Tỉnh Kon Tum có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cao, với dân số toàn tỉnh đến nay là hơn 555.600 người, trong đó, dân tộc thiểu số hơn 305.800 người, chiếm 55,05% với 43 dân tộc cùng sinh sống. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều chương trình, chính sách dân tộc đã được đầu tư, hỗ trợ, đặc biệt là ở các xã vùng sâu vùng xa, vùng DTTS. Việc triển khai thực hiện các chương trình chính sách dân tộc luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp; công tác phối hợp tuyên truyền, giám sát, phản biện của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội; sự nhiệt tình, đồng thuận tham gia thực hiện của người dân.
Theo số liệu từ Ban Dân tộc tỉnh, trong giai đoạn 2016-2020, đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh được nâng lên; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu đã được quan tâm đầu tư, hoàn thiện. Tính đến cuối năm 2020, số hộ nghèo DTTS là 13.688 hộ, chiếm 18,75% so với tổng số hộ DTTS toàn tỉnh. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm 6,67%/năm (từ 46,57% vào cuối năm 2015 xuống còn 18,75% vào cuối năm 2020); trong 05 năm, tổng số hộ DTTS thoát nghèo là 23.856 hộ.
Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất, quan tâm và tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, qua đó thu nhập của nhóm hộ nghèo ở nông thôn được cải thiện, các mô hình giảm nghèo được nhân rộng. Giáo dục và đào tạo có sự chuyển biến tiến bộ; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng đồng bào DTTS được chú trọng; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng; công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đời sống được đẩy mạnh…
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được các cấp chỉ đạo thực hiện quyết liệt và đồng bộ, phát huy hiệu quả. Đã đầu tư xây dựng 272 công trình tại các huyện nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho khoảng 24.235 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; triển khai thực hiện 12 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo; tổ chức tư vấn cho 1.963 người lao động có nhu cầu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và tư vấn cho lao động sau khi về nước tại địa phương…
Theo ông U Minh Nam - Phó Ban Dân tộc tỉnh, thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025, đồng thời, để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về chính sách dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì tham mưu xây dựng Đề án Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025” trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu của Đề án phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3-4%/năm; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm bình quân 3-4%/năm. 70% thôn, làng có đường ô tô đến trung tâm cứng hóa; 99,8% hộ DTTS sử dụng điện lưới Quốc gia; trên 90% hộ DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 90% các xã có điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng được kết nối internet băng thông rộng; trên 50% xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn so với tổng số xã thuộc diện khó khăn hiện nay; 50% số thôn (làng) đồng bào DTTS đạt chuẩn thôn nông thôn mới…
Ông Đặng Thanh Long - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh cho rằng, đây là lần đầu tiên ở nước ta có Chương trình mục tiêu Quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao và bố trí hơn 137.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025 để tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất cho những địa bàn khó khăn. Vì vậy, để thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh thì việc xây dựng Đề án thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025 là hết sức cần thiết.
Cũng theo ông Đặng Thanh Long, để thực hiện có hiệu quả các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh theo hướng phát triển toàn diện, bền vững, làm tiền đề để hoàn thành các mục tiêu của Chương trình MTQG theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, để người dân phát huy vai trò chủ thể trong thực hiện xây dựng NTM và chương trình giảm nghèo bền vững.
Đồng thời, thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là bổ sung nguồn vốn tín dụng CSXH để ưu tiên hỗ trợ triển khai Chương trình OCOP, hỗ trợ áp dụng công nghệ chế biến vừa và nhỏ trong nông nghiệp, môi trường và nước sạch nông thôn... và thông qua cơ chế, chính sách khuyến khích người dân và cộng đồng chủ động, tích cực đóng góp nguồn lực tham gia xây dựng, đầu tư nâng cấp, bảo trì các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội vùng DTTS trên địa bàn.
Bài, ảnh: Trần Quang Mạnh