Những câu chuyện dưới mái nhà Rông
Trong không khí phấn khởi của những ngày đầu năm mới 2024, đồng bào Gié Triêng ở thôn Nông Kon, xã Đăk Dục (huyện Ngọc Hồi) đón thêm một niềm vui lớn: Khánh thành nhà Rông văn hoá của thôn. Như một lẽ thường, dưới mái nhà rông cao vút là nơi người Gié Triêng tổ chức sinh hoạt cộng đồng; nơi bà con kể cho nhau nghe những câu chuyện buồn, vui của mỗi người, mỗi nhà. Chỉ khác một điều là hôm nay, tham gia vào những câu chuyện ấy còn có cán bộ xã, các chú bộ đội biên phòng, công an xã… và tất cả các câu chuyện đều có chung một chủ đề về ngôi nhà rông khang trang, sạch sẽ, có lối kiến trúc truyền thống rất “ưng cái bụng” của đồng bào.
Đôi mắt hiền ánh lên niềm vui khó tả, những nếp nhăn trên khuôn mặt già làng A Kiểu (thôn Nông Kon, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) cũng theo nụ cười tươi của già mà tựa vào nhau không rời, già vui mừng kể lại:
Vì nhà Rông cũ đã xuống cấp, không đảm bảo cho các hoạt động của dân làng nên sau khi được chính quyền địa phương và các chú bộ đội cho biết về chủ trương dựng nhà rông mới, dân làng ai cũng vui mừng. Già chính là người đại diện cho bà con trực tiếp phối hợp với các đơn vị để thực hiện công trình này. Nhà rông của thôn hoàn thành với tổng kinh phí trên 145 triệu đồng từ nguồn đóng góp của các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh và hàng ngàn ngày công lao động của cán bộ, chiến sĩ bộ đội Biên phòng, công an, dân quân và Nhân dân thôn Nông Kon. Trong cái nắm tay thật chặt của già làng A Kiểu, Thượng tá Nguyễn Văn Thường- Chính trị viên Đồn Biên phòng Dục Nông tiếp lời:
Công trình nhà Rông văn hoá thôn Nông Kon có điểm rất “đặc biệt” là không thuê bất cứ đơn vị thi công nào mà được làm hoàn toàn từ sự chung tay lao động của lực lượng bộ đội Biên phòng, Công an xã, lực lượng dân quân tự vệ, cán bộ xã Dục Nông và người dân trong thôn. Từ khi khởi công đến lúc hoàn thiện công trình đã huy động được gần 2000 ngày công lao động. Con số 2.000 ngày công khiến chúng tôi thực sự bất ngờ bởi với đặc điểm là địa bàn biên giới, trình độ nhận thức của người dân chưa đồng đều, việc huy động được số lượng ngày công “khủng” như vậy không phải là điều dễ dàng. Theo lý giải của anh A Hôm - Trưởng thôn Nông Kon:
Chủ trương xây dựng nhà rông rất “hợp lòng” bà con nên cả thôn ai cũng coi đây là trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình. Chỉ cần già làng, thôn trưởng hay cán bộ xã giao việc gì thì dân làng không ai từ chối. Có lẽ vì sự “đặc biệt” ấy mà nhà Rông thôn Nông Kon còn được dân làng trìu mến gọi với cái tên “công trình quân- dân”.
Nhà rông truyền thống của người Gié Triêng được làm hoàn toàn từ vật liệu từ tự nhiên. Đang là đầu Xuân, lẫn trong cơn gió chiều se lạnh là chút mùi thơm của gỗ mới, chút mặt mà của những tấm tranh mới lợp. Ánh nắng chiều soi rọi mái nhà rông cao sừng sững mang biểu tượng con trâu – con vật thiêng của người Gié Triêng. Trong nhà rông, già làng A Kiểu say sưa chỉ cho thanh niên của làng về ý nghĩa các vật dụng và từng mảng hoa văn trang trí. Theo già A Kiểu:
Để đảm bảo kiến trúc của nhà rông mới đúng với phong tục của người Gié Triêng, thôn đã thành lập một tổ “chuyên gia” gồm những người già có uy tín, am hiểu về văn hoá truyền thống của người bản địa. Từ vật liệu xây dựng, cách bố trí không gian đến hoa văn trang trí… đều được các già miêu tả, hướng dẫn tỉ mỉ cho đội ngũ thi công. Bên cạnh đó, thôn và lực lượng bộ đội Biên phòng còn phối hợp thành lập nhiều tổ công tác phụ trách tìm kiếm, thu hoạch… vật liệu dựng nhà như: Tổ tìm cỏ tranh lợp mái, tổ tìm gỗ dựng cột, tổ tìm gỗ làm sàn… mỗi tổ đều do một người già có uy tín làm tổ trưởng. Được biết, thời điểm khởi công xây dựng nhà rông là mùa mưa của Tây Nguyên. Đối với địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa như Đăk Dục, việc hoàn thiện bất cứ công trình nào vào mùa mưa cũng là một thử thách. Đối với công trình cần nhiều vật liệu tự nhiện như nhà rông, việc hoàn thiện còn khó khăn hơn gấp bội. Ông A Chử (người dân thôn Nông Kon) được giao phụ trách tổ tìm kiếm, thu hoạch cây tranh lợp mái kể lại:
Để thu hoạch đủ cỏ tranh lợp mái, có nhiều hôm cả tổ tìm kiếm phải ngủ lại trong rừng. Có lúc tìm được chỗ nhiều cỏ thì trời mưa liên tục, mọi người lại phải quay về. Cỏ tranh phơi không đủ nắng thì mái nhà lợp sẽ không bền, không đẹp nên dù vất vả, ai cũng không dám chủ quan, đợi ngày nắng ráo mới cùng nhau đi cắt cỏ. Rất may là dù nắng hay mưa thì đều có các chú bộ đội Biên phòng cùng đi, cùng làm với dân làng.
Đúng như lời của ông A Chử, dù dân làng đi kiếm cây gỗ, tìm cây lồ ô hay đi cắt cỏ tranh… đâu đâu cũng có sự chung tay của những người lính biên phòng. Theo Thượng tá Nguyễn Văn Thường, để công trình nhà Rông văn hoá thôn Nông Kon được tiến hành hiệu quả nhất, Đồn Biên phòng Dục Nông đã xây dựng kế hoạch và phân công cán bộ chiến sĩ tham gia hỗ trợ bà con nhân dân ở tất cả các công đoạn từ đi tìm nguyên liệu, chẻ lạt, đan phên, dựng nhà… Có lẽ đó chính là lý do mà trong các câu chuyện dân làng người Gié Triêng kể cho nhau nghe ngày hôm ấy, đâu đó đều có bóng dáng của các anh bộ đội Cụ Hồ. Buổi tối ngày hôm ấy, trong ánh lửa bập bùng, nhịp chiêng náo nức, điệu múa Xoang nhịp nhàng… những câu chuyện về “công trình quân- dân” vẫn tiếp tục như sợi dây thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân.
Để lòng dân vui cùng ý Đảng
Để đánh giá, đúc kết và ban hành ra nghị quyết sát với thực tiễn, đúng với đường lối xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhân dân ta đang xây dựng không phải là dễ dàng. Và quá trình triển khai đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống càng khó khăn gấp hơn nữa bởi cuộc sống là muôn màu, mỗi địa phương lại có những đặc thù riêng khiến việc áp dụng nghị quyết nếu không khéo léo, linh hoạt thì dễ rơi vào chủ quan, cứng nhắc, không huy động được “sức mạnh lòng dân”. Từ thực tế đó, để công tác dân vận phát huy ý nghĩa chiến lược là góp phần củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên Nhân dân tham gia sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, trên cơ sở những nhiệm vụ của công tác dân vận mà Đảng ta đặt ra, tỉnh Kon Tum đã chú trọng đến việc tận dụng những điều kiện đặc thù của địa phương, phát huy truyền thống yêu nước của đồng bào các dân tộc và tinh thần đoàn kết máu thịt của quân- dân, để Nhân dân chung tay vào thực hiện nhiệm vụ mà cấp uỷ các cấp đề ra. Công trình dân vận nhà Rông văn hoá thôn Nông Kon chỉ là một trong số rất nhiều ví dụ điển hình của thực tế “lòng dân vui cùng ý Đảng” trên địa bàn tỉnh ta.
Là tỉnh miền núi, biên giới, nơi có trên 54% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh sinh sống ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn; cơ sở hạ tầng, kinh tế và đời sống còn thấp. Công tác dân vận vì vậy đứng trước những thách thức, khó khăn nhất định. Nhằm tháo gỡ khó khăn, đồng thời phát huy lợi thế từ mối quan hệ chặt chẽ mang tính truyền thống giữa các đơn vị lực lượng vũ trang và Nhân dân địa phương, nhất là Nhân dân tại các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Quy chế số 07-QC/TU, 28-02-2020 về phối hợp thực hiện công tác dân vận của các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh. Tiếp đó, để mở rộng phạm vị, nội dung và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng trong công tác dân vận, Ban Dân vận Tỉnh uỷ và các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp ban hành Chương trình số 02-CTr/BDVTU-LN, ngày 07-5-2021 về phối hợp thực hiện công tác dân vận giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy với các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2026. Năm 2021, Công tác dân vận được “tiếp thêm sức mạnh” khi kết hợp với
Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững" và vận động Nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn tỉnh do Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum phát động. Triển khai các nội dung trên và từ tình hình thực tiễn tại địa phương, 08 đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn tỉnh đã cùng phối hợp tổ chức gắn kết công tác dân vận, với các hoạt động văn hóa, thể thao, tuyên truyền, vận động và cùng thống nhất xây dựng các công trình dân vận giúp dân thực sự có ý nghĩa, thiết thực, phù hợp với nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Từ năm 2016 đến nay, nhiều công trình dân vận thiết thực đã được xây dựng như: Khán đài Sân vận động, kết hợp sửa chữa, nâng cấp Sân vận động (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy); Nhà văn hóa cộng đồng (xã Chư Hem, huyện Ia H’Drai); khuôn viên nhà rông thôn Kram (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy); đường giao thông nông thôn cho thôn Hào Nưa (xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi); sân vận động, sân khấu ngoài trời tại xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi); Nhà Rông văn hóa, thôn Đăk Manh 1 (xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô); sân bóng đá Mini tại thôn Ia Ho (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy)… với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công lao động. Công trình dân vận của năm 2023 chính là nhà Rông văn hóa Thôn Nông Kon (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi). Các công trình dân vận được hoàn thành không chỉ mang lại ý nghĩa to lớn với người dân địa phương mà còn thắt chặt tình đoàn kết quân- dân, góp phần giúp công tác dân vận thuận lợi hơn, bà con địa phương vui vẻ chấp nhận nếp sống mới, dần xoá bỏ những phong tục không còn phù hợp. Trong ngày khánh thành nhà Rông văn hoá thôn Nông Kon, Chị Y Hồng- Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã Đăk Dục (huyện Ngọc Hồi) cho biết:
Trước đây, mỗi lần tổ chức lễ mừng nhà rông mới, dân làng sẽ thực hiện nghi thức đâm trâu. Tuy nhiên bây giờ nghi thức này chỉ được làm tượng trưng để thực hành tiết kiệm, bảo vệ vật nuôi và phù hợp với nếp sống mới. Không chỉ riêng thôn Nông Kon, các thôn làng khác giờ cũng dần xoá bỏ một số phong tục không còn phù hợp và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp theo sự động viên của cán bộ xã, lực lượng bộ đội, công an… Theo Đại tá Lê Minh Chính – Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh:
Để người dân đồng lòng thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thì điều đầu tiên chính là những chủ trương, chính sách cần hướng về cơ sở, sát với điều kiện thực tiễn, phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân. Những công trình dân vận mà 08 đơn vị lực lượng vũ trang cùng nhau thực hiện thời gian qua và sự vui mừng đón nhận của Nhân dân địa phương chính là minh chứng cho chủ trương đúng đắn của tỉnh ta trong công tác dân vận tại địa phương.
Như chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói:
“…một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum vốn mộc mạc, giản dị, câu nói của Bác càng trở nên ý nghĩa. Là người có nhiều năm gắn bó với các thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Thiếu tá Nguyễn Văn Thường- Chính trị viên Đồn Biên phòng Dục Nông chia sẻ:
Chỉ khi được dân làng tin tưởng thì lúc ấy đồng bào mới chịu nghe mình nói, chịu làm theo những gì mình tuyên truyền. Muốn vậy, mỗi cán bộ thực hiện công tác dân vận phải chịu thương, chịu khó, phải “bám làng”, “sát hộ”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” và hơn hết là phải nêu cao tinh thần nêu gương, nói đi đôi với làm. Bên cạnh đó cần thuyết phục sự tham gia của đông đảo những người có uy tín tại địa phương. Cũng theo Thiếu tá Nguyễn Văn Thường, nhờ có sự tham gia của các già làng, những người có uy tín mà các chính sách từ cấp trên ban hành khi triển khai ở cơ sở trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Đôi khi cán bộ xã, bộ đội Biên phòng nói bà con còn băn khoăn, lo lắng, nhưng khi già làng mở lời thì bà con yên tâm làm theo vì mọi người đều coi các già giống như người cha trong gia đình vậy!
Trở lại với không khí rộn ràng nơi khánh thành nhà Rông văn hoá thôn Nông Kon, khi mở ghè rượu mới “làm phép”, già làng A Kiểu không quên gọi các chú bộ đội đến chung vui, già tâm sự rằng:
Dân làng Nông Kon đã coi các chú bộ đội là người nhà. Từ những việc lớn như xây nhà, cưới hỏi… đến những việc nhỏ như khi người già ốm đau, lúc gia đình có con nhỏ quậy phá… đều có thể nhờ các chú bộ đội giúp đỡ. Hôm ấy, giữa tiết trời se lạnh của những ngày giáp Tết Nguyên đán, dưới những tấm cỏ tranh được bện chặt từ tình quân – dân thắm thiết, câu chuyện về nhà rông mới, về tình quân dân làm lòng người trở nên ấm áp lạ thường. Sự thống nhất từ chủ trương, sự sáng tạo trong cách áp dụng vào thực tiễn và những nỗ lực bền bỉ của những người lính đã góp phần giúp công tác dân vận của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Kết thúc chuyến hành trình đến với Đăk Dục, trên đường trở về, trong tâm trí tôi vẫn còn nguyên sự phấn khởi của Đại tá Lê Minh Chính khi thông tin rằng:
Mặc dù chịu nhiều tác động ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề xã hội khác, nhưng tình hình kinh tế, xã hội trên địa bàn 13 xã biên giới của toàn tỉnh nói chung và của xã Đăk Dục nói riêng vẫn luôn giữ vững sự tăng trưởng, phát triển ổn định; chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới được duy trì triển khai thực hiện sâu rộng, hiệu quả… Chúng ta đều hiểu rằng kết quả ấy chỉ có thể đạt được khi có sự chung tay góp sức của Nhân dân. Kết quả của công tác đảm bảo an ninh nơi biên giới hay sự đồng lòng của nhân dân địa phương với các công trình dân vận là minh chứng rõ ràng rằng “lòng dân đã vui cùng ý Đảng”.