Dự án “Bước ra từ trang sách”: SÁNG TẠO, KHỞI NGHIỆP TỪ TRI THỨC
Thứ bảy - 23/11/2024 09:29
Dự án “Bước ra từ trang sách” do nhóm học sinh Trường TH&THCS xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà thực hiện, đang viết nên câu chuyện truyền cảm hứng bằng những hoạt động sáng tạo trong học tập gắn liền với thực tiễn, với tinh thần vượt khó của thế hệ học sinh miền núi.
Đến Trường TH&THCS xã Hà Mòn, một ngôi trường ở vùng miền núi tỉnh Kon Tum những ngày này, chúng tôi chứng kiến phong trào dạy và học diễn ra sôi nổi, khẩn trương hơn bao giờ hết. Điều bất ngờ với chúng tôi là trong mỗi lớp học tại ngôi trường này đều có kệ sách góc lớp để học sinh tra cứu kiến thức.
Không gian trường học còn có 1 thư viện xanh với hai phòng đọc sách. Theo ghi nhận tại thư viện, các kệ sách góc lớp đều chứa đầy các đầu sách đủ loại, và có rất đông học sinh đến đây đọc sách để nâng cao kiến thức.
Bên cạnh đó, Dự án còn có các hoạt động khởi nghiệp như: Trồng cây chanh dây, đan túi thơm đựng hạt cà phê, làm tranh gạo, chế tác hoa trang trí. Những sản phẩm này không chỉ mang lại nguồn thu nhập để phụ giúp bố mẹ trang trải chi phí học tập, mà còn rèn luyện kỹ năng lao động và khơi dậy tinh thần sáng tạo của học sinh.
Điểm sáng trong các hoạt động của Dự án “Bước ra từ trang sách” là sự tích cực của hình thức tổ chức giáo dục STEM, tạo ra sản phẩm bộ bàn ghế làm từ lốp xe ô tô cũ. Thành phẩm này đã đạt Giải xuất sắc cấp huyện trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật gắn với hoạt động STEM cấp huyện dành cho học sinh THCS năm học 2024-2025.
Không chỉ dừng lại ở đó, học sinh còn kết hợp kiến thức tổng hợp các môn, tận dụng công nghệ số, lập gian hàng online để trao đổi, cho và nhận sách, lan tỏa giá trị nhân văn, xây dựng cộng đồng học tập bền vững. Nhiều em còn thử sức với các lĩnh vực thiết kế market, chỉnh sửa video, chế tạo đồ dùng dạy học số, mang lại những sản phẩm hiện đại, phục vụ hiệu quả cho giảng dạy và học tập.
Em Lê Hoàng Anh Vũ, học sinh lớp 9, Trường TH & THCS xã Hà Mòn, thành viên nhóm Dự án cho biết: Hưởng ứng phát động Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp huyện và cấp tỉnh gắn với hoạt động STEM dành cho học sinh THCS, năm học 2024-2025, cùng sự hướng dẫn của thầy, cô nhà trường nhóm chúng em đã lên kế hoạch thực hiện Dự án khoa học xã hội hành vi “Bước ra từ trang sách”. Dự án được thực hiện từ ngày 1.4.2024, đến nay đã triển khai được hơn 7 tháng và đang diễn tiến thuận lợi.
Dự án bao gồm nhiều hoạt động như: Thu gom sách cũ tặng cho học sinh khó khăn; xây dựng thư viện xanh, phòng đọc sách và kệ sách góc lớp tại lớp học; các hoạt động trải nghiệm đan túi thơm đựng cà phê treo xe, treo phòng, làm tranh gạo, làm bàn ghế từ tái chế hay trồng cây chanh dây khởi nghiệp…
Trong khi đó em, Nguyễn Đức Bảo Trâm, Trưởng nhóm Dự án cho biết: Chúng em đã chọn và thực hiện Dự án “Bước ra từ trang sách” với mục đích nghiên cứu đưa ra các giải pháp giúp học sinh Trường TH&THCS xã Hà Mòn vận dụng kiến thức từ sách vào thực tiễn đời sống nhằm bồi đắp phẩm chất, nâng cao kỹ năng cần thiết, giúp học sinh miền núi trưởng thành cùng sách.
Từ đó thúc đẩy văn hóa đọc sâu rộng thông qua các mô hình thư viện xanh, phòng đọc sách và kệ sách góc lớp tại lớp học. Đây không chỉ là nơi để các em tiếp cận tri thức, mà còn là môi trường nuôi dưỡng tình yêu sách, giúp học sinh mở rộng tầm nhìn và làm giàu vốn hiểu biết…
Kết quả đến nay, Dự án đã kêu gọi mọi người thu gom, hỗ trợ gần 100 đầu sách, với khoảng gần 1.000 cuốn sách các loại; xây dựng 1 thư viên, 2 phòng đọc sách và 16 kệ sách góc lớp tại lớp học; nhiều sản phẩm tranh gạo, túi thơm, bàn ghế tái chế…
Cô giáo Nguyễn Thị Ái Thùy, giáo viên Trường TH&THCS xã Hà Mòn, hướng dẫn học sinh thực hiện Dự án cho biết: Dự án “Bước ra từ trang sách” với nhiều hoạt động ý nghĩa, không chỉ giúp các em hoàn thiện kỹ năng sống mà còn xây dựng một hình mẫu học sinh năng động, sáng tạo và giàu tinh thần trách nhiệm.
Trường TH&THCS xã Hà Mòn đang khẳng định vai trò của mình trong việc phát triển một thế hệ trẻ “Bước ra từ trang sách” với đầy đủ phẩm chất, năng lực, làm chủ kiến thức, làm chủ cuộc sống trong tương lai vượt qua hoàn cảnh sống để trưởng thành và hội nhập.
* STEM là thuật ngữ tiếng Anh được viết tắt từ bốn chữ: Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Maths (Toán học). Hiện phương pháp này còn bổ sung thêm môn nghệ thuật (Art) với tên gọi STEAM. Đây là mô hình giáo dục theo cách tiếp cận liên môn. Thay vì học từng môn tách biệt, rời rạc, STEM tích hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, rèn luyện tư duy đa chiều, giúp trẻ tìm hiểu tường tận nguồn gốc của vấn đề bằng cảm nhận tai nghe, mắt thấy, tay làm. STEM là phương pháp giáo dục nâng cao rèn luyện kỹ năng liên quan đến 4 yếu tố: khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học.
Triệu tập HN trực tuyến quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW; báo cáo tình hình KTXH năm 2024 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUM Giấy phép số: 01/GP-TTĐT, ngày 25 tháng 9 năm 2024 Chịu trách nhiệm: ông Nguyễn Trung Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Địa chỉ: 67 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum SĐT: 0260.3862301 Fax: 0260.3865464 Email: bantuyengiaotinhuykt@gmail.com