Việc giữ gìn cồng chiêng xoang trên địa bàn huyện Kon Rẫy từ lâu được các cấp ngành quan tâm triển khai bằng việc làm cụ thể thiết thực như tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng xoang cho học sinh tại các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện. Không những mở các lớp cồng chiêng tại các trường, các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa cồng chiêng cũng được thành lập, thu hút đông đảo thanh thiếu niên hăng hái tham gia học hỏi các kiến thức trong từng nhiệp chiêng mà còn trong từng điệu xoang ứng với từng bài chiêng cụ thể.
Để góp phần gìn giữ văn hóa cồng chiêng, huyện đã tổ chức hội thi cồng chiêng xoang các dân tộc thiểu số lần thứ I/2022. Hội thi được tổ chức tại 7 xã, thị trấn, có 24 đội cồng chiêng xoang các thôn, làng tham gia, với trên 500 nghệ nhân. Cũng như hội thi cồng chiêng cấp xã, hội thi cồng chiêng cấp huyện có 7 đội đại diện 7 xã, thị trấn tham gia. Qua các phần thi các đội đã thể hiện các bài chiêng hòa quyện cùng điệu múa xoang uyển chuyển, tái hiện không gian lễ hội mừng lúa mới, mừng máng nước, làm tô đậm thêm nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, để lại ấn tượng đẹp với người xem.
Thông qua việc tổ chức truyền dạy cồng chiêng xoang, ngày hội văn hóa và qua các hội thi góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Đồng thời nâng cao lòng tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc, ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói chung, di sản văn hóa cồng chiêng xoang nói riêng, nhất là thế hệ trẻ, góp phần phát triển du lịch tại địa phương. Ông Phạm Viết Thạch - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Kon Rẫy cho biết: Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã được các cấp, các ngành, phòng văn hóa quan tâm, triển khai đồng bộ và cụ thể hóa, bằng nhiều chính sách, chương trình, đề án, kế hoạch ở các giai đoạn văn hóa khác nhau, giúp cho truyền thống dân tộc thiểu số được bảo tồn thực hiện. Thực hành văn hóa có những nội dung đóng góp tích cực vào công tác phát triển đời sống văn hóa tình thần xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Toàn huyện Kon Rẫy hiện có 35 thôn, làng người dân tộc thiểu số, phần lớn là dân tộc Ba Na và Xê Đăng. Các thôn, làng hiện còn gìn giữ 110 bộ cồng chiêng, Nhận thức được giá trị của việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, những năm qua, các cấp từ huyện đến cơ sở thường xuyên quán triệt việc tổ chức duy trì các lễ hội mừng truyền thống, song song với truyền dạy cách đánh cồng chiêng, múa xoang cho thế hệ trẻ. Việc duy trì các hoạt động lễ hội đóng vai trò quan trọng truyền dạy bản sắc văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ mai sau. Bà Đinh Thị Hồng Thu - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy khẳng định: Phải khẳng định lại một lần nữa cồng chiêng xoang là tài sản có giá trị vô giá, chính vì lẻ đó, trong thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở đã tăng cường công tác lãnh đạo chỉ đạo trong việc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng xoang trên địa bàn huyện Kon Rẫy. Về các giải pháp trong thời gian tới đối với huyện đã có những chỉ đạo cụ thể như: Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, nâng cao hơn nữa trong công tác bảo tồn giữ gìn cồng chiêng xoang trên địa bàn huyện. Đồng thời tăng cường hơn nữa cho các thế hệ trẻ có điều kiện tiếp cận với văn hóa bản địa.
Cồng chiêng xoang được trình diễn trong mỗi dịp lễ hội là tiếng nói tâm hồn của người DTTS ở Tây Nguyên để diễn tả niềm vui, nỗi buồn, phản ánh đời sống sinh hoạt của mỗi cộng đồng. Hy vọng trong thời gian tới, lớp thế hệ trẻ trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục được trao truyền nhịp chiêng, điệu xoang của cha ông để tiếp tục gìn giữ giá trị đặc sắc văn hóa dân tộc mình.
Bài, ảnh: Y Nhàn