Điều 3, Quy định số 208-QĐ/TW, ngày 08-11-2019 của Ban Bí thư Trung ương quy định về cơ cấu tổ chức bộ máy của các trung tâm chính trị cấp huyện: “Trung tâm chính trị cấp huyện có đội ngũ cán bộ gồm giám đốc (trưởng ban tuyên giáo cấp uỷ cấp huyện là giám đốc trung tâm chính trị cấp huyện theo chế độ kiêm nhiệm), một số phó giám đốc và giảng viên chuyên trách; biên chế từ 4 đến 6 người, thuộc biên chế của các cơ quan đảng của cấp uỷ cấp huyện, do ban thường vụ cấp uỷ cấp huyện xem xét, quyết định trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ, tổng số dân và cán bộ, đảng viên trên địa bàn; Trung tâm chính trị cấp huyện được thực hiện chế độ giảng viên kiêm nhiệm để phục vụ công tác giảng dạy”.
Trung tâm chính trị các huyện, thành phố toàn tỉnh đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo Quy định 208-QĐ/TW, ngày 08-11-2019 của Ban Bí thư Trung ương và Quy chế đào tạo, bồi dưỡng ban hành theo Quyết định 883- QĐ/BTGTW, ngày 24-11-2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương. Hiện tại, 10/10 trung tâm chính trị cấp huyện đều thực hiện chủ trương Trưởng Ban Tuyên giáo cấp huyện là Giám đốc Trung tâm chính trị. Ngoài tổng số giảng viên chuyên trách toàn tỉnh là 17 đồng chí, toàn tỉnh đã kiện toàn hiện có 152 giảng viên kiêm nhiệm. Đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm cơ bản đáp ứng tốt công tác giảng dạy, giáo dục lý luận chính trị. Các Giảng viên kiêm nhiệm của trung tâm là những cán bộ công tác tại các cơ quan đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể huyện, thành phố được giám đốc trung tâm đề nghị và cấp ủy huyện ra Quyết định công nhận. Hầu hết đều có trình độ chuyên môn đại học và trình độ cao cấp lý luận chính trị, có kinh nghiệm thực tiễn ở những lĩnh vực đang công tác.
Trong thời gian qua, đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm đã đóng vai trò quan trọng trong việc giảng dạy, góp phần hoàn thành chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị hằng năm tại các trung tâm. Nhiều đồng chí giảng viên kiêm nhiệm đã tham gia tích cực và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình chuẩn bị bài và lên lớp giảng dạy; chuẩn bị chu đáo giáo án điện tử, trình chiếu trên powerpoint, tạo nên sự hấp dẫn đối với học viên.
Kết quả, từ đầu đầu nhiệm kỳ cho đến nay, đội ngũ giảng viên kiêm chức đã tham gia giảng dạy 596 lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho 37.917 cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, quần chúng ưu tú.
Tuy nhiên, đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm trong hoạt động còn có những hạn chế: Một số giảng viên chưa thực sự tập trung dành thời gian nghiên cứu, tìm tòi tài liệu để chuẩn bị giáo án và giảng bài; chưa vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy lý luận chính trị vào các bài giảng; việc cập nhật thông tin kiến thức mới và vận dụng thực tiễn vào bài giảng còn hạn chế, chất lượng bài giảng có lúc chưa cao.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế trong đội ngũ giảng viên kiêm chức, cần phải tập trung một số vấn đề sau:
Thứ nhất, đối với các trung tâm chính trị cấp huyện nên lựa chọn những giảng viên kiêm chức phù hợp với các chuyên đề bồi dưỡng, chú trọng tới những đồng chí có chuyên môn giỏi, có kinh nghiệm công tác, có khả năng thuyết trình tốt; chủ động thông tin cho giảng viên kiêm chức biết trước chương trình giảng dạy, cung cấp tài liệu bồi dưỡng để nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện đề cương bài giảng phù hợp với chuyên đề, đối tượng học, đồng thời cập nhật thông tin, các sự kiện mang tính thời sự để liên hệ thực tiễn, dẫn chứng trong các nội dung bài giảng, qua đó giúp học viên có thể hiểu sâu về nội dung chuyên đề.
Thứ hai, đối với giảng viên kiêm nhiệm nêu cao tinh thần trách nhiệm, xác định đó là nhiệm vụ góp phần vào thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, cần bám sát các tài liệu hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chuẩn bị bài giảng thực sự chu đáo, tận dụng tối đa các phương pháp trực quan, áp dụng công nghệ thông tin, giáo án điện tử, trình chiếu trên powerpoint và nhất là phương pháp truyền thụ thích hợp giúp cho học viên dễ hiểu nhất, hấp dẫn nhất.
Bài, ảnh: Lê Ngọc Sơn