Xác định công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân là một trong những tiêu chí hàng đầu trong chủ trương thực hiện chính sách an sinh xã hội của tỉnh. Sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 22-01-2002 “về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở” (Chỉ thị số 06-CT/TW), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức quán triệt nội dung đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh; ban hành Kế hoạch số 32-KH/TU, ngày 04-8-2003 để triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW và ban hành Thông báo số 263-TB/TU, ngày 14-3-2007 “về giải pháp kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên y tế thôn, làng trên địa bàn tỉnh”; thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, địa phương liên quan cụ thể hóa, triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.
Sự quan tâm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp và sự chung tay vào cuộc của chính quyền, các ngành chức năng, hệ thống tổ chức bộ máy y tế cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn theo từng giai đoạn; phương thức hoạt động được đổi mới, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ Nhân dân. Giai đoạn 2002-2012, sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, hệ thống y tế cơ sở của tỉnh được xây dựng, củng cố, kiện toàn với 08 trung tâm y tế huyện và 01 trung tâm y tế thị xã Kon Tum (nay là thành phố Kon Tum); 14 phòng khám đa khoa khu vực và 97 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Giai đoạn 2013-2017, hệ thống y tế cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn, với 10 trung tâm y tế huyện, thành phố; 14 phòng khám đa khoa khu vực và 102 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Giai đoạn 2017 đếnn nay, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, các cơ sở y tế được tổ chức sắp xếp lại đảm bảo tinh gọn, hiệu quả. Đến nay, có 100% huyện, thành phố và trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đang triển khai nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu; có 99% xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% trạm y tế có đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Chất lượng chuyên môn tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn từng bước được nâng lên. Các bệnh dịch, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được kiểm soát tốt; hệ thống tiêm chủng ở tuyến cơ sở được củng cố và nâng cao chất lượng, bảo đảm cung ứng đủ các loại vắc xin; triển khai tốt các hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em... Một số mô hình hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân được triển khai có hiệu quả.
Song với công tác củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đầu tư trang bị kỹ thuật cũng được các cấp, ngành quan tâm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở. Đội ngũ nhân viên y tế cơ sở ngày càng được củng cố về số lượng và chất lượng; đã từng bước bố trí, sắp xếp đội ngũ viên chức y tế tuyến xã theo cơ cấu ngạch, bậc và chức danh chuyên môn theo quy định; 100% trạm y tế xã có bác sỹ, nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi làm việc. Theo số liệu thống kê tính đến cuối năm 2022, tổng số viên chức làm việc tại tuyến huyện là 857 người, tuyến xã là 607 người; có 880 cộng tác viên dân số và trên 150 cô đỡ thôn, bản được đào tạo 6 tháng trở lên. Đội ngũ cán bộ y tế cơ sở thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng về trình độ chuyên môn theo nguồn ngân sách địa phương và thông qua các dự án hỗ trợ.
Về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động y tế cơ sở đã được quan tâm đầu tư đúng mực so với tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh thực tại. Hầu hết trung tâm y tế cấp huyện đã được trang bị các trang thiết bị thiết yếu như máy siêu âm, máy chụp X quang, xét nghiệm nước tiểu tự động, máy phân tích sinh hóa tự động, máy huyết học tự động, máy châm cứu điện, máy thở, thiết bị nội soi.... Đối với tuyến xã: 100% trạm y tế được trang bị một số công trình phụ (như nhà bếp, nhà kho, bể nước, nhà vệ sinh, nhà để xe, vườn mẫu trồng cây thuốc...); các dụng cụ, trang thiết bị thiết yếu phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu được quan tâm đầu tư; 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm cung ứng đủ thuốc, vật tư y tế, hoá chất, vắc xin, sinh phẩm y tế cho công tác khám bệnh, chữa bệnh...
Bên cạnh những kết quả đạt được, Kon Tum là một tỉnh miền núi, diện tích rộng, điều kiện đi lại khó khăn; người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, trình độ dân trí còn thấp, trong đời sống sinh hoạt vẫn đang còn tồn tại một số hủ tục lạc hậu ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân; điều kiện kinh tế-xã hội của tỉnh còn khó khăn, ngân sách nhà nước đầu tư cho mạng lưới y tế cơ sở hạn chế; mặt khác, đội ngũ nhân viên y tế nhìn chung vẫn còn thiếu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn chưa cao... những yếu tố đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cung cấp các dịch vụ y tế, cũng như công tác khám, chữa bệnh cho người dân ở cơ sở.
Để thực hiện có hiệu quả hơn công tác củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở theo tinh thần Chỉ thị số 06-CT/TW và các chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác y tế, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Trong thời gian tới, các cấp, ngành cần tiếp tục quan tâm đến việc kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở; tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ, y tế ở trung tâm y tế huyện, thành phố và trạm y tế xã, phường, thị trấn để bảo đảm chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho Nhân dân; khuyến khích các bác sĩ về công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho các cơ sở y tế tuyến huyện, đầu tư cho các trạm y tế xã xuống cấp hoặc cơ sở hạ tầng chưa đạt chuẩn theo quy định; bảo đảm đủ tiền lương và các chế độ, chính sách cho viên chức y tế cơ sở, phụ cấp cho nhân viên y tế thôn, bản. Các bộ, ngành Trung quan tâm, tạo điều kiện bổ sung đủ định biên theo quy định cho các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đủ nhân lực phục vụ khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh; có chính sách đãi ngộ đặc biệt cho cán bộ y tế khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặt biệt khó khăn nhằm thu hút và phát triển đội ngũ cán bộ y tế cơ sở.
Bài, ảnh: Ngô Đức Hải