1- Du lịch di sản phát triển khá mạnh mẽ và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế ở nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đây là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị di sản văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Du lịch di sản có nhiều loại hình khác nhau, như du lịch tâm linh, du lịch cội nguồn, du lịch trải nghiệm văn hóa,...
Du lịch tâm linh (du lịch tín ngưỡng) là loại hình du lịch di sản phổ biến, thu hút được đông đảo du khách. Du lịch tâm linh đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu tín ngưỡng, tôn giáo thông qua những lễ nghi của cá nhân và cộng đồng. Có thể phân chia du lịch tâm linh thành du lịch tâm linh ở miền núi, miền biển hoặc đồng bằng (như các tuyến du lịch tâm linh dọc theo sông Hồng, theo sông Lô, tuyến du lịch tâm linh về Nam Định, Ninh Bình...); hoặc dựa theo thời điểm tổ chức các sự kiện du lịch tâm linh để phân loại (như hành hương mùa xuân, mùa thu...). Mỗi loại hình tôn giáo, tín ngưỡng, như Phật giáo, Đạo giáo, Đạo Mẫu, Thiên Chúa giáo... đều có đặc điểm riêng về du khách, dịch vụ, các điểm, tuyến tham quan, hình thức tham gia các sự kiện, các kiểu hành hương (du lịch lễ hội Đền Hùng, Đền Bà Chúa kho...)... Các địa điểm đó thực chất là những di sản văn hóa, bao gồm các đền, miếu, chùa, nhà thờ...; đồng thời, các tuyến đường hành hương cũng trở thành tài nguyên di sản dựa trên vai trò lịch sử của chúng đối với thực hành hành hương. Các hình thức thờ cúng, nghi thức tôn giáo, lễ hội thực hiện tại địa điểm được tôn kính cũng trở thành một phần của di sản văn hóa phi vật thể. Đó thực sự là nguồn tài nguyên di sản văn hóa tâm linh có sức hấp dẫn lôi cuốn hàng vạn người tham gia, như hành hương về giỗ tổ Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ), Miếu Bà chúa Xứ Núi Sam (tỉnh An Giang), Quốc mẫu Tây Thiên (tỉnh Vĩnh Phúc)...
Du lịch cội nguồn là loại hình du lịch di sản đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, giáo dục truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước. Đó là các hành trình về nguồn, như thăm căn cứ địa Việt Bắc, căn cứ miền Đông Nam Bộ, hoặc thăm lại các chiến trường xưa...
Du lịch trải nghiệm văn hóa đáp ứng nhu cầu khám phá văn hóa của du khách, nhất là giới trẻ, cư dân ở các đô thị và đang trở thành một xu hướng của du lịch hiện nay. Nhiều du khách trong nước và quốc tế muốn được trải nghiệm nền văn hóa nông nghiệp, khám phá kỹ thuật canh tác, tri thức địa phương, như các phương thức canh tác ở miền núi (cách làm ruộng bậc thang...), các ngành, nghề thủ công (chạm khắc bạc của người Mông, người Dao; dệt thổ cẩm của người Tày, người Thái, người Mường; làm gốm của người Chăm,...).
Ngoài ra, ở Việt Nam, tham quan hệ thống các bảo tàng, như Bảo tàng Quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế...; thăm các khu phố cổ, các làng cổ, kinh đô cổ như phố cổ Hội An, Kinh đô Huế, phố cổ Hà Nội, làng cổ Đường Lâm,... cũng là một loại hình du lịch di sản. Du lịch di sản không chỉ có chức năng khám phá, nâng cao hiểu biết, mà còn có chức năng giáo dục truyền thống văn hóa của quê hương, đất nước, giáo dục lòng yêu nước, ý thức dân tộc trong mỗi người dân.
2- Vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta có hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Đây là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, là tiềm năng, lợi thế so sánh trong phát triển du lịch. Hầu hết các tỉnh miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trong các cuộc kháng chiến của dân tộc là những căn cứ địa quan trọng. Ngày nay, những căn cứ địa đó trở thành hệ thống các di tích lịch sử cách mạng, như ATK Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) và ATK Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang), khu di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy, chấn động địa cầu, các di tích ở Liên khu V, Trường Sơn - Tây Nguyên...
Bên cạnh đó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn là vùng văn hóa đa dạng với nhiều sắc thái văn hóa đặc sắc, hấp dẫn. Đây là nguồn lực văn hóa giàu giá trị, trực tiếp tạo nên các sản phẩm du lịch di sản mang tính đặc thù, như sản phẩm du lịch mang dấu ấn người Mông, người Dao, người Xa Phó, người Tày trên đỉnh núi Sa Pa (tỉnh Lào Cai)...; sản phẩm du lịch phản ánh sự thích ứng với môi trường, như những khu ruộng bậc thang kỳ vĩ ở Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang), Bát Xát (tỉnh Lào Cai). Các loại hình canh tác trên nền đất dốc, trên ruộng bậc thang hay những thung lũng ven sông, ven suối đều tạo ra vẻ đẹp hấp dẫn của du lịch trải nghiệm... Như vậy, tính đa dạng, phong phú của các di sản văn hóa tộc người đã tạo nên sức hút cho du lịch di sản.
Di sản văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc khác nhau còn là nguồn lực để xây dựng các điểm, tuyến du lịch, như tuyến du lịch vòng cung Tây Bắc nối liền 6 tỉnh Tây Bắc hấp dẫn du khách bởi tính chất kỳ vĩ của thiên nhiên và sự phong phú văn hóa của gần 30 dân tộc; tuyến du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”; tuyến du lịch tìm hiểu không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên...
Nhờ vào hệ thống di sản văn hóa phong phú, tính đến năm 2019, các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên đã có khoảng 170 điểm du lịch cộng đồng, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Điển hình như du lịch cộng đồng người Thái ở Bản Mển (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) và Bản Áng (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La); du lịch cộng đồng người Hà Nhì ở xã Y Tí (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai); du lịch cộng đồng người Mường ở Bản Lác (xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình); du lịch cộng đồng người Mông ở bản Cát Cát (xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai); du lịch cộng đồng người Dao ở bản Nậm Đăm (xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang),...
Di sản văn hóa tộc người bổ sung các loại hình dịch vụ mới cho du lịch. Ở các điểm du lịch cộng đồng, người dân sáng tạo các loại hình vận chuyển du khách mới, như đi bằng xe trâu, cưỡi ngựa đến nhà lưu trú tham quan các điểm di tích trong làng. Ở một số làng du lịch cộng đồng ở Sa Pa, người dân đi qua suối bằng cầu mây, thậm chí có nơi còn tổ chức cho nam, nữ thanh niên du khách đi cà kheo tham quan cánh đồng. Dịch vụ ẩm thực thực sự trở thành một lĩnh vực có nhiều sáng tạo phát huy di sản ẩm thực truyền thống. Đến làng người Mông, người Thái, người Dao, người Mường..., du khách còn được thưởng thức các món ẩm thực đặc trưng của từng tộc người. Không chỉ được thưởng thức mà du khách còn được tham gia trải nghiệm, làm bếp với các món thắng cố, mèn mén của người Mông, ủ men rượu của người Tày, người Hà Nhì, thổi xôi bảy màu của người Nùng,... Không chỉ tổ chức trải nghiệm việc ngủ trên những căn nhà truyền thống, một số điểm du lịch có sáng kiến tổ chức ngủ lều, ngủ trên cây. Có thể thấy, trong tất cả các khâu kinh doanh du lịch, di sản văn hóa đều đóng vai trò quan trọng, góp phần tăng sức hút du khách, tạo nên nét đặc thù, bản sắc riêng của sản phẩm du lịch.
Du lịch di sản ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân. Trước hết, du lịch di sản góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng các dân tộc tham gia vào các chuỗi du lịch. Người Dao ở các xã Tả Phìn, Tả Van, Nậm Cang,... (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đã chuyển từ độc canh cây lúa sang làm du lịch. Mỗi năm, các điểm du lịch của người Dao đón hơn 4 vạn du khách, tổng nguồn thu ước đạt hơn 20 tỷ đồng. Năm 2017, thu nhập bình quân từ du lịch di sản của mỗi hộ gia đình người Dao ở Tả Phìn, Tả Van là khoảng 25 triệu - 60 triệu đồng; đến năm 2019, con số này tăng lên 50 triệu - 75 triệu đồng.
Các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc,... đã quy hoạch và xây dựng các di tích trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu trở thành các điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Trước khi được quy hoạch xây dựng điểm du lịch, mỗi năm đền Bảo Hà (tỉnh Lào Cai) chỉ thu được khoảng 6 tỷ đồng, đền Đông Cuông (tỉnh Lào Cai) thu 5 tỷ đồng, các di tích thờ Mẫu ở tỉnh Tuyên Quang chỉ thu được chưa đầy 10 tỷ đồng,... Nhưng sau 2 năm thực hiện xây dựng điểm du lịch tâm linh, chuyển đổi mô hình quản lý, tăng cường xúc tiến quảng bá, nguồn thu các điểm du lịch tâm linh đã tăng đột biến. Năm 2019, điểm du lịch di tích quốc gia đền Bảo Hà (tỉnh Lào Cai) thu 45 tỷ đồng; các điểm du lịch tâm linh ở các huyện và thành phố của tỉnh Tuyên Quang thu hơn 30 tỷ đồng; điểm du lịch ở di tích quốc gia đền Đông Cuông thu gần 20 tỷ đồng,... Nguồn thu lớn của các điểm du lịch đã hỗ trợ cho việc trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử ở trong vùng.
Bên cạnh đó, nhờ phát triển du lịch, nhiều di sản văn hóa trước đây bị mai một nay đã được phục hồi, như nghề làm thuốc của người Dao, nghề thêu dệt thổ cẩm của người Thái ở Mai Châu (tỉnh Hòa Bình),... Du lịch đã khơi dậy niềm tự hào của người dân về văn hóa truyền thống dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến với thế giới.
Tuy nhiên, du lịch di sản cũng có một số tác động tiêu cực đến hệ thống các di sản văn hóa. Các di sản văn hóa khi trở thành sản phẩm du lịch đều trải qua quá trình “hàng hóa hóa” di sản. Một tấm thổ cẩm của người Thái muốn bán được cho du khách thì phải cải biến thành các túi đeo, túi đựng điện thoại, vỏ gối,... Nghi lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn, người Dao muốn trở thành sản phẩm du lịch cũng phải được sân khấu hóa, cắt gọt phần nghi lễ, bỏ không gian thiêng, tách phần nhảy lửa khỏi tổng thể tín ngưỡng, chỉ còn tiết mục văn nghệ nhỏ lẻ là diễn xướng, nhảy lửa. Như vậy, quá trình “hàng hóa hóa” di sản đã đưa di sản thành các sản phẩm du lịch. Quá trình này diễn ra không theo mùa vụ, chu kỳ hoạt động của di sản, mà chủ yếu đáp ứng nhu cầu của du khách.
Thực tế cho thấy, lượng khách du lịch đến một số điểm du lịch có giá trị về tâm linh, giá trị về nghệ thuật thường rất đông. Trước đây, nhiều lễ hội của thôn, bản chỉ đón khách ở thôn bản hoặc một số ít khách của địa phương nhưng hiện nay lại tiếp nhận một cách ồ ạt lượng lớn khách hành hương, dẫn đến tình trạng quá tải tại điểm du lịch. Bên cạnh đó, một số du khách không tuân theo chuẩn mực, quy tắc ứng xử của thôn làng, dẫn đến lễ hội không tổ chức được, chưa đến đỉnh điểm đã “vỡ hội”. Sự quá tải của các điểm du lịch tâm linh còn gây ra những hậu quả về môi trường, nếp sống văn hóa đối với người dân địa phương. Nghiêm trọng hơn, xu hướng “thương mại hóa” đang ngày càng gia tăng ở một số quần thể di tích tâm linh, công tác quản lý di sản nhiều bất cập; một số cá nhân lợi dụng di sản văn hóa (nhất là văn hóa tâm linh) nhằm trục lợi bất chính (hiện tượng làm chùa giả, tượng giả, hoạt động mê tín dị đoan...).
Trong phát triển du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch về nguồn, du lịch trải nghiệm..., vấn đề quan trọng hàng đầu là phải đề cao vai trò của chủ nhân di sản. Hiện nay, có tình trạng là ở các làng, bản đồng bào dân tộc thiểu số giàu tài nguyên du lịch nhưng người dân nghèo, thiếu vốn để kinh doanh du lịch, nên thường dựa vào hoặc hợp tác với các doanh nghiệp và được hưởng tỷ lệ lợi nhuận chưa cao, không ổn định. Sự chia sẻ lợi ích chưa công bằng giữa một số doanh nghiệp và cộng đồng dân cư địa phương dẫn tới việc chưa khuyến khích được người dân tham gia vào chuỗi hoạt động du lịch bền vững, chưa phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời đặt ra nhiều khó khăn trong giải quyết các vấn đề xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nước ta hiện nay.
3- Thực tiễn trên cho thấy, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch di sản là vấn đề quan trọng, đồng thời cũng là yêu cầu cấp bách trong phát triển kinh tế - xã hội. Để thực hiện được “mục tiêu kép”, vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, trước tiên cần xác định rõ quan điểm phát triển du lịch theo hướng bền vững, đó là đáp ứng đồng thời yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai”(1). Du lịch phát triển bền vững cần phải dựa theo 4 trụ cột: văn hóa - môi trường - xã hội - kinh tế. Cần thống nhất quan điểm bảo tồn di sản là nguyên tắc hàng đầu, không “hy sinh” di sản để phát triển du lịch bằng mọi giá, đặc biệt chú ý đến vòng đời, “tuổi thọ” của điểm và khu du lịch, chống sự quá tải trong việc đón khách. Cần xây dựng một chiến lược sử dụng tốt nhất các tài nguyên môi trường, xác định môi trường tự nhiên và cảnh quan sinh thái là điều kiện tiên quyết trong phát triển du lịch tương lai; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích của các bên tham gia hoạt động du lịch, trong đó phải đề cao vai trò chủ nhân của cộng đồng địa phương trong hưởng lợi. Mặt khác, du lịch bền vững cũng phải chú ý vấn đề giới, tỷ lệ thất nghiệp theo mùa, xóa bỏ các tệ nạn chèo kéo khách. Cần bảo đảm hoạt động kinh tế tồn tại lâu dài, định hướng cộng đồng cư dân địa phương vừa thực hành kinh tế truyền thống, vừa tham gia kinh doanh du lịch. Lợi nhuận của du lịch cần phải được phân bổ công bằng, đóng góp cho việc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương, cân bằng giữa phát triển kinh tế truyền thống với phát triển du lịch.
Hệ thống các giải pháp mang tính chất tổng thể được đề xuất là:
Thứ nhất, về thể chế, hoạch định chính sách.
Trước mắt, cần bổ sung và sửa đổi Luật Di sản văn hóa, Luật Du lịch; bổ sung các điều, khoản về vai trò của cộng đồng đối với bảo tồn di sản; vai trò và quyền lợi của cộng đồng trong phát triển du lịch. Nêu rõ các điều, khoản về sự hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch.
Xây dựng chính sách về công tác trùng tu, tôn tạo di tích, về bảo tồn di sản một cách linh hoạt, hiệu quả. Chủ động phân cấp quản lý di tích cho chính quyền và cộng đồng cư dân địa phương phù hợp với thực tiễn. Xây dựng chính sách về xã hội hóa hoạt động bảo tồn, tôn tạo di tích, trong đó quy định về quyền lợi và trách nhiệm của người đóng góp vốn trùng tu tôn tạo, quyền lợi và trách nhiệm của chính quyền địa phương quản lý di tích. Xây dựng các quy định về quản lý các loại quỹ minh bạch, công khai, khoa học và hiệu quả.
Thứ hai, về công tác quy hoạch.
Các địa phương cần tiến hành xây dựng, hoàn thiện việc quy hoạch các điểm du lịch cộng đồng, du lịch di sản, không để người dân tự phát, tự xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, du lịch lưu trú tại gia (homestay). Cần cân nhắc việc triển khai hoạt động du lịch tại một số di tích, di sản văn hóa dễ bị tổn thương, biến dạng trong quá trình phát triển. Trong quy hoạch du lịch, phải đặc biệt khuyến khích phát triển các loại hình du lịch có trách nhiệm gắn với văn hóa cộng đồng, tôn trọng tính đa dạng văn hóa, tính chỉnh thể nguyên hợp của di sản văn hóa phi vật thể.
Thứ ba, về xây dựng sản phẩm du lịch.
Cần bảo đảm các nguyên tắc trong xây dựng sản phẩm du lịch. Đó là: 1- Sản phẩm du lịch phải mang được linh hồn của văn hóa truyền thống, có nhiều yếu tố đặc sắc, đặc thù cho từng tộc người, từng vùng, miền khác nhau (đặc sắc về không gian, thời gian, lịch sử tộc người,...), qua đó nâng cao giá trị, gia tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm du lịch; khắc phục tình trạng sản phẩm du lịch na ná giống nhau hiện nay; 2- Kết hợp hài hòa giữa tính đa dạng của nhiều loại hình sản phẩm và tính chuyên đề của một gói sản phẩm du lịch văn hóa (sản phẩm du lịch văn hóa có hấp dẫn hay không cần phải truyền đạt thông điệp chung hướng về chân - thiện - mỹ, đồng thời cũng mang những sắc thái lạ, hấp dẫn); 3- Kiên quyết chống hàng giả trong xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa dân tộc thiểu số. Các chương trình văn nghệ, các nghi lễ trình diễn, các sinh hoạt văn hóa của các dân tộc thiểu số phải tôn trọng tính khách quan, chân thực của sắc thái văn hóa các dân tộc; tuyệt đối không làm giả các sinh hoạt văn hóa truyền thống nhằm mục đích thu hút khách du lịch.
Thứ tư, về xây dựng cơ chế phối hợp và phân chia nguồn lợi từ du lịch di sản.
Xây dựng các điểm du lịch di sản là công việc hoàn toàn mới mẻ đối với người dân, đồng thời là lĩnh vực kinh doanh phức tạp. Vì vậy, xây dựng du lịch di sản cần có sự kết hợp của bốn “nhà”:
Những người dân ở địa phương là chủ nhân của các điểm du lịch cần được khuyến khích tự nguyện tham gia hoạt động du lịch di sản một cách sáng tạo. Cần xây dựng các ban quản lý du lịch di sản, có quy chế hoạt động thiết thực, dân chủ để bảo đảm hoạt động du lịch hiệu quả; người dân địa phương được hưởng lợi phù hợp, góp phần xóa đói, giảm nghèo đa chiều bền vững.
Doanh nghiệp là đối tác đưa khách đến điểm du lịch. Nhờ có doanh nghiệp, điểm du lịch di sản mới phát triển được. Doanh nghiệp đóng vai trò cung cấp du khách, đồng thời cũng đóng vai trò hỗ trợ vốn cho cộng đồng, tập huấn cho cộng đồng về cách thức tổ chức, kinh doanh hoạt động du lịch di sản. Do đó, cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào du lịch di sản.
Các nhà tư vấn là các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu về văn hóa, dân tộc, di sản... đóng vai trò nghiên cứu, tư vấn cho người dân, chính quyền địa phương, doanh nghiệp xây dựng các mô hình du lịch di sản hoạt động hiệu quả và bền vững.
Cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù cho các điểm du lịch di sản ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời giữ vai trò điều hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp.
Như vậy, sự kết hợp chặt chẽ giữa người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước là mối quan hệ hữu cơ, mật thiết. Thực tiễn ở các điểm du lịch di sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã chỉ ra rằng, nếu thiếu một trong bốn “nhà” này thì du lịch di sản không “cất cánh” được.
***
Du lịch di sản đã và đang có những bước phát triển đáng ghi nhận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nước ta thời gian qua. Song thực tiễn cũng đặt ra yêu cầu, để phát triển du lịch di sản hiệu quả đòi hỏi phải chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa tộc người; xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, hấp dẫn, phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội của từng vùng và phù hợp với từng đối tượng du khách. Quy hoạch phát triển du lịch di sản cần theo hướng bền vững, hiệu quả để du lịch nói chung và du lịch di sản nói riêng thực sự trở thành ngành kinh tế mũi mọn, là một động lực quan trọng để xây dựng nông thôn mới, góp phần xóa đói, giảm nghèo đa chiều bền vững./.
---------------------------
(1) Khoản 14, Điều 3, Luật Du lịch, Luật số 09/2017/QH2014 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 19-6-2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018
Tổng hợp từ tapchicongsan.org.vn