Tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay 

Tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay

Thứ ba - 10/10/2023 14:57
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù của cách mạng…Do đó, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là nội dung lớn, quan trọng và thiết thực, phải tiến hành thường xuyên, lâu dài, kiên trì.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Để hoàn thành sứ mệnh trước giai cấp và dân tộc, Đảng phải luôn tự chỉnh đốn, tự đổi mới để nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu. Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta - lúc sinh thời luôn quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Vào đầu năm 1969 cuộc kháng chiến cứu nước của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang diễn ra quyết liệt. Lúc bấy giờ, đối với miền Bắc, cần tranh thủ điều kiện tạm thời có hòa bình, thực hiện hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất, tăng cường chi viện cho tiền tuyến. Trong bối cảnh ấy, cần thiết phải tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, củng cố mặt trận tư tưởng, ngăn chặn xu hướng xả hơi sau nhiều năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đăng trên báo Nhân dân, số 5409, ngày 03-02-1969. Đây là bài viết sau cùng của Người về đạo đức cách mạng, đã, đang và sẽ trở thành cơ sở lý luận cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng ta “là đạo đức, là văn minh”.
1. Vài nét về nội dung chính của tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”
Mở đầu tác phẩm, Người đã dành những lời lẽ chân thành để nói về uy tín và vai trò to lớn của Đảng đối với cách mạng sau 39 năm đấu tranh oanh liệt, dành những lời khen ngợi cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng đã làm tốt vai trò tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động sản xuất, trong chiến đấu: “Đảng ta lãnh đạo rất sáng suốt đã đưa dân tộc ta tiến lên không ngừng từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong lịch sử đấu tranh của Đảng và trong mọi hoạt động hằng ngày, nhất là trên mặt trận chiến đấu và sản xuất, rất nhiều cán bộ, đảng viên ta đã tỏ ra anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau và đã làm nên những thành tích rất vẻ vang”[i]. Đồng thời, Người cũng tôn vinh những thanh niên trai, gái trưởng thành từ giáo dục, rèn luyện của Đảng, hăng hái, dũng cảm, đã trở thành “những bông hoa tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng”.
Thế nhưng, Người cũng rất nghiêm khắc phê bình nhiều cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân, vậy nên “đạo đức, phẩm chất còn thấp kém” “việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”[ii]. Tác hại của chủ nghĩa cá nhân là vô cùng lớn, vô cùng nguy hiểm đối với Đảng, với cách mạng. “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa…tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành…tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền… xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ. Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”[iii]. Tất cả những điều đó là những căn bệnh và khuyết điểm được nảy sinh trong điều kiện của đảng cầm quyền, sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Từ đó, Người nêu ra cách chữa trị căn bệnh này, xác định trách nhiệm lãnh đạo và giáo dục của Đảng, đó là: “Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ”[iv].
Nền tảng của công tác xây dựng Đảng về đạo đức, bao gồm đạo đức của Đảng và đạo đức của mỗi đảng viên, giữa chúng có quan hệ hữu cơ, tác động, thúc đẩy lẫn nhau. Do đó, bên cạnh chỉ ra trách nhiệm của Đảng cầm quyền trong giáo dục đạo đức cách mạng, Người cũng chỉ rõ nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên là: “phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”[v].
Có như vậy, Đảng ta mới thực sự “là đạo đức, là văn minh”, cán bộ, đảng viên mới thực sự xứng đáng với một Đảng vĩ đại, xứng đáng với sự tín nhiệm, tin tưởng của nhân dân.
2. Giá trị tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
Trong hơn 93 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác lập, củng cố và ngày càng nâng cao vai trò lãnh đạo, sức mạnh và uy tín của mình đối với cách mạng, đối với Nhân dân bằng chính bản lĩnh, nghị lực, trí tuệ, lý luận tiên phong; bằng đường lối đúng đắn; bằng sự nêu gương, hy sinh quên mình của đội ngũ cán bộ, đảng viên; bằng một tổ chức đoàn kết, thống nhất chặt chẽ, vững chắc; bằng mối liên hệ máu thịt với Nhân dân, được Nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ và bảo vệ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên nhiều kỳ tích trong thế kỷ XX. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng đã lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, có ý nghĩa lịch sử, đưa đất nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu, chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Trong phương hướng, nhiệm vụ đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng văn hóa Đảng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”[vi]. Trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức là “nền tảng”, là “cái gốc” cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc”. “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình…Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng. Tăng cường đấu tranh chống các quan điểm, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức. Cổ vũ, biểu dương các gương sáng đạo đức, tạo ảnh hưởng sâu rộng trong Đảng và xã hội”[vii]
Tuy vậy, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" đánh giá: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ tính chất, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình, công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng còn hạn chế...”.
Trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới, chúng ta cần phát huy hơn nữa truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng, chăm lo xây dựng Đảng ta thật sự vững vàng về chính trị, tư tưởng; thống nhất cao về ý chí, hành động; trong sạch về đạo đức, lối sống; chặt chẽ về tổ chức; gắn bó mật thiết với Nhân dân, ngang tầm nhiệm vụ để có thể lãnh đạo đất nước ta vượt qua mọi khó khăn, ngày càng phát triển. Phải nhận thức rõ, đấu tranh kiên quyết với những biểu hiện phai nhạt lý tưởng cách mạng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước Nhân dân là nhiệm vụ sống còn của Đảng.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI với chủ đề “Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; năng động, sáng tạo; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; giữ vững quốc phòng, an ninh; huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững” đã nhấn mạnh: “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên trong triển khai thực hiện nhiệm vụ địa phương, đơn vị…Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, năng lực, trách nhiệm, tâm huyết với nhiệm vụ được giao”[viii]. Đồng thời rà soát, xử lý, miễn nhiệm, thay thế những cán bộ không đảm bảo về điều kiện, tiêu chuẩn, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp.
Tính đến nay, nửa nhiệm kỳ đã trôi qua, công tác xây dựng Đảng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI (họp ngày 30-6- 2023) đã đánh giá: “công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân có lúc, có nơi còn hạn chế, trách nhiệm nêu gương của một số cán bộ đảng viên chưa cao, còn một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”.
Trong tình hình đó, việc tiếp tục xây dựng tổ chức Đảng, quan tâm xây dựng, bồi dưỡng, giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên có đầy đủ phẩm chất đạo đức, có năng lực sáng tạo, vừa hồng, vừa chuyên theo tư tưởng Hồ Chí Minh là rất quan trọng. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần bám sát đặc điểm, yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ của mình để thực hiện tốt nội dung “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, trong đó cần tập trung một số nội dung sau:
Một là, phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc vai trò, vị trí quan trọng của công tác xây dựng Đảng về đạo đức; về tính cấp thiết phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân.
Hai là, phải đổi mới mạnh mẽ, nâng cao tính thuyết phục của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, góp phần nâng cao bản lĩnh, lập trường, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, tạo ra khả năng đề kháng trước mọi nguy cơ, nhất là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trong xây dựng Đảng về đạo đức phải thực hiện đồng bộ cả hai nội dung “xây” và “chống”, “xây” là cơ bản, lâu dài, xuyên suốt, “chống” là quan trọng, cấp bách, được thực hiện bằng giải pháp tổng hợp, mạnh mẽ, hướng vào tạo nền tảng đạo đức vững chắc, bền vững và đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Ba là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, gắn với đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, “tự soi, tự sửa” của mỗi cán bộ, đảng viên, không phải chờ đến khi cấp trên yêu cầu, gợi ý.
Bốn là, đề cao kỷ cương, kỷ luật trong Đảng; mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu phải coi trọng và đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, nhất là tự kiểm tra, tự giám sát gắn với nâng cao trách nhiệm của ủy ban kiểm tra các cấp.
Năm là, đẩy mạnh phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải thực chất, hiệu quả, chú trọng xây dựng những mô hình, điển hình tiêu biểu trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức. Các cơ quan báo chí phải tăng cường phản ánh, giới thiệu gương người tốt, việc tốt trong đảng viên và quần chúng, tạo sự lan tỏa, ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng, tăng cường niềm tin trong xã hội. Công tác khen thưởng cũng phải lựa chọn được người xứng đáng, tôn vinh kịp thời. 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù của cách mạng, thành công của cách mạng xã hội chủ nghĩa đi cùng với công cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Do đó, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là nội dung lớn, quan trọng và thiết thực, phải tiến hành thường xuyên, lâu dài, kiên trì. Các cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi đảng viên chúng ta cần thấm nhuần sâu sắc hơn tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, có thái độ quyết tâm hơn trong đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân, xây dựng Đảng ta xứng đáng “là đạo đức”, “là văn minh”, đủ sức chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, đưa đất nước ta phát triển phồn vinh, hạnh phúc theo tâm nguyện của Người.

Lê Thị Minh Phượng
(Trường Chính trị tỉnh Kon Tum)
 

[i] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.546
[ii] Hồ Chí Minh: đã dẫn, tr.546-547
[iii] Hồ Chí Minh: đã dẫn, tr.547
[iv] Hồ Chí Minh: đã dẫn, tr.547
[v] Hồ Chí Minh: đã dẫn, tr.547
[vi] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, tập I, tr.180, HN, 2021
[vii] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, tập I, tr.184, HN, 2021
[viii] Tỉnh ủy Kon Tum: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tr.87.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản mới

CT.16.UBND

về xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.

Lượt xem:385 | lượt tải:40

QĐ.1309.TU

về việc thành lập Ban Chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội và thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Lượt xem:652 | lượt tải:34

QĐ.1308.TU

Thành lập các Tổ chỉ đạo đại hội đảng bộ cấp huyện và tương đương nhiệm kỳ 2025-2030.

Lượt xem:90 | lượt tải:47

TÀI LIỆU

giao ban báo chí tháng 8-2024

Lượt xem:805 | lượt tải:77

CV.2598.BTGTU

V/v hưởng ứng Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Luật Đất đai năm 2024

Lượt xem:285 | lượt tải:139

CV.2594.BTGTU

Mời dự Hội nghị Báo cáo viên (trực tuyến) tháng 8-2024

Lượt xem:1321 | lượt tải:66

HD.163.BTGTW

Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 14-6-2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đại hội các Hội văn học, nghệ thuật và Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2025-2030.

Lượt xem:324 | lượt tải:52
 
pxyk2024
 
bao chi
bacho 2
truongsa

sls
Đăng nhập
Hãy đăng nhập tài khoản để sử dụng tài liệu Báo cáo viên
Thống kê
  • Đang truy cập226
  • Hôm nay11,200
  • Tháng hiện tại332,757
  • Tổng lượt truy cập32,995,414
Thăm dò ý kiến

Bạn có thường xuyên truy cập trang web này không?

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trang web có cần bổ sung, điều chỉnh nội dung gì không?

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUM
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT, ngày 28 tháng 8 năm 2020
Chịu trách nhiệm: ông Nguyễn Trung Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Địa chỉ: 67 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum
SĐT: 0260.3862301     Fax: 0260.3865464
Email: bantuyengiaotinhuykt@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây