Ngay sau khi Nghị quyết 33 ban hành, Tỉnh ủy đã cụ thể hóa bằng Chương trình 76-CTr/TU ngày 17-10-2014 thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, trong đó cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, xây dựng con người trên địa bàn tỉnh phù hợp trong giai đoạn mới.
Sau 03 năm triển khai thực hiện, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả bước đầu.
Các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, nội dung tuyên truyền phong phú nhằm giáo dục trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về vị trí, vai trò quan trọng và cấp bách của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước thời kỳ mới. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã in ấn, cấp phát 450 đĩa CD về tài liệu nội dung tuyên truyền Chương trình 76, thực hiện 28 cụm panô lớn, 380 cụm pano nhỏ; 600 băng rôn; xây dựng 04 Chương trình nghệ thuật và tuyên truyền lưu động để phục vụ cơ sở.
Trong giáo dục và đào tạo, ngoài các tiết học chính khóa, học sinh còn được tham gia các hoạt động ngoại khóa, tham quan các di tích, các hoạt động triển lãm, trưng bày tư liệu lịch sử, trồng cây xanh bảo vệ môi trường ...
Trong chính trị, tỉnh đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có ý thức tôn trọng pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương. Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Nhà nước. Theo dõi, kiểm tra việc chấp hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước.
Phong trào “Người tốt, việc tốt” trong các tầng lớp nhân dân xuất hiện ngày càng nhiều trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh, điển hình việc xây dựng các quỹ an sinh xã hội, quỹ vì người nghèo…đã tiếp nhận 11,535 tỷ đồng cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh hộ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Trong kinh tế, UBND tỉnh tích cực chỉ đạo huy động nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia xây dựng, phát triển, văn hóa, văn học nghệ thuật, nhằm hỗ trợ phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ trong quần chúng nhân dân. Đã ban hành chương trình hành động triển khai về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với mục tiêu xây dựng môi trường cạnh tranh đầu tư, kinh doanh bình đẳng và minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển và khởi nghiệp để đến năm 2020, có 2500 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 100.823/120.105 hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa đạt tỷ lệ 84%; 583/874 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa (tỷ lệ 66,7%) và 874 khu dân cư đăng ký xây dựng và giữ vững khu dân cư văn hóa.
Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng nhằm tạo không gian sinh hoạt văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Theo khảo sát, toàn tỉnh có 43/102 xã có trung tâm văn hóa, thể thao, đạt 41% tổng số xã, phường; 785/874 khu dân cư có nhà văn hóa – khu thể thao thôn; 61% trong tổng số nhà rông, nhà văn hóa thôn, các nhà văn hóa thuộc các thôn văn hóa cấp tỉnh
Việc cưới, việc tang trên địa bàn của nhân dân ngày càng được tổ chức gọn nhẹ, trang trọng, lịch sự, tiết kiệm, phù hợp với phong tục tập quán của từng địa phương, truyền thống của dân tộc như: Không để thi hài người chết quá 48h trong nhà; không sử dụng nhạc tang, kèn, trống quá 22h đêm và trước 5h sáng, an táng đúng nơi quy định, không gây ô nhiễm môi trường….
Hệ thống nghi lễ, lễ hội dân gian được phục dựng, giữ gìn tại cộng đồng tiếp tục duy trì như: lễ hội mừng lúa mới (hoặc ăn cơm mới), ăn trâu mừng nhà rông của các dân tộc người Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ - Triêng; Lễ hội mừng nước giọt của tộc người Ba Na (Rơ ngao); lễ hội Pen Chu Pi (bắn heo, dê) của các dân tộc người Xơ Đăng (Tơ drá), Ba Na (Jơ Lâng)...đối với lễ hội tôn giáo, hàng năm chỉ có hai ngày lễ quy mô lớn là lễ Giáng sinh (25/12 DL hàng năm) của Công giáo và Lễ Phật đản (15/4 âm lịch hàng năm) của Phật giáo, tín đồ các tôn giáo tham gia các ngày lễ nói trên đều chấp hành tốt quy định.
Hằng năm các ngành chức năng đều tổ chức ngày hội văn hóa-thể thao các dân tộc, tạo điều kiện giao lưu, giới thiệu văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc ngay tại cơ sở: Tổ chức Tuần Văn hóa – Du lịch Măng Đen gồm chuỗi các hoạt động: Liên hoan và trình diễn nghệ thuật dân gian (biểu diễn cồng chiêng, các nhạc cụ dân tộc, các làn điệu dân ca, phục dựng các nghi thức lễ hội tiêu biểu); Liên hoan văn hóa Kon Tum, Hội trại thanh niên các dân tộc tỉnh Kon Tum và các hoạt động khác.
Đến nay, đã có 43 nghệ nhân trong toàn tỉnh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú; lập hồ sơ sử thi của dân tộc Xơ Đăng, Gia Rai; phục dựng lễ cưới truyền thống của người Rơ Măm (làng le, Mo Ray, Sa Thầy); nghề dệt, chế tác nhạc cụ hơi của các dân tộc thiểu số tại chỗ; gìn giữ và bảo tồn được 25 lễ hội truyền thống; khôi phục nghệ thuật diễn xướng sử thi, diễn tấu cồng chiêng và các loại nhạc cụ dân tộc, trình diễn các thể loại dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Hát K’đò của dân tộc Giẻ - Triêng; hát R’Nghê của dân tộc Xơ Đăng, Ba Na, nhất là các bài chiêng cổ, chiêng lễ, chiêng hội của từng dân tộc; bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết của dân tộc được chú trọng, bản sắc văn hóa các dân tộc được phát huy và làm phong phú hơn nền văn hóa đa dân tộc góp phần đưa văn hóa trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Việc phát triển công nghiệp văn hóa chủ yếu tập trung phát huy những sản phẩm thế mạnh của tỉnh phục vụ du lịch, dịch vụ và các lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh; quảng cáo; truyền hình; điện ảnh; thủ công mỹ nghệ…trong đó đã tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế, xã hội; quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Kon Tum với những sản phẩm, thương hiệu đặc trưng riêng biệt, hấp dẫn ra cả nước và quốc tế, trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân.
Hàng năm, tỉnh đều tổ chức nhiều hoạt động giao lưu các hoạt động văn hóa, văn nghệ với các nước: CHDCND Lào, Vương quốc Campuchia; tổ chức các đoàn ngoại giao sang thăm, chúc tết cổ truyền của Lào, Campuchia; ngoại giao đoàn với các tỉnh Attapư, Sê Kông, Chămpasắc, Salaval (Lào), tỉnh Rattanakiri, Stung Treng (Campuchia); tổ chức Đoàn nghệ nhân cồng chiêng dân tộc Rơ Ngao xã Hơ Moong (09 người) tham gia biểu diễn tại Pháp…Cử giáo viên sang dạy tiếng việt cho cán bộ, công chức tỉnh Attapư (Lào) và con em Hội người Campuchia gốc Việt tại tỉnh Rattanakiri (Campuchia) Cùng với các sự kiện chính trị, hoạt động văn hóa, văn nghệ: như hội nghị Hợp tác giữa tỉnh Kon Tum (Việt Nam) và tỉnh Sê Kông (CHDCND Lào) ngày 06/8/2014...
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 33 tại tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định như: Cơ sở vật chất phục vụ sự nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển trong tình hình mới; công tác tổ chức xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở chưa đi vào chiều sâu; một số nét văn hóa truyền thống độc đáo có nguy cơ mai một…
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian tới, đề nghị:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; động viên các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã được nêu trong Nghị quyết.
Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền đối với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về tầm quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh Kon Tum, gắn việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW với việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, đề cao tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên đối với việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá".
Thứ ba, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sinh hoạt văn hoá cộng đồng; bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống của các dân tộc; xây dựng và phát huy giá trị văn hoá đặc trưng của các dân tộc tỉnh Kon Tum; xây dựng các làng điểm văn hoá để nhân ra diện rộng. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Có hình thức khen thưởng kịp thời đối với những tấm gương người tốt, việc tốt, nhân tố điển hình và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 -NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khoá XI) và Chương trình 76-CTr/TU, ngày 17-10-2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) trên địa bàn.
Bài, ảnh: Đinh Thị Như Trang