Tài liệu sinh hoạt chi bộ tháng 12-2020 

Tài liệu sinh hoạt chi bộ tháng 12-2020

Thứ tư - 25/11/2020 14:27
A. NỘI DUNG TRỌNG TÂM SINH HOẠT CHI BỘ THÁNG 12-2020
Lãnh đạo việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 (theo Chỉ thị số 01-CT/TU, ngày 19-10-2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy). Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết quả đại hội đảng bộ các cấp; những thành tựu nổi bật về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong nhiệm kỳ 2015-2020, tạo khí thế sôi nổi, phấn khởi góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp và chuẩn bị thật tốt cho Đại hội XIII của Đảng.
Tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 20-6-2020 của Bộ Chính trị "về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026"; về Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X; về tổ chức bầu cử Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố nhiệm kỳ 2020-2023 trên địa bàn tỉnh. 
Tuyên truyền về kết quả Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa XI; tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2020. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền công tác khắc phục những thiệt hại do bão số 9 và mưa lũ gây ra trong thời gian qua; công tác hỗ trợ giúp người dân sớm phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống. Tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu, sốt xuất huyết Dengue; dịch Covid-19. Tuyên truyền các ngày kỷ niệm trong tháng 12-2020[1].   
B. THÔNG TIN THỜI SỰ
I. THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ
Chuyên đề 1. Hướng dẫn triển khai Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW (Chi tiết, xin xem tại đây).
Chuyên đề 2. Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ người dân bị thiệt hại nhà ở do thiên tai (Chi tiết, xin xem tại đây).
Chuyên đề 3. Nghị định mới về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập (Chi tiết, xin xem tại đây).
II. TIN TRONG TỈNH
1. Chiều 6-11, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Hội nghị đã: quán triệt Kết luận 91-KL/TW ngày 22-10-2020 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021; thông qua các tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về dự thảo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2020-2025; dự thảo Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh.
Theo đó, dự thảo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI có 5 chương, 34 điều. Bố cục của Quy chế có một số điểm mới so với Quy chế làm việc của Tỉnh ủy khóa XV như: Các nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy theo từng lĩnh vực (kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị), đảm bảo tính khoa học và thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện…Về nội dung của Quy chế, đối với nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy có bổ sung quy định Tỉnh ủy cho ý kiến về tình hình kinh tế xã hội quý I, 6 tháng, 9 tháng và hằng năm. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, bổ sung về quy trình công tác cán bộ; cho chủ trương đối với các công trình, dự án đầu tư của tỉnh trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Đối với nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Tỉnh ủy, bổ sung quy định cho ý kiến đối với việc tuyển chọn, đánh giá, bố trí, phân công công tác; điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức, đình chỉ chức vụ và khen thưởng, kỷ luật đối với các chức danh cán bộ thuộc diện Thường trực Tỉnh ủy quản lý theo phân cấp…. Dự thảo Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI  có 19 chương trình chi tiết, cụ thể hóa 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 lĩnh vực đột phá và các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo nội dung các tờ trình. Đồng chí đề nghị, ngay sau Hội nghị, các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy nhanh chóng tiếp thu các ý kiến tham gia, hoàn chỉnh các văn bản để sớm ban hành trong thời gian tới. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy quan tâm chỉ đạo tổ chức có hiệu quả triển khai tuyên truyền nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, ban hành quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ cấp huyện và cấp cơ sở; đẩy mạnh khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra; chỉ đạo đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn năm 2020.
2. Ngày 23-11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.
Hội nghị được truyền trực tuyến từ điểm cầu tỉnh (Hội trường Ngọc Linh) đến 49 điểm cầu các huyện, thành phố và các xã, thị trấn với trên 3.000 cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh tham gia.
Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Huỳnh Tấn Phục-Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Hà-Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; U Huấn-Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy và đồng chí Y Ngọc-Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo các nội dung chuyên đề theo chương trình hội nghị. Theo đó, các đồng chí báo cáo viên đã thông tin về những thành quả nổi bật và những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV nhiệm kỳ 2015-2020; quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị quán triệt sâu sắc các nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020-2025; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội. Trong đó, tập trung một số chỉ tiêu như: về cơ cấu ngành kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ che phủ rừng, phát triển diện tích các loại cây trồng chủ lực (cao su, cà phê, sắn, cây ăn quả, Sâm Ngọc Linh, cây dược liệu…); việc phát triển các loại hình du lịch ở các địa phương có thế mạnh, việc đầu tư phát triển đô thị thành phố Kon Tum, phát triển kinh tế hợp tác xã…
Theo Chỉ thị số 01-CT/TU, ngày 19-10-2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp huyện và tương đương hoàn thành việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh đến cán bộ chủ chốt trước ngày 15-12-2020; các tổ chức cơ sở đảng hoàn thành việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết đến các bộ, đảng viên và nhân dân trước ngày 30-12-2020.
3. Chiều 11-11, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến 9 tháng năm 2020 khối Đảng và thường trực các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.
Trong quý III và 9 tháng năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy tiếp tục ban hành các văn bản triển khai thực hiện tích cực các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid - 19; chỉ đạo đạt hiệu quả cao các giải pháp giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; truy quét, trấn áp, xử lý các loại tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác quản lý bảo vệ rừng… Cấp ủy các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên, công chức thực hiện đảm bảo chương trình, kế hoạch công tác đề ra. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được các cấp ủy triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời; lãnh đạo tổ chức thành công đại hội đảng các cấp và Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025. Sau đại hội, các đảng ủy, cấp ủy đã ban hành các văn kiện đại hội và triển khai thực hiện nghị quyết đại hội của cấp mình...
Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các huyện ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy trong 9 tháng qua vẫn còn hạn chế như: Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở các địa phương vẫn xảy ra tình trạng phá rừng nghiêm trọng, dẫn tới phải khởi tố hình sự một số vụ. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về đầu tư xây dựng cơ bản ở các cấp ủy chưa thường xuyên nên tiến độ giải ngân chậm; chỉ đạo phòng, chống bão lũ và khắc phục thiệt hại ở một số địa phương còn chậm…
Kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: (i) Trên tinh thần báo cáo đánh giá công tác 9 tháng qua, cấp ủy các cấp vẫn còn không ít tồn tại cần khác phục trong thời gian tới, như: Công tác tổ chức, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị chưa thực chất, chưa đạt hiệu quả cao. Do đó, yêu cầu cấp ủy phải tăng cường chỉ đạo tổ chức tốt công tác trên nhằm tránh tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật của một số cán bộ, đảng viên đã xảy ra ở một số nơi. (ii) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy về quản lý, bảo vệ rừng chưa thật sự tốt, cần nghiêm túc xem xét, kiểm điểm lại; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế-xã hội, nhất là xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, chỉ số năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính còn chậm, cần chủ động sớm khắc phục trong thời gian tới; yêu cầu chỉ đạo nghiêm cán bộ, đảng viên nâng cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ, công việc được giao năm 2020…(iii) Các cấp ủy chú ý lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổ chức sinh hoạt chi bộ, cũng như năng lực lãnh đạo của chi ủy cần phải nâng cao để đáp ứng yêu cầu tình hình mới. (iv) Cấp ủy từ tỉnh đến xã tiếp tục tổ chức học tập, làm theo các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2020-2025; lãnh đạo sát việc triển khai công tác, nhiệm vụ 2020 để chỉ ra những hạn chế và đề ra giải pháp khắc phục có hiệu quả ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2021. Đặc biệt, các cấp ủy chú ý tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc giáo dục, nâng cao năng lực, chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng, tổ chức cán bộ, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
4. Ngày 12-11, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 và các năm tiếp theo. Đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng lãnh đạo UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Theo báo cáo, trong 10 tháng năm 2020, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương và sự tham gia tích cực từ các ngành, lực lượng bảo vệ rừng và người dân, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Lâm nghiệp cho người dân được đẩy mạnh; đã kịp thời ngăn chặn và triệt phá 45 điểm nóng về vi phạm Luật Lâm nghiệp; phát hiện 324 vụ vi phạm (khối lượng gỗ vi phạm quy tròn các loại 1.105,408m3; diện tích thiệt hại 43,71ha); thụ lý sơ thẩm 13 vụ án hình sự về vi phạm pháp luật trong công tác quản lý bảo vệ rừng, đã xét xử 12 vụ với 50 bị cáo; tiếp nhận và cứu hộ 3 cá thể động vật hoang dã từ người dân; thực hiện khoán bảo vệ rừng 216.701,22ha (đạt 100% kế hoạch), trồng rừng 719ha (đạt 96% kế hoạch), trồng 62.378 cây phân tán, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh 374,98ha rừng…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy biểu dương những thành tích đạt được của các địa phương, các chủ rừng và các lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian qua.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, cấp ủy đảng, chính quyền cấp xã, huyện một số nơi còn lơ là trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; lực lượng tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng tinh thần trách nhiệm chưa cao, có nơi còn bao che, tiếp tay cho hành vi phá rừng; rừng vẫn còn bị xâm hại. Đồng chí yêu cầu, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhanh chóng làm việc với các huyện, chủ rừng xác định diện tích rừng cần trồng trong năm 2021, góp phần hoàn thành mục tiêu trồng 15.000 ha rừng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI đề ra; Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh và các cấp ủy nói chung thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả hơn; cán bộ, đảng viên là người tham gia lãnh đạo, chỉ đạo và thực thi công tác quản lý, bảo vệ rừng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao; hạn chế thấp nhất việc vận chuyển lâm sản trái phép các tuyến giao thông; các chủ rừng phải phát hiện sớm khi xảy ra phá rừng; lực lượng Kiểm lâm nhanh chóng khởi tố khi đủ điều kiện và ngành Tòa án kịp thời đưa ra xét xử đúng người, đúng tội.
5. Sáng 16-11, Ủy ban MTTQVN tỉnh tổ chức buổi Tọa đàm gặp mặt kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930-18/11/2020). Dự buổi tọa đàm có đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hòa và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Thế Hải-Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Y Ngọc-Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Trung Hải-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành cùng lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh qua các thời kỳ.
Tại tọa đàm, các đại biểu ôn lại quá trình hình thành và phát triển của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; cùng chia sẻ những kinh nghiệm xây dựng tổ chức Mặt trận Tổ quốc các cấp vững mạnh.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Hòa biểu dương những kết quả nổi bật của Mặt trận Tổ quốc các cấp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Để tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò là trung tâm đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh, đồng chí đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng cụ thể, thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, sâu sát với nhân dân; triển khai sâu rộng, có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nhất là trọng tâm tuyên truyền về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; vận động các tầng lớp nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cần mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân; tăng cường xây dựng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tối đa vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; đảm bảo Mặt trận Tổ quốc vừa là nơi người dân phản ánh, tố giác những cán bộ có biểu hiện suy thoái, nhũng nhiễu nhân dân và là nơi để nhân dân hiến kế, góp ý trong việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tỉnh Kon Tum ngày càng phát triển nhanh và bền vững…
6. Chiều 02-11, đồng chí Lê Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về công tác khắc phục thiên tai do bão số 9 gây ra và công tác phòng, chống, ứng phó bão, mưa lũ lớn trong thời gian tới.
Trên cơ sở báo cáo của đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh) về tình hình phòng, chống, ứng phó thiên tai, công tác khắc phục do bão số 9 gây ra trên địa bàn tỉnh, đồng chí Lê Ngọc Tuấn kết luận: (i) đề nghị các cấp, các ngành và UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai nhằm chủ động phòng, chống ứng phó với bão và mưa lũ lớn trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh, trước mắt là cơn bão số 10 và hoàn lưu sau cơn bão. (ii) yêu cầu các ngành và các địa phương cần tập trung sửa chữa các công trình hạ tầng thiết yếu (như: giao thông, thủy lợi, điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, các công trình phúc lợi như trường học, trạm y tế) để đảm bảo an toàn cho công tác dạy và học, phòng chống dịch bệnh; tập trung mọi nguồn lực để sớm phục hồi sản xuất và ổn định đời sống cho nhân dân; tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các bến đò, khu vực đường bị ngập, đã, đang và có nguy cơ xảy ra sạt lở; tổ chức cắm các biển báo, cảnh báo, nghiêm cấm người, phương tiện lưu thông qua khu vực bị ngập lụt, nguy hiểm; khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 9 gây ra, nhất là hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng giao thông đi lại, sản xuất, sớm ổn định đời sống, sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh; khẩn trương triển khai công tác khắc phục và hoàn thành việc làm cầu mới tại vị trí cầu sắt bị trôi ở xã Đăk Pne (huyện Kon Rẫy) trước ngày 15/12…(iii) Đồng chí lưu ý, các ngành chức năng và các địa phương cần tiến hành rà soát, cập nhật, hoàn thiện kịch bản phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để chủ động tham gia phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức, kỹ năng ứng phó với thiên tai; nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo điều hành của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; thủ trưởng các sở, ngành và lãnh đạo UBND các huyện, thành phố không được rời khỏi địa phương nếu không có lý do chính đáng, để trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống ứng phó thiên tai và khắc khục hậu quả do thiên tai gây ra.
III. TIN TRONG NƯỚC
1. Một số kết quả chủ yếu của đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đến ngày 29-1-/2020, 67/67 (100%) đảng bộ trực thuộc Trung ương đã hoàn thành việc tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2020-2025.
Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo: Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 35, Chỉ thị 45, Kết luận 75 và các quy định, hướng dẫn về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng; đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có 3 bài viết quan trọng về công tác chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 -2025. Bộ Chính trị xây dựng kế hoạch làm việc với 67/67 đảng bộ trực thuộc Trung ương để chỉ đạo, cho ý kiến về dự thảo các văn kiện và phương án nhân sự đại hội đảng bộ…; Cấp ủy trực thuộc Trung ương đã quán triệt sâu sắc toàn diện, đầy đủ và thực hiện nghiêm túc các bài viết đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các văn bản, quy định, hướng dẫn của Trung ương; chủ động xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản để triển khai thực hiện.
Một số kết quả nổi bật: (1) Đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương đã được tổ chức thành công tốt đẹp theo đúng tiến độ, sớm hơn so với 3 nhiệm kỳ gần đây, bảo đảm đúng quy định, đạt chất lượng theo yêu cầu. (2) Công tác chuẩn bị văn kiện được tiến hành công phu, kỹ lưỡng; chất lượng văn kiện được nâng lên, nhất là việc xác định tầm nhìn và các nhiệm vụ đột phá. (3) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn được chú trọng triển khai đồng bộ, chặt chẽ, kịp thời, bám sát thực tế. (4) Các đại hội đã dành thời gian thỏa đáng để thảo luận văn kiện. Việc gợi ý thảo luận được chú trọng, không khí thảo luận ở nhiều đại hội sôi nổi, thẳng thắn, tập hợp được trí tuệ của đông đảo cán bộ, đảng viên. (5) Công tác nhân sự được chuẩn bị chu đáo, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm, minh bạch nên nhận được sự thống nhất cao. Kết quả bầu cử cơ bản tập trung, bầu đúng, trúng theo đề án nhân sự. Tỷ lệ phiếu trúng cử các chức danh chủ chốt cao, nhiều đồng chí đạt 100%. Chất lượng nhân sự được nâng lên rõ rệt. Số lượng bí thư cấp ủy là nữ, bí thư không phải là người địa phương tăng nhiều so với nhiệm kỳ trước. Đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương thật sự là sự kiện chính trị quan trọng của các địa phương, cơ quan, đơn vị, đã tạo được khí thế mới, nội bộ đoàn kết, thống nhất, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Hạn chế, khuyết điểm: (1) Nội dung, chương trình làm việc của một số ít đại hội chưa khoa học; công tác điều hành của đoàn chủ tịch có lúc, có nơi còn thiếu linh hoạt, lúng túng. (2) Báo cáo chính trị ở một số đại hội còn dàn trải, mang tính liệt kê, nặng trình bày về số liệu. Báo cáo kiểm điểm của một số cấp ủy còn có nội dung trùng lặp với báo cáo chính trị. (3) Một số tham luận còn nặng về báo cáo thành tích, ít nêu hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, giải pháp khắc phục. Việc thảo luận đóng góp vào các dự thảo văn kiện tại đại hội tập trung nhiều vào dự thảo báo cáo chính trị, chưa có nhiều ý kiến sâu sắc đóng góp cho dự thảo báo cáo kiểm điểm của BCH Đảng bộ và các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng. (4) Công tác chuẩn bị nhân sự để báo cáo cấp có thẩm quyền có nơi còn chậm. Tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia ban chấp hành đảng bộ chưa đạt yêu cầu tại Chỉ thị 35.
Một số kinh nghiệm rút ra: Một là, (i) Phải bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong suốt quá trình chuẩn bị, tổ chức đại hội. Các đảng bộ  ban hành hệ thống văn bản sớm, đầy đủ, toàn diện về chuẩn bị và tổ chức đại hội. (ii) Phát huy tính chủ động, sáng tạo của từng cấp ủy, tổ chức đảng, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong quá trình chuẩn bị, tổ chức đại hội; bảo đảm dân chủ, huy động trí tuệ tập thể; dân chủ nhưng phải tập trung, thống nhất, dân chủ gắn với kỷ luật, kỷ cương, dân chủ nhưng phải có lãnh đạo. (iii) Cấp ủy cần nêu cao tinh thần đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm, lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị đại hội một cách công phu, chu đáo, nghiêm túc, có kế thừa, tham khảo những kinh nghiệm quý, bài học hay của các nhiệm kỳ trước và bổ sung những điểm đổi mới, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tiễn của nhiệm kỳ này. Hai là, (i) Báo cáo chính trị phải làm rõ được công tác và vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm theo hướng: Xây dựng Đảng là then chốt, trong đó, công tác cán bộ là then chốt của nhiệm vụ then chốt; phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; tăng cường quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu; tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng. (ii) Báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành phải bám sát các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác và quy chế làm việc, tránh trùng lặp nội dung với báo cáo chính trị. Ba là, (i) Nắm vững và kịp thời xử lý dứt điểm các vấn đề phức tạp, phát sinh trên địa bàn trước khi đại hội diễn ra; nắm chắc tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và dư luận liên quan đến nhân sự trước, trong và sau đại hội để kịp thời chỉ đạo giải quyết những vướng mắc, bất cập. (ii) Trong công tác nhân sự đại hội, phải tuyệt đối tuân thủ đúng quy trình 5 bước, dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch, tất cả vì lợi ích quốc gia dân tộc theo phương châm “làm từng bước chặt chẽ, từng việc cụ thể, từng nhóm chức danh từ thấp đến cao, bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đó”; chủ động nắm tình hình, kịp thời xử lý các tình huống ngoài dự kiến. Đối với những việc khó, phức tạp, nhạy cảm “phải thực hiện nhất quán theo quy định, giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, công tâm, khách quan và quyết định theo đa số”. Bốn là, thảo luận văn kiện đại hội phải tập trung vào những vấn đề mới, khó, nhạy cảm, những nội dung còn có ý kiến khác nhau và bám sát vào tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương. Năm là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng phù hợp với từng đối tượng, đặc điểm, tình hình của địa phương, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng, chào mừng đại hội nhưng không phô trương, hình thức. Sáu là, vừa phải tổ chức tốt đại hội vừa phải hoàn thành các nhiệm vụ chính trị tại các địa phương, cơ quan, đơn vị; chủ động tham mưu việc tổ chức đại hội có hiệu quả, vừa bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch Covid-19.
Công tác tuyên truyền sau Đại hội: Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết quả, thành công của đại hội đảng bộ các cấp; những thành tựu nổi bật về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong nhiệm kỳ 2015-2020, tạo khí thế sôi nổi, phấn khởi góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và chuẩn bị thật tốt cho Đại hội XIII của Đảng. Hai là, tuyên truyền các hoạt động chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng: đóng góp ý kiến có chất lượng vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Tiếp tục triển khai thực hiện chế độ, chính sách đối với số cán bộ nghỉ công tác, không đủ điều kiện tái cử sau đại hội. Ba là, tuyên truyền các họat động của cấp ủy sau đại hội, như xây dựng quy chế làm việc của Ban Chấp hành đảng bộ trực thuộc Trung ương, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, Chương trình làm việc toàn khóa và Chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa để triển khai, thực hiện Nghị quyết.
2. Về Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X
Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X sẽ diễn ra vào tháng 12-2020, tại Hà Nội, với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đại hội dự kiến có khoảng 2.300 đại biểu tham dự, trong đó có 2.020 đại biểu chính thức, là những cá nhân, đại diện tập thể điển hình tiên tiến do các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lựa chọn, bảo đảm cơ cấu hợp lý. Trong số đại biểu theo cơ cấu, còn có đại biểu đại diện tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới (được phong tặng từ sau Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX đến nay), Chiến sĩ thi đua toàn quốc giai đoạn 2016-2020, đại biểu đại diện người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài có công lao đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, cá nhân tiêu biểu trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cá nhân tiêu biểu đại diện của 53 dân tộc. Đặc biệt, có 20 điển hình tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 là những người trực tiếp tại tuyến đầu phòng, chống dịch;...
Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X diễn ra trong bối cảnh năm 2020 có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức thi đua trên tất cả các lĩnh vực, lập thành tích xuất sắc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; tích cực chuẩn bị, triển khai tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
3. Tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan đối với dịch bệnh Covid-19. Tính đến ngày 16-11-2020, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 74 không có ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Tổng số ca mắc Covid-19 ở nước ta đến nay là trên 1.280 trường hợp, trong đó, có trên 1.100 trường hợp được điều trị khỏi bệnh. Cả nước không còn trường hợp ca bệnh nặng.
Kết quả trên đạt được là do có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, luôn quán triệt tinh thần "chống dịch như chống giặc”, “không được chủ quan, không để dịch lây lan” và “chấp nhận một số thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân"; sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là ngành y tế, trong triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Để giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch, bệnh Covid-19, chung sống an toàn, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu tất cả các cấp, các ngành cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không lơ là chủ quan; tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1300/CĐ-TTg, ngày 24-9-2020 và các văn bản có liên quan. Thực hiện nghiêm ngặt việc khai báo y tế; cách ly và theo dõi y tế sau cách ly (đủ ít nhất 28 ngày kể từ ngày nhập cảnh) đối với tất cả những người nhập cảnh. Bộ Y tế khuyến cáo mỗi người dân cần hành động, thực hiện đúng và đủ các khuyến cáo phòng, chống dịch; tiếp tục lan tỏa và thực hiện tốt Thông điệp 5K "Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tập trung đông người-Khai báo y tế" để giữ an toàn cho mình và xã hội trước đại dịch Covid-19…
Để nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng; tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số nội dung sau: Một là, đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu và đồng thuận với các giải pháp của Chính phủ nhằm thực hiện tốt hai nhiệm vụ quan trọng hiện nay là vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế. Hai là, tiếp tục tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, thực hiện nghiêm quy định khai báo sức khỏe, không gian dối hoặc cố tình che giấu thông tin. Ba là, đẩy mạnh việc tuyên truyền để người Việt Nam ở nước ngoài trở về và người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam thực hiện nghiêm túc các quy định về cách ly theo yêu cầu. Đảm bảo việc cách ly an toàn cho chính người được cách ly và an toàn cho cộng đồng. Bốn là, đẩy mạnh tuyên truyền thông tin tích cực, hành động đẹp của các tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, không để các thế lực phản động, thù địch lợi dụng nhằm kích động, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc.
C. VĂN BẢN MỚI
I. VĂN BẢN CỦA TỈNH
1. Ngày 02/11/2020, UBND tỉnh ban hành Công văn số 4117/UBND-NNTN UBND về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh (Chi tiết, xin xem tại đây)
2. Ngày 09/11/2020, UBND tỉnh ban hành Công văn số 4198/UBND-NNTN về việc về việc thực hiện các giải pháp bảo vệ nguồn nước cấp cho các mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh nước sạch theo Chỉ thị số 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chi tiết, xin xem tại đây)
3. Ngày 10/11/2020, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định 783/QĐ-UBND về việc phân công nhiệm vụ của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 (Chi tiết, xin xem tại đây)
4. Ngày 17/11/2020, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công văn số 4303/UBND-NNTN về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh (Chi tiết, xin xem tại đây)
5. Ngày 17/11/2020, UBND tỉnh ban hành Công văn số 4312/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác thẩm tra, xử lý vấn đề báo chí phản ánh, dư luận xã hội quan tâm (Chi tiết, xin xem tại đây)
6. Ngày 19/11/2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4325/KH-UBND về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025 (Chi tiết, xin xem tại đây)
7. Ngày 19/11/2020, UBND tỉnh ban hành Công văn số 4335/UBND-KTTH về việc triển khai thực hiện Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập (Chi tiết, xin xem tại đây)
8. Ngày 20/11/2020, UBND tỉnh ban hành Công văn số 4360/UBND-KTTH về việc tổ chức bầu cử Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, nhiệm kỳ 2020-2023 (Chi tiết, xin xem tại đây)
II. VĂN BẢN CỦA TRUNG ƯƠNG
Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg, ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025. Quyết định gồm 11 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 31/12/2020. Một số nội dung chủ yếu của Quyết định:
- Đối tượng áp dụng: (1) Các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) có tỷ lệ số hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ dân sinh sống ổn định thành cộng đồng từ 15% trở lên. (2) Các thôn, bản, làng, phum, sóc, xóm, ấp, khu dân cư, tổ dân phố và tương đương (sau đây gọi chung là thôn) có tỷ lệ số hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ dân sinh sống ổn định thành cộng đồng từ 15% trở lên.
- Tiêu chí xác định xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn): Xã khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là xã thuộc đối tượng quy định tại Điều 2 của Quyết định này, chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và có 01 trong 02 tiêu chí sau: (1) Có tỷ lệ hộ nghèo từ 20% trở lên (riêng các xã thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% trở lên hoặc có trên 150 hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số); (2) Có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% đến dưới 20% (riêng các xã thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ hộ nghèo từ 12% đến dưới 15%) và có 01 trong các tiêu chí sau: a) Có trên 60% tỷ lệ hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ nghèo của xã; b) Có số người dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 15 đến 60 chưa biết đọc, biết viết tiếng phổ thông từ 20% trở lên; c) Số lao động có việc làm nhưng chưa qua đào tạo từ 3 tháng trở lên chiếm trên 80% tổng số lao động có việc làm; d) Đường giao thông từ trung tâm huyện đến trung tâm xã dài trên 20 km, trong đó có trên 50% số km chưa được rải nhựa hoặc đổ bê-tông.
- Tiêu chí xác định xã khu vực I (xã bước đầu phát triển): Xã khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là xã thuộc đối tượng quy định tại Điều 2 của Quyết định này và có 01 trong 02 tiêu chí sau: (1) Có tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%; (2) Đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
- Tiêu chí xác định xã khu vực II (xã còn khó khăn): Xã khu vực II thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là các xã còn lại sau khi đã xác định các xã khu vực III và xã khu vực I.
- Tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn: Thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là thôn thuộc đối tượng quy định tại Điều 2 của Quyết định này và có 01 trong 02 tiêu chí sau: (1) Có tỷ lệ hộ nghèo từ 20% trở lên (riêng đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% trở lên hoặc có trên 30 hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số nghèo); (2) Có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% đến dưới 20% (riêng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long có tỷ lệ hộ nghèo từ 12% đến dưới 15%) và có 01 trong các tiêu chí sau: a) Có trên 60% tỷ tệ hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ nghèo của thôn; b) Chưa có đường từ thôn đến trung tâm xã hoặc có đường nhưng đi lại rất khó khăn nhất là mùa mưa; c) Chưa có điện lưới quốc gia hoặc đã có nhưng trên 30% số hộ chưa được sử dụng điện lưới quốc gia./.


Nguyễn Phi Em thực hiện.
 

[1] Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Đức Anh, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (01/12/1920- 01/12/2020); 31 năm Ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam (06/12/1989-06/12/2020); 89 năm Cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Ngục Kon Tum (12/12/1931-12/12/2020); 76 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/194 -22/12/2020) và 31 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2020).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới

CV.1500.TU

Triệu tập HN trực tuyến quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW; báo cáo tình hình KTXH năm 2024 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế

Lượt xem:338 | lượt tải:232

TÀI LIỆU

phục vụ giao ban báo chí tháng 11-2024

Lượt xem:89 | lượt tải:76

CV.2759.BTGTU

về định hướng triển khai Giải Búa liềm vàng của Đảng bộ tỉnh lần thứ V-năm 2025.

Lượt xem:148 | lượt tải:122

KH.175.TU

tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

Lượt xem:105 | lượt tải:214

TÀI LIỆU

giao ban báo chí tháng 10-2024

Lượt xem:197 | lượt tải:156

NQ.26.TU

về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị 3 tháng cuối năm 2024.

Lượt xem:1185 | lượt tải:219

ĐỀ CƯƠNG

Tuyên truyền Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng - Người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên (20/10/1914 - 20/10/2024).

Lượt xem:1404 | lượt tải:651
 
pxyk2025
 
bao chi
bacho 2
truongsa

sls
Đăng nhập
Hãy đăng nhập tài khoản để sử dụng tài liệu Báo cáo viên
Thống kê
  • Đang truy cập91
  • Hôm nay6,789
  • Tháng hiện tại183,376
  • Tổng lượt truy cập34,536,735
Thăm dò ý kiến

Bạn có thường xuyên truy cập trang web này không?

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trang web có cần bổ sung, điều chỉnh nội dung gì không?

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUM
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT, ngày 25 tháng 9 năm 2024
Chịu trách nhiệm: ông Nguyễn Trung Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Địa chỉ: 67 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum
SĐT: 0260.3862301     Fax: 0260.3865464
Email: bantuyengiaotinhuykt@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây