Vào cuối năm 2016, nhân dịp Bộ Tư lệnh Quân khu V tổ chức Ngày hội Bánh chưng xanh trên địa bàn tỉnh Kon Tum vào dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn tỉnh, các cơ quan kết nghĩa xây dựng xã theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy khóa XV “về tiếp tục xây dựng các xã đặc biệt khó khăn trong tình hình mới” phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức thí điểm Ngày hội Bánh chưng xanh tại 24 điểm thuộc 23 xã của 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; tại các điểm tổ chức đã gói và tặng 5.802 cặp bánh cho Nhân dân. Trên cơ sở đánh giá kết quả tổ chức điểm, Ban Thường Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương tổ chức Ngày hội bánh chưng xanh Tết Nguyên đán hằng năm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh (Kết luận số 353-KL/TU ngày 21-7-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy).
Từ năm 2016 (Tết Nguyên đán Bính Thân) đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã tổ chức Ngày hội bánh chưng xanh tại 3.102 lượt điểm, với 361.659 lượt hộ tham gia (trong đó có 321.613 hộ dân tộc thiểu số, chiếm 89%); có 303.246 lượt hộ được nhận bánh (trong đó, có 279.948 lượt hộ dân tộc thiểu số, chiếm 92,3%%). Cụ thể: (1) Năm 2016 tổ chức tại 24 điểm thuộc 23 xã của 10 huyện, thành phố và tặng 5.802 cặp bánh cho Nhân dân. (2) Năm 2017 tổ chức tại 627 điểm, 68.279 hộ tham gia và 55.226 hộ được nhận bánh. (3) Năm 2018 tổ chức tại 643 điểm, 69.104 hộ tham gia và 57.405 hộ được nhận bánh. (4) Năm 2019 tổ chức tại 633 điểm, 75.685 hộ tham gia và 54.109 hộ được nhận bánh. (5) Năm 2020 tổ chức tại 641 điểm, 77.877 hộ tham gia và 71.442 hộ được nhận bánh. (6) Năm 2021, tổ chức tại 558 điểm, 70.714 hộ tham gia và 65.064 hộ được nhận bánh.
Để việc tổ chức Ngày hội bánh chưng xanh thành công, ngoài kinh phí do ngân sách tỉnh hỗ trợ (3 triệu đồng/thôn để đón Tết Nguyên đán hằng năm), các địa phương đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân và Nhân dân ủng hộ tiền, nguyên liệu cần thiết (như lá dong, lạt, củi, gạo...) để tổ chức Ngày hội. Tổng kinh phí thực hiện trong 5 năm qua là hơn 30 tỷ đồng (trong đó kinh phí từ các nguồn xã hội hóa hơn 18 tỷ đồng). Việc huy động nguồn lực để tổ chức Ngày hội đều đạt và vượt so với dự kiến; đã gói được hơn 200.000 chiếc bánh chưng, bánh tét/năm, bình quân mỗi hộ được trao tặng 01 cặp bánh, số còn lại để Nhân dân tổ chức Ngày hội tại thôn.
Nếu như 1-2 năm đầu triển khai, hầu hết Nhân dân tại các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số chưa biết tự chuẩn bị nguyên liệu, gói bánh và chưa tổ chức được Ngày hội ở cả phần lễ và phần hội. Thì cùng với quá trình triển khai thực hiện Kết luận số 353-KL/TU, cấp ủy, chính quyền các cấp đã huy động cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các cơ quan kết nghĩa giúp đỡ, hướng dẫn Nhân dân trên địa bàn, đến nay, bên cạnh việc gói và nấu các loại bánh truyền thống, hầu hết Nhân dân các thôn đã chủ động chuẩn bị nguyên vật liệu như lá, củi, lạt, nếp, dụng cụ để tự gói, nấu bánh và tổ chức Ngày hội. Cấp ủy, thôn/tổ trưởng, già làng, ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố đã chủ trì, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đoàn thể, hộ gia đình để chuẩn bị và tổ chức Ngày hội cho thôn, tổ dân phố từ việc dọn vệ sinh, xây dựng chương trình lễ hội, trang trí, giao lưu văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian, lửa trại... đảm bảo vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm.
Có được kết quả trên là do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội từ tỉnh đến cơ sở chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến Kết luận số 353-KL/TU đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức, từ đó nâng cao nhận thức của Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tổ chức Ngày hội bánh chưng xanh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhân dịp Tết nguyên đán hằng năm; làm cho Nhân dân thấy rõ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; qua đó thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân, giữa đồng bào các dân tộc Việt Nam với nhau; tạo không khí đón Tết vui tươi, lành mạnh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; góp phần thực hiện hiệu quả công tác vận động quần chúng nói chung và công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng... Qua 5 năm triển khai thực hiện, có nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức Ngày hội Bánh chưng xanh, có 164 tập thể và 183 cá nhân được nhận bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; 12 tập thể và 11 cá nhân được nhận giấy khen của Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; 329 tập thể và 339 cá nhân được nhận giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
Có thể khẳng định, việc tổ chức Ngày hội Bánh chưng xanh Tết Nguyên đán hằng năm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum đã lan tỏa mạnh mẽ ý nghĩa và cách thức tổ chức vui xuân, đón Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; là sự kiện, là nơi hội tụ tình đoàn kết, nghĩa đồng bào của các dân tộc tỉnh Kon Tum, tạo không khí vui xuân, đón Tết thực sự vui tươi, phấn khởi, lành mạnh, tiết kiệm, củng cố vững chắc hơn khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở đánh giá kết quả 5 năm triển khai thực hiện và nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương tiếp tục tổ chức "Ngày hội bánh chưng xanh Tết Nguyên đán hằng năm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh". Đồng thời, yêu cầu các địa phương: (1) Kịp thời xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai, trong đó lựa chọn thời gian phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để tổ chức, đảm bảo thuận tiện cho Nhân dân và các lực lượng tham gia hỗ trợ gói, nấu bánh. (2) Chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp, các cơ quan kết nghĩa xây dựng xã, thôn của tỉnh, huyện kêu gọi, huy động kinh phí và các nguồn lực khác để tổ chức Ngày hội. (3) Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia Ngày hội, gắn với tổ chức vui xuân, đón Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam và Tết truyền thống của dân tộc mình vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm; khuyến khích các hộ gia đình tự gói, nấu bánh chưng, bánh tét, bánh truyền thống để đón Tết Nguyên đán; tổ chức hỗ trợ, tặng bánh và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho hộ nghèo, gia đình chính sách, đảm bảo không để Nhân dân "đói, đau, lạt, rách" trong dịp Tết. (4) Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Ngày hội ở cơ sở, kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện.
Bài, ảnh: Nguyễn Quang Thủy