Người sáng lập và xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam
Trong quá trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - Bác Hồ của chúng ta đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin và nhận thức được vai trò to lớn của báo chí trong việc tổ chức, tập hợp quần chúng tham gia phong trào cách mạng. Kế thừa và phát triển quan điểm Mác-Lênin về báo chí cách mạng, Người đã khẳng định: “Báo chí cộng sản chủ nghĩa có nhiệm vụ làm cho các chiến sĩ của chúng ta hiểu rõ vấn đề thuộc địa, làm thức tỉnh sự đồng tình hưởng ứng của quần chúng lao động ở các nước thuộc địa, tranh thủ họ tham gia sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản”. Người không chỉ viết báo, dùng báo chí làm diễn đàn tố cáo và tiến công địch, tuyên truyền cho cách mạng, mà còn tự mình tổ chức ra những tờ báo cách mạng. Người cùng khổ (Le Paria) là tờ báo cách mạng đầu tiên do Người sáng lập mà tôn chỉ, mục đích của nó nhằm dắt dẫn mọi người bị bóc lột thuộc mọi màu da đoàn kết lại trong phong trào cách mạng quốc tế rộng lớn quét sạch mọi kẻ bóc lột. Ngày 21-6-1925, Người sáng lập và trực tiếp chỉ đạo xuất bản báo Thanh niên, cơ quan của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, chính thức đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam.
Sau đó, Người còn sáng lập ra các tờ báo khác như: (1) Tháng 12/1926, Bác lập ra báo Công Nông cho giai cấp công nhân và nông dân Việt Nam. (2) Tháng 2/1927, báo Lính Kách Mệnh. (3) Năm 1930, Bác sáng lập tạp chí Đỏ, xuất bản ngày 5/8/1930, đồng thời là người chỉ đạo và cộng tác mật thiết của các tờ báo Đảng như Búa Liềm, Tranh Đấu, Tiếng nói của chúng ta...(4) Năm 1941, Bác sáng lập tờ Việt Nam Độc Lập. (5) Năm 1942, Bác chỉ đạo sáng lập báo Cứu Quốc nhằm tuyên truyền, cổ động và tổ chức nhân dân các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn vào các đoàn thể cứu quốc của Mặt trận Việt Minh.
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2/1951), Bác chỉ đạo thành lập báo Nhân dân. Kể từ ngày báo Nhân dân ra số đầu tiên (11/3/1951), Bác đã có 28 năm gắn bó với tờ báo này. Người đã viết hàng trăm bài báo cho báo Nhân Dân để chỉ đạo, tuyên truyền đường lối cách mạng.
Các bài viết của Người bao giờ cũng có giá trị lý luận và thực tiễn cao; vừa nhuần nhị, đậm đà tính dân tộc, vừa giàu tính hiện đại; vừa mang tính chiến đấu, vừa có sức cảm hóa, thuyết phục mạnh mẽ đối với người đọc… Đó chính là phong cách báo chí Hồ Chí Minh.
Những lời căn dặn của Bác Hồ với người làm báo
Không chỉ là người sáng lập báo chí cách mạng Việt Nam, là tác giả của một khối lượng không nhỏ các bài báo, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Bác còn có những lời chỉ dạy sâu sắc về nghề báo, người làm báo.
Nói về mục tiêu viết báo chí của mình, trong phát biểu tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ II (4/1959), Người chỉ rõ: “Về nội dung viết, mà các cô các chú gọi là đề tài thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một đề tài là chống thực dân, đế quốc, chống phong kiến, địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó”.
Về tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng Việt Nam, Người chỉ rõ: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới”.
Người căn dặn các nhà báo: Trước khi đặt bút xuống trang giấy, người viết cần tự mình thật sáng tỏ, ta “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?” (Phát biểu tại Đại hội lần II Hội Nhà báo Việt Nam, năm 1959), “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng” (Phát biểu tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, năm 1962). Vì “Đối với những người viết báo chúng ta, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh...” (Điện mừng Hội Nhà báo Á - Phi, năm 1965)... Và “để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng. Đạo đức đó là cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư”.
Tổng hợp một số lời căn dặn của Bác Hồ với người làm báo:
- "Viết sao cho đơn giản, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được" (Gửi báo Quân du kích, 7/1949)
- "Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung" (Năm 1949, trong thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng).
- "Nói những điều thật thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, vẽ dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác" (Chủ tịch Hồ Chí Minh - Báo Quân đội Nhân dân số ra đầu tiên ngày 20-10-1950).
- "Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung" (Trích bài nói chuyện của Bác tại Đại hội II Hội Nhà báo Việt Nam 16-4-1959).
- "Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội... Chính vì thế những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng. Báo chí ta không phải để phục vụ cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu" (Trích bài nói chuyện của Bác tại Đại hội lần thứ II của Hội nhà báo Việt Nam ngày 16/4/1959)
- "Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc". (Trích bài nói chuyện của Bác tại Đại hội III của Hội Nhà báo Việt Nam ngày 8-9-1962)
- "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ" (Trích bài nói chuyện của Bác tại Đại hội III của Hội Nhà báo Việt Nam ngày 8-9-1962)
- "Đối với những người viết báo chúng ta, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh...” (Điện mừng Hội Nhà báo Á - Phi, năm 1965).
- "Nhiệm vụ của Hội nhà báo là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ. Có như thế Hội nhà báo mới làm tròn nhiệm vụ của mình và những người làm báo mới phục vụ tốt nhân dân, phục vụ tốt cách mạng" (Trích bài nói chuyện của Bác tại Đại hội lần thứ II của Hội nhà báo Việt Nam ngày 16/4/1959)
- “Tờ báo Đảng như những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần biết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hàng ngày nó giúp nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của chúng ta. Nếu ai cắm đầu làm việc mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng thì khác nào nhắm mắt đi đêm, nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc. Vì vậy, cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng, toàn thể đảng viên và cốt cán cần phải xem báo Đảng” (Bài viết của Bác với chủ đề "Cần phải xem báo Đảng" đăng trên báo Nhân Dân, tháng 6/1954)./.
Lê Trung Phương tổng hợp.