Tỉnh Kon Tum với đặc thù là địa phương có 43 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 07 dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ (Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ-Triêng, Hrê, Brâu, Rơ Măm), chiếm tỷ lệ 54,93% dân số toàn tỉnh. Trong các cộng đồng DTTS của tỉnh Kon Tum còn lưu giữ nhiều nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị thẩm mỹ độc đáo như: nhà rông, nhà dài, đàn đá, tượng nhà mồ, các lễ hội (lễ hội cồng chiêng, lễ hội cơm mới, lễ bỏ mả...) và một kho tàng văn học dân gian với những bản trường ca, truyện cổ, truyện ngụ ngôn, lời nói vần, những làn điệu dân ca lưu truyền qua nhiều thế hệ, được gắn bó mật thiết với cuộc sống, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong lao động và sinh hoạt hàng ngày. Một trong những di sản nổi tiếng là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”,..
Xác định việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh là một nhiệm vụ thường xuyên và cấp thiết trong tình hình hiện nay, nhất là việc lưu giữ và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống cho đoàn viên, thanh thiếu niên. Nghị quyết Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Kon Tum lần thứ XV, nhiệm kỳ 2022-2027 đã xác định “Tăng cường giáo dục đạo đức lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi là nhiệm vụ cơ bản, cốt lõi nhằm bồi dưỡng thế hệ trẻ phát triển lành mạnh và toàn diện; có lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, trách nhiệm; long yêu nước, yêu chế độ xã hội chủ nghĩa, yêu hòa bình; có tri thức, sức khỏe; có tinh thần thượng tôn pháp luật; có ý chí tự lực, tự cường, khát vọng cống hiến; góp phần xây dựng quê hương Kon Tum phát triển nhanh và bền vững”. Trong những năm qua, Tỉnh đoàn Kon Tum đã tập trung, nỗ lực cùng với các các cấp, các ngành, các địa phương, các nghệ nhân tổ chức các lớp dạy các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, làm rượu cần, nghề rèn, nghề đan lát,… cho đối tượng đoàn viên, thanh thiếu niên; thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, phát huy vai trò của các nghệ nhân tiêu biểu trong cộng đồng, nhất là trong đoàn viên, thanh thiếu niên; phát triển các đội, nhóm cồng chiêng - múa xoang thanh thiếu niên tại các thôn, làng và trong trường học; tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành và các nghệ nhân ở các địa phương để truyền dạy các loại hình văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ; trong các buổi sinh hoạt đoàn, hội đã đẩy mạnh việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, lối sống có văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trong giới trẻ…
Một trong những hoạt động có tính chất lan tỏa mạnh mẽ là Ngày hội văn hóa tuổi trẻ các dân tộc tỉnh Kon Tum. Ngày hội là một hoạt động thường niên được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức hằng năm, nhằm nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ, đội nhóm thanh thiếu nhi tham gia học tập, giao lưu, trao đổi các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS trong toàn tỉnh; góp phần bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam, thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum khóa XVI “về bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Năm 2023, Ngày hội văn hóa tuổi trẻ các dân tộc tỉnh Kon Tum năm diễn ra trong 3 ngày (từ 12-14/8) với chủ đề “Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” đã thu hút gần 200 đội viên, đoàn viên đến từ 7 đơn vị, gồm Thành đoàn Kon Tum và các Huyện đoàn Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Đăk Hà, Kon Plông, Kon Rẫy tham gia với nhiều hoạt động bổ ích như tham quan, trải nghiệm ẩm thực truyền thống, chơi các trò chơi dân gian; thi Đội tuyên truyền măng non với chủ đề “Cuộc sống không khói thuốc”; liên hoan văn hóa cồng-chiêng, đàn hát dân ca, trình diễn trang phục các dân tộc… đặc biệt, trong phần trình diễn trang phục truyền thống, các em đã trình diễn trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ tỉnh Kon Tum, như: Trang phục đi săn, trang phục cưới, lễ hội, trang phục đi rẫy, lao động sản xuất,…
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Kon Tum Nguyễn Văn Mạnh cho biết: Ban Tổ chức đánh giá cao về phần biểu diễn của các đơn vị, mỗi đơn vị đều mang đến cuộc thi tính đặc trưng, văn hoá vùng miền và thế mạnh của địa phương mình. Nhiều đơn vị đã xây dựng chương trình khoa học, cách thể hiện có nhiều đổi mới, sáng tạo và mang tính nghệ thuật cao,… với tinh thần đoàn kết, giao lưu và học hỏi, Ngày hội đã thực sự trở thành dịp để đoàn viên, thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh được giao lưu, gặp gỡ, thể hiện năng khiếu, sự am hiểu về văn hoá các dân tộc; qua đó, nhằm tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh thiếu niên trong bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc tỉnh Kon Tum.
Văn hóa truyền thống là tài sản, là tinh hoa của văn hóa dân tộc, chính vì thế, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS là trách nhiệm của toàn xã hội, cả hệ thống chính trị, xã hội, trong đó, đoàn viên, thanh thiếu niên là lực lượng chính, là người sáng tạo, là chủ nhân của những giá trị văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn tỉnh. Với vị trí và vai trò là thế hệ tiếp bước, kế thừa, bảo tồn và phát triển có hiệu quả bản sắc văn hóa các dân tộc, đoàn viên, thanh thiếu niên cần tiếp thu có chọn lọc, phân biệt giữa những giá trị văn hóa văn minh, tiến bộ, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc với những giá trị không phù hợp, lệch lạc, lai căng và suy đồi,... Từ đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc tuyên truyền giáo dục, nâng cao niềm tự hào dân tộc, mở rộng giao lưu giữa các nền văn hóa, sáng tạo ra giá trị mới, trực tiếp bổ sung, làm giàu bản sắc văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Bài, ảnh: Lê Trung Phương