sinh và nâng cao phúc lợi xã hội, giảm nghèo bền vững. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ sáu, phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; Tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
3. Một số tác động của thiên tai, dịch bệnh đến tình hình phát triển nông nghiệp, nông thôn nước ta từ đầu năm đến nay
Tác động đối với nông nghiệp: Tác động rõ nét nhất của dịch Covid-19 đến nông nghiệp là làm suy giảm sản xuất, đứt đoạn các chuỗi cung ứng nông nghiệp. Ở trong nước do nhu cầu tiêu dùng giảm, nhiều loại nông sản tồn đọng, thậm chí phải hủy bỏ (rau, hoa); giá nhiều mặt hàng giảm mạnh, nhất là các mặt hàng tươi sống như rau, hoa, quả, thủy sản. Do khó khăn trong lưu thông, phân phối, nên có tình trạng gia tăng khoảng cách giữa giá bán của nông dân và giá mua của người tiêu dùng. Đối với mặt hàng lúa gạo, do nhu cầu nhập khẩu của các nước tăng, nên giá gạo trên thị trường thế giới tăng, kéo giá lúa gạo trong nước tăng theo.
Tác động đối với nông thôn, việc làm và thu nhập của dân cư nông thôn: Dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh phi nông nghiệp ở nông thôn…Trong xây dựng nông thôn mới, các chương trình, dự án khó triển khai vì nguồn nhân lực của các cấp, các ngành tập trung vào công tác phòng chống dịch; thực hiện giãn cách xã hội, các dịch vụ cung ứng bị hạn chế; đóng góp của nông dân hạn chế hơn. Nhiều chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới sẽ khó đạt, như về tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo việc làm…
Để đạt được mục tiêu phát triển về sản xuất nông nghiệp đề ra của năm 2020, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; tiếp tục đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị dựa trên ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Thứ hai, tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, các rào cản, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ nông, lâm, thủy sản.
Thứ ba, phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, nhằm nâng cao thu nhập, đời sống của người dân nông thôn.
C. VĂN BẢN MỚI
I. VĂN BẢN CỦA TỈNH
1. Ngày 01/9/2020, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3281/UBND-NNTN chỉ đạo tăng cường công tác theo dõi, giải quyết, trả lời ý kiến kiến nghị cử tri trên địa bàn tỉnh (Chi tiết, xem tại đây).
2. Ngày 03/9/2020, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3291/UBND-NC chỉ đạo triển khai thực hiện Thông báo số 1395-TB/TU ngày 19/8/2020 của Tỉnh ủy Kon Tum về kết luận hội nghị sơ kết công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2020 (Chi tiết, xem tại đây).
3. Ngày 03/9/2020, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3303/UBND-NNTN về việc tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh (Chi tiết, xem tại đây).
4. Ngày 16/9/2020, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3481/UBND-KGVX chỉ đạo tiếp tục tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới (Chi tiết, xem tại đây).
5. Ngày 21/9/2020, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3546/UBND-NNTN về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm lây lan diện rộng (Chi tiết, xem tại đây).
II. VĂN BẢN CỦA TRUNG ƯƠNG
Nghị định 88/2020/NĐ-CP, ngày 28/07/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc. Nghị định gồm 47 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2020. Theo đó,
Thời gian, tiền lương tháng làm căn cứ tính hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: (1) Thời gian làm căn cứ tính hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là tổng thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động, không kể thời gian đóng trùng của các hợp đồng lao động; thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nếu không liên tục thì được cộng dồn; thời gian người lao động giữ các chức danh theo quy định tại Nghị định số
09/1998/NĐ-CP, ngày 23/01/1998 trước ngày 01/01/1998 mà được tính hưởng BHXH thì thời gian đó được tính hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. (2) Thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau theo quy định của Luật BHXH, thời gian không làm việc hoặc nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì tháng đó người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tháng đó không được tính là thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trừ trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 10 Nghị định này. (3) Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật BHXH từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng người sử dụng lao động không phải đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng được tính là thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Cụ thể như sau: a) Trường hợp hợp đồng lao động hết thời hạn trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi hợp đồng lao động hết thời hạn được tính là thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thời gian hưởng chế độ thai sản sau khi hợp đồng lao động hết thời hạn không được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; b) Thời gian hưởng chế độ thai sản của người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi quy định tại khoản 4, Điều 31 của Luật BHXH không được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; c) Trường hợp lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh được tính là thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, kể từ thời điểm đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì lao động nữ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3, Điều 34 của Luật BHXH nhưng người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; d) Trường hợp người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng, người mẹ nhờ mang thai hộ, người cha nhờ mang thai hộ hưởng chế độ thai sản mà không nghỉ việc thì người sử dụng lao động vẫn phải đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. (4) Người lao động khi bị tạm giam, bị tạm đình chỉ công tác mà phải tạm dừng tham gia Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nếu sau đó được đóng bù theo quy định của pháp luật BHXH thì thời gian đóng bù được tính là thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. (5) Thời gian đóng BHXH đã được tính hưởng BHXH một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. (6) Tổng số năm đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được xác định như sau: a) Đối với trường hợp bị tai nạn lao động là tổng số năm đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tính đến tháng trước liền kề tháng bị tai nạn lao động; b) Đối với trường hợp bị bệnh nghề nghiệp là tổng số năm đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tính đến tháng trước liền kề tháng làm công việc mà công việc đó gây ra bệnh nghề nghiệp; c) Trường hợp người lao động đồng thời giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trùng nhau của các hợp đồng lao động chỉ được tính một lần; d) Một năm được tính khi có đủ 12 tháng đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. (7) Tiền lương đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp làm căn cứ tính hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được xác định như sau: a) Tiền lương tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trường hợp người lao động bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong tháng đầu trở lại làm việc đóng bảo hiểm sau thời gian đóng gián đoạn do chấm dứt hợp đồng lao động thì bằng tiền lương đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của chính tháng đó; b) Tiền lương tháng cuối cùng đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của công việc đã làm mà công việc đó gây ra bệnh nghề nghiệp đối với trường hợp bị bệnh nghề nghiệp khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp; c) Trường hợp người lao động bắt đầu tham gia BHXH trước ngày 01/01/2016 mà thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì mức tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp được tính trên cơ sở hệ số tiền lương và phụ cấp (nếu có) nhân với mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng trợ cấp; d) Trường hợp người lao động đồng thời giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì tiền lương tính hưởng trợ cấp bằng tổng các mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của tất cả các hợp đồng lao động tại tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc bị bệnh nghề nghiệp của lần sau cùng nhưng không quá 20 tháng lương cơ sở.
Nguyễn Phi Em thực hiện
[1] Kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống: Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2020); Ngành Tổ chức xây dựng Đảng (14/10/1930-14/10/2020); Công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930-15/10/2020); Văn phòng cấp ủy (18/10/1930-18/10/2020). Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2020)...