Phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đạt đến yếu tố nêu trên - là kết quả của sự kết hợp hài hoà cái dân gian với cái bác học, cái cổ điển, truyền thống với cái hiện đại, giữa phong cách phương Đông và phong cách phương Tây. Nguyên tắc nhất quán trong phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh là xác định rõ chủ đề, đối tượng và mục đích cần truyền đạt, từ đó mà tìm cách nói, cách viết cho đúng chủ đề, phù hợp với đối tượng nhằm đạt mục tiêu đề ra. Trong cuộc sống, Người yêu cầu cán bộ, đảng viên khi viết và nói phải chân thực, không nên nói ẩu, không được bịa ra để nói. Điều gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết. Viết và nói đúng sự thật tức là nói cả những sai lầm khuyết điểm. Công khai thừa nhận và sửa chữa sai lầm khuyết điểm càng làm cho uy tín của người lãnh đạo tăng lên, đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh thể hiện ở những đặc trưng cơ bản sau:
Thứ nhất
, cách nói, cách viết rất giản dị, cụ thể, thiết thực. Nếu chúng ta đã nghiên cứu tác phẩm đường cách mệnh, thì ở ngay lời mở đầu Hồ Chí Minh đã nói rõ: “
Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ… đây nói việc gì thì nói rất giản tiện, chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ trang hoàng gì cả…Văn chương và hy vọng sách này chỉ ở trong hai chữ: Cách mệnh! Cách mệnh! Cách mệnh!”
[1]. Thực tế là mục đích nói và viết theo Người là làm cho lý luận trở nên gần gũi, dễ hiểu với tất cả mọi người.
Thứ hai, cách diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, hàm súc, trong sáng và sinh động, có lượng thông tin cao. Người viết ngắn, có khi rất ngắn, nhiều câu đúc kết như châm ngôn: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Chính vì vậy, nên tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh rất dễ đi vào quần chúng, hướng dẫn họ hành động. Đó là điều ước muốn của mọi nhà tư tưởng và lý luận chân chính mà không phải ai cũng đạt tới được.
Thứ ba, cách diễn đạt sinh động, gần gũi với cách nghĩ của quần chúng, gắn với những hình ảnh, ví von, so sánh, cụ thể
. Ví dụ: khi Bác đi thăm trại trẻ mồ côi, lúc gặp mặt cán bộ ở đây Bác có hỏi một câu "các Cô Chú có bao giờ ăn tranh phần của con mình không".
Thứ tư, phong cách diễn đạt của Người luôn biến hóa, nhất quán mà đa dạng, nêu gương sáng bằng hành động của chính mình, nói đi đôi với làm. Phong cách diễn đạt ở Người là sự thống nhất về mục đích nói, viết và hành động, được thể hiện rất phong phú, phù hợp với nội dung thể hiện. Lúc đanh thép với những số liệu rõ ràng, khi sôi nổi, khi thiết tha, ân cần. Đặc biệt toàn bộ cuộc đời hoạt động cống hiến cho dân, cho nước của Người đó là phong diễn đạt mẫu mực, tấm gương sáng nhất để chúng ta cần phải vươn tới. Phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên tính khoa học, hiện đại và ngày càng phát huy giá trị trong thực tiễn.
Trong những năm qua, đội ngũ giảng viên của Trường đã có nhiều nỗ lực cố gắng vươn lên nhằm đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Đa số quý thầy cô giáo đã đáp ứng tốt về yêu cầu chuyên môn cũng như đạo đức lối sống khi trực tiếp, tiếp cận với các đối tượng học viên của cả chương trình đào tạo và bồi dưỡng, tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng người học, khẳng định được uy tín của trường trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đồng thời, nâng cao chất lượng giảng dạy gắn liền với công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, giúp cho bài giảng ngày càng sinh động hơn.
Tuy nhiên, do đặc thù là công tác giảng dạy lý luận chính trị và nghiệp vụ công tác theo từng chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Đó là trực tiếp trao đổi những vấn đề lý luận và thực tiễn cuộc sống đối với học viên. Đặc biệt là đối tượng học viên ở trường cũng rất đa dạng, phong phú, có người là cán bộ lãnh đạo quản lý, nhưng có người chỉ là cán bộ bán chuyên trách ở cơ sở. Đây là vấn đề khó đặt ra đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên trực tiếp giảng dạy của trường. Chính vì vậy, việc học tập phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác giảng dạy nói chung, cũng như các hoạt động khác của người giảng viên là vô cùng quan trọng. Ý thức được vấn đề này, Ban Giám hiệu nhà trường đã Ban hành Quy định ứng xử của trường kèm theo Kế hoạch số 01/KH-TCT, ngày 17-01-2018, trong đó ghi rõ: "
Giảng viên có thái độ đúng mực khi giao tiếp, tôn trọng ý kiến của học viên. Thể hiện phong cách mẫu mực của người giảng viên Trường Chính trị trên bục giảng và trong cuộc sống". Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chủ đề toàn khóa, chủ đề riêng của tỉnh từ năm 2021 trở đi.
Từ nhận thức và thực trạng của đội ngũ giảng viên của trường về phong cách diễn đạt, bản thân xin góp một vài giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa phong cách diễn đạt của đội ngũ giảng viên như sau:
Một là, cần phải xác định thật rõ và trả lời được đúng những yêu cầu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Nói và viết cho ai? Nói và viết để làm gì? Nói và viết cái gì? Nói và viết như thế nào cho phù hợp?
Chắc tất cả quý thầy cô đều hiểu rất rõ, đối tượng đọc và nghe chúng ta viết và nói chủ yếu là học viên, đồng nghiệp. Những người có thể ở cơ quan, đơn vị họ là lãnh đạo, nhưng đến đây họ là học viên, họ cần những tri thức mới để phục vụ cho công tác. Do đó chúng ta viết và nói để như thế nào để họ đọc, nghe, hiểu, vận dụng tốt, biến lý luận thành việc làm trong thực tế công tác của mình. Nội dung cần chuyển tải là Chủ nghĩa Mác- Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những tri thức khoa học, những kỹ năng thực hiện nghiệp vụ công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở. Sau khi xác định đúng đối tượng, mục đích, nội dung việc trả lời câu hỏi nói và viết như thế nào và làm theo là một trong những trọng tâm của việc rèn luyện theo phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh.
Hai là, cần phải làm tốt phong cách diễn đạt khi viết trong soạn giáo án, viết nội san, viết đề tài khoa học, mà muốn tốt cần rèn luyện thường xuyên. Không ai mà mới viết lần đầu đã hay được, mặc dù cảm xúc và ý tưởng rất tốt, đó là do chúng ta chưa biết sắp xếp vấn đề một cách logic, phù hợp với thực tế. Khi viết bất cứ một vấn đề gì cần phài chuyển tải rõ mục đích, nội dung, trình bày theo logic khoa học với lập luận, luận chứng rõ ràng, chính xác, cụ thể, khách quan, lý luận phải gắn liền với những vấn đề thực tế cần nghiên cứu và phải có giá trị thực tiễn, dùng từ ngữ diễn đạt khoa học trong sáng.
Đối với các bài viết nội san hoặc trang thông tin của trường mang tính nghiên cứu hoặc trao đổi, thì cần phải rèn sao để diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, khúc chiết, trong sáng và dễ hiểu nhưng phải có hàm lượng thông tin cao. Còn khi soạn giáo án bài giảng, đặc biệt là phần trình chiếu trên power point lại càng phải cần ngắn gọn, rõ ý và dễ hiểu. Do đó, vấn đề này rất cần phải rèn luyện cách diễn đạt sao cho rõ ràng chính xác, lập luận cũng phải hết sức chặt chẽ lôgic thể hiện được đầy đủ, cụ thể nội dung, lý luận gắn liền với thực tế, hết mỗi phần phải có tiểu kết chuyển phần, dùng từ ngữ diễn đạt khoa học phổ thông trong sáng và hiểu cùng một nghĩa. Soạn giáo án, chúng ta càng viết rõ ràng, sáng tạo, chi tiết cụ thể nhưng không rườm rà thì chúng ta lên lớp giảng bài càng tự tin và chuyển tải tốt, chất lượng cao.
Ba là, trong tất cả các hoạt động của người giảng viên theo quy định của Học viện, thì vấn đề trực tiếp lên lớp đóng vai trò vô cùng quan trọng, nó là một trong các yếu tố khẳng định sự thành công hay thất bại của một giờ giảng, đó chính là phong cách diễn đạt. Chính vì vậy, việc rèn luyện phong cách diễn đạt khi lên lớp giảng bài là rất cần thiết và quan trọng đối với người giảng viên giảng dạy chính trị. Như chúng ta đã biết, giảng dạy lý luận chính trị thường gắn với sự hiểu nhầm là khô khan, rời rạc, buồn ngủ....đây có thể là những đánh giá chưa thực sự khách quan. Do vậy, người giảng viên khi lên lớp ngoài kiến thức chuyên môn đã được học tập, kiến thức thực tiễn đã được trải nghiệm theo năm tháng của cuộc đời, thì việc nói thế nào, nói ra làm sao để học viên chú tâm vào vấn đề là vô cùng quan trọng.
Muốn vậy, cần diễn thuyết như thế nào đề đi vào lòng người đối với người thầy, cô thực sự là một khoa học đòi hỏi phải tự rèn luyện phong cách diễn đạt. Rèn luyện theo phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh là đạt tới cách diễn đạt luôn biến hóa, nhất quán mà đa dạng trên cơ sở thống nhất về mục đích viết và diễn giảng tới học viên những vấn đề lý luận trên cơ sở phân tích thực tiễn.
Giảng viên tác động tới học viên trong giờ học thông qua ngôn ngữ nói kết hợp với ngôn ngữ cơ thể (ánh mắt, nụ cười, điệu bộ, động tác…)
. Trong quá trình diễn giảng bằng ngôn ngữ nói phải thể hiện ngữ điệu phong phú, biến hoá, lúc bổng, khi trầm, có sự tác động của âm thanh, cường độ nói vừa phải. Nghệ thuật giảng bài là tạo sự hấp dẫn, gây ấn tượng bằng giọng nói, điệu bộ, ngôn ngữ. Giọng nói phải rõ ràng, mạch lạc, sáng sủa, ấm áp truyền cảm, thuyết phục. Hết sức tránh lối nói đều đều. Giọng nói, âm lượng thay đổi theo nội dung, nhấn mạnh vào những điểm quan trọng. Nói đủ, không dài dòng “lời ít, ý nhiều”, quá thời gian. Tư thế tự nhiên, linh hoạt, ánh mắt, nụ cười, điệu bộ, động tác
… phù hợp với nội dung và giọng nói có tác dụng kích thích sự chú ý của học viên. Trong một ý, một câu cần có từ, cụm từ, nội dung cần được nhấn mạnh, người giảng viên diễn giảng cần thay đổi âm lượng giọng nói theo diễn biến nội dung, đưa số liệu cụ thể, sự kiện chính xác phù hợp để minh hoạ, nên đặt câu hỏi để tăng sự chú ý của học viên, cần biết phát huy vai trò thông tin truyền cảm của ngôn ngữ bằng cách sử dụng chính xác, đúng mức thuật ngữ pháp lý, thuật ngữ chuyên ngành và ngôn ngữ bình dân. Việc sử dụng hợp lý, chính xác ý từ, hình ảnh trong kinh điển, trong giáo trình, thơ văn, ví von, so sánh, ca dao, tục ngữ, kết hợp sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại, các phương tiện trực quan…vào bài giảng cũng làm tăng tính hấp dẫn của vấn đề cần trình bày.
Bốn là, con người thuận theo lẽ tự nhiên, không phải ai sinh ra rồi trưởng thành đều viết hay và nói tốt. Do vậy, mỗi giảng viên của trường cần rèn luyện bản thân mỗi lúc, mỗi nơi khi có điều kiện. Đồng thời cố gắng đọc nhiều, nghe nhiều và tự tìm cho mình một cách tiếp cận phù hợp nhất với thực tế mà bản thân có thể làm được. Với phương châm: đã chọn nghề giáo cần phải thực sự coi nó là một nghề, sống chết với nghề, có như vậy thì mỗi người giảng viên mới luôn nỗ lực phấn đấu cho nghề "sinh nghề, tử nghiệp", gắn bó với nghề và tạo cho mình một vị trí xứng đáng trong lòng các thế hệ học viên, đồng nghiệp, góp một phần nhỏ bé vào sự thành công chung trong sự nghiệp giáo dục của nhà trường.