Giai đoạn từ 2016 đến nay, các ban, cơ quan Đảng của tỉnh đã triển khai thực hiện 03 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh. Trong đó, năm 2016, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì Đề tài “
Nghiên cứu công tác tư tưởng trong nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới-thực trạng và giải pháp”; năm 2019, Trường Chính trị tỉnh chủ trì Đề tài “
Phòng, chống chiến lược "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa tại địa bàn tỉnh Kon Tum”; từ năm 2021, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng Trường Chính trị tỉnh nghiên cứu, xây dựng Đề tài “
Nhận diện và ngăn chặn xung đột xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”
[1]. Các đề tài đã cung cấp cơ sở lý luận, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tham mưu các cấp ủy tăng cường vai trò và hiệu quả lãnh đạo của mình đối với công tác tư tưởng trong giai đoạn mới của tỉnh, của đất nước; chủ động tham gia phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, góp phần ổn định tư tưởng, giữ gìn trật tự an ninh xã hội trên địa bàn tỉnh. Thực hiện 12 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở liên quan đến việc đánh giá, tham mưu triển khai các nghị quyết của cấp ủy các cấp và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Kết quả nghiên cứu cụ thể của các đề tài được chuyển giao, đã giúp đơn vị có giải pháp thiết thực để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị, góp phần cùng địa phương tổng kết, đánh giá thực trạng việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ và các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các địa phương, đơn vị biên soạn mới và tái bản các cuốn sách lịch sử của đảng bộ, ngành
[2]. Ngoài ra, Thường trực Tỉnh ủy và các cơ quan, đơn vị tỉnh cũng tích cực tham gia một số tham luận tại các Hội thảo khoa học do các các cơ quan Trung ương và tỉnh bạn tổ chức. Tiến hành 05 cuộc khảo sát việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng (lồng ghép cùng các cuộc khảo sát về công tác tuyên giáo), làm cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 28-8-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng
“về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” và đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18-01-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”. Các huyện ủy, thành ủy đã tích cực chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn sách lịch sử đảng bộ cấp huyện, cấp xã và lịch sử truyền thống cách mạng. Đến nay, hầu hết các huyện, thành phố đã có từ 02-04 xã, phường, thị trấn hoàn thành xuất bản sách lịch sử đảng bộ; một số địa phương đang tiến hành nghiên cứu, biên soạn sách lịch sử đảng bộ cấp xã, lịch sử lực lượng vũ trang huyện và biên soạn bổ sung sách lịch sử đảng bộ cấp huyện. Trong đó, một số đơn vị đạt và vượt chỉ tiêu đề ra theo Kế hoạch 73-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, như: Huyện Kon Plông, Đăk Hà, Sa Thầy, thành phố Kon Tum...
Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ công tác tham mưu cho cấp ủy vẫn còn hạn chế. Do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, thời gian qua, hoạt động nghiên cứu khoa học của các ban, cơ quan Đảng phục vụ công tác tham mưu cho Tỉnh ủy khó thu hút các trung tâm nghiên cứu lớn, các nhà khoa học, các chuyên gia để tư vấn, phản biện và thẩm định các công trình nghiên cứu quan trọng liên quan đến chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương. Nghiên cứu khoa học là lĩnh vực khó, phức tạp, có tính đặc thù; việc nghiên cứu khoa học chủ yếu còn mang tính tự phát, chưa có kế hoạch tổng thể, mang tầm chiến lược trong từng nhiệm kỳ đại hội. Các ban, ngành trực thuộc Tỉnh ủy chưa chủ động phát hiện vấn đề trong thực tiễn để đăng ký, đề xuất nội dung nghiên cứu khoa học để phục vụ công tác tham mưu cho Tỉnh ủy. Nguồn lực tài chính dành cho thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học còn thấp; chưa huy động được các nguồn lực của xã hội cho hoạt động nghiên cứu khoa học...
Với những kết quả đã đạt được và khó khăn, hạn chế nói trên, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ công tác tham mưu cho cấp ủy, trong thời gian tới cần chú trọng:
Một là, cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu tăng cường lãnh đạo đối với hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ tối ưu cho hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy. Trong đó, thường xuyên giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là trong các ban, cơ quan Đảng về vai trò, vị trí, ý nghĩa của công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương, đơn vị; khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức trong các ban, cơ quan Đảng tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động thực tiễn tại địa phương; gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với tổng kết, đánh giá các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng.
Hai là, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức trong các ban, cơ quan Đảng để có phương pháp làm việc khoa học, tư duy khoa học; kỹ năng tổng kết thực tiễn, phát hiện vấn đề, xây dựng các đề án, dự án, báo cáo tư vấn.
Ba là, nghiên cứu, ban hành quy định cụ thể nhằm thực thi chủ trương đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, hoàn thiện cơ chế sử dụng các quỹ đầu tư phát triển khoa học, công nghệ. Tăng cường quản lý việc triển khai các đề tài, dự án theo cơ chế đặt hàng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm tránh lãng phí nguồn lực, nâng cao hiệu quả đầu tư. Ban hành chính sách khoán kinh phí theo sản phẩm đầu ra nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu và trách nhiệm của tổ chức trong công tác quản lý.
Bốn là, tăng cường phối hợp hoạt động khoa học trong các ban, cơ quan Đảng và giữa các ban, cơ quan Đảng với các ngành, lĩnh vực khác trong nghiên cứu khoa học, nhất là giữa các cơ quan chuyên môn về tài chính, kho bạc, quản lý khoa học công nghệ và đơn vị nghiên cứu trong việc thẩm định, cấp phát, giải ngân kinh phí và thanh quyết toán kinh phí.