Ngày 27-01-2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về “nâng cao chất lượng, hiệu qủa công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình mới” (Chỉ thị 20). Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 20, công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trên địa bàn tỉnh ta đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân ở cơ sở có thêm nhiều tư liệu quý để khai thác, sử dụng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn phục vụ công tác cũng như nâng cao bản lĩnh chính trị, chủ động tiếp cận với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Để triển khai có hiệu quả Chỉ thị 20, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, ngành tổ chức phổ biến, quán triệt, cụ thể hóa và triển khai thực hiện Chỉ thị phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, địa phương. Các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân. Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông triển khai công tác quản lý Nhà nước về hoạt động xuất bản trên địa bàn tỉnh; ban hành Quyết định số 1425/QĐ-UBND ngày 20/12/2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành báo chí, xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm tỉnh Kon Tum đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hằng tháng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức giao ban công tác báo chí, trong đó có đánh giá về công tác phối hợp, cấp phép xuất bản các ấn phẩm thông tin tuyên truyền; kịp thời nhắc nhở, chấn những sai sót, hạn chế về nội dung và hình thức của các ấn phẩm xin xuất bản. Đến nay, công tác quản lý Nhà nước về xuất bản, in, phát hành trên địa bàn tỉnh từng bước được tăng cường, củng cố, hoàn thiện về biên chế, tổ chức bộ máy; cơ chế phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo và quản lý nhà nước về xuất bản, in, phát hành được đẩy mạnh.
Công tác biên soạn, xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong 15 năm qua, toàn tỉnh đã biên soạn, xuất bản, phát hành nhiều đầu sách chính trị phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Từ năm 2008 đến nay, mỗi năm Sở Thông tin và Truyền thông đã tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và cấp từ 80 đến 120 giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh cho các sở, ban, ngành, địa phương trong toàn tỉnh. Nhiều đầu sách của tỉnh biên soạn, phát hành có chất lượng cao, quan trọng như: Các Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh, huyện, thành phố; tài liệu tuyên truyền, cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị… Đặc biệt, các ấn phẩm lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử ngành được các cấp ủy quan tâm triển khai thực hiện. Từ năm 2003 đến nay, toàn tỉnh có 34 công trình nghiên cứu, biên soạn lịch sử đã hoàn thành, xuất bản và 35 công trình nghiên cứu, biên soạn lịch sử đang tiếp tục được triển khai, hoàn thiện. Sách lý luận, chính trị của tỉnh biên soạn, phát hành, bảo đảm tính chiến đấu, tính định hướng, tính thông tin, tuyên truyền về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của tỉnh, địa phương, ngành và bám sát thực tiễn cơ sở; cung cấp, phản ánh kịp thời những thành tích, kinh nghiệm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cơ cấu, số lượng, chất lượng sách lý luận, chính trị tương đối đa dạng, đầy đủ, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, học tập lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Bên cạnh ấn phẩm lý luận, chính trị của tỉnh, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã mua, tiếp nhận hàng trăm đầu sách lý luận, chính trị do các cơ quan Trung ương biên soạn, phát hành. Mỗi năm, Bảo tàng - Thư viện tỉnh bổ sung khoảng 3.500 cuốn sách các loại từ nguồn kinh phí được cấp hàng năm và nhận sách biếu tặng từ các nhà xuất bản. Hiện nay, số tài liệu trong kho Bảo tàng-Thư viện tỉnh là 165.852 cuốn sách. Trong đó sách chính trị xã hội khoảng 23.583 cuốn (chiếm 14,2%). Riêng sách lý luận chính trị có khoảng 3.317 cuốn (chiếm 14%) so với tổng số sách chính trị xã hội. Thêm vào đó, từ năm 2011 đến nay, việc thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn đã bổ sung thêm nguồn sách quan trọng cho tủ sách ở xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân ở cơ sở khai thác, sử dụng. Về chất lượng, sách lý luận chính trị được xuất bản, phát hành và khai thác, sử dụng trên địa bàn tỉnh đều có nguồn từ các nhà xuất bản có uy tín trong cả nước nên nội dung sách bảo đảm về tính định hướng chính trị tư tưởng.
Công tác xuất bản, phát hành sách nói chung, sách lý luận, chính trị nói riêng đã từng bước đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Hiện nay, tỉnh có 08 cơ sở in có giấy phép in xuất bản phẩm, khoảng 80 cơ sở in, photocopy tư nhân; 02 đơn vị tham gia phát hành báo chí; 02 đơn vị phát hành sách. Ngoài ra còn có trên 10 nhà sách tư nhân tập trung tại các vùng đông dân cư như thành phố, trung tâm huyện. Hệ thống thư viện từ tỉnh đến cơ sở dần được hoàn thiện. Tỉnh hiện có 01 Thư viện tỉnh, 07 thư viện cấp huyện và 54 thư viện cấp xã. Bên cạnh đó, tất cả các xã, phường, thị trấn đều có tủ sách. Một số xã, thị trấn bố trí thêm kinh phí để trang bị thêm một số đầu sách cần thiết để phục vụ công tác của đơn vị, địa phương. Đa số các xã, thị trấn thực hiện bố trí đặt tủ sách tại Văn phòng Đảng ủy hoặc Ủy ban nhân dân và phân công cán bộ lập sổ quản lý sách, theo dõi việc sử dụng, khai thác và bảo quản sách theo quy định của Nhà nước. Đồng thời, Đảng ủy các xã, thị trấn đã tổ chức quán triệt, thông báo cho toàn thể cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân ở cơ sở có nhu cầu đăng ký mượn để tìm hiểu, nghiên cứu.
Nhìn chung, công tác phát hành sách lý luận chính trị trên địa bàn đã bám sát nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh và đất nước, hoạt động dần đi vào ổn định, đổi mới thích nghi với cơ chế mới, bước đầu hình thành thị trường xuất bản phẩm đa dạng, có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Hoạt động xuất, nhập khẩu sách được tiến hành tích cực, chủ động khôi phục thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới, phục vụ tốt nhiệm vụ công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Việc quản lý, sử dụng sách lý luận, chính trị đúng quy định và cơ bản đạt kết quả tốt.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 20 của tỉnh vẫn còn có những hạn chế nhất định như: công tác tuyên truyền, giới thiệu sách lý luận chính trị chưa được chú trọng, hình thức chưa phong phú, nên chưa thu hút được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân tích cực tham gia khai thác, sử dụng sách. Các loại sách giáo khoa, giáo trình, sách tham khảo phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập lý luận chính trị, đạo đức, giáo dục công dân chưa thực sự đáp ứng tốt công tác giảng dạy và học tập lý luận chính trị. Nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng có sự trùng lắp, nội dung cũ chưa cập nhật kịp thời thông tin mới...
Những hạn chế trên có nguyên nhân khách quan là kinh tế- xã hội của tỉnh ta cơ bản còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều dẫn đến việc đầu tư cơ sở vật chất, bố trí con người... chưa thực sự hiệu quả. Ý thức nghiên cứu, học tập lý luận, chính trị của một số cán bộ, đảng viên chưa cao. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, mạng internet nên người đọc thường lựa chọn tài liệu tra cứu qua các thiết bị máy tính, điện thoại thông minh...
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế và thực hiện tốt Chỉ thị 20, trong thời gian tới, thiết nghĩ các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tăng cường khai thác, sử dụng các xuất bản phẩm về lý luận chính trị;
Hai là, xây dựng cơ chế phù hợp để công tác xuất bản, phát hành của tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền; chú trọng đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, giới thiệu, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới...
Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo và cơ sở vật chất kỹ thuật tiên tiến, hiện đại; khuyến khích, thu hút, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực xuất bản, phát hành trên địa bàn để phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của tỉnh, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần của nhân dân;
Bốn là, tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực xuất bản, in, phát hành sách, xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm; ngăn chặn có hiệu quả nạn sách lậu, sách có chất lượng thấp…
Bài, ảnh: Đào Thị Hiền