Theo đó, có 02 tiêu chí lựa chon sách giáo khoa, cụ thể:
1. Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương: (a) Sách giáo khoa được lựa chọn trong cơ sở giáo dục phải đảm bảo tính ổn định; nội dung sách giáo khoa đảm bảo tính kế thừa, linh hoạt; ngôn ngữ và cách thức thể hiện phù hợp với việc giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống cho học sinh tại địa phương; cấu trúc và nội dung của sách giáo khoa phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông theo quy định, đồng thời phát huy năng lực đội ngũ trong việc thiết kế hoạt động giáo dục phù hợp với khả năng học tập của nhiều nhóm đối tượng học sinh/học viên tại địa phương. (b) Cấu trúc sách giáo khoa có tính mở, thuận tiện khi nhà trường lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp. (c) Chất lượng và hình thức sách giáo khoa đảm bảo yêu cầu (khổ sách, cỡ chữ, kiểu chữ, giấy in, độ bền, độ nét của chữ, màu sắc của hình ảnh) không có lỗi in ấn, sách có thể sử dụng lâu dài. Sách giáo khoa có giá thành hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế của cộng đồng dân cư tại địa phương. (d) Nguồn tài nguyên, học liệu điện tử bổ sung cho sách giáo khoa đa dạng, phong phú, hữu ích, dễ khai thác sử dụng phù hợp với điều kiện nhà trường và địa phương.
2. Phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục: (a) Phù hợp với việc học của học sinh/học viên: (-) Kiến thức đảm bảo khoa học, hiện đại, thiết thực, dễ hiểu, phù hợp với đối tượng học sinh/học viên, đảm bảo các yêu cầu cần đạt của chương trình. (-) Các bài học chú trọng đến việc rèn luyện cho học sinh/học viên khả năng tự học, tự tìm tòi và chiếm lĩnh tri thức. (-) Các nhiệm vụ học tập trong mỗi bài học hướng đến việc hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực người học, hình thành và phát triển kĩ năng nhận thức, kĩ năng tư duy, rèn kĩ năng tích hợp, vận dụng kiến thức mới cho học sinh/học viên. (-) Sách giáo khoa được trình bày hấp dẫn, cân đối, hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình, đảm bảo tính thẩm mỹ; kênh hình sách giáo khoa chân thực, gần gũi với cuộc sống giúp học sinh dễ nhận biết, tạo được sự hứng thú cho học sinh; phù hợp với đặc trưng môn học/hoạt động giáo dục và phù hợp với tâm lý lứa tuổi người học. (b) Thuận lợi cho việc dạy của giáo viên: (-) Các chủ đề/bài học được thiết kế, trình bày phong phú, đa dạng với nhiều hoạt động, tạo điều kiện cho giáo viên linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức và phương pháp dạy học; chú trọng việc tích hợp kiến thức nội môn, liên môn. (-) Nội dung sách giáo khoa đảm bảo mục tiêu phân hóa, nhiều hình thức và phương pháp đánh giá, thuận lợi cho giáo viên trong việc lựa chọn công cụ đánh giá theo các mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của người học. (-) Cấu trúc, nội dung sách giáo khoa tạo điều kiện để nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá, phù hợp với kế hoạch giáo dục của nhà trường theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. (-) Nhà xuất bản tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, hỗ trợ đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trong việc sử dụng sách giáo khoa hiệu quả; có khả năng cung ứng, phát hành sách giáo khoa đầy đủ, đồng bộ, đáp ứng kịp thời trước khai giảng năm học mới.
Tô Văn Lợi tổng hợp