Chủ trì Hội thảo: PGS.TS Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III; TS. Đặng Luận, Tỉnh uỷ viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Kon Tum.
Dự Hội thảo có các đồng chí: Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; Nguyễn Hữu Tháp, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của 5 tỉnh Tây Nguyên và các huyện, thành phố của tỉnh Kon Tum.
Hội thảo nhằm mục đích làm rõ những vấn đề lý luận, đánh giá thực trạng công tác vận động quần chúng ở cơ sở trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và đề xuất các giải pháp, kiến nghị góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Ban tổ chức đã tiếp nhận và tuyển chọn được hơn 46 bài tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý và hoạt động thực tiễn từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Khu vực III, từ các cơ quan nghiên cứu, các trường Chính trị; các sở, ban ngành, các tổ chức chính trị-xã hội của tỉnh Kon Tum và các địa phương ở Tây Nguyên: Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng.
Các tham luận gửi đến Ban tổ chức và các tham luận được trình bày cùng các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo đã đánh giá, luận giải một cách khách quan, khoa học và thẳng thắn những vấn đề lý luận và thực tiễn về: Đặc điểm, nội dung, phương thức công tác vận động quần chúng ở cơ sở của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên; những thuận lợi, khó khăn, thách thức và những vấn đề đặt ra đối với công tác vận động quần chúng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, khu vực nông thôn, công tác vận động già làng, trưởng thôn, chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng dân cư.
Các tham luận và các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo đã đề xuất những giải pháp cơ bản sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác vận động quần chúng ở cơ sở nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận, công tác dân tộc.
Hai là, đổi mới công tác vận động quần chúng trong các cơ quan nhà nước, thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, tập trung tuyên truyền, vận động người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, khu vực nông thôn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.
Ba là, củng cố và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và biên giới vững mạnh; đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ các tập tục lạc hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở trong triển khai thực hiện các cơ chế chính sách về dân tộc và miền núi.
Bốn là, phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội trong thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, công tác dân tộc, tôn giáo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vùng đồng bào dân tộc thiểu số vững mạnh. Phối hợp chặt chẽ giữa công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiếu số với công tác đối ngoại nhân dân trong bảo vệ biên giới; đấu tranh chống mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.
Năm là, tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác dân vận của Đảng; đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng nguồn cán bộ dân tộc thiểu số đảm bảo tỷ lệ, cơ cấu hợp lý.
Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận về công tác dân vận, vận động quần chúng ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những mô hình, điển hình trong phong trào “Dân vận khéo” vùng đồng bào dân tộc thiếu số.
Bảy là, phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân cư, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thường xuyên, trao đổi, cung cấp thông tin cần thiết cho người có uy tín về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, nông dân và khu vực nông thôn.
Trên cơ sở các tham luận và các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo, Ban tổ chức Hội thảo sẽ tổng hợp và chắt lọc để đề xuất kiến nghị với các cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng về các giải pháp nhằm tăng cường công tác vận động quần chúng ở cơ sở trong tình hình mới.
Tin, ảnh: Hàn Thị Tú