Văn hóa đọc bắt nguồn từ việc đọc sách nhưng không đơn thuần là việc đọc sách. Thật vậy, từ việc thường xuyên đọc sách, chúng ta có được thói quen đọc sách và thói quen có ích này dần nhân rộng trong xã hội, trở thành một nét đẹp. Trong quá trình hình thành và phát triển nét đẹp ấy, chúng ta dần luyện tập được thêm ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc. Với ứng xử đọc là cách chúng ta nhìn nhận tri thức từ sách vở. Giá trị đọc là khả năng chúng ta đãi được những hạt vàng từ trong các trang sách. Chuẩn mực đọc là cái thước đo để xác định một cuốn sách, một tài liệu là đáng để chúng ta bỏ thời gian đọc hay không. Tất cả các nhân tố ấy hợp lại tạo nên một văn hóa mà ngày nay chúng ta gọi là văn hóa đọc.
Văn hoá đọc được chia thành nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Ở phần nghĩa rộng, nó là sự ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của cộng đồng, của cơ quan nhà nước... Còn theo nghĩa hẹp, văn hoá đọc chính là ứng xử, chuẩn mực và giá trị của mỗi cá nhân, mà điều đó thể hiện qua ba điều là thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc.
Đọc không chỉ mang lại cho chúng ta những phút giây giải trí, thư thái đầu óc mà còn mang lại cho chúng ta nguồn kiến thức vô hạn. Đó là tầm quan trọng, là giá trị của văn hoá đọc. Mỗi cuốn sách chúng ta đọc, sẽ cho chúng ta hiểu về một cuộc đời, hiểu về những con người với vô vàn hoàn cảnh trong xã hội; hoặc cũng có thể, nó cho chúng ta biết được những kỹ năng, những cách giao tiếp, ứng xử, cách giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Bởi sách là nguồn tri thức được đúc kết từ hàng ngàn con người, được xây lên từ tâm sức, trí tuệ của những con người tài giỏi. Họ gửi gắm vào những cuốn sách của mình không chỉ tri thức mà còn cả tâm tư, tình cảm, quan điểm, triết lý sống của họ nữa. Vì lẽ đó khi ta đọc một cuốn sách, có thể nói, ta có thể hiểu về cuộc đời của một số con người cụ thể hoặc một tầng lớp xã hội; hiểu về một giai đoạn lịch sử hoặc biết về đời sống xã hội, khám phá về một vùng đất, quốc gia nào đó... Từ đó, chúng ta có thêm tri thức để áp dụng vào đời sống của mình cũng như khám phá ra thêm nhiều điều mới mẻ.
Ở các quốc gia tiên tiến trên thế giới, văn hóa đọc rất được coi trọng và chú ý phát triển. Chính văn hóa đọc đã giúp họ thúc đẩy việc nâng cao dân trí và góp phần tạo nên sự phồn vinh trong xã hội. Còn ở Việt Nam, mặc dù trong những năm gần đây số lượng nhà xuất bản, số đầu sách được đưa ra thị trường tăng rất nhanh và nước ta cũng đã cơ bản hoàn thành công tác xóa mù chữ, nhưng văn hóa đọc sách ở nước ta vẫn chưa phát triển tương xứng. Điều này càng khó khăn hơn khi ngày nay, công nghệ thông tin phát triển nhanh như vũ bão, con người có thể tìm thấy mọi thứ thông qua internet và internet trở thành một cuốn "bách khoa" với đủ các lĩnh vực. Chỉ với một cú click chuột, chúng ta có thể tìm thấy vô vàn những thông tin, những tri thức, những trò chơi thú vị mà không cần cặm cụi tìm nó qua những trang sách. Từ đó, chúng ta càng dần rời xa những thư viện, những hiệu sách... và văn hoá đọc càng bị "bỏ quên", bị quên lãng. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta dễ dàng bắt gặp vô số hình ảnh những người lớn, trẻ nhỏ trên tay "khư khư" chiếc điện thoại thông minh mà ít nhìn thấy hình ảnh những người cầm một cuốn sách để đọc trong thời gian đợi xe, chờ tàu, trong phòng chờ lên máy bay… Đó là chưa kể đến tình trạng, một bộ phận thanh niên còn tìm đến những ấn phẩm "đen"; những cuốn sách "ngôn tình" phi logic, ảo tưởng; những tác phẩm đầy bạo lực chém giết… khiến cho suy nghĩ của họ dần trở nên lệch lạc. Rồi tình trạng một số nhà xuất bản "chạy" theo thị trường, cho xuất bản những cuốn sách với nội dung "thiếu chuẩn”, “lệch chuẩn”… đã và đang góp phần làm cho văn hoá đọc thiếu chất dinh dưỡng và ngày càng bị "khô héo".
Tuy nhiên, với giá trị vốn có của nó, văn hoá đọc không chết, nó chưa bao giờ chết kể cả trong một thế giới hiện đại hoá như hôm nay. Thị trường sách vẫn nhộn nhịp với đủ các thể loại như sách kỹ năng, văn học cổ điển, trinh thám, ẩm thực... với sự đa dạng, phong phú về nội dung, hình thức. Hiện đã có nhiều bạn trẻ đam mê đọc sách và tâm huyết xây dựng nhiều dự án nhằm phổ biến văn hóa đọc trong cộng đồng. Tiêu biểu là Book Box, một mô hình “trạm chờ” cho sách với tinh thần “hãy lấy một quyển sách và để lại một quyển khác", hay "người nghiện sách", một dự án phát triển một trang web cho phép người yêu sách đọc, đăng những bài phê bình, bài giới thiệu sách cho mọi người. Nhiều nơi đã thành lập các nhóm, câu lạc bộ sách để có nơi chia sẻ những nhận xét, ý kiến cũng như hỏi đáp những thắc mắc khi đọc sách. Hoạt động ủng hộ sách vở cho các tủ sách thiếu nhi hoặc cho những bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn; phong trào đổi sách cũ lấy sách mới; đổi sách cũ lấy cây xanh… xuất hiện ngày càng nhiều.
Kon Tum là một tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn. Những năm qua, cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, văn hóa đọc cũng được quan tâm và ngày càng có sự phát triển, một số nơi đã hình thành câu lạc bộ sách, điển hình như Câu lạc bộ sách Kon Tum (tại quán cà phê Melody - Hoàng Văn Thụ); nhiều hoạt động triển lãm, trưng bày, giới thiệu sách được các cấp bộ Đoàn, lực lượng vũ trang và các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức, thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, học sinh tham gia. Nhằm tiếp tục đẩy mạnh tổ chức và tuyên truyền Ngày sách và Văn hoá đọc trên địa bàn tỉnh, các cấp, các ngành của tỉnh Kon Tum đã và đang quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch đầu tư nguồn lực cho văn hóa, trong đó có việc phát triển văn hóa đọc; xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh và Kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021. Đồng thời, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 trên địa bàn, cao điểm vào dịp 21/4/2023 bằng các hoạt động phù hợp, tạo điểm nhấn và lan tỏa phong trào, thói quen đọc sách trong xã hội, nhất là trong giới trẻ. Quan tâm xây dựng, hình thành và phát triển những khu vực, không gian văn hóa sách (quán cà phê sách; đường sách, phố sách...); phát huy những mô hình, không gian văn hóa nhằm thu hút, truyền cảm hứng, thúc đẩy cá nhân, gia đình, cộng đồng đến với sách; hình thành thói quen đọc sách thường xuyên, trở thành nhu cầu của quần chúng, nhằm phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng mang tính lâu dài, bền vững. Chú trọng phát hiện, cổ vũ những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong việc đọc, nghiên cứu và áp dụng tri thức từ sách vào cuộc sống; xây dựng, tổ chức, phát động, triển khai các phong trào đọc và làm theo sách, mang giá trị của sách đến với người đọc, đặc biệt đẩy mạnh công tác tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam đến hệ thống trường học, nhà văn hóa, điểm văn hóa, thôn, bản, tổ dân phố, cộng đồng dân cư.
Văn hoá đọc là một nét đẹp và cần được lưu giữ, bảo tồn tới những thế hệ mai sau. Yêu sách và chăm đọc sách sẽ là chìa khoá mở ra thành công cho bạn trong tương lai. Vì vậy, mỗi chúng ta hãy tự rèn luyện cho mình một thói quen đọc mỗi ngày. Bởi đọc sách sẽ mang lại cho chúng ta một khoảng tĩnh lặng, tự suy ngẫm, mang đến cho chúng ta kiến thức nhân loại.
Bài, ảnh: Nguyễn Quang Thuỷ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn