Đến thăm gia đình ông Nguyễn Minh Lượng, sinh năm 1948, ở xã Sa Nghĩa, huyện Sa Thầy mới hiểu được nghị lực vượt lên nỗi đau của gia đình. Bản thân ông, vợ, con trai ông đều bị nhiễm chất độc da cam. Con trai ông lập gia đình có 2 cháu đều bị khuyết tật sứt môi, hở hàm ếch nặng, đó là những di chứng của chất độc da cam để lại.
Ông Lượng chia sẻ: “Cuộc sống gia đình trước kia gặp rất nhiều khó khăn, nhờ có sự động viên, hỗ trợ, giúp đỡ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp cùng với sự nỗ lực, vượt qua mặc cảm, gia đình đã cùng động viên nhau lao động, sản xuất và phát triển kinh tế, vượt qua nỗi đau để chăm sóc con, cháu được tốt hơn”.
Là bộ đội kháng chiến, sau giải phóng trở về địa phương với nhiều vết thương trên người, ông Nguyễn Quang Năm, hội viên Hội NNCĐDC/dioxin huyện Đăk Hà chia sẻ: “Thời gian qua, nhờ sự quan tâm của Hội NNCĐDC/dioxin và chính quyền địa phương hỗ trợ cho gia đình tôi vay vốn không tính lãi để phát triển sản xuất, nhờ vậy mà cuộc sống của gia đình tôi giờ đỡ khó khăn hơn nhiều”.
Ông Nguyễn Ngọc Tường - Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Đắk Hà, cho biết: “Huyện có 196 nạn nhân đang được hưởng chế độ chất độc da cam, thời gian qua, với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ nhiệt tình của cộng đồng về vật chất và tinh thần, những NNCĐDC/dioxin đang nỗ lực vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 8.000 người bị nhiễm chất độc hóa học, trong số đó có hơn 1.000 người đã và đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng của Nhà nước. Phần lớn gia đình nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn, nhiều bệnh tật hiểm nghèo. Mặc dù đã có chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của các nhà hảo tâm và xã hội, nhưng vẫn không thể bù đắp hết nỗi đau còn mang trên người, nhiều người đã chết, nhiều người hàng ngày, hàng giờ đang sống trong bệnh tật dày vò vì di chứng tàn khốc của chất độc da cam… vì vậy họ rất cần sự quan tâm chia sẻ của toàn xã hội.
Theo bà Nguyễn Thị Bình - Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh, trong những năm qua, các cấp Hội trong tỉnh đã vận động hơn 1.500 lượt tập thể, hơn 130 lượt cá nhân ủng hộ Quỹ hơn 9 tỷ đồng để giúp đỡ, hỗ trợ, chăm sóc hơn 13.905 lượt nạn nhân. Trong đó, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất 25 hộ gia đình; làm nhà, sửa nhà 108 căn; tặng quà nhân ngày lễ, tết 12.724 suất; tặng 318 suất học bổng; tặng bò sinh sản 68 hộ; máy lọc nước cho 155 hộ; hỗ trợ khám chữa bệnh, ốm đau 507 lượt. Nhờ các tấm lòng nhân ái, sự trợ giúp kịp thời, hiệu quả của nhiều tổ chức, cá nhân mà các nạn nhân được thắp lên hy vọng, niềm tin.
Theo số liệu thống kê, từ năm 1961 đến năm 1971, tính riêng trên địa bàn tỉnh Kon Tum, quân đội Mỹ đã rải xuống 311 thùng chất độc hóa học, tương đương 346 nghìn lít, trong đó có khoảng 34 nghìn lít chất độc da cam, hơn 78 nghìn lít chất xanh, 132 nghìn lít chất trắng, hơn 25 nghìn lít chất khác, đã phun rải hơn 351 ha chiếm 5% trên tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Kết quả hơn 100.000 ha rừng tự nhiên bị hủy hoại hoàn toàn tạo nên vùng đất “chết” các hệ sinh thái bị hủy diệt và nhiều người bị nhiễm chất độc hóa học trực tiếp trong chiến tranh.
Bà Nguyễn Thị Bình - Phó Chủ tịch Hội tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh cho biết: “Thời gian tới, để tổ chức được nhiều hơn hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh. Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh tiếp tục đẩy mạnh vận động các nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân; chỉ đạo các cấp hội cơ sở chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống”.
Bài, ảnh: Trần Quang Mạnh