Trong những năm qua, các cấp ủy đảng và chính quyền tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Đội ngũ lãnh đạo, quản lý công tác thể dục, thể thao từng bước được chuẩn hóa và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý công tác thể dục thể thao có trình độ đại học và sau đại học. Công tác đầu tư, xây dựng, đào tạo và phát triển lực lượng vận động viên thể thao thành tích cao và các môn thể thao có thế mạnh của tỉnh được chú trọng. Hằng năm, vận động viên được tập trung đào tạo, huấn luyện và hưởng ngân sách của tỉnh, từ năm 2010-2020, gồm 02 tuyến: Năng khiếu và đội tuyển, trong đó tuyến năng khiếu từ 20 - 35 vận động viên; đội tuyển từ 37-72 vận động viên…Công tác giáo dục thể chất cho học sinh trong nhà trường được quan tâm; nội dung và phương pháp giảng dạy được đổi mới tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn các hoạt động phù hợp với thể lực, nguyện vọng của bản thân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trong các trường học được đầu tư và nâng cấp, đã đầu tư xây dựng 14 nhà tập đa năng, 272 sân tập cấp trường, 33 bể bơi, 416 sân chơi, bãi tập cho học sinh... Đẩy mạnh việc thành lập các câu lạc bộ thể thao; đào tạo học sinh có năng khiếu các môn thể thao. Toàn tỉnh có 100% trường học đảm bảo chương trình giáo dục thể chất chính khóa; có 83,5% trường có hoạt động ngoại khóa thường xuyên; 100% học sinh được kiểm tra và phân loại thể lực; 100% cơ sở giáo dục làm tốt công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục thể chất, hoạt động thể thao trường học, công tác phòng chống tai nạn đuối nước cho học sinh...Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thể dục, thể thao; các khu vui chơi giải trí trong lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao được chú trọng; công tác huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng các cơ sở tập luyện thể dục, thể thao, các khu vui chơi giải trí nhất là tại các xã, phường, thị trấn được quan tâm; hiện toàn tỉnh có hơn 200 cơ sở tư nhân kinh doanh dịch vụ thể dục, thể thao... Có 97% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh triển khai quy hoạch, bố trí đất và xây dựng công trình thể dục, thể thao phục vụ hoạt động thể dục, thể thao quần chúng. Toàn tỉnh có 16 nhà tập luyện, thi đấu thể thao đa năng; 31 nhà tập luyện, thi đấu thể thao đơn môn; 58 bể bơi các loại; 43 sân vận động; 454 sân bóng đá, 855 sân bóng chuyền, 294 sân cầu lông, 52 sân quần vợt, 05 sân bóng rổ. Trong đó, có 30 sân bóng đá cỏ nhân tạo, trị giá từ 300 đến 500 triệu đồng/sân; 11 bể bơi do các hộ gia đình, doanh nghiệp đầu tư. Hiện tỉnh đang đầu tư xây dựng Khu liên hợp thể thao và Nhà thi đấu đa năng.
Các loại hình tổ chức tập luyện thể dục thể thao được phát triển đa dạng. Tỷ lệ người tham gia luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên đạt 30% dân số; tỷ lệ gia đình luyện tập thể dục thể thao đạt 23% số hộ gia đình trong tổng số hộ toàn tỉnh. Công tác bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là các môn thể thao dân tộc, các phương pháp dưỡng sinh cổ truyền và các trò chơi dân gian được khôi phục, phát triển và đạt được kết quả cao khi tham gia Hội thi thể thao dân tộc thiểu số toàn quốc với các môn: đua thuyền độc mộc, đu quay, leo cột mỡ, kéo co, đẩy gậy…Các hoạt động thể dục, thể thao cho người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm thực hiện.
Phong trào rèn luyện thể dục thể thao trong lực lượng vũ trang được triển khai đồng bộ, hiệu quả và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ nhu cầu của các cán bộ, chiến sĩ. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã bố trí biên chế phụ trách thể dục, thể thao; phát động phong trào rèn luyện thể lực, hoạt động thể dục, thể thao trong các cơ quan, đơn vị; 100% cơ quan, đơn vị đều có bãi tập thể lực. Công an tỉnh triển khai hiệu quả phong trào rèn luyện thể lực theo tiêu chuẩn chiến sỹ Công an khỏe; có 100% các đơn vị đạt yêu cầu; đối với cá nhân cán bộ chiến sĩ đều đạt từ 95% trở lên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác TDTT trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Phong trào thể thao quần chúng phát triển chưa đồng đều; tỷ lệ người tham gia tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên còn thấp. Cơ sở vật chất phục vụ cho việc tập luyện thể thao chưa đáp ứng nhu cầu của Nhân dân, nhất là ở vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực thể dục, thể thao và huy động các nguồn lực xã hội, động viên các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư cho thể dục, thể thao còn hạn chế....
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình số 37 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thời gian tới hoạt động thể dục, thể thao của tỉnh cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến phát triển thể dục, thể thao; trong đó, tập trung thực hiện tốt Chương trình số 37-CTr/TU, ngày 17-9-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; bảo tồn và phát huy các môn thể thao truyền thống, thể thao dân tộc, trò chơi vận động dân gian nhằm phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong các hoạt động thể dục, thể thao.
Hai là, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về thể dục, thể thao; đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các liên đoàn, hội, câu lạc bộ thể dục, thể thao. Phát triển thể dục, thể thao quần chúng, tăng cường tổ chức giải thể thao từ tỉnh đến cơ sở. Chú trọng phát triển thể dục, thể thao trong lực lượng vũ trang nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Quan tâm hoạt động thể dục, thể thao người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể dục, thể thao trong trường học; phát triển mạnh các hoạt động thể thao của học sinh, sinh viên đảm bảo mục tiêu phát triển thể lực toàn diện và kỹ năng vận động cơ bản của học sinh, góp phần đào tạo năng khiếu, tài năng thể thao...Nâng cao hiệu quả đào tạo tài năng thể dục, thể thao, chú trọng đội ngũ kế cận có chất lượng; đổi mới tổ chức, quản lý thể thao thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư cho thể dục, thể thao. Nghiên cứu ưu tiên các nguồn lực để hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo vận động viên các môn thể thao; nhất là các môn thể thao trọng điểm, có thành tích cao... Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong hoạt động thể dục, thể thao. Tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hiện có; chú trọng đầu tư xây dựng các thiết chế thể thao ở cơ sở, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm phục vụ nhu cầu luyện tập thể dục, thể thao gắn với sinh hoạt văn hóa tinh thần cho Nhân dân.
Bốn là, thường xuyên chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí của tỉnh tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương để thông tin, tuyên truyền kịp thời về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kết quả hoạt động của các cấp, các ngành trong tỉnh về phát triển thể dục, thể thao.
Bài, ảnh: Đinh Thị Ngọc Huyền